Soạn giả Lê Thế Song: Duyên phận phải "chèo"

Thứ Năm, 22/09/2022, 16:57

Trong mười năm gần đây, cái tên soạn giả Lê Thế Song nổi lên như một “hiện tượng”. Chỉ trong vòng 10 năm, anh có tới gần 50 vở diễn kịch hát dân tộc ở các loại hình chèo, tuồng, cải lương, kịch hát dân gian được các nhà hát lựa chọn và dàn dựng, biểu diễn như “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, “Tình sử Thăng Long”, “Duyên phận ba đào”, “Dâu bể kiếp tằm”, “Tam Khúc chúa”, “Thượng thiên Thánh Mẫu”, “Người mẹ Hà thành”...

Trong đó, loại hình nghệ thuật truyền thống mà soạn giả Lê Thế Song gắn bó sâu đậm nhất chính là bộ môn chèo mà anh yêu thích từ tấm bé. Phóng viên Báo Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với soạn giả Lê Thế Song.

1.jpg -0
Soạn giả Lê Thế Song.

- Thưa soạn giả Lê Thế Song, người ta hay nói đến chữ “duyên” trong nghề nghiệp cũng như hôn nhân. Có khi nào anh nghĩ, nếu không có bà xã Xuân Hồng thì có thể con đường đến với nghệ thuật của anh sẽ không giống như hiện nay?

+ Trong Chèo có một làn điệu: “Duyên phận phải chèo”. Chữ “phải chèo” ở đây chính là cái nghiệp đã níu chân mình lại và mình phải chèo chống nó trong sự đam mê của duyên phận. Tôi nghĩ mình đã may mắn khi cái duyên cái phận đã thấm lặn vào tâm thức, lại được bà xã Xuân Hồng “đánh thức” để rồi khơi dậy niềm đam mê với sân khấu kịch hát truyền thống, trong đó có chèo. “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng” và dù có hoa hồng thì vẫn đầy gai… Câu hát ấy xem ra cũng đúng với những người làm nghề tác giả sân khấu như chúng tôi. Sáng tạo, day dứt, buồn vui cùng số phận nhân vật, đau đáu cùng đứa con tinh thần khi trên sàn diễn, chiêm nghiệm sự thành công và lặng lẽ trầm tư khi chưa thành công. Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm theo nghề viết, đến nay đã có gần 50 tác phẩm sân khấu được các nhà hát trên cả nước dàn dựng và gần 100 kịch bản lễ hội, thì tôi thấy mỗi thành công ấy của tôi, đều có vai trò rất lớn của người vợ, người bạn nghề đầy yêu thương của mình.

- Là tác giả đã chuyển soạn nhiều loại hình kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương nhưng bộ môn gắn bó sâu đậm nhất là chèo. Anh có thể chia sẻ việc anh đã đến và ở lại với “chiếu chèo” như thế nào?

+ Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng có chiếu chèo Làng Ngò nổi tiếng một thời. Bố tôi là một nhà giáo dạy văn, mẹ là người thuộc rất nhiều ca dao và tục ngữ. Từ bé tôi được mẹ dạy dỗ và lớn lên cùng tục ngữ, ca dao. Những câu tục ngữ ca dao ấy cùng với những điệu hát dân gian, hát ru và vẻ đẹp của nó cứ thấm lặn vào trong tâm thức. Để đến một ngày, sự say đắm đủ lớn thúc giục tôi theo học đại học, rồi Thạc sĩ và dấn thân vào nghiệp viết và tôi say đắm hơn với nghiệp viết chèo. Theo rồi thì mê và say chèo, bởi những làn điệu chèo vừa trữ tình đằm thắm, vừa ý tứ nhuần nhị, vừa như gửi gắm được tiếng lòng của cuộc đời mình với nhân gian… Tôi nghĩ rằng, ai mà đến được với chèo cũng sẽ đắm say như tôi bởi sự quyến rũ của chèo đan quyện từ tâm khảm, từ tiềm thức, từ trái tim và từ sự trao truyền qua bao thế hệ.

- Được biết, tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019, anh đã trở thành một “hiện tượng” khi là tác giả có tới 6 vở diễn được các nhà hát dàn dựng để đưa đi dự thi trong tổng số 24 vở tham gia liên hoan. Anh đã làm việc với tốc độ như thế nào để có được thành quả đó?

+ Khi tôi viết tác phẩm chèo đầu tay là “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” năm 2013, tác phẩm báo cáo tốt nghiệp tại trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh và được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, khi đó tôi đã 43 tuổi. Các thầy giáo, các nhà viết kịch có tên tuổi trên sân khấu kịch hát lúc đó như TS. Trần Đình Ngôn, PGS.TS Trần Trí Trắc khi ấy vẫn gọi tôi là một… tác giả trẻ. Nói điều đó để thấy rằng, nghề viết kịch đã khó, nhưng viết kịch hát còn khó hơn nhiều, lại ít người theo đuổi.

