Trung tá, NSƯT Hồ Phong: Làn gió mới với màn ảnh Việt

Thứ Năm, 26/05/2022, 09:50

NSƯT Hồ Phong sinh ra trong một gia đình đặc biệt khi cả 3 người đều là NSƯT: Bố là NSƯT Hồ Tháp và em trai út là NSƯT Phi Điệp. Khuôn mặt đàn ông của anh khi bước vào tuổi 50 có nét phong trần theo năm tháng, hồi ức về tuổi thơ cứ hiện lên như những thước phim quay chậm.

Cuộc đời anh, số phận anh gắn với các vai diễn trên sân khấu Nhà hát kịch CAND và những thước phim truyền hình. Ít ai nghĩ rằng, đằng sau cái vẻ dữ dội của lửa ấy, cái nét “đêu đểu” của một diễn viên lành nghề hay vào các vai phản diện ngọt lịm, lại diễn rất thành công vai một ông đồ nho đích thực - vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm (cha của đại thi hào Nguyễn Du) trong bộ phim “Nguyễn Du” . Thực tế cho thấy, dẫu sao, trong nghệ thuật cũng rất cần yếu tố con nhà nòi, “hạt giống đỏ” Hồ Phong là một người như vậy.

Bố của NSƯT Hồ Phong nguyên Trưởng Đoàn Kịch nói Quảng Ninh. Mẹ anh cũng là diễn viên trong đoàn. Năm anh lên 4 tuổi, bố mẹ anh có những đợt diễn xa nhà, anh và em trai ở nhà với bà nội. Bà nội tóc bạc, lưng còng, mắt kém nhưng ngày ngày vẫn nấu cám lợn, cuốc đất trồng rau. Một thời gian sau bà bị mù hẳn nhưng vẫn chợ búa, cơm nước, tắm rửa hằng ngày cho hai đứa cháu trai. Hai đứa trẻ cứ thế lớn lên trong tình yêu thương và chăm bẵm của bà.

nsưt hồ phong 2 .jpg -0
Trung tá, NSƯT Hồ Phong.

Năm lên cấp II, thấy cảnh bố mẹ thường xuyên vắng nhà đi diễn, cậu thiếu niên Hồ Phong nghĩ chắc không bao giờ mình đi theo nghề của bố mẹ vì quá vất vả. Ở nhà buồn, hai anh em lại chạy ra biển mò cua bắt ốc mang ra chợ bán lấy tiền, gom góp để dành mua truyện. Cậu bé ấy thích đọc sách nghiên cứu, trong nhà có một tủ sách nhỏ lưu giữ những cuốn sách mà cậu dành dụm từ tiền bán ốc, bán cua.

Chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp cấp III, đang chưa biết thi vào đâu thì một hôm, Đoàn văn công chỗ bố tuyển diễn viên, Phong đang rảnh liền đến xem. Tối hôm đấy, sau bữa cơm tối, bố bảo với mẹ: “Hôm nay đông người thi tuyển nhưng khá nhất vẫn là cậu bé thi tiểu phẩm bẫy chim...”. Phong ở trong phòng nghe thấy thế liền nói: “Diễn như thế mà hay cái gì ạ, không thú vị gì hết..”. Bố ngạc nhiên bảo: “Mày có diễn được bằng người ta không mà nói?!”. Phong dõng dạc bảo: “Hay hơn nhiều ấy chứ, để con diễn cho bố, mẹ xem”.

Nói rồi Phong diễn trên khoảng hiên rộng trước nhà. Cậu có sự trải nghiệm của những ngày hè trốn gia đình đi bắn chim, mà nói là đi bắn chim nhưng cuộc sống thực sinh động hơn nhiều. Đó là những cơn gió mát rượi mang theo tiếng ve kêu trên tán cây sấu già, đám cào cào xanh bay la đà bên đám cỏ, vậy là thay vì bắn chim, cậu nhỏ vồ cào cào, lấy cỏ gà để chọi, chợt nhìn chú dế trũi liền nhanh tay túm lấy, cậu bé sung sướng quá hét lên, kết quả chú chim non sợ quá bay mất. Xem con trai diễn xong, bố mẹ không nói gì cả, chỉ im lặng nhìn nhau.

