Luôn biết ơn cuộc đời

Thứ Bảy, 16/12/2023, 16:29

Đại tá, NSƯT Khương Đức Thuận là một nghệ sĩ được đông đảo công chúng yêu mến. Anh thành công cả ở vai trò diễn viên/ đạo diễn trên lĩnh vực sân khấu và phim ảnh. Một niềm vui lớn vừa đến với NSƯT Khương Đức Thuận khi anh là một trong 3 nghệ sĩ của lực lượng CAND có tên trong danh sách nghệ sĩ được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần thứ 10 năm 2023.

Câu chuyện giữa chúng tôi và NSƯT Khương Đức Thuận diễn ra tại căn hộ chung cư anh đang sinh sống. Thật tự hào vì trong danh sách nghệ sĩ được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu NSND đợt này có 3 NSƯT trong lực lượng CAND. Đó là NSƯT Hương Dung, NSƯT Hồng Tuấn và NSƯT Khương Đức Thuận. Đây là niềm vui, niềm vinh dự cũng là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của các nghệ sĩ CAND trong lĩnh vực nghệ thuật.

untitled-2.jpg -1
Nghệ sĩ Khương Đức Thuận trong một cảnh phim.

Thật “hữu duyên” khi NSƯT Khương Đức Thuận đón nhận niềm vui mới ở thời điểm anh vừa tròn 70 tuổi, lại đúng tháng 12, “tháng của những người lính”. Ít ai biết rằng, người nghệ sĩ mang sắc phục CAND này đã từng có 5 năm khoác màu áo lính biểu diễn ở những chiến trường ác liệt nhất. Giờ đây, những ngày tháng tươi đẹp và đầy tự hào của nghệ sĩ - chiến sĩ vẫn in đậm trong anh. Theo dòng hồi ức, NSƯT Khương Đức Thuận kể, tháng 1/1971, tốt nghiệp lớp diễn viên Khóa 2, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), cùng lớp với những nghệ sĩ nổi tiếng sau này như NSND Lê Hùng, NSND Tất Bình, NSƯT Nguyễn Anh Dũng… anh được phân công về Đoàn văn công Quân giải phóng Quân Khu V.

Khoác ba lô hành quân vào chiến trường khu V đúng thời điểm cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất trong trùng trùng đoàn quân có nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp các trường nghệ thuật như Khương Đức Thuận. Những diễn viên, nhạc công tuổi vừa chớm đôi mươi để lại sau lưng làng quê yêu dấu, những mối tình chớm nở, tay súng tay đàn lao vào nơi bịt bùng lửa đạn. Giờ đây, hồi ức về những ngày biểu diễn ở các chiến hào, bên cạnh hố bom khi trận đánh vừa dứt vẫn còn in đậm trong anh.

NSƯT Khương Đức Thuận ví vui ngày ấy anh như “cục bột dẻo” tức là có thể diễn kịch nói, hát chèo, hát dân ca… Xúc động nhất vẫn là bao lần chứng kiến những trận xung phong không hẹn ngày về của các chiến sĩ. Anh nghẹn giọng khi nhắc lại kỷ niệm, sau một buổi biểu diễn, anh hỏi một chiến sĩ rằng tối mai còn mấy tiết mục nữa, cậu có xem không? Đồng chí chiến sĩ trả lời không một giây do dự: “Xem chứ nếu còn sống”. Câu trả lời tự nhiên, nhẹ như gió thoảng của người chiến sĩ ngày ấy vẫn còn ám ảnh anh tới tận bây giờ. Đã có biết bao người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng như thế để góp phần xương máu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Những ngày tháng đó đã dạy anh giá trị của cuộc sống, về nghĩa tình đồng đội, nhắc nhở anh luôn sống và cống hiến với một niềm biết ơn sâu sắc. Giờ đây, anh cùng đồng đội thỉnh thoảng cùng nhau hội ngộ, ôn lại kỷ niệm xưa.

