Trung tướng, nhà văn Hữu Ước: “Suối Cọp” đã bước ra với độc giả thế giới
Chọn ngày cuối của tháng 10, tháng cuối của mùa Thu, khi Hà Nội chấp chới giao thoa trong cái hanh vàng của tiết thu và chút se lạnh mơ mồ của gió đông gợi về đâu đó bên hồ Thiền Quang thơ mộng với những hàng cây buông mành và mặt hồ gợn sóng, Trung tướng nhà văn Hữu Ước tổ chức lễ ra mắt tiểu thuyết “Suối Cọp” với tất cả những cảm xúc lắng đọng.
Điều đặc biệt nhất ở cuốn tiểu thuyết này là lần đầu tiên Hữu Ước viết về đề tài chiến tranh, song đã mang lại sự thành công bởi ngay sau khi ra mắt bạn đọc cuối năm 2022, cuốn sách đã vượt khỏi biên giới Việt Nam để đến cùng với bạn đọc thế giới tại Mỹ, Pháp, Hungary.
Tiểu thuyết “Suối Cọp” là tác phẩm văn học mới nhất viết về chiến tranh chống Mỹ của nhà văn Hữu Ước, lấy bối cảnh vùng Suối Cọp, một nơi bắt đầu của Đông Trường Sơn tiếp giáp Tây Trường Sơn, và rất gần đường 9 Quảng Trị. Cuốn tiểu thuyết dày tới 500 trang này được NXB Hội Nhà văn trình làng năm 2022.
Suối Cọp” giải mã vì sao Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ một cách đầy thuyết phục. Không chỉ con người ở đất nước này tham chiến, mà cả tự nhiên cũng đồng lòng đánh giặc, từ con kiến, tới lũ tắc kè, sâu bọ rắn rết. Tính độc đáo nằm ở việc miêu tả số phận, câu chuyện của cả những nhân vật từ thiên nhiên, trong rừng sâu, cánh đồng, hang núi, con suối… trong bối cảnh chiến tranh.
“Suối Cọp” là bản anh hùng ca về chiến công và sự hi sinh của Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam. Với những tình tiết đặc sắc đã chạm được vào trái tim bạn đọc. Với quan niệm nghệ thuật mới về hiện thực và con người, nhà văn Hữu Ước có những phát hiện mới về chiến tranh và người lính, cũng như có cách giải mã riêng về chiến tranh và đã chinh phục được nhiều độc giả.
Sau nửa thế kỷ, lùi xa sự kiện để trải nghiệm và suy tư, Hữu Ước đã có một quan niệm nghệ thuật mới về hiện thực và con người, có những phát hiện mới về chiến tranh và người lính. Thành công của cuốn sách chủ yếu nằm ở chiều sâu tư tưởng, ở tính nhân văn trong quan sát, miêu tả nhân vật dù đó là địch hay ta. Cái nhìn về chiến tranh của ông không còn đơn giản rạch ròi trắng - đen, ta - địch, ngòi bút của ông không dừng lại ở các sự kiện khách quan mà luôn đi sâu vào cõi thầm kín của con người.
Với những giá trị về lịch sử, về con người vô cùng nhân văn được đề cập đến trong nội dung, “Suối Cọp” chắc chắn là một tiểu thuyết đáng đọc. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với những cựu chiến binh, những người quan tâm tới lịch sử mà nó còn là một món ăn tinh thần vô cùng mới lạ đối với lớp bạn trẻ, những thanh niên đang sống trong kỷ nguyên hòa bình hiện nay. “Suối Cọp” giúp bạn đọc trẻ hiểu hơn về cuộc chiến đấu mà ông cha ta đã từng trải qua, nó gieo vào lòng người một tinh thần nhiệt huyết, một niềm tin cháy bỏng vào ý chí và tình người.