Đêm hôm đó, trăng chiếu sân nhà vằng vặc, Phong nằm trên giường nghĩ mung lung thì nghe thấy bố mẹ nằm ở giường bên kia thủ thỉ. Bố bảo: “Chết rồi vợ ạ, thằng Phong có năng khiếu đấy”. Mẹ hỏi bố: “Anh định thế nào, con mình sắp sửa ra trường, anh có định hướng gì cho con không?”. Giọng bố trầm xuống: “Thật ra con nó có năng khiếu đấy, nhưng anh không muốn con theo nghề vì anh thấy vợ chồng mình vất vả quá rồi”. Cậu thanh niên nằm trong phòng cười thầm: “Bố mẹ ơi là bố mẹ, quyết định cuộc đời con là do con chọn lựa học ở đâu, theo ngành nào là do con chứ...”.

Cuộc sống túng bấn của thời bao cấp đổ ập lên các gia đình, gia đình của Phong cũng không ngoại lệ. Mặc dù cả hai bố mẹ đều là diễn viên của Đoàn Kịch Quảng Ninh, nhưng để cả nhà có tiền đong gạo, bố anh phải thuê một thửa đất để trồng rau, hằng ngày bố mẹ anh dậy từ sớm cắt rau để các con mang ra chợ bán. Xóm chợ đấy đã quen với việc hai đứa trẻ, con của diễn viên đoàn văn công nổi tiếng đội thúng rau ra chợ và khi nắng đã lên quá đỉnh đầu thì thúng rau mới được bán hết.

19 tuổi anh vào làm hậu đài ở Đoàn Kịch Quảng Ninh, rồi cũng đến cái ngày cuộc đời anh bước sang trang. Số là buổi chiều hôm ấy, đoàn nghệ thuật Quảng Ninh cứ nháo nhào lên hết cả. Vé đã bán xong hết rồi, 8 giờ tối sẽ có vở diễn mà diễn viên đóng vai giả gái thì bị ốm phải nhập viện. Mọi người trong đoàn lo lắng, liệu phải trả vé cho khán giả không? Hồ Phong bảo với bố: “Để con đóng cho”. Bố hỏi: “Đóng được không con? Giờ còn chưa thuộc lời làm sao đóng?”. Anh trấn an: “Bố yên tâm, ngày nào cũng làm hậu đài xem mọi người tập, con thuộc hết”. Mọi người đưa cho anh kịch bản, 30 phút sau, Hồ Phong khoác bộ phục trang rồi diễn trên sân khấu như một diễn viên chuyên nghiệp thực thụ. Đúng một tuần sau “sự cố” đóng thế này thì anh nhận được quyết định điều động thôi ở phòng hậu đài chuyển sang làm diễn viên chính thức của đoàn. Sau đó ít lâu anh thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

ns ưt hồ phong cùng vợ và các con.jpg -0
NSƯT Hồ Phong cùng vợ và các con.

Chuẩn bị học xong bốn năm đại học thì vô tình anh gặp NSND Trần Nhượng, lúc đó là Trưởng Đoàn Kịch nói CAND. Nghệ sĩ Trần Nhượng ngắm sinh viên trẻ Hồ Phong và anh đã lọt vào mắt xanh của ông. Ông vỗ vai anh, nói: “Đoàn Kịch nói CAND mới thành lập, đoàn anh đang cần mấy bạn sinh viên ra trường có diễn xuất tốt, em ở trong trường giới thiệu cho anh mấy bạn nhé”. Sau đó thì ba người được nhận vào làm chính thức tại Đoàn kịch CAND, gồm nghệ sĩ Quân “còi”, nghệ sĩ Hoàng Lan và nghệ sĩ Hồ Phong. Hồ Phong gắn bó với đoàn từ đó đến nay. Trải qua bao vai diễn cả sân khấu và truyền hình, hiện anh đeo quân hàm Trung tá.

Cả quãng đời tuổi trẻ, NSƯT Hồ Phong quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ khi liên tục vào vai “Đất và Người”, “Giọt lệ Hạ Long”, “Đêm ấy có người ra đi”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Khi đàn chim trở về”, “Bí mật tam giác vàng”... Có lẽ anh là một khuôn mặt hiếm hoi của làng nghệ thuật khi được các đạo diễn chọn mặt gửi vàng vào vai phản diện. Sự xuất hiện của nghệ sĩ Hồ Phong như một làn gió mới cho màn ảnh Việt khi nhập vai kẻ ác. Khán giả càng căm ghét anh bao nhiêu thì vai diễn của anh càng thành công bấy nhiêu.

