Phim tài liệu vượt qua khó khăn thành điểm sáng
Có không ít những phim tài liệu thắng những giải phim lớn trong nước và quốc tế, một số phim ngay sau khi trình chiếu đã có số lượng truy cập đạt mốc 2 triệu người xem. Nhưng tại sao, phim tài liệu vẫn là địa hạt rất khó để các đạo diễn dấn thân lựa chọn?
Ngay tại các rạp chiếu phim, phim tài liệu cũng thường vắng bóng. Tuy vậy, hiện nay, ngoài các hãng phim của các đài truyền hình Trung ương và địa phương, còn có nhiều nghệ sĩ trẻ độc lập trong sáng tạo, sẵn sàng lăn lộn, "tay bo" để dấn thân với nghề bởi tình yêu... "sự thật".
Phim tài liệu là sự kết hợp điện ảnh với thông tấn báo chí, chính xác đây là những thước phim được ghi lại qua hình ảnh người thật, việc thật ở một địa điểm cụ thể từ những mảng đề tài chân thực lấy chất liệu hôi hổi từ đời sống. Sự chân thật này kết hợp với đội ngũ ê kíp người làm nghề sáng tạo đã nâng tầm những thước phim lên thành phim tài liệu mang tính nghệ thuật cao nhưng vẫn đảm bảo độ chân thực và dung dị.
Nhiều năm trở lại đây đã có không ít những người trẻ mầy mò đi trong không gian của môn nghệ thuật thứ 7 và chọn dòng phim tài liệu, sự thể hiện của họ phong phú về đề tài. Những bệnh nhân phong sống 3/4 đời người trong vùng đất ít người qua lại, câu chuyện về những đứa trẻ vùng cao đi bộ chân đất một ngày 10 km đến trường, hay hủ tục tang ma cưới hỏi của những dân tộc thiểu số, câu chuyện về hành trình chuyển giới đầy khó khăn với những khúc mắc từ điều kiện môi trường hoàn cảnh sống…
Những sản phẩm này đã ít nhiều chiếm được thiện cảm của công chúng khán giả. Trong quá khứ, Việt Nam có những bộ phim tài liệu gây được tiếng vang lớn, lưu dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả. 35 năm trước có hai bộ phim tài liệu kinh điển Việt Nam là: "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. 25 năm trước "Trở lại Ngư Thuỷ" trở thành hiện tượng phim tài liệu đáng để xem nhất và có người còn nói: "Thật đáng tiếc cả một đời người nếu không được xem "Trở lại Ngư Thuỷ", quay phim NSND Nguyễn Thước và kịch bản, đạo diễn NSND Lò Minh. Bộ phim phản ảnh vô cùng sinh động và chân thực cuộc sống của những người nữ pháo binh Ngư Thuỷ - Quảng Bình sau chiến tranh.
Chúng ta đã có những tác giả, đạo diễn nổi tiếng của dòng phim tài liệu: Trần Văn Thuỷ, Lò Minh, Lê Mạnh Thích, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Thước, Lê Hồng Chương… Sau những biến thiên của đời sống, có một khoảng thời gian vào giữa thập niên 2000, người ta lo ngại khi dòng phim ngoại du nhập ào ạt vào Việt Nam, khán giả thích thưởng thức phim tâm lí xã hội Hàn Quốc, cổ trang Trung Quốc, hành động Mĩ, cùng với những phim truyền hình Việt ồ ạt ra đời thì liệu dòng phim tài liệu sẽ khó có chỗ đứng trong lòng khán giả?!
Những phim mang mục đích thương mại, doanh thu cao sẽ được ưu tiên chiếu trong giờ vàng, tại các rạp chiếu bóng trong cả nước. Phim tài liệu được xem là mảng đề tài khó hút khách nên bị các ông chủ rạp ngó lơ, và để phim tiếp cận với khán giả là điều hết sức khó khăn. Thể loại phim điện ảnh, phim truyền hình đi xin tài trợ dễ dàng hơn vì những bộ phim này được đảm bảo khi có xuất hiện diễn viên nổi tiếng, có sao ca nhạc, sao MC, sao người mẫu sẽ câu kéo được khán giả, còn phim tài liệu chưa có gì đảm bảo là phim sẽ thành công. Nhiều nhà làm phim tài liệu có thâm niên lâu năm trong nghề lo lắng, liệu rằng phim tài liệu có người kế cận hay không?
