Nhà thơ Vương Cường -  “Làm mới mình là tạo ra sự khác biệt”

Thứ Năm, 13/10/2022, 17:27

Nhà thơ Vương Cường là cây bút xứ Nghệ khá sắc sảo, luôn đổi mới trong từng tác phẩm và nhận rõ con đường thơ mà mình đi là gian nan, vất vả. Các tập thơ "Bài hát đi tìm một người", "Đám mây hình thiếu phụ", "Canh chừng lãng quên", "Thơ chọn" đã định hình một phong cách thơ độc đáo, mới mẻ, triết lí mà rất tinh tế, giàu thi ảnh. Nhà thơ Vương Cường luôn ý thức khi cầm bút, muốn làm mới thì trước hết phải tạo ra sự khác biệt.

- Sinh ra ở làng quê trong một dòng họ truyền thống hiếu học và thừa hưởng dòng máu văn chương, nhà thơ Vương Cường có thể chia sẻ về con đường thơ của mình? Nhà thơ Thạch Quỳ ảnh hưởng đến ông như thế nào?

+ Tôi cũng như nhiều người được sinh ra ở một làng quê, từ một dòng họ, một gia đình. Nói về truyền thống hiếu học thì quê tôi, họ tôi chưa hẳn đã nhiều bằng làng quê khác. Tình yêu quê tự hào là người con xứ Nghệ chắc chắn tôi cũng như nhiều người. Tôi giữ mãi cảm xúc khi lần đầu xa quê lúc trở về nhìn thấy ngọn tre làng, bước chân tôi như ríu vào nhau. Thường đứng ngẩn ngơ trước cánh đồng làng hay âm thầm, lặng lẽ ngắm nhìn từng mộ chí ở nghĩa địa làng. Phần lớn người làng tôi, họ tôi đều đặc biệt quan tâm, tôn trọng việc học hành. Quê tôi, xứ Nghệ học để nên người tử tế nhưng không thực dụng. Điều này với tôi rất quan trọng và ảnh hưởng tới tính cách sau này của tôi. Đất xứ Nghệ núi cao, sông sâu, người xứ Nghệ trọng nghĩa khinh tài, thật may mắn cho người cầm bút được sinh ra ở đó.

img-6819.jpg -0
Nhà thơ Vương Cường.

Ở làng Đông Bích, nhất là người họ Vương có nhiều người, nhiều đời yêu và làm thơ. Tôi bắt đầu lớn đã nghe các cha, chú, các anh đọc thơ, nói chuyện thơ hàng ngày. Ai nghĩ được gì thì lập tức tìm người để đọc, để nói. Tôi nhớ rất nhiều câu thơ do nghe lỏm như thế. Ở tất cả các nhà thờ từ nhà thờ Đại tôn họ Vương trở xuống đều có câu đối. Nhiều câu đối nhắc nhở hay đề cao đèn sách, văn chương, chữ nghĩa, giữ gìn nếp nhà.

Tôi lớn lên trong khung cảnh đó. Từ làng có nhiều con đường ngoằn ngoèo chạy ra phố huyện và các thành phố khác. Lớn dần tôi cứ đi trên những con đường đó, nối với thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên từ bên trong đã có dòng máu thơ nên môi trường ảnh hưởng lớn. Người hun đúc sự say mê thơ với các nhà thơ họ Vương là chú Vương Đình Trâm. Chú đọc phân tích thơ từ cổ chí kim. Chú yêu Nguyễn Du, Nguyễn Bính đến kỳ lạ. Chú chuyền ngọn lửa ấy sang cho tất cả mọi người. Anh tôi - nhà thơ Thạch Quỳ thuở tôi còn bé đang học phổ thông thường nhờ tôi chép thơ gửi Báo Văn Nghệ. Những câu thơ của anh ám ảnh tôi khi còn nhỏ. Những Tết chú Vương Trọng, anh Thạch Quỳ về họ tôi thường tổ chức những đêm đọc thơ. Người đọc và người nghe chủ yếu là anh em trong họ và một số người làng. Những đêm như vậy cũng đi theo suốt cuộc đời.