Tuy nhiên đó cũng là sự may mắn với duyên nghiệp, cùng sự cố gắng của bản thân, cùng sự trao truyền kiến thức của các thầy cô, tôi đã có được thành quả ấy. Đặc biệt là sự trải nghiệm từ cuộc sống sau gần hai mươi năm làm truyền thông dựa vào nghệ thuật, được đi nhiều biết nhiều, đọc nhiều, xem nhiều đã cho tôi một vốn kiến thức khá dồi dào để đưa vào tác phẩm. Tôi đã tạo được một thói quen viết nhanh, viết khỏe nên với tôi một tháng tôi có thể cho ra đời bốn tác phẩm kịch hát hoàn chỉnh. Cùng với sự tiếp nhận tích cực từ các nhà hát đã cho tôi sự tự tin khi viết và hoàn thành tác phẩm một cách tốt nhất và nhanh nhất.

untitled-6.jpg -0
Một cảnh trong vở "Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm" của tác giả Lê Thế Song vừa được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng.

- Sắp tới, Liên hoan Chèo toàn quốc sẽ diễn ra tại Hà Nam, “kỷ lục” này liệu có lặp lại không? Sẽ có những vở diễn nào do anh viết kịch bản chèo xuất hiện trong liên hoan này?

+ Hạnh phúc nhất của người cầm bút là những tác phẩm của mình được đưa lên sàn diễn. Với tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi tìm những kỷ lục trong các cuộc liên hoan sân khấu, mà điều cốt yếu là phải tận tâm, tận hiến với nghề. Làm việc một cách chỉn chu, trách nhiệm và đầy cảm xúc sáng tạo. Năm nay, tôi cũng rất vui khi những đứa con tinh thần của mình lại tiếp tục có mặt trong những cuộc liên hoan sân khấu như: Liên hoan sân khấu thủ đô năm 2022, Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022, Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế năm 2022 và cũng xin bật mí với quý vị khán giả, sẽ có những vở diễn về đề tài cận đại, hiện đại, dân gian, huyền thoại. Có thể kể đến hình tượng cố Tổng bí thư Trường Chinh, hình tượng nhà chí sĩỹ yêu nước “kỳ đồng” Nguyễn Văn Cẩm, câu chuyện về thiên tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung… Hy vọng với sự phối hợp cùng các đạo diễn, diễn viên và ekip sáng tạo cùng các nhà hát, các vở diễn sẽ được sự đón nhận của quý vị khán giả một cách tích cực nhất.

- Theo dõi những vở diễn của anh, có thể nhận thấy anh là người rất say mê với đề tài mang màu sắc dân gian, tín ngưỡng, bên cạnh đó là đề tài về các danh nhân. Nếu được làm việc mình thích nhất, thì anh sẽ chọn gắn bó với mảng đề tài nào?

+ Tôi là một người luôn luôn thích sự thay đổi trong sáng tạo. Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua những thăng trầm dâu bể, kho tàng về tư liệu là vô cùng lớn, đầy thú vị đủ để các tác giả thỏa sức vẫy vùng. Càng nghiên cứu, tìm tòi và tìm đọc, tôi càng thấy sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam ta. Sự đam mê hình như đã xui khiến tôi, để tôi sẵn sàng sáng tác những tác phẩm sân khấu về bất kỳ đề tài nào mà tôi có cơ hội thể hiện.

- Cho đến nay, kịch bản nào khiến anh đã tốn nhiều công sức, trăn trở nhất?

+ Với người viết, kịch bản nào khi viết cũng phải có thời gian để suy ngẫm, tìm tòi để xây dựng được cốt chuyện, kết cấu, nhân vật, tính cách nhân vật, thông điệp vở diễn và trình thức của lối viết. Mỗi tác phẩm đều có những độ khó nhất định của nó, bởi độ khó trong tác phẩm chính là căn cốt, là tinh hoa của tác phẩm. Sự hư cấu, sự cường điệu tình huống kịch mà vẫn tạo được tính chân thực của tác phẩm chính là chìa khóa mở ra thành công, bởi nhờ những sự hư cấu và cường điệu hóa đó sẽ đẩy được nỗi đau hay niềm hạnh phúc lên đến tận cùng. Tác phẩm “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” của tôi vừa được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng là một ví dụ như thế.

- Năm 2021, khi dịch COVID-19 hoành hành làm đảo lộn cuộc sống, soạn giả Lê Thế Song đã ghi dấu ấn với hàng loạt bài hát/ làn điệu chèo tham gia vào công tác chống dịch. Anh có thể kể lại tâm trạng của anh khi là người sáng tác những “ca khúc chống dịch” trong thời điểm đó?

+ Khi tôi viết những bài hát về công tác chống dịch cũng chỉ đơn thuần nghĩ rằng đem lời ca tiếng hát đến với khán giả trong thời điểm cả nước khó khăn, căng thẳng. Những bài hát ấy, được nhiều nghệ sĩ tên tuổi đón nhận và thể hiện như NSND Thanh Tuấn, NSND Tự Long, NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Ngần... Khi đưa lên mạng xã hội, lên Youtube… đã được đông đảo khán thính giả đón nhận tích cực. Có những khán giả xúc động bình luận là đã khóc khi nghe lời bài hát ấy và nó góp phần lấy lại tinh thần, niềm tin, bởi sự tương thân tương ái luôn tràn đầy trong tâm thức của người Việt Nam… Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy rằng, người nghệ sĩ đã góp phần vào công cuộc chống dịch cùng đất nước.

- Xin cảm ơn soạn giả Lê Thế Song

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.
.