Thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy: Như là cơ duyên

Thứ Tư, 20/04/2022, 16:18

Vài năm trở lại đây, NSND Nguyễn Công Bẩy rời sàn diễn sân khấu và phim trường để chuyên tâm cho cương vị mới, là Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an. Làm công tác quản lý, nhưng anh vẫn là gương mặt thân quen, ấn tượng với những ai yêu nghệ thuật nước nhà.

Tư chất nghệ thuật bẩm sinh cùng tính cách thân thiện, anh chiếm cảm tình của mọi người. Ở một khía cạnh nào đó về nghề anh rất đa di năng, từ những vai khó được đạo diễn chọn mặt gửi vàng.

Những năm tháng khi còn ở Nhà hát kịch Công an nhân dân (CAND) anh đã hóa thân vào nhiều nhân vật người chiến sĩ CAND và xây dựng được hình tượng người chiến sĩ CAND với lòng bao dung, nhân hậu nhưng cũng rất cương quyết, mưu trí, dũng cảm khi đối mặt với cái xấu, cái ác. Những hình tượng ấy luôn muốn hướng con người đến những điều tích cực, góp phần làm trong sạch môi trường xã hội. Điều đặc biệt ngay cả khi vào vai tội phạm nguy hiểm, đội lốt vỏ bọc trí thức anh vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả .

Thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy: Như là cơ duyên -0
Tháng 8-2019, nghệ sĩ Nguyễn Công Bẩy nhận danh hiệu cao quý NSND.

Người đời thường nói: “Người không chọn nghề mà nghề chọn người”, câu này thật đúng với anh. Tôi nhớ đến những diễn viên rất nổi tiếng, đã được phong NSƯT, NSND, nhưng trước đây họ chỉ làm việc trông xe hay nấu cơm trong nhà hát kịch. Chỉ vì khi làm công việc bảo vệ, nấu cơm… trong lúc rảnh rỗi họ vào xem diễn viên tập kịch rồi ngẩn ngơ và say đắm lúc nào không hay. Rồi cơ duyên khiến cho họ thành diễn viên đình đám. Con đường của NSND Công Bẩy để trở thành diễn viên và công tác trong lực lượng CAND cứ như một câu chuyện cổ tích thật đẹp và thật hay - không định mà lại thành. Nghe câu chuyện của anh, tôi tự hỏi số phận sắp đặt cuộc đời con người như định mệnh, không thể nào trật khỏi đường ray?!

Ngay từ nhỏ, cậu bé Bẩy đã ao ước được đứng trong hàng ngũ những người chiến sĩ CAND, nên ngay sau khi học xong cấp III, anh thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhưng lại thiếu nửa điểm. Đôi chút buồn, nghĩ cuộc đời mình, con đường binh nghiệp giờ đây đã bị đóng sập.

Bẩy lang thang ở Hà Nội, đang không biết đi đâu về đâu thì một người bạn nhờ mấy hôm nữa vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội diễn chung tiểu phẩm để cho người bạn này thi diễn viên. Trớ trêu, vai của Bẩy chỉ là người đóng thêm vào cho cậu bạn, nhưng Bẩy thì đỗ còn bạn thì trượt. Sau mấy năm Đại học chuẩn bị đến ngày lấy bằng tốt nghiệp, anh được một người anh vỗ vai bảo: “Ra trường rồi chú em đã tính đi làm ở đâu chưa?”. Cậu sinh viên lắc đầu: “Em chưa biết nữa”. Anh kia bảo: “Thế em về Đoàn Kịch CAND đi, bên đấy đang cần người”. Nhớ lại việc thi không đỗ vào Trường Đại học Cảnh sát, giờ lại có người nhận về Đoàn kịch CAND, chung quy lại vẫn là lực lượng vũ trang nhưng hình thức khác chút ít. May quá, chàng thanh niên trẻ hăng hái về Đoàn kịch CAND  như một điểm tựa và anh đi lên từ những vai rất nhỏ, vụt qua sân khấu như một đốm sáng.

Năm 2001, kỉ niệm một năm ngày mất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, anh được giao vào vai lãnh tụ, từ khi nhận tin đến lúc lên sân khấu chỉ có 25 ngày chuẩn bị. Chàng trai trẻ vừa mừng lại vừa lo, vì vai diễn này khá nặng kí. Miệt mài ngày đêm tập luyện, cái khó là tập giọng nói của cố Thủ tướng, vì cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quê Quảng Ngãi, mà giọng nói phải làm sao thật chuẩn là giọng Quảng Ngãi pha Bắc. Anh ép cân cho gầy bớt, sau khi hóa trang hơn 1 tiếng với diện mạo mới, anh thấy mọi người gật gù, bảo: “Trông cũng giống lắm đấy chứ”. Hàng ngày anh còn được thư kí của cố Thủ tướng đến để luyện giọng.

Thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy: Như là cơ duyên -0

Một vai diễn của NSND Công Bẩy.