Tôi làm thơ từ năm 13 tuổi. Làm thơ theo cảm tính, bản năng đến cả chục năm trời. Cảm tính, bản năng vì thấy có thơ lục bát hay bảy chữ là mình cứ thế viết theo. Say mê viết của người chưa biết gì về những đòi hỏi cao siêu của thơ. Tôi có 4 tập thơ đã in. Khi anh Nguyễn Trọng Tạo còn sống thường nói với tôi, tập thơ đầu tay "Bài hát đi tìm một người" (1997) chỉ là cái đuôi theo sau các nhà thơ chống Mỹ. Tập "Đám mây hình thiếu phụ" (2010) đã bắt đầu tách ra khỏi đám đông nhưng chưa thật khác biệt. Đến tập "Canh chừng lãng quên" và "Thơ chọn" thì đã khác. Tính khác biệt được thể hiện rõ nét hơn nhiều. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thường rất khen những bài thơ viết ở thời hậu chiến như "Cõng bạn đi chơi", "Thăm đồng đội cũ"...

Con đường thơ tôi vừa đi, vừa viết vừa tự nhận thức để tìm ra mình. Đó cũng là con đường biến chuyển của thi pháp, con đường chuyển thơ từ ý thức sang thơ vô thức.

- Một trong những yêu cầu đặc biệt của người làm thơ chính là luôn làm mới mình, với nhà thơ, ông đã làm thế nào để "tự đổi mới" mình?

+ Tôi biết từ rất sớm lối đi của thơ chỉ dành cho một người. Muốn trở thành nhà thơ, thơ phải khác biệt, không giống ai dù đó là nhà thơ thiên tài Nguyễn Du. Nhưng phải mất cả chục năm mới thay đổi được mình bằng sự nhận thức lý luận. Tôi đã từng loay hoay đổi mới thơ nhưng thật ra là cải tiến. Ví dụ tôi tin thơ lục bát và để làm mới nó tôi thường viết phá cách, phá thể. Nhưng rồi tôi vẫn nhận ra dù thay đổi hay cải tiến thế nào thì lục bát vẫn là lục bát. Khó nói nếu viết lục bát thường được người đọc và khen hay. Đây là cái khó nhất của người viết khi về lý thuyết cho thấy phải vượt qua. Khi thơ lục bát đã trở về nơi sinh ra nó, dân gian, với tư cách nhà thơ tôi phải nghĩ tới sáng tạo.

Tôi nhận ra rằng dù cải tiến thế nào nếu thi pháp không thay đổi thì cũng bằng không. Từ đó tôi suy nghĩ và thay đổi thi pháp. Xa lánh hoàn toàn những thơ mang tính công thức dễ đến ngàn năm ngự trị. Nó ra đời trong một xã hội gần như đứng yên và người dân mù chữ. Thời đại đã khác. Cha ông ta đã vượt qua thơ Đường - loại thơ công thức khắt khe nhất để có thơ mới theo hướng hiện đại. Phần mình phải vượt qua lục bát để tiến tới hiện đại hoàn toàn phù hợp với xu thế mới của lịch sử. Bài thơ lục bát cuối cùng tôi viết năm 1989.

Sau thi pháp tôi chú ý ngôn ngữ, Tôi nhận ra ngôn ngữ thơ nhúng chìm trong cảm xúc, không chỉ tạo ra sự ám ảnh cho người đọc mà nó còn tạo ra ngôn ngữ mới. Sự mò mẫm của tôi được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khuyến khích, tôi càng tin mình đúng. Khi tôi viết bài "Hy vọng", anh Tạo vào khen, Vương Cường đã đổi giọng. Khi tôi viết câu thơ "Anh nghẹn bát cơm nếp nương thơm nỗi niềm khói xới" anh Tạo khen: "có chữ mới: khói xới". Cứ thế nhờ làm mới tạo ra sự khác biệt hơn nhờ thay đổi từ gốc, thi pháp, thơ dày hơn tạo sự ám ảnh hơn nhờ nhận thức thay đổi về ngôn ngữ. Thơ rất cần cái "mùi" như thế để bạn đọc nhận ra mình.