Điều đáng tự hào, khi tiểu thuyết “Suối Cọp” ra mắt độc giả cuối năm 2022 ngay lập tức đã trở thành tác phẩm được độc giả trong và ngoài nước quan tâm đón đọc, và tác phẩm đã vượt qua biên giới lãnh thổ Việt Nam để được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hungary và xuất bản ở các nước này.
Ông Bob Babcock, người sáng lập Nhà xuất bản - Chủ tịch công ty xuất bản Deeds - USA, nguyên là Sĩ quan Bộ binh Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam - (1966- 1967) là người đã viết lời tựa cho tiểu thuyết “Suối Cọp” xuất bản ở Mỹ.
Ông đánh giá tiểu thuyết “Suối Cọp”- một cách nhìn mới mẻ và đáng được đón đọc về cuộc chiến tranh: “Khi được giao trọng trách viết lời tựa cho cuốn sách xuất bản ở Mỹ. Trước cơ hội có một không hai này để tìm hiểu cuộc đời của một người lính Bắc Việt Nam và đồng đội của anh ta, tôi đã tiến hành đọc. Càng đọc tôi càng bị cuốn vào câu chuyện của người lính Hữu Ước. Cuộc sống của những người lính Việt Cộng được viết trong sách rất giống chúng tôi về một mặt nào đó, và khác nhau vô cùng theo những cách khác. Họ đã chiến đấu trong suốt cả cuộc chiến tranh. … Tôi đã khích lệ các cựu chiến binh Mỹ, gia đình và bạn bè của họ cũng như tất cả những người đọc cuốn sách này hãy giữ một tâm trí cởi mở và hãy nhận ra rằng những người lính Bắc Việt Nam này cũng giống như chúng ta đã làm là họ đã thực thi nhiệm vụ mà Tổ quốc họ giao phó… Dù ký ức sẽ không bao giờ bị xóa nhòa, hy vọng “Suối Cọp” sẽ giúp các cựu chiến binh Mỹ hiểu rõ hơn về những người đến từ miền Bắc Việt Nam mà chúng ta đã từng gặp trên bao chiến trận ở Việt Nam vào những ngày mà chúng ta đều là người lính trẻ”.
Ông Erick B. Villard- Nhà lịch sử quân sự - Trung tâm Lịch sử Quân sự Mỹ - Fort McNail, DC - Cố vấn Lịch sử - Hội Điện ảnh lịch sử New York và Florentine về Chiến tranh Việt Nam, chuyên trách lịch sử về Chiến tranh Việt Nam - một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về chiến dịch Tết 1968 đã có những trang viết xúc động về tiểu thuyết “Suối Cọp”: “Những hồi ức của ông Hữu Ước về trải nghiệm của mình khi còn là một người lính trẻ Bắc Việt Nam trong cuốn “Suối Cọp” đã cho ta thấy khía cạnh nhân văn của chiến tranh mà mọi nỗi kinh hoàng thường bị che khuất. Lời kể đầy cảm xúc của ông không chỉ mô tả những sự hiểm nguy và thiếu thốn của cuộc sống trên Đường mòn Hồ Chí Minh mà còn là tình yêu sâu sắc dành cho đồng đội, cho đất nước và gia đình, những điều khiến ông kiên định vượt qua mọi thử thách của chiến tranh. Nhẹ nhàng và bi kịch, trữ tình và chính xác, câu chuyện về sự trưởng thành của nhà văn Hữu Ước là một câu chuyện đáng được lắng nghe”.
