Ngô Tự Lập: Nhà văn tuổi Nhâm Dần dấn thân kiến tạo
TS. Ngô Tự Lập – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là người có niềm đam mê đặc biệt với văn học nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. Ông viết văn, viết lý luận phê bình, làm thơ, sáng tác âm nhạc; đồng thời là nhà dịch thuật. Ông sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Ý. Tác phẩm của ông từng được xuất bản ở 20 nước trên thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Nếu như văn TS. Ngô Tự Lập là những “lát cắt” quyết liệt đời sống, thì thơ ông là những rung chấn từ nỗi buồn nhân thế. Tôi có may mắn được đọc tập “Black Stars” của ông, xuất bản ở nước ngoài. Ông đứng trước thế giới, thế giới đó có quá khứ, hiện tại và tương lai; con người có lòng tốt và sự dối lừa, đam mê cao thượng lẫn thấp hèn; bản thân mình thì “mái tóc đang rụng xuống như cây rừng lở lói” và nhận ra “Từng khoảnh khắc đều minh chứng cho cát bụi” (Thế giới và tôi). Trong tập thơ này có hai bài thơ “Đàn bà những năm sáu mươi”, khác nhau ở (I) và (II).
Đó là những năm sau Đại hội III của Đảng, đất nước bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Từ năm 1965 – 1975, trong mười năm ấy, bom rơi, đạn nổ, “máu và nước mắt” chan đều trên chiều dài đất nước. “Còn cái lai quần cũng đánh”, câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch (Cầu Kè, Trà Vinh) nhắc lại, trở thành khẩu hiệu hành động của thời “máu và hoa”. Biết bao người con gái lên đường đánh giặc giữ nước, họ có thể ở các quân, binh chủng của lực lượng vũ trang, có thể là thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Nhiều người đã ngã xuống “Triệu triệu bầu vú bị chặt đứt khỏi thân mình đau đớn/ Rơi như những trái dừa xanh xuống đất mềm/ Những trái dừa xanh cả dưới mồ vẫn còn căng mẩy”.
...
Người đàn bà đứng nép bên rào
Già nua khô quắt như cây muồng muồng đã chết
Người đàn bà biết điều mà một nửa loài người không biết
Người đàn bà những năm sáu mươi
("Đàn bà những năm sáu mươi" I)
Sau khi đất nước thống nhất, vì “quá lứa lỡ thì”, hoặc nguyên nhân khác nên nhiều người không lấy được chồng, chịu cảnh đơn côi hoặc vào chùa đi tu... Bài thơ “Đàn bà những năm sáu mươi” II có lẽ là cảm xúc của tác giả sau khi gặp người cựu nữ thanh niên xung phong, hay nữ quân nhân nào đó, giờ đang là “lính nông trường” trồng cây gây rừng, ông viết: “Đã lớn dậy trên đồi/ Bên những cây cọ non ca hát/ Những vết sẹo trên ngực đang lở loét/ Và thời gian ngấm vào tim như rượu độc/ Mang một trời buồn, mày có khóc không?”.
Những vấn đề hậu chiến vẫn ám ảnh nhiều nhà văn, nhà thơ. Nó không mới, nhưng thêm một lát cắt là thêm một sẻ chia, thức tỉnh. “Trung du”, “Vườn anh đào”, “Chiếc dép rơi xuống đầm lầy”... và một số bài nữa, nằm trong mạch cảm xúc ấy.
Đọc thơ của nhà thơ Ngô Tự Lập, tôi nhận ra ông là con người của ưu tư, suy tư về số phận người, số phận dân tộc, số phận loài người. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân, tập thơ có 3 phần, phần 3 mang tên “Con đường trên trần thế”. “Chỉ có một con đường mang tên vô tận/ Xin chớ hoài công tìm kiếm con tàu mang linh hồn tôi” ("Thuyền trưởng"); “Ta đã hiểu được sự khắc khoải/ Và/ Khi bình minh hồn như môi người/ Ta đã hiểu được những ngọn đồi câm lặng/ Nhưng liệu con đường có thể tự bay lên?” ("Giấc mơ khác").
Chắc chắn, không có con đường nào tự bay lên. Mọi con đường phải do con người khai phá, nhiều người đi thành đường mòn, từ đường mòn mà thành xa lộ. Đó là “Con đường thật dài/ Nhưng con sẽ không bao giờ thiếu sự chở che”, “Hãy bước đi và tự tin/ Trong máu con có những vì sao sáng” ("Con đường trên trần thế").
Là người sinh ra ở Hà Nội, hẳn nhiên, Hà Nội có một vị trí đặc biệt. “Hà Nội của tôi/ Thật nhiều lá/ Thật nhiều phố/ Thật nhiều những chiều buồn”. Đó là những năm tháng tuổi thơ trở thành ký ức: “Đầu phố sáng nay hửng nắng/ Tôi đi ngực phong phanh/ Tay đút túi quần, chẳng cần cố nhập cuộc/ Thích thú ăn một que kem toàn nước đá/ Qua chợ Bưởi mua bó dọc mùng chẳng biết để làm gì” ("Hà Nội"). Hà Nội cũng những năm tháng ngây thơ, rộng dài, thanh sạch Tràng An.
