Nỗ lực khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng

Thứ Bảy, 20/08/2022, 13:00

Cùng với dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng", cuốn sách "Tranh dân gian Kim Hoàng" (NXB Thế giới) của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội ra mắt mới đây đã đem đến cho độc giả những câu chuyện về dòng tranh nổi tiếng của Hà Nội một thời tưởng đã mai một, nay dần được phục hồi.

Một hành trình nhiều gian nan

Tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ XVIII, xuất xứ từ làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tranh in trên giấy dó, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên được gọi là "tranh đỏ".

Ở tranh Kim Hoàng, nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc, tạo nên sự phóng khoáng cho bức tranh. Dòng tranh này có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn, có nhiều thể loại như tranh Tết, tranh thờ… nên đáp ứng nhu cầu đa dạng như trang hoàng nhà cửa dịp Tết, cầu cho phúc lộc đầy nhà, xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm…

Nỗ lực khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng -0
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (bìa phải) giới thiệu với người xem về tranh dân gian Kim Hoàng.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, năm 1915 nạn lụt lớn, đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi nhiều mộc bản in tranh của làng Kim Hoàng. Sau đó mất mùa, đói kém, lại chiến tranh, dòng tranh Kim Hoàng dần mai một. Chúng đã gần như biến mất trên thị trường kể từ sau Tết Nguyên đán năm 1947.

Chính vì thế nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã khởi xướng và làm chủ dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng" từ năm 2016. Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… để cùng đưa dòng tranh dân gian này trở lại.

Dự án chia làm 3 giai đoạn: Nghiên cứu (từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2016); Khôi phục (từ tháng 6-2016 đến tháng 11-2019. Mốc 2019 được tính từ lúc nghệ nhân Đào Văn Chung tự sống với nghề, không sống bằng tiền từ dự án); Phát triển (từ tháng 11-2019 đến nay).

Mục tiêu của dự án sản xuất tranh dân gian Kim Hoàng là tạo thị trường tranh dân gian Kim Hoàng mà ở đó đưa các thông tin về tranh đến các tầng lớp nhân dân: Sách, tổ chức triển lãm, tổ chức trải nghiệm cho trẻ em... Kim Hoàng chỉ có 93 mẫu (so với mẫu tranh dân gian Hàng Trống là 250, tranh dân gian Đông Hồ là 400 mẫu) và phần lớn các mẫu này là để đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong thế kỷ XX.

Được sự giúp đỡ của ban quản trị làng Kim Hoàng, ekip phục hồi tranh Kim Hoàng bắt đầu từng bước lội ngược dòng, lần về những kỷ niệm dù ít ỏi về tranh dân gian Kim Hoàng. Cụ Thịnh là rể làng Kim Hoàng đồng thời cũng là người viết, lưu giữ về lịch sử của làng Kim Hoàng, đồng thời vợ cụ Thịnh (cụ Liên) lại cũng là chứng nhân lịch sử cho lần xuất hiện cuối cùng của dòng tranh này.

Vợ cụ lúc đó còn bé, khoảng hơn 10 tuổi đã đi bán tranh ở chợ Vân Canh, và lần cuối bán tranh là vào năm 1947. Tuy nhiên, trong làng vẫn còn lại mộc bản chữ "Đức Lưu Quang" và "Phúc Mãn Đường" do gia đình ông Nguyễn Duệ lưu giữ với niên đại khoảng trên 50 năm, mộc bản được khắc hai mặt để tiết kiệm gỗ. Trong nhà cụ Nuôi - một cụ cao tuổi ở làng Kim Hoàng có bức đại tự tranh Kim Hoàng là tranh chữ màu đen trong có họa tiết được in trên nền màu đỏ sen đã bạc màu.

Còn trong phòng truyền thống của làng Kim Hoàng và ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có 2 mẫu tranh: gà và lợn Kim Hoàng đã được phục chế theo quyển sách "Tranh dân gian Việt Nam" của tác giả Maurice Durand và theo lời kể của người dân làng Kim Hoàng. Sách này là bản đen trắng do đó khó có thể biết được màu sắc trên tranh, vì vậy bố ông Lê Đình Nghiên, lúc này đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phục chế mẫu gà Kim Hoàng theo hình dạng, bố cục như trong sách còn màu sắc được vẽ trên nền đỏ cam và tô, chấm màu ngũ sắc. Thời gian phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vào khoảng thập niên 1960, lúc đó cũng thuận lợi hơn vì thời gian thất truyền mới chỉ là khoảng hơn chục năm.

