Nguyện mở, mở ra nhiều cảm thức trong thơ

Chủ Nhật, 10/11/2024, 05:41

Tôi lại gặp nhà thơ "Muốn đãi quặng thành vàng" Hoàng Liên Sơn qua tập thơ mới xuất bản "Nguyện mở" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024) mà nhà thơ vừa gửi tặng tôi.

...Con hành trình sống với bây giờ và ở đây
Nhưng Nguyện mở
Với trọn kiếp long đong trên trái đất này (Vô biên).
Nguyện mở là vậy chăng?!

Tập thơ "Nguyện mở" chia ra bốn phần: Giữ và Buông; Trong thất; Lành thay; Hạnh đầu đà. Mỗi phần tác giả đi sâu vào những đề tài mà mình quan tâm. Tôi có cảm tưởng cả tập tập thơ đều nhuốm màu sắc Thiền! Đúng hơn là cách nhìn nhận thế sự nhân tình có phần nghiêng về cách nhìn của nhà Phật. Thiết nghĩ, đạo lý dân gian của chúng ta từ xưa đến nay đều có yếu tố này...

Bây giờ nhiều người làm thơ nhân danh đổi mới mà làm ra nhiều thứ không phải là thơ! Họ quay ngang, quay ngược, làm xiếc trên từng con chữ, rối rắm, khó hiểu... Hoàng Liên Sơn cũng nhiều trăn trở, cũng muốn thơ mình có những nét khác người... Nhưng, Sơn không "câu mây, câu gió" mà viết về những điều bình dị trong chính gia đình mình, trong chính mình, những việc, những người quanh mình... Bài thơ "Tôi kính vợ tôi"... chỉ có ba câu:

Là kính mẹ của các con tôi
Và kính bà của các cháu tôi
Cùng kính cụ của các chắt tôi.

Đọc qua tưởng chẳng có gì mới lạ, những ngẫm kỹ cũng không phải không có gì mới!

Còn đây là bài thơ "May mắn":

Trong số những người nhiễm vi rút viêm gan/ Anh may mắn vì đã phát hiện ra khi chưa quá muộn/ Trong số những người phát hiện ra/ Anh may mắn vì ngày nay đã có thuốc chữa/ Trong số những người phải chữa/ Anh may mắn vì có tiền mua thuốc/ Trong số những người có tiền mua thuốc/ Anh may mắn vì thuốc có tác dụng đối với bệnh của anh/ Nên đừng phàn nàn về số phận hẩm hiu/ Anh vẫn còn may mắn những bốn lần.

Tưởng viết chơi chơi nhưng bài thơ đã mở ra cảm thức mới về sự may mắn, tôi tin là người đọc sẽ đồng cảm về điều này. Và đây là bài thơ "Phúc":

Đông con
Đếm bằng số chân có trên giường
Nhiều cháu
Nhắc theo tên bố mẹ
Lắm chắt
Phân luồng nhà ông nọ bà kia...

Nguyện mở, mở ra nhiều cảm thức trong thơ -0

Đọc thấy vui vui mà ngẫm kỹ chính là cách nói dân gian thâm sâu! Tôi thích nhiều câu thơ trong tập "Nguyện mở" bởi sự giản dị, mà sự giản dị này nói như nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp George Sand: "Giản dị là cái khó nhất trên đời này. Đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực tột cùng của thiên tài…".

Chiều nay khi công trường đóng cửa
Chợt nhớ bếp nhà
Không phải tại món ăn quán dở
Hay e dè bát đũa rửa qua loa
Mà vắng mùi từ lỗ thoát hơi nồi cơm điện
(Giản dị)

Sáng nay đọc trên Facebook của Hoàng Liên Sơn thấy nhà thơ viết: "Thơ là biến thế giới của mình thành thế giới của người khác"...Tôi đã đọc nhiều định nghĩa về thơ của nhiều nhà thơ, nhà phê bình trong nước và thế giới, riêng định nghĩa về thơ của Sơn thật ra cũng là một cách nói về sự đồng cảm trong thơ. Nếu như trong tiểu thuyết sự thành công của người viết là sáng tạo ra những nhân vật điển hình như Chí Phèo, Thị Nở... Thì trong thơ chính là tâm trạng điển hình. Người thơ phải sống hết mình, yêu hết mình, cảm nhận hết mình mới có được tâm trạng điển hình, để câu thơ "Nối được hồn ta hồn người" (Lê Quốc Hán).

