Sự trở lại của những chương trình giải trí có xu hướng hoài niệm
Sau thời gian dài yên ắng vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các chương trình giải trí trên truyền hình đã bắt đầu quay trở lại trên các cánh sóng. Đáng chú ý là những chương trình giải trí có hơi hướng hoài niệm, khai thác câu chuyện thú vị từ nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật một thời vang bóng nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả.
Cũng chính từ những chương trình này, không ít khán giả nhận định, nền nghệ thuật nước nhà hôm nay cần nhìn lại những nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật của ngày hôm qua để phát triển rực rỡ hơn trong tương lai...
Sức hút từ “cảnh xưa, người cũ”
Một trong những chương trình theo xu hướng hoài niệm được khán giả quan tâm, theo dõi thời gian gần đây là “Vang bóng một thời” của Đài Truyền hình Vĩnh Long. Sự hấp dẫn của “Vang bóng một thời” ở chỗ, chủ đề, khách mời của chương trình không chỉ là ca sĩ đình đám một thời mà còn cả diễn viên tham gia những “bộ phim thanh xuân” trong lòng khán giả. Bên cạnh đó, ngoài MC Đại Nghĩa đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt chương trình xuyên suốt, sẽ có một nghệ sĩ có chuyên môn thay đổi theo từng tập đóng vai trò kết nối nghệ sĩ.
Qua 5 tập phát sóng đều đặn vào tối thứ bảy hằng tuần, “Vang bóng một thời” đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, MC và chính nghệ sĩ tham gia chương trình. Khán giả đã được gặp lại Ngọc Ánh – một trong những ca sĩ đình đám nhất trong thập niên 80, 90 với lối trình diễn bốc lửa, từng được mệnh danh là “Nữ hoàng cát-sê” vì tần suất chạy show dày đặc (tập 1); những câu chuyện âm nhạc của nhóm MTV đình đám một thời (tập 2); màn hội ngộ xúc động của dàn diễn viên bộ phim “Cổng mặt trời” (tập 3), “Mùi ngò gai” (tập 4); con đường âm nhạc của nữ danh ca Phương Dung (tập 5)…
Trong những tập tiếp theo, trên sân khấu “Vang bóng một thời”, khán giả sẽ tiếp tục được trò chuyện với danh ca Họa Mi, ca sĩ Quang Dũng, Nguyễn Phi Hùng, Lương Bích Hữu, Phan Đình Tùng… Trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã nhận định rằng, “Vang bóng một thời” không chỉ khơi gợi lại cả vùng ký ức thanh xuân mà còn là cơ hội để được gặp lại thần tượng, được nghe tâm sự và những phút trải lòng của họ.
Cũng trên kênh Truyền hình Vĩnh Long, từ ngày 7/11/2021, chương trình “Ký ức ngọt ngào” chính thức lên sóng vào 21h00 tối chủ nhật hằng tuần. Đây là chương trình truyền hình talkshow kết hợp âm nhạc, nhằm tái hiện những ca khúc nổi tiếng một thời của các thần tượng – những nghệ sĩ vẫn đang hoặc không còn hoạt động trong lĩnh vực giải trí nhưng sở hữu ca khúc từng làm mưa, làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc Việt Nam.
Ngoài việc mang đến cho khán giả không gian âm nhạc mới lạ từ ca khúc hit, các nghệ sĩ sẽ trải lòng về những câu chuyện, kỷ niệm, nỗi niềm từng trải qua trong quá khứ. Danh sách khách mời tham gia chương trình gồm có nghệ sĩ Thanh Hằng, nghệ sĩ Vũ Luân, ca sĩ Khánh Phương, Nhật Kim Anh, Trương Thảo Nhi, Nguyễn Đình Vũ…
Chương trình “Lạ lắm à nha” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã lên sóng những tập đầu tiên sau một thời gian dài gián đoạn. Chương trình này thú vị ở chỗ, nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ được sắp xếp hát song ca với nghệ sĩ khách mời được hóa trang không lộ khuôn mặt. Hai người được ngăn cách bằng một bức tường kín. Sau phần trình diễn âm nhạc, nghệ sĩ tham gia chương trình phải đoán danh tính người song ca cùng mình.
Mặc dù format của chương trình “Lạ lắm à nha” không mang xu hướng hoài niệm nhưng khách mời tham gia chương trình và những ca khúc được lựa chọn biểu diễn đưa khán giả trở lại thời kỳ hoàng kim của nhạc trẻ Việt. Nhiều ca sĩ đình đám một thời đã tham gia chương trình này như Vũ Hà, Lâm Khánh Chi, Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, Lam Trường, Trương Thế Vinh, Khánh Phương, Khổng Tú Quỳnh, Thu Thủy, Nam Cường, Phạm Quỳnh Anh, Trương Quỳnh Anh…
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Điều đáng ghi nhận ở những chương trình truyền hình có xu hướng hoài niệm chính là nỗ lực của ekip sản xuất khi làm sống lại những ca khúc cũ trong “chiếc áo âm nhạc mới” để không lạc điệu giữa dòng chảy đương đại. Đây là hướng đi đúng đắn để có thể tiếp cận được đông đảo tầng lớp khán giả hơn.