Có mấy lần đi ngoài đường anh “bị” khán giả chỉ trỏ, có người đến gần anh rồi nói: “Nhìn thế mà đểu”, hay “Sao mà ác quá là ác vậy”. Dẫu biết rằng chấp nhận vào vai phản diện là chịu thiệt thòi khi khán giả “quay lưng”, nhưng nghệ sĩ Hồ Phong vẫn chăm chút cho từng vai diễn của mình, diễn thế nào để đời nhất, thật nhất.

Mùa thu năm ngoái khi “Hương vị tình thân” lên sóng truyền hình, khán giả cả nước chao đảo với vai ông Tấn (người tình của bà Sa) - một vai diễn tận cùng của sự xấu xa, đê hèn, nhưng thú vị. Sự lọc lõi, trải đời của một giang hồ ranh ma, dị mọ, từng cái hất hàm, từng ánh nhìn sắc lẹm với giọng nói không lẫn vào đâu được, kẻ giang hồ này bị “ném đá” tơi tả vì khán giả ghét nhân vật. Họ nghĩ “lôi” đâu được cái ông đểu cáng đến thế kia chứ.

Vai diễn hợp người, Hồ Phong vào vai ngọt hơn mía lùi, diễn như không diễn, động tác, cử chỉ của anh mang lại sự chân thật cho vai diễn nói riêng và bộ phim nói chung. Cái sự đểu của lão Tấn được khán giả thót tim đón chờ. Nhưng bù lại, khán giả lại đặc biệt chú ý đến Hồ Phong, người thủ vai lão Tấn xem ngoài đời thực anh thế nào?!

Năm 2021, bất bất ngờ hơn khi đạo diễn chọn anh vào vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của thi hào Nguyễn Du trong bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du. Thông qua lát cắt lịch sử của ba triều đại Lê - Trịnh - Tây Sơn, và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, bộ phim tái hiện sinh động về cuộc đời của Nguyễn Du và một nhân vật không thể thiếu trong bộ phim chính là ông cụ thân sinh ra đại thi hào - cụ Nguyễn Nghiễm.

Chọn NSƯT Hồ Phong là sự lựa chọn khiến ai nấy đều rất “kinh ngạc” vì từ trước tới nay Hồ Phong chỉ quen với vai phản diện, lần này là một vai diễn ông đồ nho nặng kí. Nhưng khi hóa trang xong thì ai nấy đều xuýt xoa thán phục, mọi người đều ồ lên như thể Hồ Phong sinh ra để vào vai diễn thâm trầm mực thước và uy nghiêm của Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Ai trong đoàn phim chỉ nhìn anh sau khi hoá trang xong cũng nói: “Quá đạt”.

Bao nhiêu năm tích luỹ và quan sát cuộc sống, sự chịu khó học và đọc sách từ thuở ấu thơ đến lúc “lăn lộn” với đời với nghề lúc trưởng thành cho anh một kinh nghiệm sống dồi dào. Năng khiếu bẩm sinh không thể thiếu được của người nghệ sĩ đã tạo nên một NSƯT Hồ Phong đậm đặc không trộn lẫn. Cái khí chất của người nghệ sĩ trong anh là cho dù vai khó đến mấy, đa sắc màu đến mấy, chỉ cần anh chú tâm và dành hết công sức, thời gian, tình cảm cho vai diễn thì vai diễn ấy sẽ gây được ấn tượng trong lòng khán giả. Nếu không có năng khiếu bẩm sinh, tài năng và sự học hỏi, nỗ lực, cộng với yếu tố con nhà nòi, thì chưa chắc đã có một gương mặt Hồ Phong sáng giá và nổi tiếng như hôm nay.

Buổi sáng tháng 5 mùa hè hoa phượng nở đỏ rực ở ngoài khung cửa, NSƯT Hồ Phong cũng vậy vẫn “máu lửa”, nhiệt huyết với nghề như màu đỏ rực rỡ của loài hoa học trò nồng nàn thuở nào.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.