Trên nhiều lĩnh vực, TS. Ngô Tự Lập đều có thành tựu. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, cách tiếp cận của Ngô Tự Lập luôn mới, lạ, độc đáo, đặc biệt là lý luận hàn lâm. Ngoài lý luận văn học, ông còn là một nhà nghiên cứu văn hóa Đông – Tây, nhà giáo tâm huyết. Ông luôn quan tâm đến đời sống văn học, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, giảng dạy môn văn trong nhà trường.
Trong cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển” (đã tái bản lần thứ ba), ông đặt câu hỏi: “Tại sao môn Văn lại đáng ghét đến thế? Tại sao học sinh không thích học văn, ngay cả (đôi) khi các em thích văn chương?”. Theo ông, nguyên nhân trực tiếp “giết chết” hứng thú học văn của học sinh chính là phương pháp giáo dục áp đặt. “Về bản chất giáo dục áp đặt là sự nhân bản vô tính về mặt tinh thần mà kết quả là biến xã hội thành một tập hợp các bản sao của những hình mẫu cứng nhắc và xa lạ” (Lời nói đầu cho lần in thứ nhất).
Tuy nhiên, theo Ngô Tự Lập, cốt lõi vấn đề là quan niệm lạc hậu của chúng ta về bản chất văn học. Theo ông, từ lâu người ta đã nhận thấy rằng, văn học không phải là một sản phẩm với những đặc điểm xác định, mà là một quá trình – quá trình tương tác giữa tác giả, người đọc, thực tại lịch sử và ngôn ngữ. “Giá trị của tác phẩm không bất biến. Ngay cả các kiệt tác, các điển phạm trong một nền văn học cũng là những sản phẩm lịch sử, được cộng đồng người lựa chọn cho những yêu cầu lịch sử, vì thế cũng thay đổi cùng với thời gian”, ông khẳng định.
Về bản chất của “giáo dục áp đặt” thì xã hội đã và đang chứng kiến. Các bài “văn mẫu” là ví dụ của “bản sao”. Về việc dạy văn, tôi từng được cô giáo dạy chuyên văn, nhà văn Phan Mai Hương (Hòa Bình) chia sẻ rằng, học trò cô rất thích nghe cô dạy văn học, nhưng phải ngoài “giáo trình được duyệt”. Cô giáo Trần Khánh Toàn, một giáo viên dạy giỏi môn văn ở TP Vũng Tàu từng xác tín, để học sinh hứng thú với môn văn, cô phải luôn sáng tạo cách dạy và phải tìm hiểu tâm lý học sinh. Theo cô, mấu chốt là đánh thức cảm xúc văn học của học sinh đối với văn học nói chung và từng văn bản mà giáo viên đang dạy.
Theo thầy giáo Ngô Tự Lập, cảm xúc không phải là cái gì đó siêu việt, phổ quát và phi lịch sử mà là kết quả của quá trình kiến tạo xã hội. Cách đây gần hai mươi năm, ông đã nhận định: “Ngày nay thế giới đã khác, đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác”. Thế giới thời “xã hội số” càng thay đổi nhanh chóng, có khi “một ngày bằng hai mươi năm”.
Với tư cách là nhà giáo, ở cương vị Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Ngô Tự Lập đang triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và đào tạo thạc sỹ quốc tế, chất lượng cao cho đối tác Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ. IFI đã và đang đi đầu về đào tạo liên ngành tích hợp giữa công nghệ thông tin và khoa học xã hội. “Nếu không có gì thay đổi, sắp tới IFI sẽ mở văn phòng tại Cộng hòa Công Gô, Châu Phi và bắt đầu đào tạo cử nhân”, ông chia sẻ.
TS. Ngô Tự Lập sinh vào năm 1962. Tính đến Nhâm Dần 2022, ông đã sáu vòng “hoa giáp”, gọi là “lục thập hoa giáp”. Theo tử vi, những người sinh năm 1962 thuộc mệnh Kim Bạch Kim (vàng pha bạc), thuộc cung hoàng đạo, đa phần kiên trì và can đảm, luôn sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Điều này đúng với ông.
TS. Ngô Tự Lập từng tốt nghiệp Đại học Hàng hải tại Liên Xô (cũ), là thuyền trưởng Hải quân, sau đó chuyển về Tòa án Quân sự Trung ương. Thế nhưng, văn chương có sức quyến rũ đặc biệt. Năm 2006, Ngô Tự Lập trở thành Tiến sỹ ngôn ngữ và văn chương Anh tại Hoa Kỳ. Ngoài thời gian dành cho văn chương, TS. Ngô Tự Lập còn dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục vì một xã hội số, trong kỷ nguyên 4.0. Dù lĩnh vực nào, Ngô Tự Lập cũng dấn thân, xác lập những giá trị kiến tạo.