Mạc Can: Chữ rớt từ trời gởi lại nhân gian

Thứ Bảy, 22/06/2024, 10:37

Trong ánh nắng chiều hâm hấp, người nghệ sĩ ngồi nhìn ra khoảng trời xanh phía trước, ánh mắt ông đầy xa xăm. Ánh mắt của Bác Ba Phi đầy duyên dáng trong phim “Đất phương Nam” đã khiến bao khán giả mê say; ánh mắt của ông Tư Đèo đau đáu tìm con khiến người xem nấc nghẹn trong phim “Cải ơi”; và cả ánh mắt linh hoạt trong các trò “Ảo thuật lật mánh” khiến nhiều khán giả nhí cười sảng khoái.

Ánh mắt ấy giờ bình thản ngồi nhìn heo may thổi qua tuổi ngày đời mình. Ánh mắt ấy là của Mạc Can. Mạc trong họ mẹ, còn Can là cắt đi từ cái tên Cang bởi chữ quá dài. Ổng bắt đầu câu chuyện mình, bằng việc cắt nghĩa danh.

Từ ông “xiếc hề” có cặp mắt điện ảnh

Có lẽ, cho đến lúc này, không ai vào vai Bác Ba Phi hay như Mạc Can. Vai diễn đó trong bộ phim “Đất Phương Nam” đã khiến khán giả ấn tượng sâu sắc đến bây giờ. Từ nhân vật qua phác thảo của nhà văn Đoàn Giỏi, đến vai diễn của Mạc Can như sự hóa thân trọn vẹn nhất. Điệu bộ, trang phục, lời thoại và chính chất giọng tếu táo của ông đã khiến nhân vật Bác Ba Phi in hằn trong tâm thức biết mấy thế hệ. Nhưng, trước khi người ta biết đến Mạc Can diễn viên thì khắp các sân khấu hội chợ của miền Nam đã quen với anh nghệ sĩ chuyên diễn “xiếc hề”, khiến rất nhiều khán giả nhí cười khoái chí.

Mạc Can: Chữ rớt từ trời gởi lại nhân gian -0
Nghệ sĩ Mạc Can trong chương trình “Ký ức vui vẻ”.

Trong một đêm mưa đầu hạ miệt Tiền Giang năm 1945, trên chiếc ghe nhỏ bập bềnh sóng nước, đôi vợ chồng nghệ sĩ xiếc Sạc-lô Trần vui mừng khi nghe tiếng khóc của cậu con trai chào đời, họ đặt tên là Lê Trung Cang. Thuở bé, ông đã theo chiếc ghe nhỏ trôi khắp các bãi diễn để cùng cha mẹ mưu sinh bằng những ngón nghề xiếc đơn sơ. Cứ vậy, ông lớn lên đúng nghĩa của đời “gạo chợ nước sông”. Trong một lần cùng cha diễn xiếc, ông vô tình “bốc mánh” tờ tiền giấu trong nón của cha mà thành trò cười khiến khán giả thích thú. Mặc dù sau buổi diễn, cha ông la đánh nhưng Mạc Can đã bắt đầu hình thành trong lòng mình lối diễn vừa ảo thuật, vừa lật mánh trong sự ngây ngô nhưng là cố tình.

Những năm 90 thế kỷ trước, khắp các sân khấu hội chợ, cái tên “Xiếc Mạc Can” như là sự bảo chứng cho tiếng cười của trẻ nhỏ. Nghiệp diễn cũng đưa đẩy ông ảo thuật gia lấn sân qua điện ảnh, phim truyền hình và cả những bộ phim cổ tích. Đó là khoảng năm 1993, Mạc Can xuất hiện nhiều trên sóng truyền hình qua các bộ phim cổ tích và làm MC cho các chương trình thiếu nhi. Cho đến bây giờ, dân trong nghề vẫn nói với nhau, sẽ khó tìm được một ai khác như Mạc Can, vai diễn nào của ông cũng khiến cả thiếu nhi và người lớn khóc cười theo ông một cách chăm chú. Chỉ cần ông trợn mắt lên làm vẻ ngây ngô cũng đủ để gương mặt ông hề không thể nhịn cười. Chỉ cần ông cụp mắt xuống, gương mặt sụ lại thì đủ để nó nhăn nhúm khiến khán giả khóc. Trời sanh Mạc Can không qua bất cứ trường lớp nào, chỉ học đến lớp 3 thì nghỉ, không bao giờ học thoại, nhưng chính cái bản năng nghệ thuật cùng duyên sân khấu đã khiến ông trụ vững với hơn 60 năm làm nghề.

Khán giả không thể quên ông Tư Đèo trong hành trình tìm con qua bộ phim “Cải ơi”. Ông Tư Đèo khắc khổ, ẩn nhẫn và khát khao một sự hội ngộ với núm ruột của mình. Chỉ ánh mắt rưng rưng và tiếng gọi, ông Tư Đèo khiến khán giả bật khóc một cách ngon lành. Ánh mắt của ông trong “Cải ơi” nó vừa đau đớn của chấp nhận, lại vừa khấp khởi hy vọng. Ánh mắt xoáy vào màn hình, như nhìn về phía khán giả. Đúng ánh mắt ấy nó ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.

