Phim Việt dự giải Oscar: Bao giờ mới hết "góp mặt cho vui"

Thứ Năm, 06/10/2022, 10:15

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần ứng cử viên dự giải Oscar lộ diện, dư luận lại được phen ầm ĩ. Sao không ầm ĩ cho được khi hầu như năm nào, phim Việt cũng lên đường với tâm thế "góp mặt cho vui". Nhưng nhìn chất lượng bộ phim đại diện cho điện ảnh nước nhà, cả giới chuyên môn lẫn công chúng "không thể vui nổi".

Vừa qua, bộ phim "578: Phát đạn của kẻ điên" (gọi tắt là "578") của đạo điễn Lương Đình Dũng đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm đại diện đến tranh giải Oscar lần thứ 95 diễn ra tại Mỹ. Bản thân đạo diễn Lương Đình Dũng và ekip rất vui mừng với quyết định này.

Theo như đạo diễn chia sẻ, đây là bộ phim mà anh dồn rất nhiều tâm huyết, được đầu tư kinh phí lên tới 60 tỷ đồng. "578: Phát đạn của kẻ điên" kể về hành trình tìm lại công lý cho cô con gái nhỏ của Hùng - một tài xế xe container. Sống nay đây mai đó trên xe, cuộc sống của cha con Hùng bỗng chốc đảo lộn khi cô bé bị nhóm người xấu hãm hiếp. Trên hành trình lần ra tung tích của băng nhóm giang hồ, Hùng được cô gái bí ẩn Bảo Vy (H'Hen Niê đóng) hỗ trợ.

1-phim-578.jpg -0
Phim "578: Phát đạn của kẻ điên" đại diện Việt Nam dự giải Oscar 2023.

Phải thừa nhận rằng đề tài ấu dâm mới mẻ trên màn bạc và những pha hành động nghẹt thở trên xe container là điểm khiến "578" gây chú ý với công chúng ngay từ khi mới "nhá hàng". Nhưng bộ phim nhanh chóng khiến họ thất vọng. Sau buổi chiếu ra mắt hồi tháng 5/2022, nhiều nhà chuyên môn bày tỏ tiếc nuối cho bộ phim "đốt tiền" của đạo diễn Lương Đình Dũng. Phim ngốn kinh phí khủng nhưng chỉ mãn nhãn ở khâu hành động, rượt đuổi với bối cảnh đa dạng. Ai mê phim hành động Hollywood dễ dàng thấy các cảnh hành động của "578" không kém cạnh. Có được điều này là nhờ sự ra tay của chuyên gia hành động người Hàn Quốc Oh Sea Young.

Riêng về diễn xuất và kịch bản - hai yếu tố tiên quyết thì "578" quá yếu và đầy rẫy sạn. Các tình tiết tỏ ra thiếu logic, khó thuyết phục khán giả đồng cảm với nhân vật. Vai của H'Hen Niê là nữ chính nhưng cô chỉ ghi điểm ở những pha võ thuật cận chiến còn diễn xuất vẫn còn khá non nớt, gượng gạo. Vậy nên không lạ khi phim chỉ thu về vỏn vẹn hơn 3,5 tỷ (theo thống kê của Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập).

Nhiều khán giả đùa: chắc do ekip lỡ đặt cái tên không theo phong thủy là "578", nghĩa là "năm thất bát". Nhìn nhận về thất bại của đứa con tinh thần, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng phim "thua đau" là do ra rạp trùng với thời điểm Sea Games đang diễn ra. Riêng về chất lượng, anh cho hay do mình chọn phong cách làm phim có phần "phi lôgic", hơi "điên rồ" và không tuân thủ theo lý thuyết nên phim trở nên khá lạ so với thị trường chung.

Chất lượng tệ như thế, do đó, khi "578" trở thành đại diện của điện ảnh nước nhà để ra biển lớn thi thố với bạn bè năm châu, giới chuyên môn lẫn khán giả đều không hài lòng, nếu không muốn nói là xấu hổ. Dẫu biết là đi thi cho có tụ, thi cho vui nhưng phải chọn phim sao cho xứng đáng. Và ngay chính "cha đẻ" của bộ phim được cử đi thi cũng nên biết nhìn nhận đúng về đứa con tinh thần của mình, xem nó có phù hợp với sân chơi đó không, hay cứ nhắm mắt "đá lộn sân" và lấy làm tự hào.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng chúng ta nên tự lượng sức mình, nếu không có phim phù hợp thì đừng tham gia. Dù biết ở Việt Nam, Cục Điện ảnh nắm quyền quyết định gửi phim đi thi nhưng ông vẫn lên tiếng đề nghị Cục đừng gửi phim "Đừng đốt" của mình dự Oscar 2010 vì thấy không hợp. Gửi "578" đi thi, tuy đạo diễn Lương Đình Dũng không quá kỳ vọng vào việc đoạt giải nhưng anh vẫn  hy vọng việc phim tranh giải Oscar sẽ giúp dự án được chú ý nhiều hơn.

Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước thẳng thắn bộc bạch: "Phim "578: Phát đạn của kẻ điên" vốn dĩ là một phim từng được tôi vô cùng kỳ vọng về mô hình, quy mô sản xuất, kinh phí đầu tư cùng đường hướng phát hành quốc tế trước khi ra rạp. Chỉ có điều, nội lực của phim hoàn toàn không như mong đợi, từ chỉ số doanh thu phòng vé khi phát hành chính thức ở thị trường bổn xứ cho đến sự thiện cảm dành cho phim từ nhiều bên liên quan, hầu như dưới mức hình dung.

Đáng tiếc hơn, dường như người làm phim đến giờ vẫn chưa hiểu ra rằng tại sao người xem quê xứ lại không công nhận phim này. Phim hay phim dở, vốn dĩ cũng là điều bình thường. Ngay cả với các tên tuổi lớn trên thế giới, sau khi đã thành danh cũng thỉnh thoảng có phim thảm họa. Miễn là sau đó người làm phim biết mình chưa được khán giả đón nhận như ý với từng phim, là vì đâu nên nỗi. Không nhận ra điều tưởng chừng đơn giản mang tính cốt lõi ấy, rồi tự hào ảo, nói cho cùng đó mới chính là thảm họa làm nghề".

2-bo-gia.jpg -0
Cũng như nhiều phim Việt khác, "Bố già" ra về trắng tay khi dự giải Oscar 2022.

Sự ra về trắng tay của "578" là điều dễ dàng dự đoán. Bởi những năm trước, các bộ phim đáng gờm, được giới chuyên môn cũng như khán giả tán thưởng như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", "Bố già", "Cô Ba Sài Gòn"... cũng phải dừng bước tại vòng sơ khảo Oscar. Lần tranh cãi về "578" còn ầm ĩ hơn hồi phim "Hai Phượng" đi thi Oscar dù đây đều là hai phim hành động. So về chất lượng, "Hai Phượng" vẫn nhỉnh hơn với doanh thu đáng ao ước. Vả chăng năm "Hai Phượng" lên đường đi thi, các phim còn lại đều có chất lượng thua xa. Trong khi năm nay, mặt bằng phim Việt có nhiều cái tên nổi trội, trong đó đáng chú ý nhất là "Đêm tối rực rỡ" - tác phẩm vừa được giải Cánh Diều vinh danh.

Theo phân tích của Tiến sĩ lý luận điện ảnh Đào Lê Na, một bộ phim muốn làm nên chuyện ở Oscar, nhất là ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" thì phim đó thường có tính phản biện xã hội rất cao. Thứ hai, tác phẩm khá đậm đặc văn hóa bản địa, giúp khán giả khám phá ra chiều sâu văn hóa của quốc gia đó. Tuy nhiên văn hóa bản địa cũng chưa đủ mà phim phải có những thông điệp mang tính toàn cầu. Xét theo các tiêu chí trên, nhiều chuyên gia, nhà làm phim cho rằng,  "Đêm tối rực rỡ" mới là ứng viên xứng đáng dự giải.

Kể từ khi điện ảnh Hàn Quốc lập nên kỳ tích ở Oscar 2020 với ba giải thưởng quan trọng bậc nhất (phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất) cho tác phẩm "Parasite" (tựa tiếng Việt: "Ký sinh trùng"), điện ảnh châu Á đã trỗi dậy với bước ngoặt lịch sử. Từ đây, cánh cửa của những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh bắt đầu rộng mở với mọi nền điện ảnh, miễn anh mang đến tác phẩm giàu tính nghệ thuật, bản sắc dân tộc và chạm vào lòng người. Nhưng dường như điện ảnh Việt vẫn như cô thiếu nữ ngập ngừng đứng ngoài ngưỡng cửa đó.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện ảnh nội địa vẫn dừng lại ở những bộ phim hài, kinh dị, hành động mang tính giải trí đơn thuần. "Chúng ta quá hiếm những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc. Nếu cố gắng kể những câu chuyện đậm bản sắc văn hóa thì cách kể của chúng ta lại bị ảnh hưởng từ nước ngoài quá nhiều. Chú tâm chọn những đề tài rất truyền thống, nhân văn nhưng cách kể thì có một chút bóng dáng của đạo diễn nước này, một chút phong cách của đạo diễn nước kia. Những nhà làm phim kỳ cựu trên thế giới chỉ cần xem vài ba thước phim sẽ nhận ra phong cách đó của đạo diễn nào... Chưa mơ đến Cannes hay Oscar, ngay cả các sân chơi khu vực như LHP quốc tế Busan, phim Việt còn chật vật để chạm tay đến giải thưởng cao nhất" - TS Đào Lê Na phân tích.

Rõ ràng, chúng ta nên nghiêm túc với ý định "so găng" cùng anh tài năm châu. Để "so găng" được, ngay từ khi bấm máy, người làm phim phải ý thức rất rõ bộ phim mình hướng đến là gì. Phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có chiến lược quy hoạch và đầu tư mang tính lâu dài để biến nền công nghiệp điện ảnh thành sức mạnh mềm của quốc gia. Có như thế mới dẹp bỏ được tư duy muôn thuở khi mang phim đi thi quốc tế: cứ góp mặt cho có tụ là vui, là oai nhất làng rồi.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.