Sơn "Tự răn" như sau:

...Ông Bill Gate bỏ qua tờ nghìn đô vì sợ phí thời gian
Thì với bạn tờ nghìn đồng cũng vậy
Hãy trông quỹ ngày giờ hữu hạn
Tự quyết cái cần làm và cái phải lờ đi
(Tự răn)

Còn đây là bài thơ "Kính":

Đứa con tuổi thơ mùa đông không đeo tất
Hệt bố từng thò bàn chân ra khỏi tấm chăn
Đã nhắc điều bố không nhận ra dù luôn sờ sờ trước mắt...

Là thế, nhiều khi người lớn nhắc nhở con những điều mà chính mình luôn mắc phải, cái điều hiển nhiên này nhưng cũng khá thâm sâu, người có quyền đi phê bình người khác nhưng mình lại không làm gương!

Hoàng Liên Sơn từng đoạt giải Ba về truyện ngắn trong cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh (giai đoạn hai gọi là Tầm nhìn thế kỷ) 1999-2001 do Báo Tiền phong tổ chức thời tôi còn là Tổng biên tập. Thời đó, tôi vừa là Trưởng ban tổ chức vừa là Trưởng ban giám khảo. Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng... tham gia trong ban giám khảo và nhiều tác giả đoạt giải cuộc thi nay đã là nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Lê Minh Khuê, Huỳnh Thạch Thảo, Hà Phạm Phú, Lê Quốc Hán, Đồng Đức Bốn...

Hoàng Liên Sơn đã xuất bản tập truyện ngắn "Ai chiếu đi" (2003) và ba tập thơ, rồi tùy bút phê bình; phê bình tiểu thuyết... Là học sinh chuyên toán rồi sinh viên Đại học Bách khoa, sau khi tốt nghiệp Sơn theo nghề kỹ thuật điện, nên viết văn làm thơ, viết phê bình như là một cái nghiệp!

Trong những bài viết về thơ Sơn, nhận định của Paul Nguyễn Hoàng Đức theo tôi là khá chuẩn: Đọc thơ Hoàng Liên Sơn ta thấy anh luôn dựa vào hiện thực cuộc đời, ngay cả những sinh hoạt trực tiếp trong gia đình để phát hiện ra những nguyên lý, những điều cao cả hay ý nghĩa cuộc sống (Trích trong tập thơ "Quyền tỏa sáng" của Sơn).

Nhiều câu thơ của Sơn trong tập "Nguyện mở" khá thú vị:

Ôi ông bố lạ kỳ
Đặt cho con cái tên ngất trời hùng vĩ
(Hoàng Liên Sơn)

...Bất hạnh sẽ qua đi, vì hạnh phúc cũng vô thường (Của anh)

Xưa bố dạy đừng luộc quá lâu
Nay cả nhà ăn rau hầm
Răng bố chiếc còn chiếc mất
(Vitamin)

Thơm kín xe
Mở cổng mẹ còn dặn với
Quả nứt vỏ thì ăn trước
(Chuối chín cây...)

Trong bốn phần của tập thơ "Nguyện mở", Hoàng Liên Sơn dành hẳn một phần Hạnh Đầu Đà để nói về sự kiện được nhiều người quan tâm gần đây. Tuy không nói rõ, nhưng đọc thơ tôi nhận thấy là về hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ.

Không tàn vàng lọng tía
Đầu trần bước trong mưa
Không giường ấm nệm êm
Dưới mái hiên yên giấc ngủ ngồi
Không bàn cao ghế lớn
Thong dong thọ thực
Dù nắm cơm lẫn miếng nước trời
Không gấm vóc sáng ngời
Từng mảnh úi xùi nhưng ủ ấm ngũ thông
(Oai nghi 1)

"Bạch thầy suốt ngày không thấy người cau mặt" là tên một bài thơ trong phần Hạnh đầu đà. Thiết nghĩ chỉ đọc cái tên bài thơ ta cũng thấy nhà thơ đã mở ra một cảm thức tưởng như cũ mà lại rất thâm sâu!

Không có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận giấu một phần lịch sử

Hai câu này của nhà thơ Nga Eptusenko, tôi thích. Đừng đào bới tìm kiếm đâu xa, hãy tìm trong chính gia đình mình, bản thân mình, quê hương mình… Như người thơ Hoàng Liên Sơn trong tập "Nguyện mở" để mở ra những cảm thức mới trong thơ ...

Sóc Sơn 9/2024

Dương Kỳ Anh
.
.
.