Ekip sản xuất chương trình đã cố gắng tìm “cầu nối” để gắn kết các thế hệ làm nghệ thuật. Điều này thể hiện rất rõ trong chương trình “Ký ức ngọt ngào” đã được đề cập ở phần trên. Theo format của chương trình, mỗi tập sẽ có hai cặp khách mời, mỗi cặp gồm một thần tượng, một ca sĩ trẻ và mỗi cặp sẽ xuất hiện trong hai tập phát sóng. Theo đó, ở tập đầu, từng ca sĩ trẻ của mỗi cặp sẽ tái hiện lại một ca khúc nổi tiếng của chính thần tượng. Ở tập 2, từng cặp thể hiện ca khúc tên tuổi của thần tượng mỗi cặp. Sau đó, hai cặp hòa ca thể hiện những bài hát tên tuổi của cả hai thần tượng. Đây được đánh giá là điểm vô cùng đặc biệt của chương trình vì các thần tượng có cơ hội thể hiện hit của đồng nghiệp, đồng thời các ca sĩ trẻ được song ca ca khúc hit với thần tượng.
Tương tự như vậy, trong chương trình “Vang bóng một thời”, các ca sĩ trẻ xuất sắc ở các dòng nhạc cũng được lựa chọn, giới thiệu trên sân khấu với nghệ sĩ “gạo cội”. Trong tập 5 của chương trình về danh ca Phương Dung, ca sĩ trẻ được mệnh danh là “Ngọc nữ” Bolero Tố My xuất hiện trên sân khấu như “một dấu gạch nối” với thế hệ tiền bối.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, showbiz Việt đang phát triển rầm rộ nhưng thiếu tính bền vững. Đơn cử như âm nhạc - lĩnh vực đại chúng nhất trong các loại hình nghệ thuật đang thiếu vắng những ca khúc hay. Mỗi thời mỗi khác và “gu” thưởng thức âm nhạc của các bạn trẻ hiện nay cũng khác nhiều so với thế hệ trước. Nếu lấy sức sống của một ca khúc là thước đo thì có thể nói rằng, trong những năm gần đây chúng ta đang rất thiếu ca khúc hay. Những ca khúc nhạc trẻ có khi thu hút hàng triệu lượt xem, nghe, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian ngắn nhưng cũng như một thứ âm nhạc thời trang” nhanh chóng bị thay thế bằng ca khúc chục triệu view khác.
Những tưởng ca khúc hit một thời sẽ không thể có chỗ đứng trong lòng khán giả trẻ nhưng không hẳn như vậy. Thời gian gần đây, khi xu hướng làm mới ca khúc hit của nghệ sĩ nở rộ, trong đó có cả nghệ sĩ đã qua thời kỳ hoàng kim nhận được phản hồi tích cực của khán giả trẻ. Những ca khúc “vang bóng một thời” được chính các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Điều đó chứng tỏ rằng, thị hiếu âm nhạc mỗi thời mỗi khác nhưng ca khúc hay, ý nghĩa, giai điệu đẹp sẽ luôn chạm đến cảm xúc của khán giả.
Tôi luôn cho rằng, nghệ thuật là một dòng chảy và luôn có sự bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tài năng và những tác phẩm nghệ thuật đích thực giống như phù sa ngày bồi đắp, làm màu mỡ thêm mảnh đất nghệ thuật. Chính vì vậy, luôn cần đến cầu nối, sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Tại sao những năm 2000, showbiz Việt lại có nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hơn so với thời kỳ hiện nay?. Hẳn nhiều người cho rằng, sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội khiến con người có nhiều lựa chọn trong “thực đơn” giải trí hơn nên ít quan tâm đến các sản phẩm nghệ thuật khác. Điều này đúng nhưng chưa đủ, về chủ quan mà nói, do chúng ta thiếu những tác phẩm thực sự xuất sắc.
Trở lại câu chuyện về những chương trình giải trí mang xu hướng hoài niệm, tôi kỳ vọng rằng, đó không chỉ đơn thuần là một trào lưu trong sản xuất các chương trình truyền hình (một đề tài để thu hút sự quan tâm của khán giả, giống như một thời nở rộ các chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ), mà qua đó, sẽ tạo động lực cho các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo. Hào quang của quá khứ không chỉ để rút ra những bài học mà nó còn tạo tiền đề, khơi nguồn sáng tạo, lan tỏa và tiếp nối.