Thân phận Thúy Kiều nối mạch nghệ thuật truyền thống

Thứ Năm, 06/10/2022, 10:29

Lấy cảm hứng từ “"Truyện Kiều"” của Nguyễn Du, vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” vừa được công diễn tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh cho thấy một thế hệ trẻ có khuynh hướng tìm kiếm những vẻ đẹp mới từ kho tàng nghệ thuật của cha ông. Thân phận Thúy Kiều nối mạch cảm hứng sáng tạo trên sàn diễn hiện đại, thực sự gợi mở cho nhiều thao thức của nghệ sĩ và công chúng.

“Truyện Kiều” đến hôm nay đã giống như một thành trì trong đời sống tinh thần của người Việt. Nguyễn Du nhắn nhủ “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, nhưng hậu sinh đề cập đến “Truyện Kiều” rất dễ sa vào lối mòn “thêu hoa lên gấm”. Cho nên, tác phẩm nào lấy cảm hứng từ “"Truyện Kiều"” thì trước tiên cũng đã được một điểm cộng về sự dũng cảm.

Nhóm nghệ sĩ trẻ đã vận động vài nhà tài trợ nhỏ lẻ để dàn dựng “Đợi Kiều” với khao khát thể hiện “từ một sân khấu cải lương rất đẹp đến một "Truyện Kiều" rất mới”, thực sự rất đáng khen ngợi. Họ là ai nhỉ? Có bốn nhân vật chủ chốt, biên kịch kiêm đạo diễn Đào Lê Na, chuyển soạn cải lương Lê Hồng Phước, biên đạo và trình diễn múa Lê Mai Anh, diễn viên Hồng Bảo Ngọc. Họ đều đang trẻ, đang nhiều nhiệt huyết và đang không ngại va vấp để tương tác với thẩm mỹ công chúng đương đại.

bong kieu.jpg -0
Hình bóng Thúy Kiều ẩn hiện trên sân khấu cải lương thể nghiệm.

Nếu so với hai tác phẩm lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" gần đây là bộ phim “Kiều” của nhà sản xuất Mai Thu Huyền và vở kịch “Thúy Kiều - một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội, thì vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” hoàn toàn lép vế về mức độ đầu tư. Những ai muốn tìm sự hoành tráng hay sự diêm dúa thì chắc chắn sẽ thất vọng khi đi xem vở diễn “Đợi Kiều”.

Thế nhưng, vở diễn “Đợi Kiều” có những ưu điểm khác. Ưu điểm thứ nhất là cái tên “Đợi Kiều”, đây là một ý tưởng thú vị. “Đợi Kiều” để bày tỏ sự cảm thông. Ai đợi Kiều? Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên đều đợi Kiều để thổ lộ những riêng tư với Thúy Kiều mà diễn biến "Truyện Kiều" chưa nói hết.

Ưu điểm thứ hai là không đưa Thúy Kiều lên sàn diễn. Thúy Kiều chỉ ẩn hiện sau phông màn như một cái bóng mờ của ký ức, của hoài niệm. Kể chuyện cuộc đời Thúy Kiều mà không có mặt Thúy Kiều cũng là một cách tái dựng chân dung nhân vật, mà không sợ sự mặc định nhan sắc “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Cụ thể hơn, biên kịch kiêm đạo diễn Đào Lê Na bộc bạch: “Nghe lời thoại, khán giả có thể hiểu theo nhiều cách. Tuy nhiên, khi vở diễn kết nối lời thoại với ngôn ngữ sân khấu, cấu trúc bốn mùa, qua múa bóng, việc sử dụng một diễn viên… có thể giúp người xem khám phá nhiều góc nhìn mới mẻ”.

Ưu điểm thứ ba là dàn nhạc gồm 16 nhạc công phô diễn ngón nghề ngay trên sân khấu, theo từng phân cảnh của vở diễn. Yếu tố “sống” này của dàn nhạc giúp tăng khả năng tương tác của “Đợi Kiều” với khán giả.

Ngoài ba ưu điểm trên thì cũng phải kể thêm đóng góp không thể phủ nhận của diễn viên Hồng Bảo Ngọc - quán quân Bông Lúa Vàng 2019. Diễn viên Hồng Bảo Ngọc lần lượt hóa thân thành Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên chứng tỏ sự đa sắc của một tài năng trẻ 19 tuổi. Nói thẳng ra, diễn viên Hồng Bảo Ngọc không phải của một cô đào ăn ảnh nhưng lại có tố chất một cô đào thực lực.

Lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" thì điều kiện có sẵn chính là những câu thơ rúng động tâm can của Nguyễn Du. Có thể chọn hàng chục, hàng trăm đoạn thơ từ "Truyện Kiều" để biểu đạt tâm lý nhân vật một cách xao xuyến và thuyết phục. Thế nhưng, nếu chỉ bám vào sự vận động thi ca “sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” thì tác phẩm phái sinh chỉ nằm ở dạng “một lời đã trót thâm giao, dưới dày có đất trên cao có trời”.

