Nghệ sĩ ưu tú Trung Hưng: Mỗi tác phẩm múa là cả bầu trời hoa muôn sắc

Thứ Năm, 18/05/2023, 15:58

Biên đạo ở một đơn vị nghệ thuật miền núi được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) không phải dễ. Khi sân khấu lên đèn, người ta chỉ biết cảm nhận nghệ thuật được chuyển tải từ diễn viên múa, chứ mấy khi biết được đằng sau tác phẩm múa là cả một quá trình nghiên cứu và những cống hiến thầm lặng.

Chất xám bỏ ra bằng ngàn giọt mồ hôi rơi thấm trên sàn tập, biên đạo múa NSƯT Trung Hưng (sinh năm 1977) của Nhà hát ca, múa, nhạc tỉnh Sơn La đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không biết mệt mỏi, không phụ lòng tin yêu của những người yêu nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.

Cơ duyên đến với nghề

NSƯT Trung Hưng sinh ra và lớn lên tại thành phố Sơn La, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật để truyền lửa. Được người quen khuyến khích, động viên, sau khi học hết lớp 9 năm 1994, Trung Hưng thi đỗ và theo học khóa 12, hệ 4 năm, Học viện Múa Việt Nam.

nsut trung hưng chụp ảnh cùng diễn viên múa nước chdcnd lào.jpeg -0
NSƯT Trung Hưng chụp ảnh cùng diễn viên múa nước CHDCND Lào.

Từ miền núi xa xôi xuôi về Hà Nội học, anh đâu nghĩ rằng con đường đến với nghệ thuật múa lại gian nan, vất vả đến thế. Những buổi tập trên lớp bám dóng, ép dẻo, lăn lộn toát mồ hôi, thậm chí bật cả móng chân, bong gân, gỉ máu tưởng chừng phải bỏ dở khóa học. Nhưng anh đã quyết tâm, cố chịu đựng để theo kịp bạn bè trong lớp. Càng học anh càng thấy ngấm và thấm, rồi đam mê yêu múa từ lúc nào không hay biết. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp trung cấp diễn viên múa, Trung Hưng về công tác tại Nhà hát ca, múa, nhạc tỉnh Sơn La cho đến bây giờ.

NSƯT Trung Hưng chia sẻ: Những chuyến công tác lên vùng cao huyện Bắc Yên vất vả lắm. Mới đọc tên xã: Háng Đồng, Làng Chếu, Hang Chú, Tà Xùa … đã thấy xa xôi lắm rồi. Quãng đường mòn quanh co, khúc khuỷu, có chỗ đường trơn, vực sâu, xe ô tô không qua được, diễn viên phải đi bộ đường mòn mới đến điểm diễn. Đến nơi thì trời đã xẩm tối, anh chị em diễn viên chỉ kịp hóa trang, thay trang phục và bước lên sân khấu biểu diễn, bữa tối ăn vội bát mì tôm…. Sương mù âm u, thời tiết lạnh buốt giá, diễn viên trong trang phục biểu diễn mỏng tang, ngực trần, cái lạnh thấu xương nhưng vẫn phải tươi cười, bởi có hàng trăm khán giả ngồi dưới đang dõi theo. Có lẽ, chỉ có các nghệ sĩ múa nơi miền núi Tây Bắc mới thấm và cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người chiến sĩ văn hóa khi lên đường làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ khán giả vùng cao.

Được đào tạo bài bản trong môi trường nghệ thuật múa bậc nhất cả nước, 10 năm là diễn viên múa trong tập thể đội múa của nhà hát, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, NSƯT Trung Hưng luôn mong muốn tự bản thân khai phá, sáng tạo bằng chất xám của mình với nhiều ý tưởng hay để gắn bó với nghề múa lâu dài. Năm 2007, anh quyết tâm theo học lớp Cao đẳng biên đạo K13, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội - Hà Nội.

Văn hóa các dân tộc ngấm sâu trong người nghệ sĩ

Từ khi trở thành biên đạo múa đến nay, anh đã biên đạo trên 250 tác phẩm múa từ chuyên nghiệp cho đến quần chúng của các dân tộc Tây Bắc như: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Lào… nhưng nếu để hỏi, có lẽ cho đến giờ anh vẫn tâm đắc và yêu thích nhất là tác phẩm múa “Khèn núi”. Đây là một tác phẩm thi tốt nghiệp lớp biên đạo, các giảng viên là nghệ sĩ nhân dân trực tiếp hướng dẫn, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về nội dung, cấu trúc tác phẩm, ý tưởng sáng tạo, những tạo hình bắt mắt, sự trẻ trung tinh nghịch của những chàng trai dân tộc Mông vùng núi cao với cây khèn đại, đã tôn lên tác phẩm múa để đạt đến sự hoàn mỹ. Tác phẩm múa được đơn vị Nhà hát ca, múa, nhạc tỉnh Sơn La đem đến Hội diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, đạt huy chương Vàng.