Trước hôm diễn vài ngày, người nghệ sĩ trẻ đến căn nhà trên phố Đội Cấn là nơi ở của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại ngôi nhà này, người diễn viên trẻ thắp nhang trên ban thờ cho cố Thủ tướng và nói với vợ chồng anh Dương (con trai của cố Thủ tướng): “Tôi được giao nhiệm vụ đóng vai cố Thủ tướng nên tôi phải nhờ vào vợ chồng anh chị rất nhiều. Tôi xin phép được diễn lại hình tượng của bác trên sân khấu để cho khán giả công chúng cả nước được biết cuộc sống, làm việc và tinh thần cách mạng và nhân văn ...”. Vai diễn ấy đã thành công tốt đẹp. Sau này, năm 2007, đợt xét duyệt NSƯT của anh, khi ấy cố NSND Trọng Khôi đang đương chức Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ông bảo với nghệ sĩ Công Bẩy: “Em diễn vai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như thế này. Bây giờ xét duyệt NSƯT, đọc hồ sơ của em thì đọc thôi chứ em xứng đáng NSƯT”.

Nhớ lại quãng thời gian thử thách 5 - 6 năm đầu khi mới bước chân về Đoàn kịch CAND, chàng thanh niên chỉ vào những vai phụ, năm 1995 Liên hoan Sân khấu toàn quốc, anh được Huy chương Bạc, sang năm 1996, Liên hoan sân khấu toàn quốc, anh vào vai Công an, vở: “Đám cưới trong đêm mưa”, vai diễn này đã mang đến cho anh Huy chương Vàng. Liên tiếp hai năm được Huy chương như một sự khích lệ, động viên rất lớn, anh yêu vô cùng ánh đèn ma mị của sân khấu và được đà để thăng hoa trong những vai diễn tiếp theo.

Mười hai năm sau, sau ngày nhận danh hiệu NSƯT, vào mùa thu năm 2019, nghệ sĩ Nguyễn Công Bẩy cùng hai nghệ sĩ của Nhà hát kịch CAND Nguyễn Thuý Hiền và Nguyễn Văn Hải nhận danh hiệu cao quý NSND. Gác lại nghiệp diễn viên tung hoành trên sân khấu và phim trường, NSND Nguyễn Công Bẩy nhận vị trí công tác mới, rời xa ánh đèn sân khấu, rời xa vai diễn và những buổi lao khổ ngoài phim trường, những kí ức, những vai diễn giờ chỉ còn trong kỉ niệm.

Anh có khuôn mặt hiếm của làng nghệ thuật, có nghĩa là có thể đóng được các dạng vai khác nhau, biến hoá khôn lường. Đã từng là một vesdo, một solist cứng của Nhà hát Kịch CAND nên anh đóng một số vai diễn gây “bão” sân khấu. Nhớ mãi vai Phong - một chiến sĩ Công an trong vở “Đám cưới trong đêm mưa” được Huy chương Vàng Hội diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Người chiến sĩ có nhiệm vụ phải đi bắt tội phạm trốn lệnh truy nã, cùng với Phong còn có một chiến sĩ nữa, cậu kia tính tình nóng nảy. Khi được tin trinh sát báo về, kẻ trốn truy nã đang ở một căn nhà nhỏ ở làng quê, Phong cùng đồng đội của mình vây bắt. Đêm mưa gió, trong căn nhà nhỏ ở vùng quê, Phong thấy tên tội phạm đang tha thiết và chân thành cầu hôn người con gái mình yêu, họ trao cho nhau tình yêu thương và mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nếu ập vào bắt ngay thì không có gì phải bàn. Nhưng nhìn tình thế lúc đó, tính nhân văn trong anh trỗi dậy, anh không muốn phá vỡ đi giây phút thiêng liêng của tình yêu, sau một hồi đấu tranh với người đồng đội nóng tính của mình, anh đã quyết định hãy để tên tội phạm tự ra đầu thú chứ không ập vào bắt.

Một bức thư do chính tay anh viết được cài ngoài cánh cửa. Đại ý của bức thư: “Anh phạm tội đã có lệnh truy nã anh, chúng tôi ở ngoài này, chúng tôi có thể vào bắt anh ngay nhưng chúng tôi đã không làm thế. Chế độ ta khoan hồng cho những người mà nhìn lại những tội của mình gây ra biết ăn năn hối cải thì pháp luật khoan hồng...”.

Phong trở về đơn vị nhưng không bắt được tội phạm, cấp trên nói với anh: “Nếu sáng mai, tội phạm không ra đầu thú thì cậu sẽ bị kỉ luật rất nặng, có thể bị ra khỏi ngành...”. Nhưng, bằng trực giác của một trinh sát anh vẫn tin rồi kẻ phạm tội sẽ ra đầu thú, anh vẫn tin ở bản chất hướng thiện của một con người. Và anh đã đúng, sáng hôm sau tên tội phạm đã ra đầu thú tại cơ quan công an. Những điểm sáng đầy ý nghĩa nhân văn cao cả đã góp phần xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Không chỉ thành công xuất sắc ở những vai diễn chính diện mà ngay ở vai diễn phản diện, NSND Công Bẩy vẫn gây ấn tượng khi hóa thân vào vai trí thức lưu manh, băng đảng xã hội đen. Ở những vai diễn này, NSND Công Bẩy không xuất hiện với ngoại hình hầm hố, bặm trợn mà lại ẩn dưới vỏ bọc bề ngoài trí thức nhưng bên trong là một tâm hồn mục ruỗng, tàn độc.

Giờ đây, với vai trò một vị tướng quản lý, trong căn phòng làm việc ấm áp và nhiều cây xanh, chắc chắn rằng, có nhiều lúc anh vẫn nhớ về ánh đèn sân khấu, nhớ bạn diễn, nhớ nghề....

Trần Mỹ Hiền
.
.
.