Cách đây không lâu, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở “Nguyễn cầm ca - Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, cũng mang lại nhiều xúc cảm cho khán giả. Với mong muốn phác thảo một chân dung Thúy Kiều có tinh thần hiện đại hơn, nhà văn Nguyễn Hiếu xác định: “Với sân khấu cải lương, tôi chú trọng và sử dụng nhiều hơn chất âm nhạc trong "Truyện Kiều". Bởi lẽ, chúng ta đều biết trong tác phẩm, Kiều đã xuất hiện qua những lần đánh đàn cho Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư hay Hồ Tôn Hiến... Trong mỗi lần xuất hiện, tâm trạng của Kiều lại được bộc lộ ở những hoàn cảnh, tình thế khác nhau. Đặc biệt, hơn 3.000 câu thơ của tác phẩm cũng chính là khúc nhạc du dương thể hiện những tâm trạng khác nhau của nàng Kiều trong xã hội phong kiến. Đến với cải lương, sự xuất hiện của Kiều với thân phận bị dập vùi, chà đạp khiến cho con người mất nhân quyền và sự tự do. Sự xuất hiện của nàng Kiều cùng tiếng đàn trên sân khấu cải lương sẽ càng tô thêm thân phận và nỗi buồn của nàng Kiều”.

nhan vat dam tien.jpg -0
Nhân vật Đạm Tiên trong vở diễn "Đợi kiều".

Bây giờ, với quan điểm một vở cải lương thể nghiệm, “Đợi Kiều” được cộng hưởng cải lương, vũ đạo, cổ nhạc và hát thơ. Biên kịch kiêm đạo diễn Đào Lê Na dành tâm tư cho “Đợi Kiều” khá nồng nhiệt: “Nghệ thuật cải lương quá đẹp để giới thiệu một điều gì đó truyền thống của Việt Nam đến với mọi người. Mình cứ trăn trở tại sao cải lương cứ đứng lại, trong khi bản thân nó vốn dĩ rất đương đại. Với cách làm cải lương thì vở diễn “Đợi Kiều” này sẽ càng da diết hơn và đẩy được cảm xúc trong câu từ của "Truyện Kiều" đến gần với khán giả hơn.

"Truyện Kiều"là một tác phẩm rất đồ sộ, nếu như mình đưa tất cả những gì có trong thi phẩm lên sân khấu thì đó chỉ là sự minh họa cho truyện mà thôi. Kiều là một cô gái rất thú vị, bởi vì các nhân vật khác luôn đợi nàng, luôn có sự phân vân. Nhưng Kiều lại là người luôn luôn đưa ra quyết định, như lần bán mình chuộc cha hay tự mình quyết định trao duyên cho em gái Thúy Vân, đây là nhân vật mà theo thuật ngữ bây giờ rất là “nữ quyền” nhưng lại vô cùng tinh tế”.

Biên kịch kiêm đạo diễn Đào Lê Na năm nay 36 tuổi, có học vị tiến sĩ và đang là Trưởng Bộ môn của Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đào tạo các chuyên ngành biên kịch điện ảnh, nghệ thuật điện ảnh, lý thuyết nghệ thuật, nghệ thuật ứng dụng. Tiến sĩ Đào Lê Na từng theo học quản lý nghệ thuật tại Đại học Nguyên Trí, Đài Loan. Tiến sĩ Đào Lê Na đã xuất bản các cuốn sách “Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira”, “Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hóa và ảnh hưởng” và tiểu thuyết “Tự sự của hạt mưa”.

Không chỉ giảng dạy, tiến sĩ Đào Lê Na luôn mong muốn tạo cơ hội thực tập cho sinh viên: “Ở Việt Nam, nghệ thuật học chưa được phát triển và đào tạo chuyên nghiệp. Đa số các trường chỉ đào tạo kỹ thuật, thực hành nghệ thuật, còn việc nghiên cứu và quản lý nghệ thuật phần lớn đều phải đi học ở nước ngoài. Mình được phân công giảng dạy các môn liên quan đến nghệ thuật học, điện ảnh, sáng tạo nên mình nghĩ cần phải đi học đúng chuyên ngành thì mới tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy sinh viên. Khi học ở Đài Loan, bên cạnh việc nghiên cứu trên lớp,mìnhcòn phải thực tập tổ chức 4 triển lãm nghệ thuật trong năm học đầu tiên và Đại hội nghệ thuật cho năm học thứ hai. Bên cạnh đó,mìnhcũng được mời tham gia tổ chức các hoạt động nghệ thuật cho một số đơn vị ngoài trường, trong đó đáng nhớ nhất là tham gia tổ chức triển lãm cho đạo diễn nổi tiếng của Đài Loan là Thái Minh Lượng và diễn viên Lục Dịch Tĩnh”.

Điều gì đọng lại sau vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều”? Trước hết là nhiệt huyết và đam mê của giới trẻ với di sản nghệ thuật dân tộc, sau nữa là biên đoạn mở về sự trẻ hóa của "Truyện Kiều" và cải lương. Và điều băn khoăn là khả năng phổ cập đến đông đảo công chúng của những vở diễn như “Đợi Kiều” gần như rất ít ỏi. Vì sao? Vì không có nguồn lực tài chính. Đã đến lúc phải xây dựng những quỹ hỗ trợ văn hóa để tiếp sức cho giới trẻ có tinh thần sáng tạo như ê-kíp thực hiện “Đợi Kiều”.

Tuy Hòa

.
.
.