"Ranh giới" đến đâu là "ranh giới"?

Thứ Năm, 23/09/2021, 09:47

Lên sóng trên kênh truyền hình VTV vào tối 8/9/2021, "Ranh giới" đã mang đến cho khán giả những thước phim đầy ám ảnh, xúc động với cuộc chiến chống COVID-19 khốc liệt tại Bệnh viện Hùng Vương - TP Hồ Chí Minh. Ngay sau khi 50 phút phim kết thúc, "Ranh giới" nhanh chóng trở thành một chủ đề nóng, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây không phải là một điều thường xuyên xuất hiện với một tác phẩm phim tài liệu tại Việt Nam.

Chân thực, ám ảnh và đầy cảm xúc

Với những thước phim ghi lại hành trình chiến đấu giành lấy sự sống của các thai phụ cũng như đội ngũ y bác sĩ trước COVID-19, lại được trình chiếu ngay khung giờ vàng của kênh truyền hình quốc gia giữa những ngày dịch bệnh đạt đến đỉnh điểm, "Ranh giới" vốn từ đầu đã có thế mạnh rất lớn trong việc tiếp cận khán giả. Thế nhưng, để nhận được sự yêu mến và đồng cảm, chính bộ phim này cũng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ chạm tới cảm xúc của khán giả thông qua việc chọn lọc câu chuyện, tận dụng âm thanh một cách khéo léo.

bộ phim tài liệu ranh giới đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong thời gian vừa qua.jpg -0
Bộ phim tài liệu “Ranh giới” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong thời gian vừa qua.

Không một lời dẫn, sử dụng ở mức tối thiểu các phân đoạn phỏng vấn, "Ranh giới" là một phim tài liệu trực tiếp, ưu tiên việc để những hình ảnh, âm thanh nguyên bản kể lại câu chuyện của mình. Ngay từ phân cảnh đầu tiên, người xem đã có thể nắm bắt được không khí của bộ phim qua những lời nói hối hả của bác sĩ yêu cầu hỗ trợ về vật chất và nhân lực.

Nhịp độ dồn dập này tiếp tục được giữ vững nhờ chuỗi tiếng kêu la, van xin, nài nỉ và trấn an chưa bao giờ vãn và đặc biệt tiếng máy móc không giây nào ngừng. Âm thanh liên hồi đã ghì tâm lý người xem xuống, khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng đúng với những gì các nhân vật trong bối cảnh đang thực sự cảm nhận.

Phim đạt lên đến đỉnh điểm với một âm thanh kéo dài báo hiệu sự ra đi của một sinh mạng, kéo theo những khoảng lặng kéo ngắn tạo cảm giác trùng xuống trong tâm trạng. Với một bộ phim bị giới hạn trong cảnh quay cũng như thời lượng lên sóng thì việc tận dụng âm thanh đã giúp "Ranh giới" khai thác rất tốt nhưng câu chuyện mình phản ánh, khiến người xem nhập tâm vào thấu cảm với các câu chuyện được cung cấp..

Về phần hình ảnh, đầu tiên phải dành lời khen ngợi cho những khung hình tuy rung lắc, thể hiện sự vội vã nhưng vẫn được căn đúng tỉ lệ và tinh chỉnh đúng tông màu. Đây là điều thậm chí nhiều phim điện ảnh cũng không làm được.

Có thể thấy "Ranh giới" không hề đi xuyên suốt theo bất kì một nhân vật nào mà là sự chắp vá từ những câu chuyện, mảnh đời khác nhau. Hẳn nhiên, ekip có thể lựa chọn đồng hành riêng cùng một nhân vật bất kì, như cách nhiều sản phẩm báo chí đã làm trong những ngày qua. Thế nhưng, với hướng đi này, "Ranh giới" không chỉ mang đến một cái nhìn khái quát hơn, chứng minh rằng COVID-19 không chỉ là trận chiến của riêng ai; đồng thời cho khán giả nhìn nhận sự việc bằng những góc nhìn khác nhau. Dù chỉ xuất hiện từ 3-4 phút, dù được quay trực diện hay không, nhưng mỗi nhân vật được đề cập đều khiến khán giả đồng cảm. Nhờ vậy, "Ranh giới" nhận được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, đồng thời đạt được mục đích ban đầu bộ phim đặt ra - giúp người ta trân quý hơn, cẩn thận hơn trước đại dịch COVID-19.

Những điều chưa hoàn hảo

Tất nhiên, "Ranh giới" không phải là một tác phẩm quá xuất sắc. Thiếu sót đầu tiên đến từ việc điều tiết nhịp độ của phim. Có quá nhiều điều muốn đưa lên màn ảnh nên bộ phim như một màn chạy marathon không ngừng nghỉ. Thậm chí, ngay tại khoảng lặng để người ta chìm mình vào cảm xúc cũng không đủ dài cho một nhịp thở, khiến một chi tiết đắt giá mà nhà làm phim bất chấp dư luận đưa vào cũng không được trọn vẹn.

Để thấy được khoảng lặng này quan trọng thế nào phải kể đến một bộ phim khác của VTV, "Đoạn trường vinh hoa". Bộ phim đạt điểm cao trào ở khoảnh khắc nghệ sĩ Phương Ánh ra đi, nhưng điều mang lại cảm xúc cho khán giả lại là khoảng lặng kéo theo gần 2 phút phía sau đó để rồi đi tới lời nghẹn ngào của người mẹ. Nếu như "Ranh giới" có thêm một chút tinh tế ở điểm này, bộ phim đã hoàn thành tốt hơn về mặt kĩ thuật.

ranh giới hay nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót đáng tiếc.jpg -0
Bộ phim “Ranh giới” hay nhưng vẫn còn một số thiếu sót.

