Nobel 2024 Thế lưỡng nan của Nobel Văn chương

Thứ Sáu, 11/10/2024, 15:57

Vào 18 giờ ngày 10/10, chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương 2024 sẽ được công bố. Năm nay, nhà văn Tàn Tuyết đến từ Trung Quốc vẫn là cái tên rất được kỳ vọng sau nhiều năm góp mặt vào danh sách đặt cược của Nhà cái NicerOdds.

Thế nhưng trước khi kết quả được xướng lên thì nỗi tiếc nuối vẫn luôn còn đó, khi những cái tên có tầm vóc lớn đã ra đi mãi mà sự vang danh thì chưa đến kịp.

Rộng khắp nhưng vẫn tiếc nuối

Khi ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan được trao giải Nobel Văn chương vào năm 2016 do đã “sáng tạo những phương thức biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc Mỹ”, đã có không ít những sự phản đối đến từ công chúng và giới chuyên môn vì trao giải thưởng văn chương lớn nhất hành tinh cho một nghệ sĩ.

Làn sóng cuồng nộ này mạnh đến mức cả giọng ca “Make you feel my love” cũng đã chần chừ trong việc có đến hay không thủ đô Oslo (Thụy Điển) để hoàn thành bài diễn từ nhận giải của mình. Cuối cùng ông cũng đã đến nhưng cảm giác thiếu thoải mái thì vẫn còn đó, cũng như liền ngay sau đó là những rỉ rả về thói trịch thượng ông đã thể hiện khi bắt các vị Viện sĩ chờ lâu đến thế.

Nobel 2024 Thế lưỡng nan của Nobel Văn chương -0
Sự ra đi của các tác giả Ismail Kadare, Paul Auster, Edna O'Brien và Maryse Condé đã để lại tiếc nuối lớn cho năm nay.

Mỗi người đều có một nhận định riêng cho trường hợp này, và như nhà văn châu Phi đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 1986 là Wole Soyinka thì ông cho rằng dù sao giải thưởng văn chương cũng chỉ nên trao cho tác phẩm văn chương, còn nếu muốn trao cho Bob Dylan thì Viện Hàn lâm có thể nghĩ ra một hạng mục mới dành cho âm nhạc.

Ngoài lập luận chính được phần lớn đồng tình này, thì cũng có không ít người nhìn thấy một thực tế rằng đã có không ít những tác giả lớn chưa được gọi tên thì đã qua đời, do đó những lựa chọn này nên được cân nhắc một cách cẩn thận. Có thể kể đến những vĩ nhân như James Joyce, Juan Rulfo, Franz Kafka, Vladimir Nabokov, J.L.Borges, Philip Roth, W.G.Sebald... cũng như gần hơn trong vài năm qua: Milan Kundera, Javier Marías, Hilary Mantel, A.S.Byatt... khi chưa vinh danh thì đã ra đi, để lại nỗi tiếc nuối lớn.

Điều này không khó tránh khỏi khi trong suốt lịch sử hơn một thế kỷ của mình, giải Nobel Văn chương đã trao cho rất nhiều người “không thuộc” vào nhóm văn học. Gần nhất có thể kể đến tác giả người Belarus Svetlana Alexievich với những tác phẩm gần như ký sự, phỏng vấn cá nhân hơn là văn chương đã được xướng tên vào năm 2015.

Có thể kể đến “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, “Những nhân chứng cuối cùng” nói về Thế chiến thứ hai, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” nói về thảm họa nổ lò hạt nhân cũng như “Những cậu bé kẽm” xoáy vào Chiến dịch “Bão táp” giữa Liên Xô cũ và Afghanistan... Trong những tác phẩm của mình, bà đã phỏng vấn hơn 500 người để tổng hợp lại trong một mạch văn diễn tiến xuyên suốt. Và có lẽ bởi những tương đồng về mặt bối cảnh cũng như đề tài mà mùa giải này không làm dấy lên những sự tranh cãi.

Đi ra xa hơn trường hợp nói trên, ta cũng nhận thấy những cái tên khác như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã được nhắc đến vào năm 1953 cho bộ hồi ký của bản thân mình. Nobel Văn chương cũng có một sự “nhập nhằng” khi trao cho các triết gia, từ Henri Bergson (1927), Bertrand Russell (1950) cho đến Albert Camus (1957), Jean-Paul Sartre (1964)...

Và cũng như trường hợp của Svetlana, những triết gia này cũng thường thể hiện quan điểm bên trong văn chương, nên việc trao giải hiếm khi gây ra sự bất bình nào, dù cho số lượng tác phẩm văn chương của họ tương đối khác nhau, từ nhiều nhất như Camus cho đến ít nhất như Russell (một trong số đó là “Ác mộng của kẻ xuất chúng” vừa mới ra mắt độc giả Việt Nam).

Phản ứng trước trường hợp của Bob Dylan, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chia sẻ rằng trong tương lai gần thì giải thưởng này sẽ còn được mở hơn nữa, sang cả phê bình, âm nhạc cũng như hồi ký, triết học đã có từ trước, nên kết quả trên nên được nhìn nhận thật… bình thường thôi.

