Những ánh xạ từ một bề dày văn hóa

Thứ Sáu, 15/11/2024, 20:09

Có lẽ, không ít người bất ngờ khi ở tuổi “gần đất xa trời”, nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng vẫn trình làng bộ sách đồ sộ “Tỏa sáng đất trời Nam” lưu giữ hình ảnh, tư liệu về những bậc tài danh đất Việt. Cuộc ra mắt sách tại 65 Nguyễn Du là cuộc hội ngộ của những mái đầu bạc, lặng lẽ, chân tình. Ở đó, tất cả đều bày tỏ sự nể trọng sức lao động bền bỉ, phi thường của một con người, một nhân cách.

1. Trong giới văn nghệ, mọi người quý mến ông bởi tính chân tình với bạn bè, đồng nghiệp. Họ nể trọng, sửng sốt bởi sức làm việc phi thường của một Hoàng Kim Đáng qua gần 20 đầu sách ảnh, ký, thơ in chung và riêng. Trong đó có những cuốn như “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” (2007); “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX"; “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh”...

nghệ sĩ nhiếp, nhà báo hoàng kim đáng tại lễ ra mắt sách.jpg -0
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng tại lễ ra mắt sách.

Và, mới đây là cuốn “Tỏa sáng đất trời Nam” (NXB Hội Nhà văn). Đây là cuốn sách đặc biệt bởi nó được viết từ năm ông 83 tuổi, hoàn thành ở tuổi 85 và ông vừa qua bạo bệnh trở về. Đó là cuốn sách đồ sộ nhất trong gần 20 đầu sách của ông. Với gần 500 trang, cuốn sách là những trang sử tôn vinh những vị hào kiệt của đất nước, được trình bày trang trọng với bìa cứng và in màu công nghệ cao.

Tác phẩm tập hợp những bức ảnh quý giá và kho tư liệu độc đáo về các danh nhân Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về lĩnh vực khoa học có Giáo sư Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khánh Toàn; văn hóa - lịch sử có Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Hữu Ngọc; hội họa có Nghiêm-Liên-Sáng-Phái; âm nhạc có nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước; sân khấu có Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị... Mỗi bức ảnh đều ẩn chứa câu chuyện sống động qua góc nhìn tinh tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ lòng biết ơn đến những gì ông đã sống và làm. Chủ tịch Hội Nhà văn nói: “Tôi không hình dung được con đường ông đi từ những năm tháng tuổi trẻ, đi qua những số phận, những nhân chứng lịch sử, trí thức Việt, người còn sống, người đã khuất bóng. Nhìn lại, chúng ta thấy, mỗi thời đại một thế hệ làm cho dân tộc lớn hơn, sâu thẳm hơn trong tâm hồn, trong ký ức của chúng ta. Nếu ghép tất cả những bức ảnh lại, ta sẽ thấy chân dung của dân tộc, chân dung thời đại, con người Việt. Tôi và những người được thụ hưởng vẻ đẹp của những con người qua tác phẩm xin bày tỏ lòng biết ơn những gì ông đã sống, đã đi, đã lưu giữ để những vẻ đẹp trong quá khứ hiện diện hôm nay làm lan tỏa trong thời điểm nhiều giá trị đang bị mất mát. Thời gian trôi qua, những bức ảnh, những câu chuyện của ông càng có giá trị và cần được bảo tồn”.

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi ông là một nghệ sĩ lớn, bởi những cống hiến của ông cho đời sống văn nghệ nước nhà. “Ông là người đa tài, vừa chụp ảnh, vừa viết văn, viết từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bằng ngòi bút ấy, ông dựng chân dung nghệ sĩ, viết văn nhìn bằng con mắt của nhà nhiếp ảnh, nên sẽ khác nhà văn. Ông chụp ảnh bằng cái cảm của một nhà văn nên chân dung ấy cũng khác chân dung của các nhà nhiếp ảnh đơn thuần. Ở ông, kết hợp được hai hình thức ấy, vì thế có những bí mật của họ chỉ có ông mới ghi lại được”.

Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: "Tôi biết, anh Đáng đã chuẩn bị cho công trình này cả 30-40 năm trước. Anh ấy đã làm việc từ rất lâu rồi để có thể cẩn thận và tỉ mỉ ghi chép, lưu giữ những tư liệu quý giá nhất về cả những người đã khuất và những người đương thời nhưng rất khó gặp. Cuốn sách của anh là kho tư liệu quý giá cho mỗi người để hiểu, để tìm, để biết về những tấm gương hiền nhân. Đây không chỉ là tâm huyết mà anh đã làm việc rất có trách nhiệm với sự nghiệp văn học của đất nước".