Anh biên đạo nhiều chương trình cho Nhà hát tham gia Hội diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đã nhiều năm, tập huấn chuyên môn, bổ sung các tác phẩm múa mới hàng năm để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ở mỗi chương trình, anh đều khai thác một khía cạnh riêng từ chất liệu văn hóa dân gian bản địa để gần gũi với cộng đồng các dân tộc nơi đây. Bản sắc độc đáo được thể hiện trong mỗi tác phẩm múa của anh là sự kết nối từ tinh hoa, khơi nguồn cảm xúc nằm sâu trong tâm hồn, hòa điệu với công chúng để chạm đến trái tim khán giả. Văn hóa 12 dân tộc nơi miền núi Sơn La luôn tạo nguồn cảm hứng để anh sáng tác, đưa lên sân khấu, tái hiện qua những tác phẩm múa như: "Mùa ngô", "Được mùa", "Ước nguyện rừng xanh", "Khèn ngược", "Mừng nhà mới", "Suối đàn 3", "Muôn tỏn múa máư"…

Ngoài ra, anh còn tham gia biên đạo các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh, Trung ương và chương trình nghệ thuật giao lưu với nước bạn Lào như: “Những ngày Văn hóa - Du lịch Sơn La và Hủa Phăn năm 2018” tại tỉnh Hủa Phăn; chương trình “Hương sắc Việt Lào, năm 2022” tại Luông Pha Bang, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa Ban tổ chức tại tỉnh Điện Biên; Chương trình nghệ thuật “Hương sắc vùng cao” chào mừng sự kiện Sắc màu Sơn La - Tây Bắc tại Hà Nội và đặc biệt, anh thường xuyên là cộng tác viên tích cực, biên đạo nhiều chương trình cho đơn vị Công an tỉnh Sơn La tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân lần thứ X, XI, XII đạt nhiều huy chương Vàng, Bạc và Bằng khen.....

tác phẩm múa muôn tỏn múa máư..jpg -0
Tác phẩm múa “Mừng mùa lúa mới”.

Là diễn viên múa, cùng công tác với nhau, nên tôi rất hiểu tính cách của anh. Một nghệ sĩ múa luôn chỉn chu, chau chuốt, cẩn thận cho những đứa con tinh thần của mình. Mỗi tác phẩm múa của anh toát lên được tính cách cá thể, với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, người xem cảm nhận được những tạo hình đẹp, tuyến di chuyển hợp lý, bố cục chặt chẽ, kết hợp động tác múa với âm nhạc độc đáo mang tính nghệ thuật cao, hình thành nên những tác phẩm múa hay, ấn tượng để phục vụ khán giả.

Ngoài dàn dựng chương trình cho đơn vị, anh thường xuyên giúp đỡ chuyên môn, gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh để phát triển. Những tác phẩm múa của anh luôn được giải cao, đứng đầu các cuộc Liên hoan, hội diễn cấp tỉnh và Trung ương như múa: "Hoa trên đá", "Hoa xuân đầu núi", "Gọi trăng", "Hương sắc ngày xuân", "Mừng nhà mới", 'Vũ điệu rồng mây". Đặc biệt, anh còn là một trong 2 biên đạo hỗ trợ, dàn dựng tác phẩm múa “Vũ điệu kết đoàn” của tác giả Tòng Thị Phóng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, tác phẩm đang được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích.

Theo NSƯT Trung Hưng, mỗi một tác phẩm múa phát lộ thì đằng sau đó là cả một quá trình phác thảo, nghiên cứu để làm sao trang phục tôn lên được giá trị của một tác phẩm múa. Với niềm đam mê yêu thích trang phục biểu diễn, anh đã mở một cửa hàng kinh doanh cho thuê trang phục biểu diễn lớn nhất tại thành phố Sơn La hiện nay. Trang phục, đạo cụ biểu diễn của anh đã tạo được uy tín lâu năm, được anh và bà xã tự thiết kế, đặt may theo khuôn mẫu từ trang phục nguyên bản để cách tân hiện đại, phù hợp với xu hướng mới của các dân tộc, với đầy đủ mẫu mã phục vụ nhu cầu của khách hàng gần xa.

Hiện nay, NSƯT Trung Hưng đang giữ chức vụ Đội trưởng đội múa, là hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sơn La. Những cống hiến, sức sáng tạo và sự hy sinh của tuổi trẻ người nghệ sĩ đã được đền đáp bằng những tấm huy chương Vàng, Bạc. Anh được tặng bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019; Danh hiệu NSƯT Nhà nước trao tặng lần thứ IX, năm 2019.

Vẫn những chuỗi ngày miệt mài tư duy quên nghỉ trên sàn tập, cùng niềm đam mê khát khao cháy bỏng, là khía cạnh vẹn tròn để nét văn hóa ngấm sâu trong con người anh nơi vùng cao Tây Bắc - Sơn La luôn được tái hiện trong những tác phẩm múa của mình như một bầu trời hoa muôn sắc.

NSƯT Lò Hải Lam
.
.
.