Truyện tranh một trang: Rằng vui thì thật là vui...
Dạng truyện tranh siêu ngắn chỉ gói gọn trong một trang giấy đang nở rộ trên mạng xã hội. Cuộc sống thường nhật hay những câu chuyện, triết lý quen thuộc bỗng trở nên hài hước dưới góc nhìn hóm hỉnh, thông minh, đôi khi nhảm nhí của họa sĩ. Nhưng cười xong, độc giả được gì? Họa sĩ được gì?
Truyện tranh một trang (tiếng Anh gọi là short comics) là loại truyện được vẽ vỏn vẹn trên một trang giấy A4. Số khung tranh thường giao động từ một đến sáu khung. Một trang truyện như thế chỉ tập trung vào một chủ đề, tình huống nhất định với một nhân vật chính cùng vài nhân vật phụ.
Theo nhà nghiên cứu Chu Kim, truyện tranh một trang đã có lịch sử khá lâu đời. Tuy nhiên, đời sống của nó lúc thăng, lúc trầm. Bắt đầu từ năm 2013, thể loại truyện này mới phát triển mạnh mẽ khi bắt gặp mảnh đất màu mỡ như mạng xã hội Facebook. Liệt kê tác phẩm nổi bật của dòng truyện tranh này không thể không nhắc đến “Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”, “Đậu Đỏ tung tăng”, “Thỏ bảy màu”…
Đến nay, truyện tranh một trang trở thành “thống soái” trên Facebook, phổ biến nhất là dạng truyện bốn khung với một nhân vật chính xuyên suốt. Khi webcomic (truyện tranh trực tuyến) được người đọc ưu ái thì ngoài những cái tên trên còn có những fanpage nhanh chóng nổi lên nhờ liên tục đăng tải truyện siêu ngắn. Có thể kể đến “Anh Trọc Comic”, “Én”, “Lười chăm chỉ”, “Ếch Ộp”, “Tùm lum chuyện”, “Chuyện công sở”… Tên fanpage được lấy từ tên nhân vật chính trong loạt truyện siêu ngắn. Chẳng hạn trang “Én” là chú én con dễ thương, ngây ngô luôn gây ra tình huống dở khóc dở cười. “Lười chăm chỉ” có nhân vật chú lười chậm chạp, thật thà nhưng rất chăm chỉ, hay giúp đỡ mọi người.
Nếu trước kia, chủ đề của thể loại này khá đa dạng như châm biếm sâu cay vấn đề xã hội, thời sự chính trị, kinh tế (như “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”), chuyện sinh hoạt đời thường (Mèo Mốc, Thỏ bảy màu), chuyện chế… thì bây giờ, hầu hết tác giả đều đi theo xu hướng hài hước, giải trí nhẹ nhàng với câu chuyện thường nhật quen thuộc. Đó là cuộc sống bận rộn của người trẻ, chuyện gia đình, bè bạn, học hành, công sở… với các tình huống vụn vặt nhưng buồn cười. Những tác giả ưa chiêm nghiệm thì có thể rút ra triết lý, thông điệp bỏ túi mang đậm chất trẻ. Để gây cười, hầu hết truyện đều mang tính bước ngoặt bất ngờ ở khung tranh cuối cùng.
Vì dung lượng ngắn nên thời gian sáng tác truyện cực nhanh. Nếu họa sĩ phải mất nửa năm trời để sáng tác xong một tập truyện dài có chương hồi, lớp lang thì họ chỉ cần hai tiếng là đã hoàn thành xong một trang truyện siêu ngắn. Nét vẽ không cần cầu kỳ, thậm chí càng tối giản càng tốt. Điều quan trọng là nội dung, tình huống câu chuyện có thực sự bất ngờ, buồn cười và cập nhật xu hướng hay không. Vẽ xong, họ dễ dàng đăng lên mạng xã hội để khoe đứa con tinh thần. Thời đại công nghệ, cuộc sống gấp gáp và căng thẳng khiến người ta ưa chuộng loại truyện mà chỉ cần lướt đến khung tranh thứ hai, thứ ba, họ đã có thể bật cười khoái trá. Chính hình thức thể hiện ngắn gọn, nội dung hài hước gần gũi và phổ biến trên mạng xã hội khiến truyện tranh một trang thu hút đông đảo người theo dõi và dễ dàng chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Theo nhận định của công ty truyện tranh Comicola, ngoài các yếu tố trên, truyện tranh một trang không đòi hỏi độc giả phải theo dõi bền bỉ từng chương, tập như truyện dài. Độc giả cũng không cần là những “con mọt truyện tranh” chính hiệu. Họ có thể là bất cứ ai, vô tình lướt qua bất cứ trang nào để giải trí. Chính biên độ mở như thế nên bạn đọc của thể loại này tăng lên không ngừng. Lượt theo dõi, yêu thích các fanpage truyện tranh một trang luôn chạm mốc hàng triệu. Trang fanpage “Thỏ bảy màu” đang có hơn bốn triệu lượt theo dõi. Các tân binh như “Én”, “Ếch Ộp”… cũng suýt soát triệu lượt. Đây là con số khiến bất cứ fanpage nào cũng thèm khát.