Nhà thơ Bằng Việt cũng chia sẻ, điểm đặc biệt của cuốn sách là không phải một hội đồng khoa học tuyển chọn nào, mà chính bằng uy tín, trách nhiệm cá nhân, nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng đã lựa chọn và viết về những con người có những uy tín và sức lan tỏa quý giá đối với công chúng. Đây có lẽ là một cách làm chúng ta nên tham khảo để giới văn chương, báo chí có thể giới thiệu nhiều hơn những người Việt Nam tới bạn bè năm châu.

2. Quả thực, nhìn cuốn sách đồ sộ với những tư liệu, những bức ảnh được ông gìn giữ, trình bày cẩn thận cho thấy sức làm việc bền bỉ, phi thường của một nghệ sĩ ở tuổi 86 như ông. Ở đó một bề dày lịch sử, văn hóa đất nước hiện ra. 40 danh nhân mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng đưa vào cuốn sách ở nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, y học, lịch sử... Nó không phải được viết, được nhìn nhận hay thống kê thành tích theo một khuôn mẫu mà mỗi nhân vật lại có cách khai thác và cảm thụ riêng nhằm làm bật lên một ý đồ nào đó.

Ví dụ như về nhạc sĩ Văn Cao, tác giả nhấn mạnh sự bi hùng của con người này, những trắc trở của một số phận thiên tài trong những biến thiên của thời cuộc. Ở một khía cạnh nào đó, người ta cũng hiểu rằng, để có một thiên tài không phải là điều dễ dàng. Hay, những câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một người bạn thân thiết của ông...

cuốn sách mới của nghệ sĩ nhiếp ảnh hoàng kim đáng.jpg -0
Cuốn sách mới của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.

Hoàng Kim Đáng không chỉ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp lại chân dung nhân vật, không chỉ lưu giữ những tư liệu, thành tựu về họ mà còn trân trọng cả những khoảnh khắc đời thường, có khi chỉ là một câu nói, một tình huống hay một câu chuyện nhỏ nào đó. Ví như việc ông tả lại hình dáng nhà văn Nguyễn Tuân hay lời phát biểu của nhà văn trong buổi ông cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng đưa đoàn nhà văn, nhà thơ Liên Xô xuống thăm công trình thủy điện sông Đà, cách Nguyễn Tuân muốn thay tên “Làng chuyên gia” bằng tên “Làng Vơ La đi mia i lích Lê Nin”.

Hay, trong thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi cho ông mùa thu năm 1986, lời ghi chú bị run tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cuộc hội ngộ, kể cả lời nhận xét của Lưu Quang Vũ về Tào Mạt sau Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Lúc ấy, Lưu Quang Vũ có tới 8 vở dự thi và thắng cả 8 (6 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc) trong khi tác giả Tào Mạt chỉ có bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” đoạt Huy chương Vàng. Lưu Quang Vũ nhận xét với ông Hoàng Kim Đáng rằng: “Chú Tào Mạt là bậc thầy trên nhiều lĩnh vực”. Hay, cách nói sinh động, hài nước, giàu tính châm chiếm của Xuân Quỳnh được viện dẫn khi cô đánh giá về từng kiểu người, nào là “trâu luộc cả con”, “chó lai Tây”, “Anh ta còn tập nói cho đúng ngữ pháp”... Kể cả đời sống khó khăn của Xuân Quỳnh trong những năm tháng bao cấp, phải đi vay tiền khắp các đồng nghiệp, trừ vay ông Đáng vì biết ông không có tiền, thế nhưng cô vẫn có quà chu đáo với mọi người...

các tác phẩm nhiếp ảnh của nhà báo hoàng kim đáng.jpg -0
Các tác phẩm nhiếp ảnh của nhà báo Hoàng Kim Đáng.

Cuốn sách, nói như nhà thơ Bằng Việt là một chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Nó cần thiết cho thế hệ trẻ trong thời đại hôm nay, khi các giá trị truyền thống đang mai một, nhắc nhở chúng ta không được lãng quên quá khứ.

Ông nói, ông vẫn còn nhiều ý tưởng và tiếp tục ra sách khi vẫn còn được sống. Câu nói tưởng như bình thường ấy khiến thế hệ chúng tôi phải suy ngẫm. Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 ở phố Bắc Cầu, la liệt sách, báo và ảnh, người nghệ sĩ già vẫn cặm cụi bên bàn làm việc, chưa từng một ngày nghỉ ngơi. Điều gì khiến một người 86 tuổi vẫn hăm hở sống, đau đáu với những di sản mà ông đã lưu giữ trong hành trình dài của cuộc đời mình. Đó là tình yêu, tâm thế cống hiến và sức lao động phi thường của một con người, một nghệ sĩ có bề dày văn hóa... “Vì thế, tác phẩm của ông có nhiều ánh xạ từ một bề dày mà không phải nghệ sĩ nào cũng đạt tới” (nhà thơ Bế Kiến Quốc).

Việt Hà
.
.
.