Những khoảng trống của điện ảnh đương đại
Từ khi xã hội hóa điện ảnh, xuất hiện các hãng phim tư nhân và mở rộng việc nhập phim ngoại đã khiến cho thị trường điện ảnh trong nước ngày càng chuyển biến mãnh liệt và đa dạng. Cùng với đó, trong những chuyển đổi nhanh chóng của cơ chế, các hãng phim nhà nước nổi tiếng một thời như Hãng phim truyện Việt Nam, hãng phim truyện I, hãng phim Giải phóng và nhiều hãng phim khác lần lượt chìm dần vào im lặng.
Trong mấy năm gần đây, những bộ phim chính luận dần vắng bóng. Hơn 25 năm trước khi tôi vào công tác trong ngành điện ảnh, hồi ấy kinh tế còn khó khăn hơn bây giờ nhiều, nhưng mỗi năm nhà nước có thể cấp kinh phí để các hãng phim nhà nước sản xuất các bộ phim về đề tài lịch sử, về chiến tranh cách mạng, về những vấn đề nhân sinh nóng bỏng gắn liền với thực tế xã hội. Các hãng phim tư nhân mới thành lập hoặc các đạo diễn ở nước ngoài về nước làm phim đều tỏ ra lạc quan và khao khát làm nên những bộ phim nghệ thuật từ trái tim mình.
Sau mỗi bộ phim thường có các buổi họp báo, chiếu phim ra mắt, có những bài bình luận phim nghiêm túc và tổ chức phát hành trên toàn quốc. Tình yêu với nghệ thuật điện ảnh đích thực, lý tưởng nghệ thuật của các nhà sáng tác là có thật. Những buổi sinh hoạt nghề nghiệp như vậy, ít nhiều để lại những kỷ niệm khó phai trong những người làm nghề.
Bây giờ nhìn lại, trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 không phải điện ảnh Việt Nam không để lại những dấu ấn. Dòng phim chính luận, với sự phân tích sâu sắc hiện thực đã đi vào khai thác những khía cạnh khá đa dạng của đời sống hiện đại và để lại những tác phẩm có ấn tượng sâu sắc. Có thể kể đến: “Tướng về hưu”, nói về sự tha hóa của đạo đức và sự lên ngôi của đồng tiền; “Thương nhớ đồng quê”, gợi lên ký ức về miền nông thôn buồn mà đẹp đang dần bị đổi thay, xáo trộn thời kinh tế thị trường; “Mùa ổi”, cảnh báo về sự hủy hoại những ký ức cuối cùng còn sót lại trong biến thiên của thời cuộc; Và nhiều, nhiều phim khác như “Mùa len trâu”, “Thời xa vắng”, “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Mỗi phim một vẻ, nhưng tựu trung lại, các nhà nghệ sĩ đã nâng niu từng khuôn hình, chau chuốt đến từng chi tiết và gửi gắm cả tâm hồn của họ trong tác phẩm của mình.
Năm tháng đã qua đi. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, nền điện ảnh trở nên đa dạng hơn nhiều. Số lượng phim mỗi năm sản xuất nhiều hơn. Phần lớn các phim đó do các hãng tư nhân sản xuất và thuộc về dòng phim thương mại. Có lẽ ấn tượng rõ nhất về sự lên ngôi của dòng phim thương mại là từ khi phim “Gái nhảy” ra đời. Sau những bộ phim về gái nhảy, đến những bộ phim võ thuật kiểu như “Dòng máu anh hung”. Nhưng rồi dần dần, phim thương mại đi vào khai thác những cảnh đời thường của cuộc sống dân sinh.
Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy nhiều phim đã đi vào số phận con người, những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống hiện đại. Chưa bàn đến giá trị nghệ thuật nhưng rõ ràng một số phim dạng này đã có doanh thu cao như “Hai Phượng”, “Bố già”... Đó cũng là những dấu ấn đáng khích lệ. Tuy nhiên, không ít phim sa dần vào câu khách một cách thái quá, khai thác cảnh bạo lực, ngôn ngữ thô tục, gây phản cảm và những chiêu trò câu khách đôi khi phi lý và rẻ tiền. Nhiều phim chỉ như một phương tiện giải trí, không có tính nghệ thuật và thiếu đi mỹ cảm.
