Tiếng vĩ cầm bay lên

Thứ Tư, 10/05/2023, 16:04

20 năm đi con đường độc đạo, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền đã tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình, một không gian đa sắc màu và phá bỏ khỏi những giới hạn về niêm luật quy chuẩn của cổ điển phương Tây. Ở đó, chị được tự do sáng tạo với những thử nghiệm trên cây đàn violin với jaz, với flamenco, với âm nhạc dân gian Việt Nam.

Có lẽ cũng không quá bất ngờ vì Trịnh Minh Hiền tung ra một album đầu tay là những sáng tác mới và chuyển soạn của chị cho cây đàn violin. Bởi chị đã có một hành trình hơn 2 thập kỷ theo đuổi một con đường riêng. Chị là nghệ sĩ vĩ cầm 8x đầu tiên công bố album chuyển soạn và sáng tác, album mang tên "Phượng Linh" gồm 12 tác phẩm chuyển soạn và sáng tác mới cho cây đàn violin. Đó là một dự án lớn kỷ niệm 20 năm làm nghề của chị, được đầu tư chỉn chu, bài bản và có những hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế.

nghệ sĩ trinh minh hiền-.jpg -0
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền.

"Phượng Linh" chuyển soạn lại một số ca khúc nổi tiếng của "tứ đại" nhạc sĩ: Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường như "Tiếng trống Paranưng" của nhạc sĩ Trần Tiến, "Ơi M'drak" của nhạc sĩ Nguyễn Cường, "Trên đỉnh phù vân" của nhạc sĩ Phó Đức Phương, "Họa mi hót trong mưa" của nhạc sĩ Dương Thụ. Và hai liên khúc, trong đó có một liên khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, album còn có một số nhạc phẩm viết riêng cho violin của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ trẻ Duy Phong.

Trịnh Minh Hiền chia sẻ: "Phượng Linh" sẽ tựa như cuốn sách, mọi người lật giở đến cuối sẽ thấy sợi dây kết nối toàn bộ nhưng nếu thưởng thức từng bài cũng cảm nhận được sự khác nhau rõ rệt. Album sẽ cho khán giả thấy cái hay, cái đẹp của nhạc cụ, cách chơi đàn của một nghệ sĩ 20 năm làm nghề và hơn hết, đó cũng là bản lề để mọi người soi chiếu và biết tại Việt Nam, nghệ sĩ đang chơi violin như thế nào".

Tiếng vĩ cầm bay lên -0

"Phượng Linh" của Trịnh Minh Hiền là những tâm huyết của chị trên con đường thử nghiệm, đưa một nhạc cụ của âm nhạc cổ điển giao thoa với pop, với âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong đó có 2 tác phẩm do chị sáng tác mang tên "Phượng Linh" và "Cây đời". Với cách sử dụng thang âm Tây Tạng kết hợp Flamenco, "Phượng Linh" là tác phẩm đúc kết chặng đường 20 năm vĩ cầm của Trịnh Minh Hiền. Nó được sử dụng nhiều kỹ thuật phô diễn vẻ đẹp của tiếng đàn violin, kể câu chuyện về con chim phượng hoàng linh thiêng sống trên đỉnh núi cao nhất ở Tây Tạng. Tác phẩm thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan của chị ở giai doạn này, khi chị tìm thấy vẻ đẹp ẩn giấu và mạnh mẽ nhất bên trong bản thể của mình. Đó là bức tranh được dệt bằng đam mê, dấn thân, bằng cả máu và nước mắt của người nghệ sĩ dám vượt qua những giới hạn để bay lên.

Trịnh Minh Hiền tốt nghiệp thủ khoa Khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là biên chế của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chị là bè trưởng bè violin 1, 2 và tham gia hơn 1.500 buổi hòa nhạc, lưu diễn ở các thành phố lớn của Việt Nam và thế giới. Nhưng giấc mơ âm nhạc của chị không chỉ dừng lại ở đó. Ngay từ những năm 2000, khi bước chân vào con đường âm nhạc, chị đã bắt đầu sáng tác thơ, ca khúc.

Trịnh Minh Hiền chia sẻ về cơ duyên đưa chị đến với con đường sáng tác: "Tôi may mắn gặp được những nhạc sĩ gạo cội, trong đó có "bộ tứ" nhạc sĩ: Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương. Họ khích lệ, động viên, nói rằng ngoài chơi nhạc, tôi có khả năng sáng tác - khác với số đông - nên hãy cố tìm con đường khác, một con đường cho chính mình. Cho đến bây giờ, hơn 20 năm từ lời dặn ngày cũ, tôi thấy với nghệ sĩ, con đường riêng là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp khẳng định họ là ai, có tiếng nói riêng biệt thế nào. Với âm nhạc không lời, chỉ chơi cổ điển là không đủ mà phải nghiên cứu thêm. Đó là lý do vì sao tôi thử nhiều dòng nhạc".