Những người bỏ lỡ “chuyến tàu” năm nay

Điều này tuy cho ta thấy Nobel Văn chương tương đối cởi mở, thế nhưng chính sự làm ngơ để rồi quá trễ trong nhiều trường hợp “thuần nhất văn chương” đã không tránh khỏi để lại ngậm ngùi. Năm nay, một trong số đó là nhà văn người Ireland Edna OBrien. Bà đã qua đời ở tuổi 93 vào cuối tháng bảy sau một thời gian lâm bệnh kéo dài. Trong suốt nhiều năm, bà luôn luôn được kỳ vọng sẽ là người Ireland tiếp theo đoạt giải Nobel Văn chương sau những W. B. Yeats, George Bernard Shaw, Samuel Beckett và Seamus Heaney.

Trọng tâm tác phẩm của bà là hành trình vươn lên của những người phụ nữ khỏi truyền thống Công giáo gò bó để đến với sự tự do thể hiện bản thân và khát khao nơi mình, mà trong số đó “The Country Girls” thuộc bộ 3 mở rộng sau này là nổi tiếng nhất. Cũng vì lẽ đó mà suốt một thời gian dài tác phẩm của bà bị cấm ở đất nước mình, để rồi chỉ được trở lại vài thập niên gần đây.

Cũng trong tháng bảy, làng văn thế giới đón nhận tin buồn của nhà văn gốc Albania - Ismail Kadare. Ông được đánh giá là nhà văn nổi tiếng nhất ở đất nước mình cũng như vươn ra bên ngoài thế giới, khi là người chiến thắng đầu tiên của giải Man Booker Quốc tế vào năm 2005 khi giải thưởng này chọn vinh danh dựa trên sự nghiệp. Trong các năm qua, các tiểu thuyết của ông luôn được chào đón mỗi khi được dịch sang thị trường lớn.

Cũng như Edna OBrien, ông từng đứng giữa lựa chọn bị cấm hoặc phải phục vụ chính quyền độc tài. Cuối cùng ông đã lựa chọn con đường thứ 2 trong khi ngấm ngầm thể hiện ý kiến của bản thân mình trong các tác phẩm đậm tính ẩn dụ. Tại Việt Nam, ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm “Viên tướng của đạo quân chết”.

Ở tuổi 77, tiểu thuyết gia người Mỹ Paul Auster qua đời cũng đã để lại nhiều tiếc nuối lớn. Vào năm 2020, khi cố nhà thơ Louise Glück nhận giải Nobel Văn chương, người ta vẫn còn kỳ vọng nếu chỉ có một người Mỹ sẽ được vinh danh, thì đó là Paul Auster bên cạnh những tên tuổi lớn như Don DeLillo, Thomas Pynchon. Vì vậy việc ông ra đi là cú sốc lớn, khiến cho độc giả không khỏi nhớ đến sự tiếc nuối khác mà giải Nobel mãi mãi vụt mất là nhà văn người Czech Milan Kundera.

Với những tiểu thuyết xoay quanh cảm giác bất định và vô phương hướng như “Khởi sinh của cô độc”, “Moon Palace”, “Nhạc đời may rủi”... ông đã để lại những di sản lớn trong cả văn chương cũng như điện ảnh. Cho đến những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài ra mắt những tác phẩm mới với dung lượng khủng và luôn luôn khiến làng văn dậy sóng mỗi khi trở lại.

Cái tên cuối cùng cũng thuộc danh sách nói trên là tiểu thuyết gia người đảo Guadeloupe (thuộc Pháp) Maryse Condé. Với nhiều tác phẩm đồ sộ và đa dạng đề tài từ chính trị, sắc tộc cho đến re-tell thể hiện tính nữ... bà đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học Pháp bên cạnh tính chất “chính thống” của đất nước này bằng những vùng đất “thời hậu thuộc địa” mặc cho khác xa khoảng cách địa lý. Bà ra đi ở tuổi 90 sau nhiều năm không nhìn thấy gì và viết bằng cách đọc cho chồng mình chép lại. Ông cũng đồng thời là một dịch giả, góp phần giúp cuốn tiểu thuyết sau cùng là “The Gospel According to the New World” được đề cử ở giải Booker Quốc tế.

Vào năm 2019 khi giải Nobel Văn chương đã phải tạm hoãn do bê bối của thành viên Viện Hàn lâm, bà đã được chọn để trao giải thưởng Alternative Nobel (hay Nobel thay thế) được chọn bởi nhóm chuyên gia có cách vận hành cũng như quan điểm hoàn toàn ngược lại với Viện Hàn lâm. Đây có thể coi là sự ghi nhận di sản của bà, nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức cho việc ghi nhận, khi một tổ chức gần như “đối đầu” đã chọn lựa bà.

Có thể thấy rằng 4 cái tên trên chỉ là những đại diện tiêu biểu cho nhiều hơn nữa những tác giả xứng đáng được gọi tên theo đúng quan điểm của Wole Soyinka, rằng giải Nobel Văn chương chỉ nên trao cho lĩnh vực văn chương. Họ đã viết nên vấn đề của nhân loại này, của đất nước mình, của chủng tộc mình... bằng nghệ thuật viết khác lạ và những trăn trở mang tính sống còn. Việc ra đi của cả 4 nhà văn lớn là một mất mát không thể lấp đầy.

Giá như họ có một giải Nobel để ghi nhận những công sức của mình, nhưng ở một khía cạnh nào đó, sự đón nhận của công chúng, sự ghi nhận của giới phê bình, chuyên gia… đã phần nào đó khẳng định tính chất nguyên bản của bản thân họ - điều mà có thiếu một “Nobel” thì cũng chẳng sao. Để rồi cuối cùng ta có thể nói cũng như cuộc đời “bất khả vẹn toàn”, đôi khi việc xướng tên ấy cũng là may rủi.

Đoàn Tuấn Anh
.
.
.