Tranh cãi liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân cũng đáng để nhắc đến. Trong "Ranh giới", bên cạnh hình ảnh của các y, bác sĩ, ekip sản xuất không thể tránh khỏi phân cảnh dính đến những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân đang phải đối diện với cánh cửa sinh tử. Theo chia sẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, bất kì ai xuất hiện trên phim đều đã đồng thuận việc sử dụng hình ảnh của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp này có lẽ như vậy là chưa đủ. Chúng ta không biết rằng phía ekip đã xin phép như thế nào, đã giải thích với họ về những hình ảnh gì sẽ được đưa lên màn ảnh hay chưa cũng như các hậu quả kéo theo là gì. Nhưng ắt hẳn trong trường hợp này, ekip sản xuất đã chưa lường trước một cách tường tận về việc 30 giây lên hình đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các cá nhân được ghi hình như thế nào.

Hình ảnh một người chồng vì hoảng loạn mà không biết nên nói gì khi vợ nguy kịch hay một người phụ nữ vì mụ mẫm mà không biết cái thai của bản thân sẽ bị ảnh hưởng gì sau khi lên hình sẽ bị một bộ phận khán giả chỉ trích, đây là điều người ta dễ hình dung ra được. Nhưng với "Ranh giới", nó lại bị bỏ qua. Hay đơn giản là một lời đề từ, "bộ phim được ghi hình với sự đồng thuận của các nhân vật" cũng bị bỏ qua. Phải nói, với người làm phim, việc lựa chọn đâu là cảnh quay sẽ được đưa vào tác phẩm cũng vô cùng khó bởi ai cũng muốn thứ đắt giá nhất sẽ trở thành một phần trong sản phẩm của mình. Nhưng không ai muốn một tác phẩm mang theo ý nghĩa tốt đẹp vô tình lại là nguồn cơn gây nên bi kịch của người khác. Đây hẳn là một bài học đáng giá cho cả các tác phẩm phim tài liệu sau này.

Một dấu ấn với ý nghĩa khó quên

Bỏ qua giá trị về nhân đạo hay mục đích tuyên truyền vốn đã rõ ràng, "Ranh giới" còn là một dấu mốc chứng minh với công chúng về chất lượng phim tài liệu của Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm nay đã chứng kiến nhiều tác phẩm phim tài liệu hay, đạt được sự đón nhận của khán giả như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Đi tìm Phong", "Đoạn trường vinh hoa"... Nhưng hiếm có phim nào có cơ hội tiếp cận được nhiều khán giả đại chúng và nhận được phản ứng nồng nhiệt, trái chiều như "Ranh giới". Đặc biệt, ngay sau khi "Ranh giới" kết thúc, tác phẩm này đã trở thành một từ khóa nóng trên mạng xã hội Faceebok.

Từ xưa đến nay, người Việt Nam đại đa số đều nghĩ rằng phim tài liệu là những thước phim nhàm chán đi kèm với một giọng thuyết minh tường thuật lại mọi sự việc rồi kết thúc bằng những câu khẩu hiệu được lồng vào đầy gượng ép. Không thể đổ lỗi cho khán giả về định kiến này bởi theo NSND Nguyễn Thước từng chia sẻ: "Đã từ lâu rồi, chúng ta chỉ làm phim theo format cũ với độ dài 30 phút trở lại, trong khi thế giới đã thay đổi nhiều.(...) Về thời gian đầu tư cho phim. Hiện nay chúng ta cũng đang rất khác với thế giới khi mà có những phim, để tạo sức nặng, họ làm tới hai, ba năm, thậm chí 10 năm. Còn chúng ta làm theo chỉ tiêu, kế hoạch nên lúc nào cũng trong tình trạng vội vội vàng vàng".

Nếu so với những bộ phim tài liệu độc lập có tiếng trong những năm gần đây như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Đi tìm Phong" hay một bộ phim bứt khỏi sự kìm kẹp của nhà đài cũng như tự bổ sung kinh phí và thời gian đầu tư ghi hình như "Đoạn trường vinh hoa", thì thời lượng 50 phút hay thời gian theo dõi 1 sự kiện từ 1-3 tháng là quá ngắn. Bởi sự gò bó trong thời lượng lên sóng cũng như thiếu hụt thời gian đầu tư, sáng tạo nên phim tài liệu thuộc cơ quan Trung ương - tức những tác phẩm có thể tiếp cận được đến đại đa số khán giả Việt Nam nhất lại không phát triển, bị bỏ lại khỏi xu thế làm phim tài liệu mới trên thị trường nói chung.

Từ đó, không chỉ mang đến một ấn tượng mạnh mẽ về sự đổi mới của phim tài liệu thuộc Đài Truyền hình Trung ương trong mắt khán giả, "Ranh giới" hẳn còn là khẳng định dành cho đơn vị sản xuất về định hướng phát triển, phong cách khai thác thông tin trong những tác phẩm sau. Tác phẩm này hứa hẹn rằng phim tài liệu Việt Nam sẽ có những thay đổi tốt hơn, đuổi kịp sự phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung.

Khải An
.
.
.