Trong bối cảnh văn hóa xã hội nhiều thay đổi, có một nơi duy nhất ra phim đều đặn là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, phim được Nhà nước cấp kinh phí và chiếu trên truyền hình, nên các nhà làm phim thuộc biên chế hãng "ung dung" không lo lắng đầu vào và đầu ra cho đứa con tinh thần. Một số các đài truyền hình địa phương cũng có một nguồn kinh phí riêng cho việc tạo ra sản phẩm phim tài liệu để phát, chiếu trên đài, còn lại những nhà làm phim tài liệu độc lập phải tự tìm đầu ra và đầu vào cho phim. Bất chấp đến từ khâu kinh phí hạn hẹp, không biết xoay sở ở đâu, nhiều bộ phim tài liệu đã bị hoãn lên hoãn xuống do số tiền đầu tư chưa đủ, các nhà làm phim độc lập nếu không có tinh thần dấn thân, lăn xả với nghề chắc hẳn họ đã chán nản mà bỏ cuộc.
Bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" được đóng máy vào năm 2010 của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã phải mất 5 năm để hoàn thiện và 13 tháng ghi hình vì nguồn kinh phí quá hạn hẹp, đạo diễn vừa quay vừa xin tiền tài trợ. Đạo diễn đã phải tự thân, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều khi việc xin tiền tài trợ bị thất bại, nhưng bằng sự quyết tâm cuối cùng phim ra được đến rạp và trở thành một phim có sức nặng về cuộc sống của cộng đồng người chuyển giới, người nhiễm bệnh HIV, phim nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả, liên tục ẵm giải thưởng trong nước, quốc tế.
Nói đến sự chân thực của phim tài liệu lấy được nước mắt khán giả, không thể không nói đến "Ranh giới" được công chiếu vào tháng 9 năm 2021 với độ dài 50 phút do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, phát sóng trên VTV. Nội dung xoay quanh giờ khắc sinh- tử của các sản phụ khoa bị nhiễm COVID-19 nặng chuẩn bị sinh con, và công việc của những thiên thần áo trắng cố gắng hết mình để giành giật sự sống cho hai mẹ con giữa nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống đầy bất trắc và có nguy cơ nhiễm bệnh, đổ bệnh bất cứ lúc nào của những y bác sĩ nhưng họ vẫn gồng mình, gánh trên đôi vai trách nhiệm với nghề nghiệp và mỗi thước phim đầy ắp tính nhân văn sâu sắc.
Trong 21 ngày đoàn làm phim tài liệu gồm 5 người đã hòa vào không khí của điểm nóng nhất nơi dịch để cho ra những thước phim chân thật giản dị, không lời bình, hình ảnh nói lên tất cả. Họ, những chiến binh dũng cảm đã không ngại lăn xả vào tâm dịch và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà làm phim tác chiến chuyên nghiệp.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước chia sẻ: Phim tài liệu, khi chạm đúng vào vấn đề cuộc sống đang được quan tâm, những vấn đề đang nóng của xã hội, mọi người xem và thấy mình trong đó thì sẽ luôn luôn có khán giả. Được có mặt ở những điểm nóng của đất nước, ở những giờ khắc lịch sử thiêng liêng, quan trọng đó là hạnh phúc, niềm tự hào của người làm phim tài liệu. Nhưng không thể làm phim tài liệu nếu không có kinh phí, hoặc là làm phim tài liệu hay, hấp dẫn mà nguồn kinh phí quá hạn hẹp, nhà nước nên có sự hỗ trợ kịp thời từ kinh phí, xuất chiếu, nơi chiếu cho các nhà làm phim tài liệu độc lập để những thước phim này đến được với đông đảo công chúng khán giả.