Tôi vẫn cho rằng, một nền điện ảnh đích thực thì phải phong phú, phải đa dạng. Nghĩa là phải để ngỏ sự sáng tạo hướng đến nhiều đề tài, với những phong cách nghệ thuật khác nhau. Nhưng dù đề tài nào, dù phong cách nào thì cũng phải hướng đến giá trị nhân văn và sự hoàn thiện về nghệ thuật biểu hiện. Nhà nghệ sĩ, dù không thể thoát khỏi xu hướng, thị hiếu, nhưng họ cũng phải đấu tranh với các thị hiếu dễ dãi, phải làm phim vì khát vọng nhân văn và nghệ thuật. Nhưng sự thật thì tôi thấy, trong nhiều năm nay, xu hướng chạy theo thị hiếu tức thời lấn át tất cả. Cái tôi của người nghệ sĩ dường như bị thổi bạt đi trước cơn lốc thị trường. Phim thậm chí không còn được quan niệm là tác phẩm mà chỉ là một sản phẩm phục vụ một thị hiếu nhất định. Hay nói các khác, tư cách nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng quá lớn và chức năng xã hội của họ cũng không còn như xưa nữa.
Đánh mất lý tưởng nghệ thuật là một điều nghiêm trọng của nền nghệ thuật nói chung và của điện ảnh nói riêng. Đó chính là điểm căn cốt gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay trong nghệ thuật. Nếu không xác định đúng tâm thế thì người làm nghệ thuật bước vào đời sẽ không xác định được mục tiêu sáng tạo. Tôi nói điều này là muốn lưu ý đến thực trạng nhiều sinh viên nghệ thuật hiện nay không còn như xưa. Tâm thế người làm phim trẻ đã khác trước. Nhà nước và các cơ sở đào tạo cần quan tâm bồi dưỡng những người có đam mê nghệ thuật đích thực, có khát vọng đích thực để họ giữ được nhiệt huyết, có điều kiện rèn luyện về chuyên môn và hướng đến những tác phẩm nghệ thuật toàn bích có giá trị nhân văn. Nếu không có con người, không có đội ngũ thì nền nghệ thuật tiếp tục bế tắc.
Bên cạnh vấn đề đào tạo nhân lực, nên tạo cơ chế thích hợp và tổ chức sản xuất các bộ phim chính luận, lấy tiêu chí nhân văn và nghệ thuật đặt lên trên hết sẽ bù lấp những khoảng trống đáng sợ hiện hữu trong đời sống điện ảnh. Phim thị trường tư nhân có thể làm, thậm chí làm tốt hơn các hãng phim nhà nước, nhưng phim nghệ thuật thì cần một tổ chức phi lợi nhuận đảm nhận. Chúng ta đã đầu tư nhiều công trình công cộng phục vụ cho xã hội, nhưng lại cắt dần chi phí đầu tư cho những sáng tạo phục vụ đời sống tinh thần. Đó không phải là phương cách tốt trong một xã hội mà nền nghệ thuật sa sút và chỉ còn một dòng độc tôn chạy theo thị hiếu.
Điện ảnh Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã gắn liền với hiện thực lớn của đất nước, đã hướng đến những đề tài nóng bỏng mang hơi thở của thời đại. Chỉ trong vài chục năm đầu ta đã có những tác phẩm rất có giá trị như: “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến mười bảy ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng mười”… Giá trị nội dung và trình độ nghệ thuật được nâng lên nhanh chóng qua các phim, từ chỗ còn đơn sơ đầu những năm 1960 đã lên đến mức hoàn thiện những năm đầu thập niên 80. Lý giải về sự phát triển nhanh chóng và đáng quý ấy chỉ có thế nói đến sự dấn thân cho nghệ thuật của các nhà nghệ sĩ. Mỗi khi làm phim, các nhà nghệ sĩ không chỉ phục vụ cho một lý tưởng xã hội mà họ mong muốn qua mỗi bộ phim họ còn được thể hiện bản ngã của mình, tìm thấy niềm vinh quang và danh dự của mình trước sự tôn trọng của xã hội.
Tôi tin rằng thời kỳ các hãng phim tư nhân nhỏ lẻ mọc lên và chao đảo thường xuyên trước sóng gió của thị trường rồi sẽ qua. Trong xã hội hiện đại cần những tập đoàn hoạt động ổn định, có tầm nhìn lâu dài trong lĩnh vực văn hóa giải trí. Khi đó, sẽ xuất hiện những hãng phim lớn, những định hướng dài hơi và phong cách nghệ thuật của các đơn vị làm phim. Việc đầu tư cho các bộ phim nghệ thuật sẽ được chú trọng trở lại như một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể của hoạt động điện ảnh. Và ngay từ bây giờ, để có được điều đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, công tác quản lý và chính sách điện ảnh phải có định hướng rõ ràng. Sẽ rất buồn nếu nền điện ảnh tiếp tục sa sút và nền nghệ thuật bị thị trường hoàn toàn thao túng.