Đến nhà văn “chữ rớt trên trời”

Ngồi cùng ông, ở cái tuổi 79, nghe ông kể chuyện, có lúc nhớ, có lúc quên, có lúc khựng lại thật lâu. Chẳng biết lúc đó, mớ kí ức của ông đứt quãng rơi vào cõi quên hay ông nhớ mà chẳng thể kể. Mạc Can của nhà văn theo lời ông là chữ trên trời rơi xuống, ông nhặt nó từ quãng đời bôn ba, rồi cất một góc giữa cuộc mưu sinh. Đến lúc tự dưng lòng mình đòi viết. Đòi một cách không viết là không được. Bởi, viết để sống. Viết mới có tiền. 60 tuổi, ông ngồi xuống và viết “Tấm ván phóng dao”, tiểu thuyết đầu tay ra đời gây tiếng vang trên văn đàn và đoạt Giải A cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005.

Mạc Can: Chữ rớt từ trời gởi lại nhân gian -1
Nghệ sĩ Mạc Can trong một chương trình ảo thuật.

“Tấm ván phóng dao” kể về cuộc sống của một gia đình Nam bộ hành nghề xiếc rong ở các tỉnh miền Tây Nam bộ vào những năm tháng đầy khó khăn. Nhân vật chính là 3 anh em biểu diễn tiết mục phóng dao hằng đêm. Họ đều có những nỗi cô đơn, sợ hãi và đau khổ của riêng mình. Đó là sự ức chế tinh thần của người anh hai trong mỗi lần phóng dao về cô em gái đứng trước tấm ván. Anh âm thầm chịu đựng những sự giằng xé đó mà không có cách nào thoát khỏi bởi tiết mục biểu diễn ấy là nguồn sống nuôi cả gánh xiếc.

Còn người em gái 14 tuổi, từ nhỏ thay vì được chơi với hoa, với búp bê như bao bạn bè đồng trang lứa, cô đã phải làm cô đào đứng trước tấm ván, chứng kiến những mũi dao sắc bén lao vào người. Ám ảnh, hoang mang, tuyệt vọng khi đối mặt với màn biểu diễn nghiệt ngã mỗi ngày. Người cuối cùng, người anh ba, nhân vật đỡ tấm ván, cũng là một người có trái tim nhạy cảm và luôn ước ao thoát khỏi thực tại tàn bạo đó. Đêm nào cũng phải chứng kiến những mũi dao sắc nhọn lao về phía em mình, anh như phát điên.

Cả ba anh em không dám nói với cha để bỏ tiết mục biểu diễn kinh khủng đó. Cho đến khi người anh hai trong một lần phân tâm đã khiến cô em gái bị chấn thương não bởi mũi dao. Tiểu thuyết kết thúc rất buồn thảm, các nhân vật đều chịu đựng cô đơn, chết sớm, tù tội hoặc tâm thần... Thân phận con người qua ngòi bút của Mạc Can lập tức đánh động văn đàn, bởi giọng văn gần gũi, chân phương, kể như không kể, nỗi đau ghim sâu hoắm rồi cứ vậy mênh mông trong cõi lòng độc giả.

Từ cuốn tiểu thuyết thành công vang dội đó, Mạc Can đặt chân vào làng văn bằng hàng loạt tác phẩm như: “Tờ 100 đô la âm phủ”, “Cuộc hành lễ buổi sáng”, “Người nói tiếng bồ câu”, “Phóng viên mồ côi”, “Những bầy mèo vô sinh”... Lấp lánh sau câu chữ, người đọc nhận ra đâu đó có phần đời của chính Mạc Can. Hầu như đó là kí ức của ngụp lặn, chìm nổi, thăng trầm mà chính ông kí thác vào con chữ của mình. Ông viết nhiều đến độ, có một dạo làng văn TP Hồ Chí Minh gọi đùa Mạc Can là nhà văn trẻ sung sức nhất. Dường như, văn chương giúp ông thăng hoa với cuộc sống hơn, nhất là số phận long đong ruổi rong của ông cứ như trò đùa tạo hóa an bày. Nhưng, với Mạc Can của năm 79 tuổi, nhìn lại ông chỉ cười tỉnh queo, bởi khi ấy viết chính là nguồn thu nhập để sống. Đơn giản của người nghệ sĩ, của ông nhà văn là phải sống trước cái đã. Sống bằng chính những gì mình có được.

Ông lập gia đình cùng cô gái Nhật tên Yoko, không kết hôn nhưng hầu như văn nghệ sĩ Sài Gòn ai cũng biết. Rồi, lại có lúc người ta thấy ông lủi thủi một mình, hỏi ra mới hay ông đã chia tay vợ. Cũng có lúc ông mất hút đâu đó tận nửa vòng trái đất. Chừng 2 năm sau lại thấy ông quay về Sài Gòn, ông cũng cười nhẹ nhàng nói mình không thể phù hợp với đất Mỹ. Cái buồn nó khiến ông phải quay về cố hương. Sau này lại thấy ông cùng bà Yoko tá túc trong một ngôi nhà thuê ở Bình Tân, cho đến khi bà mất vào năm 2022.

Mạc Can bây giờ lẩn thẩn nhớ quên, căn bệnh xương khớp khiến ông chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng vẫn kè kè cái laptop cũ bên mình. Chiếc bàn viết nhỏ gọn, đặt gần giường ngủ luôn là nơi ông chắt chiu “chữ rớt từ trời” gởi lại nhân gian. Ông vẫn viết, thoảng khi mệt thì nằm, có khi mơ cũng ra được cái truyện. Ông cười nói thế. Khi tôi quay gót đi trong ánh nắng chiều. Nụ cười ông vẫn trẻ. Ánh mắt ông vẫn xa xăm. Nghệ sĩ xiếc, diễn viên, hay nhà văn, với ông có quá nhiều danh xưng. Tôi hỏi ông chọn cho mình thứ gì? Ông chắc nịch hai chữ: Mạc Can.

Tống Phước Bảo
.
.
.