- Trong tập thơ "Bài hát đi tìm một người" có những bài thơ lục bát. Dư luận bạn đọc nhiều người khen hay vì sự chắt lọc, tinh tế, triết lý nhưng cũng bay bổng giàu thi ảnh. Tứ thơ lạ, độc đáo, ấn tượng về đề tài tình yêu. Nhưng ở ba tập thơ tiếp theo "Đám mây hình thiếu phụ"; "Canh chừng lãng quên"; "Thơ chọn" in chung với nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, bạn đọc không còn thấy ông viết một bài lục bát nào nữa. Ông lý giải điều này như thế nào?

+ Đây là câu hỏi rất hay, rất thú vị. Bạn biết rồi tôi không chỉ là nhà thơ mà tôi còn là người nghiên cứu lý luận. Đã là người nghiên cứu tôi phải phát hiện và luận chứng cái mới, thậm chí cái mới có tính mở đường. Việc nghiên cứu này rất công phu, mất nhiều năm, ở đây tôi chỉ nói vài ý chính thôi.

Như đã nói mãi đến năm 1989 tôi vẫn còn viết thơ lục bát. Nghĩa là tôi chưa ra khỏi loại thơ vần điệu thịnh hành thời kháng chiến trở về trước. Nếu nói thẳng thắn sau Thơ mới thơ Việt Nam không có những bước tiến dài về thi pháp riêng biệt. Lịch sử sau Thơ Mới nhân dân ta tập trung vào cuộc chiến sinh tử giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ một nước nô lệ hơn 90% mù chữ, nghèo nàn, lạc hậu đương đầu với những đế quốc giàu mạnh nhất thế giới. Văn nghệ nói chung thơ nói riêng tham gia cuộc chiến theo cách của mình. Động viên, cố vũ, tuyên truyền toàn dân đoàn kết đánh giặc. Trong hoàn cảnh đó "thơ vần điệu trong luật" nhất là thơ lục bát như một vũ khí không thể thay thế. Môi trường ấy thơ lục bát phát triển sum suê, thậm chí cả vè. Chúng ta không có cơ hội hay phút nghỉ dừng chân để các nhà nghiên cứu, các nhà thơ nghĩ về thi pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc đã đưa ra quan niệm "thơ không vần" nhưng thực tế cuộc kháng chiến không chấp nhận. Ý tưởng đó chết ngay khi chưa kịp ra đời.

Thơ của anh hay của tôi dứt khoát phải khác nhau. Muốn thế từ thi pháp phải khác nhau. Từng bài thơ có thi pháp riêng. Nếu anh và tôi cùng viết thơ lục bát thì chúng ta đã giống nhau một phần rồi. Phần đó chính là phần công thức chung của bài thơ. Chúng ta cùng làm thơ lục bát khác gì đang phổ lời cho bản nhạc dân gian. Tôi chưa nói sự cứng nhắc, thiếu uyển chuyển mờ ảo như thơ đã chống lại mọi cố gắng diễn đạt của nhà thơ. Tôi cũng như các nhà thơ khác, nhận ra thơ lục bát dễ viết mà khó hay. Nghĩa là chưa nhận thức bằng lý luận khoa học.

Với thi pháp này, nhất thiết nhà thơ phải sống và trải nghiệm nhiều hơn, lưu lại những thi ảnh trong hồn và thơ có thể chuyển tải mọi nội dung dù phong phú đến đâu… Thời của kinh tế thị trường toàn cầu hóa làm cơ sở và cho phép các nhà thơ chuyển hóa… Như vậy bạn có thể hiểu vì sao từ năm 1989 đến nay tôi không viết thơ lục bát...

- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Vương Cường về cuộc trò chuyện.

Vân Khánh (thực hiện)
.
.
.