Nhờ nổi tiếng trên mạng, không ít truyện có cơ hội bước vào làng xuất bản với những ấn phẩm thực thụ như: “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”, “Thỏ bảy màu”, “Đời về cơ bản là buồn cười”, “Mèo Mốc”... Tác giả chỉ việc gom những mẩu truyện đã đăng tải in thành sách giấy là xong. Đã đo lường sự hưởng ứng của độc giả nên số sách này vô cùng hút khách. “Mèo Mốc” liên tục tái bản, tăng số lượng in vì cháy hàng. Mới đây, bộ mới của “Mèo Mốc” đã tiêu thụ đến 5.000 bản.
Họa sĩ Đặng Quang Dũng, “cha đẻ” của “Mèo Mốc” thừa nhận: “Dễ tiếp cận người đọc và có tốc độ lan tỏa rộng nên truyện tranh một trang là thể loại được nhiều họa sĩ trẻ lựa chọn khi mới tập tành sáng tác. Họ dễ xây dựng danh tiếng, khẳng định tài năng với công chúng và gây chú ý với các nhà xuất bản trước khi dấn thân vào thể loại truyện dài hơi”. Đồng tình với quan điểm trên, họa sĩ Thái Ngọc còn chỉ ra lợi ích khác của short comics: đó là giúp người đọc nhìn cuộc sống một cách lạc quan, vui vẻ hơn, dù mọi chuyện có tồi tệ như thế nào. Từ đó người ta sẽ sống tốt hơn, rời xa thói hư tật xấu. Mỗi trang truyện còn giúp khiếu hài hước, óc sáng tạo của tác giả được rèn giũa.
Với lượt tương tác cao, hầu hết họa sĩ vẽ truyện tranh một trang đều nhanh chóng tiếp cận được các nhãn hàng quảng cáo. Mới nổi một thời gian, họ bắt đầu lồng ghép tên nhãn hàng, thương hiệu vào nội dung truyện mới để kiếm tiền. Nhận thấy món lợi béo bở đó, số tác giả truyện một trang xuất hiện ngày càng nhiều. Nhận tiền quảng cáo rồi thì theo hợp đồng, fanpage của họa sĩ phải có nhiều lượt tương tác, lượt người xem. Do đó, họ buộc phải sáng tác truyện ngắn liên tục và đăng đều đặn mỗi ngày.
Chính áp lực và sự can thiệp từ các nhãn hàng khiến truyện càng về sau càng mất chất. Nó chỉ thuần giải trí, thậm chí dần sa vào dễ dãi, dung tục. “Đậu đỏ tung tăng”, “Thỏ bảy màu”… có không ít câu chuyện nhảm nhí, gợi nhắc chửi thề, nói tục. Đau đầu hơn khi có truyện nhân cách hóa bộ phận sinh dục của nam giới thành nhân vật chính. Và hẳn nhiên, truyện cười trên đó toàn xoay quanh chuyện tình dục.
Trước đây, dạng truyện bựa của Hàn Quốc mang tên “Kim chi và Củ cải” từng một thời làm mưa làm gió trên diễn đàn mê truyện. Tồn tại một thời gian dài, nó mới bị cơ quan chức năng đánh sập vì nội dung tục tĩu, khiêu dâm. Sự dễ dãi trong chuyện phát hành, đăng tải truyện lên mạng khiến không ít truyện nguy hại như thế lọt lưới kiểm duyệt. Hầu hết độc giả khi đọc xong những truyện này chỉ để giải trí. Cười xong là thôi. Thông điệp hay ý nghĩa truyện mang lại khá ít ỏi. Dẫu biết tiếng cười là quý giá nhưng tiếng cười dễ dãi, hời hợt thì liệu nó có trở thành thang thuốc bổ? Và như đã nêu trên, với những truyện lấy hài tục, hài dơ để câu view thì thang thuốc ấy xem chừng có độc.
Trong khi truyện siêu ngắn mọc lên như nấm sau mưa thì số truyện dài hơi, có chiều sâu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là “Long Thần Tướng”, “Địa ngục môn”, “Số nhọ”, “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm”, “Cánh hoa rơi giữa hoàng triều”… Trong số đó, những truyện đã “trọn bộ” vô cùng khiêm tốn. Dù được công chúng kỳ vọng và gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế cao quý nhưng “Long Thần Tướng”, “Địa ngục môn”, “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm” vẫn mới lẹt đẹt một, hai tập khai mở ban đầu. Fan ngóng mỏi cổ cả mấy năm trời vẫn chưa thấy tác giả tung tập tiếp theo.
Sáng tác truyện một trang trong thời gian dài dễ khiến lối tư duy, tay nghề của nhiều họa sĩ không thích nghi được với phong cách truyện dài chính thống. Điều đó khiến họ mãi giậm chân tại chỗ dẫu trước đó không hiếm người mạnh miệng tuyên bố họ sẽ “lấy ngắn nuôi dài”. Dẫu họ thừa biết “Truyện dài có cốt truyện, có tuyến nhân vật tiêu biểu và có chiều sâu mới được người đọc nhớ lâu hơn truyện ngắn. Tên tuổi của họa sĩ truyện tranh không phải là lượt like trên mạng mà là một tác phẩm thú vị, tạo được tiếng vang” như họa sĩ Phan Kim Thanh quả quyết.