Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy: Để thanh âm mãi thắp sáng niềm tin...

Thứ Năm, 08/09/2022, 16:06

Vừa là nhạc công chơi đàn Keyboard vừa sáng tác ca khúc, Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy (Nhà hát Công an nhân dân (CAND) đã có nhiều sáng tạo, đam mê, nỗ lực, cố gắng trong việc làm giàu thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ CAND. Anh luôn tâm niệm, âm nhạc chính là phương tiện hữu hiệu thắp sáng niềm tin vào cuộc sống, chiến đấu còn nhiều khó khăn, gian khổ của người chiến sĩ CAND và từ đó luôn có ý thức làm việc, cống hiến nghiêm túc, trách nhiệm.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Tôi gặp Hoàng Huy trong những ngày đầu tháng 9 tại phòng thu của anh trên phố Hào Nam (Hà Nội) và may mắn được "mục sở thị" công việc thường ngày của anh. Đồng hành cùng anh trong công việc là người chị gái - một giảng viên tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Điều thú vị là không chỉ hai chị em Hoàng Huy mà bố và các bác, các chú của anh đều đến với âm nhạc từ tình yêu và sự hối thúc của ông nội.

Ông nội anh là người rất yêu âm nhạc, bản thân ông từng tham gia trong đội lễ nhạc của nhà thờ và phường bát âm của địa phương. Chính tuổi thơ được nghe bố tập đàn violin, được nghe mẹ và chị gái hát, được theo bố mẹ đến rất nhiều đơn vị mà bố mẹ dàn dựng ca múa nhạc nên âm nhạc đã ở trong tâm hồn của anh từ khi nào không hay.

Khi học hết lớp 8, theo truyền thống gia đình, anh thi vào hệ trung cấp chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và đỗ thủ khoa. Đam mê tìm tòi, sáng tạo, anh tiếp tục theo học và tốt nghiệp hệ đại học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội với kết quả tốt nghiệp xếp loại giỏi.

Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy: Để thanh âm mãi thắp sáng niềm tin... -0
Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy "phiêu" bên cây đàn.

Hôm nay khi kể lại với tôi thành tích đó, anh rất xúc động khi kể về những người thầy của mình. Anh đã học ở Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy về cách sáng tác nhạc giao hưởng, ca khúc thính phòng; học ở nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cách phát hiện các vấn đề của cuộc sống và truyền tải nó thông qua âm nhạc sao cho vừa nghệ thuật, vừa dung dị, đặc biệt phải cập nhật với xu thế âm nhạc của thời đại mà không được lãng quên yếu tố dân tộc; học được ở nhạc sĩ Đỗ Bảo cách làm việc vô cùng kĩ lưỡng và chỉn chu.

Bên cạnh dạy nghề, các thầy cũng là những người luôn coi anh như người em trong gia đình và trong quá trình học thầy trò thường tâm sự về cuộc sống. Chính bởi được gần gũi và học tập những người thầy như vậy mà anh đã được trang bị chuyên môn vững vàng. Đặc biệt hơn nữa, tự hào hơn nữa khi anh phục vụ trong lực lượng CAND là sự tiếp nối truyền thống gia đình, khi có ông ngoại và bố mẹ đều phục vụ trong lực lượng CAND qua các thời kỳ từ 1945 đến 1987.

Tác phẩm như cuốn nhật ký lưu giữ tình cảm dành cho ngành

Là người được đào tạo bài bản, hơn nữa lại là người nghệ sĩ trong lực lượng CAND, Hoàng Huy đã sáng tác nhiều ca khúc về ngành xúc động mà ở mỗi tác phẩm, anh đã gửi vào những tình cảm riêng, đặc biệt.

"Như bạn biết đấy, CAND có hai lực lượng là An ninh và Cảnh sát. Họ có những nhiệm vụ và công việc mang đặc thù của từng bộ phận, từng nhiệm vụ nên cảm xúc và những hình tượng để viết về họ cũng vô cùng phong phú, rất đặc thù hay những tấm gương về người chiến sĩ CAND cũng là những điều gây xúc động sâu sắc để từ đó các tác phẩm ra đời. Những tác phẩm ấy giống như cuốn nhật ký lưu giữ những tình cảm của mình dành cho ngành, cho lực lượng. Ca khúc nào cũng có nét riêng và sự xúc động đong đầy trong những giai điệu, ca từ trong đó. Thật khó để nói lên một ca khúc tâm đắc về lực lượng bởi lẽ khi mình đặt bút viết những lời ca và nốt nhạc đầu tiên về đồng đội mình thì đó là những gì tâm huyết và tâm đắc nhất", anh bộc bạch.

Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy: Để thanh âm mãi thắp sáng niềm tin... -0
Trung úy, nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy (thứ 2 từ phải sang) trong một sự kiện ra mắt dự án âm nhạc.

Những ca khúc Hoàng Huy sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà hát đã góp phần đem lại tấm huy chương quý giá cho nhà hát. Ví dụ như ca khúc "Người yêu nước họ Nguyễn và Bản án chế độ thực dân" (lời: Tuyết Minh) mà 2 ca sĩ Thu Hường, Kim Long thể hiện trong Chương 3 của vở nhạc kịch "Người cầm lái" - vở nhạc kịch đã đem lại nhiều thành công cho Nhà hát tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 2) năm 2021 vừa qua.

Nói về việc sáng tác ca khúc này, Hoàng Huy cho biết: "Thật sự là ngay khi cầm kịch bản trên tay, mình đã vô cùng xúc động bởi lẽ từ trước đến nay mình chưa được xem một tác phẩm nhạc kịch nào về Bác Hồ. Vở diễn truyền tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau. Nội dung ca khúc viết về quá trình hoạt động cách mạng trên nước Pháp của Bác với quan điểm "dùng báo chí làm vũ khí tư tưởng sắc bén" trong hành trình cách mạng của mình. Bởi thế, bạn có thể thấy những ca từ như "Le Paria;  L'Humanité…" là tên những tờ báo mà Bác đã tham gia trong vai trò là nhà báo hoạt động vô cùng tích cực, dùng ngòi bút để hoạt động cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân, một tinh thần tiến công rất chủ động và cũng rất thông minh. Bởi vậy tính chất âm nhạc của ca khúc đó mang hơi hướng giao hưởng, kịch tính".

Sự hy sinh không có ranh giới giữa chiến tranh - hòa bình

Nhạc sĩ Hoàng Huy cho biết, lực lượng CAND hay Quân đội trong thời chiến hay thời bình đều có những hy sinh, mất mát nhưng có lẽ, điều đặc biệt của lực lượng CAND là không có ranh giới giữa chiến tranh - hòa bình. Bởi lẽ, khi đất nước hòa bình, phát triển đồng nghĩa với việc các vấn đề của xã hội cũng thay đổi.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, những người lính phải ngày đêm chiến đấu và máu của những người chiến sĩ CAND vẫn tiếp tục đổ với hàng trăm liệt sĩ, hàng nghìn thương binh và gần đây nhất là 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) hy sinh. Điều đặc biệt nhất của họ chính là ngay trong thời bình thì ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh do đặc thù nghề nghiệp và nhiệm vụ. Bởi thế đó cũng là điều đặc biệt làm nên hình tượng cao cả và vô cùng sống động, gần gũi với nhân dân của người chiến sĩ Công an.

"Khi viết ca khúc tôi rất quan tâm đến yếu tố này. Yếu tố thứ hai mà tôi quan tâm đó là tình cảm của mỗi con người trong lực lượng CAND. Tôi đi thực tế thì thấy rằng, ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ thì họ là những người vô cùng tình cảm, ẩn chứa sau sự quyết liệt, dũng mãnh, quả cảm là những trái tim yêu ca hát, yêu con người và lạc quan. Đó là những điều tôi cảm nhận về đồng đội của tôi để viết về họ qua lăng kính âm nhạc", nam nhạc sĩ 9X cho biết.

Là nhạc sĩ trong lực lượng CAND, Hoàng Huy mong muốn các sáng tác âm nhạc của mình và đồng đội sẽ được bay cao, bay xa và sẽ mãi là động lực để những trái tim của cán bộ, chiến sĩ thắp sáng ngọn lửa niềm tin "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Đồng thời, anh cũng hy vọng các sáng tác của mình sẽ góp phần mang lại đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân để nhân dân tin tưởng và thêm tin yêu lực lượng CAND.

"Muốn vậy, tôi phải không ngừng học tập, rèn luyện, nỗ lực hơn nữa để ca từ và giai điệu phải mới, phải sâu, phải truyền tải được suy nghĩ, tinh thần, khí thế của người chiến sĩ CAND trong công cuộc giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội - một nhiệm vụ đầy vinh quang và tự hào trong thời đại hôm nay", anh nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.
.