Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm: Khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND trên phim ảnh

Thứ Sáu, 06/05/2022, 16:54

Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm gây ấn tượng với tôi bởi mái tóc rẽ ngôi giữa lãng tử, hào hoa đúng với “chất” của chàng trai phố cổ Hà Nội. Ẩn sau vẻ lãng tử, hào hoa ấy là một năng lực lớn, khát khao lớn với các kịch bản về đề tài CAND để khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trên phim ảnh, qua đó để nhân dân thêm hiểu hơn, yêu hơn, tin hơn về công việc và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an.

Viết kịch bản để đỡ… nhớ nghề

Tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Vũ Liêm mong muốn tìm kiếm một công việc phù hợp ở một hãng phim nào đó nhưng ngặt nỗi ở trong Nam có nhiều hãng phim tạo cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ hơn miền Bắc, mà cả gia đình anh lại sống ở đất Bắc. Không vượt qua được trở ngại đó, anh về công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC với công việc chính là thực hiện các chương trình văn hóa, nghệ thuật, nhưng anh vẫn viết kịch bản như một cách để đỡ… nhớ nghề. Có điều đặc biệt là trong số gần chục kịch bản đã viết, anh chỉ viết về đề tài CAND mà cơ duyên đầu tiên vào năm 2008 với kịch bản “Hành trình bí ẩn” trong sê-ri phim “Cảnh sát hình sự”.

Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm -0
Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm.

Lý giải về điều này, anh cho biết, khi bộ phim “Hành trình bí ẩn” lên sóng, anh thấy chủ đề về CAND rất hay, rất thú vị và rất hợp với “gu” viết của mình. Từ sự yêu mến với công việc của người chiến sĩ CAND mà năm 2014, khi có cơ hội anh đã chuyển về công tác tại Truyền hình CAND (ANTV). Tuy công việc được phân công không liên quan nhiều đến các kịch bản phim, nhưng đây là môi trường để anh có điều kiện tìm hiểu kỹ về các vụ án có thật thông qua những chương trình chuyên biệt như “Hành trình phá án”, “Giải mã tâm lý tội phạm”... Đó là những chất liệu quý để anh đưa vào kịch bản, tất nhiên trong giới hạn cho phép về nghiệp vụ chuyên ngành.

Sau “Hành trình bí ẩn”, Vũ Liêm gây ấn tượng với hàng loạt bộ phim hình sự và gần đây nhất là kịch bản phim “Mặt nạ gương” - công chiếu năm 2021. Anh tâm đắc nhất là bộ phim đã khơi gợi bi kịch gia đình, là mẫu số chung của xã hội, sau đó bi kịch đó lại được giải quyết một cách nhân văn từ chính những người trong gia đình. Anh bảo, trong “Mặt nạ gương”, ở một khía cạnh nào đó con người ta luôn nhìn thấy gương mặt của mình trên gương mặt người khác. “Ta sẽ sống sao cho hợp mắt mọi người. Nó gắn với câu chuyện thẩm mỹ, biến khuôn mặt này thành khuôn mặt khác. Tuy nhiên, kịch bản của tôi vốn dĩ không phải nói chuyên sâu về phẫu thuật thẩm mỹ, nó chỉ mang tính chất ẩn dụ. Khi khán giả xem phim, có lẽ họ sẽ hiểu tại sao tôi lại chọn phẫu thuật thẩm mỹ thay vì chọn một chuyên ngành khác. Bên cạnh việc ẩn dụ, nó còn là sự kết nối hợp lý xâu chuỗi các sự kiện trong phim”, Vũ Liêm lý giải.

Viết kịch bản nhiều khi là trời cho

Là tác giả kịch bản của những bộ phim về đề tài CAND thu hút khán giả nhưng theo anh nhiều khi là trời cho, là ăn may, không phải cứ ai chăm chỉ, kiên trì là viết được. Khi viết kịch bản về đề tài này, bản thân anh cần chắt lọc rất nhiều, cẩn thận hơn về nghiệp vụ của nghề, nhân sinh quan, phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Viết biên kịch cần viết cho khéo, để phù hợp với chuyên môn, đặc thù nghề khắc họa, có nội dung mang tính giáo dục, nhất là đối với giới trẻ. Viết các nhân vật cần phải “đời” nhưng nếu “đời” quá lại là kịch, đó là ranh giới mong manh.

“Viết kịch bản đề tài CAND có cái khó là làm sao để bộ phim hấp dẫn khán giả nhưng không làm lộ lọt nghiệp vụ. Bản thân người chiến sĩ Công an đã mang một chút gì đó rất chuẩn chỉnh, đôi khi có phần hơi khô cứng, bởi vậy, đưa vào kịch bản phải làm “mềm” hơn, “đời” hơn và nếu không xử lý khéo lại thành gượng ép, không thỏa mãn khán giả. Hơn nữa lực lượng chức năng họ nhìn phim và có đánh giá riêng về nghề. Khắc họa không đúng hoặc chưa chân thực về đồng nghiệp của mình, bản thân thấy có lỗi. Đặc biệt điều mà tôi lo lắng là việc nội dung phim có thể ám thị tâm lý cho một bộ phận nào đó. Nếu ta đẩy yếu tố bạo lực hoặc biến dạng tâm lý quá mạnh, ngoài đời thực có sự song trùng ngẫu nhiên, ai đó sẽ bị ảnh hưởng”, Vũ Liêm bộc bạch.

Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm -0
Vũ Liêm cặm cụi bên bàn phím.

Hơn 10 năm đến với việc viết kịch bản, Vũ Liêm đã ngày càng trưởng thành hơn, chững chạc hơn trong nghề. Anh bảo bây giờ xem lại một số phim thuở ban đầu, anh thấy nhiều chi tiết khá ngây ngô và nếu viết lại, anh sẽ không viết thế. Tất nhiên, điều đó không có tính đúng sai mà nó là sự hoàn thiện về mặt nhận thức của cá nhân anh cũng như của toàn xã hội. “Dẫu sao bộ phim “Hành trình bí ẩn” đã chuyên chở được tuổi trẻ và cách nhìn nhận của tôi về lực lượng CAND từ khi còn chưa vào ngành, chưa có nhiều kiến thức về nghiệp vụ Công an”, anh nhấn mạnh.

Không sợ khán giả quên tên biên kịch

Khi tôi đặt vấn đề, một bộ phim người ta thường nhắc nhiều tới diễn viên, đạo diễn mà thường quên mất người biên kịch, Vũ Liêm cười lớn. Anh bảo, anh không cảm thấy chạnh lòng, bởi nhiều người vẫn cứ nói “Văn học là gốc” nhưng chính người đạo diễn và diễn viên là những người xử lý câu chuyện văn học đó sao cho sinh động chân thực nhất. “Có câu “Kịch bản tốt chưa chắc phim đã hay” nhưng kịch bản dở nhiều khi vào tay đạo diễn tốt vẫn thành phim hay. Khi kịch bản đã thành phim thì luôn là hạnh phúc của người làm công tác biên kịch. Đó là niềm vui khó tả hết bằng lời hơn là được khán giả nhớ tên”, anh lý giải.

Cũng theo anh thì có những biên kịch giữ cái tôi quá cao nên khi làm việc với đạo diễn không tìm được tiếng nói chung thì sẵn sàng hủy bỏ hợp đồng. Theo anh, đã xác định làm biên kịch thì nên “bắt nhịp” cùng đạo diễn để bộ phim thành hình hài hòa nhất, bởi dẫu sao đạo diễn mới là “chỉ huy trưởng” của bộ phim. “Biên kịch chắc chắn không là công việc đơn giản, nó đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự trải nghiệm rất lớn. Tôi luôn cố gắng chắt lọc những trải nghiệm cuộc đời mình và cả những câu chuyện, suy nghĩ của mọi người xung quanh để đưa vào trong các kịch bản sao cho hấp dẫn nhất, chân thực nhất”, anh nhấn mạnh.

Hy vọng có kịch bản để Điện ảnh CAND làm phim

Bản thân là người chiến sĩ CAND, lại theo đuổi về đề tài này nhiều năm, Vũ Liêm cho rằng, sự hy sinh của người chiến sĩ Công an luôn là động lực thôi thúc anh cầm bút. “Sự hy sinh của người chiến sĩ Công an thì thời nào cũng có. Họ luôn là lực lượng tuyến đầu, lực lượng tiên phong, ngay cả trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Tôi còn ấn tượng mãi với một chương trình khi người vợ của một chiến sĩ Công an nói: “Chồng tôi toàn nói dối”. Lời nói dối đó là để mọi người yên tâm, là để đạt được kết quả trong công việc. Từ điều tưởng chừng nhỏ nhoi đó nhưng đã phần nào khắc họa được sự hy sinh thầm lặng của họ. Người dân hãy nhìn về lực lượng CAND một cách đầy đủ hơn, bao quát hơn, đừng thấy một vài “con sâu” đã đổ cho cả “nồi canh” có vấn đề”, anh bộc bạch.

Bởi những trăn trở đó mà Vũ Liêm mong muốn được viết nhiều kịch bản về đề tài CAND để làm rõ hơn, đúng hơn, đủ hơn về người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân. Bởi chỉ có hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đủ thì nhân dân mới tin yêu và có sự đồng cảm, giúp đỡ người chiến sĩ trong công việc. Dù là cộng tác viên tích cực của VFC nhưng Vũ Liêm lại chưa có một kịch bản nào cho Điện ảnh CAND làm. Trong sâu thẳm anh luôn, mong muốn trong thời gian tới sẽ được cống hiến cho Điện ảnh CAND một kịch bản hay, hấp dẫn, sinh động.

Ngô Khiêm
.
.
.