Tiếng vĩ cầm bay lên -0

Và có lẽ, mối duyên lớn nhất cũng từ nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người thầy dạy nốt nhạc nhẹ violin đầu tiên cho chị khi chị 20 tuổi. Và chị đã kết hợp được cả hai phong cách đó, giữa nhạc cổ điển và nhạc nhẹ để làm nên một Trịnh Minh Hiền riêng biệt, đầy dấu ấn cá nhân. Những kỹ thuật điêu luyện của nhạc cổ điển phương Tây được chị sử dụng để mang vào đó những âm sắc Việt Nam, với dân ca các vùng miền, với flamenco, với jazz, biến tấu, dễ nghe và đầy sức quyến rũ. Năm 2020, chị được mời chuyển soạn và trình tấu Quốc ca Italia nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Cộng hòa Italia. Và cũng từ con đường ấy, chị đã mạnh dạn chuyển soạn, trình tấu, làm MV "Tiến quân ca" chào mừng 77 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mới đây nhất, mừng 48 năm ngày thống nhất đất nước, chị đã phát hành MV "Đất nước trọn niềm vui".

Chị nói: "Tôi từng chơi đàn ở cả ngàn chương trình, kinh nghiệm học được không hề nhỏ nhưng lâu nay vẫn thấy thiếu điều gì đó, chưa thể thỏa mãn. Cho đến vài năm trở lại đây, tôi nhận ra mỗi người đều có gốc gác, nguồn cội. Âm nhạc tôi có thể ngao du khắp nơi, kết hợp nhiều thể loại nhưng sao trên chính quê hương mình, tôi chưa làm gì để mọi người biết tôi tự hào về căn tính người Việt của mình ra sao. Tôi đang hướng tới âm nhạc mang tinh thần dân tộc, mang những đặc trưng, thang âm Việt Nam. Như bản độc tấu Quốc ca mà mọi người đã thấy, ở phần mở đầu tôi sử dụng hoàn toàn thang âm của âm nhạc dân tộc miền núi phía Bắc. Trong album "Phượng hoàng", tôi cũng sử dụng thang âm đặc trưng của Việt Nam như một sự tự hào dân tộc".

nghệ sĩ trịnh minh hiền và con gái.jpg -0
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền và con gái.

NS Đỗ Hồng Quân đánh giá: "Để có tiếng đàn của Trịnh Minh Hiền với cây đàn violin hôm nay, không chỉ là 20 năm mà cộng với 20 năm khổ luyện từ lúc lên 6 tuổi. Đó là một hành trình vất vả để chị có thể tích lũy được kỹ thuật cơ bản, kinh điển nhất của violin. Và ở đây, bây giờ ta được nghe những giai điệu của dân ca Xá trong bài "Chiếc khăn Piêu" của nhạc sĩ Doãn Nho, được nghe "Paranưng" của nhạc sĩ Trần Tiến... chúng ta đang nghe một loại âm nhạc không lời, mang giai điệu của nhạc pop. Hiền vốn là tinh túy trong dàn nhạc giao hưởng, người luôn gây cảm hứng và truyền lửa trong bè của mình. Phải ở một trình độ cao như thế, chị mới có thể dấn thân và sáng tạo cho mình một con đường riêng. Đấy là cách đưa âm nhạc chuyên nghiệp đến gần công chúng, một thứ âm nhạc thuần khiết của Việt Nam".

Còn với Hiền, đó là hành trình của một con chim phượng hoàng luôn vượt qua bão tố, chông gai để ngẩng cao đầu cất tiếng hót. Tôi nhìn thấy lửa trong trái tim chị luôn cháy vì tình yêu âm nhạc, vì sự dấn thân mà chị lựa chọn. Nếu ai đã từng nghe Hiền chơi đàn, sẽ cảm nhận được ngọn lửa đó trong chị. Hiền đắm chìm, phiêu lãng trong thế giới của mình. Và tiếng đàn ấy dẫn dụ, mê hoặc người nghe. Bởi ở đó, ta không chỉ bắt gặp những giai điệu, âm sắc quen thuộc của âm nhạc Việt, mà còn cảm nhận được niềm đam mê, cống hiến của người nghệ sĩ.

 Những ngày này, Hiền đang mang cây đàn violin ra Trường Sa biểu diễn cho các chiến sĩ. Với chị, đó là niềm hạnh phúc khi tiếng đàn của mình được cất lên giữa biển cả trùng khơi, nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó, chị chơi "Tiến quân ca", "Đất nước trọn niềm vui" và rất nhiều bản nhạc Việt Nam. Đó cũng là con đường chị lựa chọn trong thời gian tới, bởi theo chị, vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam cần được lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng và ra ngoài biên giới.

Chị sống đam mê, dấn thân và cũng đầy ngẫu hứng. Có vẻ như đời sống không rộng chỗ cho những người như chị nên Hiền khá vất vả, lận đận. Thế nhưng, ông trời lại phú cho tâm hồn nghệ sĩ của chị một trái tim nóng, luôn yêu thương, tha thiết với cuộc đời. Tôi nghe "Cây đời", một bài hát chị sáng tác mang đậm chất thiền, ở đó, chị hướng tới một cõi thiền ngay trong chính đời sống này, yêu thương và trao yêu thương. "Có một tôi/ Ở trọ/ Trên cây đời/ Đời tỏa mát xanh tươi/ Đời xòa bóng cho người/ Trao cạn hết yêu thương/ Để tìm thấy Ta".

Linh Nguyễn
.
.
.