Nỗ lực khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng -0
Bìa cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”.

Trong khi đó, lúc tác giả về nghiên cứu đã 70 năm nên những cụ còn biết về tranh cũng phải tối thiểu 80 tuổi, lúc này làng chỉ còn 5 cụ (năm 2021 cụ Nuôi đã mất, làng hiện nay chỉ còn 4 cụ). Có một điều may mắn và cũng là điều tiên quyết của dự án này là sách "Tranh dân gian Việt Nam" của Maurice Durand đã xuất bản có màu, khiến cho việc phân tách giữa dòng tranh dân gian Kim Hoàng với các dòng tranh khác trở nên đơn giản nhờ có màu nền của tranh. Tranh Kim Hoàng trong sách có hai màu chủ yếu, màu đỏ cam nhạt (đã ngả sang màu hoa hiên) và màu vàng yến (đậm hơn màu vàng thư một chút hoặc là màu vàng thư được tô trên giấy dó có màu nâu). Hiện vật được Bảo tàng Quai Branly (Pháp) lưu giữ có thêm 3 tranh. Như vậy, có thể xác định được 96 tranh dân gian Kim Hoàng nguyên mẫu.

Khơi dậy ý thức bảo vệ di sản

Song song với dự án, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện cuốn sách "Tranh dân gian Kim Hoàng" nhằm giới thiệu dòng tranh Kim Hoàng và quá trình phục hồi, tiếp biến của dòng tranh này trong đời sống hôm nay.

Cuốn sách dày hơn 300 trang giúp độc giả tìm hiểu về làng Kim Hoàng, lịch sử dòng tranh này, nghề sản xuất giấy ở Việt Nam, mực in-tô, quy trình in-tô tranh, đề tài trong tranh, hiệu quả mỹ thuật của tranh, triển lãm và bán tranh, các hoạt động trải nghiệm với tranh, ứng dụng tranh dân gian Kim Hoàng trong đời sống hiện đại và nỗ lực của những người tham gia dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng" trong suốt 6 năm qua.

Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng, câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử hay kỹ thuật sản xuất tranh… mà là câu chuyện phục hồi một dòng tranh dân gian. Ở cuốn sách, độc giả cảm nhận rõ từng bước hồi sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Trong đó thành công lớn nhất quá trình này là đào tạo được nghệ nhân Đào Văn Chung - một người làng Kim Hoàng chưa biết về dòng tranh, chưa biết vẽ, trở thành nghệ nhân tranh dân gian Kim Hoàng có thể tự sống với nghề, không còn nhận kinh phí từ dự án.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định, cuốn sách "Tranh dân gian Kim Hoàng" ra đời là một nỗ lực để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam. Còn tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn cuốn sách và dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng" giúp mọi người biết đến những bức tranh và hiểu hơn về dòng tranh này, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ di sản của người dân Kim Hoàng.

"Muốn tồn tại được, tranh dân gian Kim Hoàng phải năng động đáp ứng tất cả nhu cầu của thị trường cũng như có những việc phải tự định hướng con đường đi riêng. Tranh dân gian Kim Hoàng đi theo thị trường ngách, với mức giá thấp nhất của tranh in khắc gỗ là 1 trăm nghìn đồng; tranh vẽ tay có mức giá thấp nhất khoảng 300 nghìn đồng. Muốn bán với mức giá như vậy, cần sáng tác mẫu mới để "lấp kín" khoảng thời gian 70 năm tranh dân gian Kim Hoàng bị thất truyền. Đồng thời, nghệ nhân cần được luyện rèn về kỹ năng in khắc gỗ, tô màu để sản phẩm có thể "thuyết phục" được khách hàng", nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa khẳng định.

6 năm chưa phải là một thời gian quá dài đối với một dòng tranh được khôi phục, tuy nhiên với sự nỗ lực, đam mê và tâm huyết của nghệ nhân Đào Văn Chung cùng nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm hy vọng dòng tranh dân gian Kim Hoàng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Ngô Khiêm
.
.
.