Bà Karen Gottschang Turner, Giáo sư xuất sắc Lịch sử và Nhân văn, Trường Đại học Holy Cross; Chuyên viên cao cấp: Nghiên cứu Pháp lý Đông Á, Trường Luật Harvard, đồng thời là tác giả cuốn “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” - Nhà Xuất bản John&Wiley/2000 đã có chia sẻ sau khi đọc tiểu thuyết “Suối Cọp”: “Tôi đã đọc cuốn sách tuyệt vời này và rất vinh dự được viết cảm nghĩ của tôi. “Suối Cọp” cho ta thấy một cách nhìn mới mẻ, đang được đón đọc về cuộc chiến tranh một cách nhìn phản bác lại cái huyền thoại rằng một đội quân cách mạng chỉ được vận hành như một cỗ máy được tra dầu tử tế. Nhà văn, cựu chiến binh Hữu Ước đã mô tả bằng một văn phong sinh động về đời sống tình cảm của những chàng trai và cô gái dưới làn đạn lửa không lúc nào dừng tại một khu vực giao tranh khốc liệt nhất của cuộc chiến, một đoạn trên đường mòn Hồ Chí Minh gần biên giới nước Lào. Sự giằng xé giữa nghĩa vụ yêu nước và những sự khao khát của con người đã được mô tả rất đời qua bản dịch rất tinh tế của Phan Thanh Hảo. Đây là lần đầu tiên độc giả sẽ nhìn thẳng vào các vấn đề tình dục và tất thảy những sự phức tạp của nó qua những trải nghiệm mà các nhân vật nam và nữ của Quân đội nhân dân Bắc Việt Nam được tác giả mô tả chân thực nhất. Nhưng bên cạnh việc đề cập thẳng thắn về nhu cầu tình dục là nét mới trong văn học chiến tranh mà nhà văn Hữu Ước đã dũng cảm viết thẳng ra thì những mô tả của ông về những nỗi thống khổ trong giai đoạn này của những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam, của những người thiểu số bản địa mà ông đã tiếp cận thực sự làm thắt tim người đọc. Với những người Mỹ đang tin rằng không có gì mới mẻ còn cần phải tìm hiểu về cuộc chiến vẫn đang còn được tranh luận dài dài này, tôi cho rằng các bạn nên và phải đọc “Suối Cọp”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ khi đọc tiểu thuyết “Suối Cọp”: “Ngay cả khi cầm súng tiêu diệt kẻ thù trong cuộc chiến thì giấc mơ được sống một cuộc sống đúng nghĩa nhất của con người lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Toàn bộ tư tưởng trong tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước nhằm minh chứng cho điều lớn lao nhất ấy của con người. Những người lính Việt Nam hiện lên trong tiểu thuyết này là những người chiến đấu để được sống với giấc mơ đẹp chứ không phải chiến đấu như một cỗ máy huỷ diệt. Chiến tranh đã đi qua, rồi những thắng thua, những thù hận, những thương đau sẽ tan theo thời gian. Nhưng những lời thì thầm của tình yêu, những nụ hôn, những ái ân dưới trăng, những giấc mơ bình yên trong những cánh rừng ngập bóng tối của thần chết chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Tất cả vang lên như những bản tình ca buồn và đẹp đẽ. Đấy là những gì tôi nghe thấy rõ nhất khi rời những trang sách của nhà văn Hữu Ước”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết về “Suối Cọp”: “Đây là một trong số không nhiều tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh và rất ấn tượng… Nét đặc sắc nhất của cuốn sách này là sự hấp dẫn. Hấp dẫn bởi tính chân thực. Một hiện thực khắc nghiệt có sức ám ảnh. Nhiều chi tiết rất độc và mới mẻ mà trước Hữu Ước ta không thấy có trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nếu không phải là người trong cuộc thì không viết nổi… Vì thế những trang viết của nhà văn chân thực hơn nhiều, khốc liệt hơn nhiều, và cũng hấp dẫn hơn nhiều so với những tiểu thuyết chiến đấu ta thắng địch thua trải dài suốt mấy chục năm qua của văn xuôi Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều tác phẩm viết về thời chiến, nhưng tác phẩm viết về chiến tranh cũng không nhiều. Mới chỉ có “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh; “Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, và bây giờ là “Suối Cọp” của Hữu Ước”.
Xin được trân trọng chúc mừng Trung tướng, nhà văn Hữu Ước với tập tiểu thuyết “Suối Cọp” ấn tượng trong lòng độc giả trong và ngoài nước.