Một đời làm nghệ thuật với 30 năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật CAND (nay là Nhà hát Kịch CAND), NSƯT Khương Đức Thuận ghi được nhiều dấu ấn, đỉnh cao trong sự nghiệp cả ở vai trò diễn viên và đạo diễn. NSƯT Khương Đức Thuận chia sẻ, trở thành diễn viên của Đoàn Nghệ thuật CAND ngay từ ngày thành lập đầu tiên (năm 1982) là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh. Về đoàn, nghệ sĩ Khương Đức Thuận như cá gặp nước. Kể từ vai diễn đầu tiên là vai Vĩnh, người yêu Hà Thu trong vở “Nữ ký giả” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Khương Đức Thuận sở hữu hàng loạt vai chính mà nhiều nghệ sĩ phải mơ ước. Đặc biệt, anh ghi dấu ấn bằng một loạt vai Công an như Trưởng - Công an quận trong “Thằng Mẫn tóc nâu”, Giám đốc Công an trong “Ngọt ngào trong cay đắng”, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra trong “Vòng xoáy”, Giám đốc Công an trong “Khoảnh khắc mong manh”, điệp báo viên trong “Đối đầu”…

Khi dòng phim truyền hình phát triển, NSƯT Khương Đức Thuận cũng là nghệ sĩ hàng đầu thường được các đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” vào những vai Công an. Có thể kể tới như trong các phim “Vượt qua thử thách”, “Người cùng năm sinh”, “Miền đất hứa”, “Cảnh sát hình sự”, “Những đứa con Biệt động Sài Gòn”… Để rồi cho đến nay, NSƯT Khương Đức Thuận vẫn là một trong số ít nghệ sĩ vào vai Công an nhiều và xuất sắc nhất. Với NSƯT Khương Đức Thuận, ở bất cứ lĩnh vực gì, sân khấu hay điện ảnh, anh tự tin khi vào những vai Công an vì dường như chất Công an ngấm vào máu, đặc biệt là sự thấu hiểu anh dành cho các đồng đội của mình luôn khiến anh hóa thân trọn vẹn cho từng vai diễn.

Không chỉ là nghệ sĩ đảm nhiệm xuất sắc những vai diễn Công an, trong sự nghiệp diễn xuất của mình, NSƯT Khương Đức Thuận còn ghi dấu ấn khi hóa thân thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim “Giải phóng Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân, năm 2005), vai Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong phim “Chiến hạm nổ tung”.

Kể về kỷ niệm khi được giao vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NSƯT Khương Đức Thuận vẫn không khỏi bồi hồi. Thời điểm ấy, vừa tốt nghiệp khóa đạo diễn, Khương Đức Thuận được đạo diễn Long Vân quý mến cho đi theo đoàn làm phim với vai trò trợ lý để lấy kinh nghiệm. “Ba thầy trò” gồm đạo diễn Long Vân, chuyên gia hóa trang người Trung Quốc Tôn Hồng Khôi và Khương Đức Thuận cùng rong ruổi đi nhiều nơi để casting diễn viên cho vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong một lần ngồi giải lao vì mãi chưa chọn được người ưng ý, chuyên gia hóa trang Tôn Hồng Khôi bỗng nhìn Khương Đức Thuận như thôi miên. Sau đó ông quả quyết “Đây là người đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứ phải đi tìm ở đâu”. Cùng với cái gật đầu của đạo diễn Long Vân, Khương Đức Thuận đã bước vào một trong những vai diễn dấu ấn của mình với thật nhiều kỷ niệm. Khán giả xem phim công nhận anh khắc họa ra đúng thần thái, tính cách và con người của vị Đại tướng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

nsut khuong ð%3fc thu%3fn trong phim nh%3fng d%3fa con bi%3ft d%3fng sài gòn.jpg -0
NSƯT Khương Đức Thuận trong phim “Những đứa con Biệt động Sài Gòn”.

Vốn quen biết nghệ sĩ Khương Đức Thuận từ lâu, lần nào trò chuyện, chúng tôi đều cảm nhận được ở anh một nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào, đầy ắp ý tưởng với nghệ thuật. Có lẽ vì thế, khi đã có những đóng góp nhất định ở vai trò diễn viên, Khương Đức Thuận quyết định đi học đạo diễn. Vở diễn đầu tay “Hoa thép” (kịch bản: Đại tá Phan Gia Liên) đã nhận được Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ 2.

Hết đạo diễn sân khấu, anh lấn sân sang đạo diễn phim truyền hình. Anh cùng đạo diễn Minh Quang góp phần đưa bộ phim “Những đứa con Biệt động Sài gòn” (Biên kịch: Đại tá Nguyễn Xuân Hải) trở thành ''hiện tượng'' ngay từ khi ra mắt. Sau này, bộ phim còn được bình chọn là phim được khán giả yêu thích nhất. Ngay sau đó, anh cùng đạo diễn Nguyễn Chí Thành thực hiện bộ phim “Chiến hạm nổ tung” về tổ điệp báo A13 và Nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong việc tổ chức đánh nổ tung chiến hạm Amyot D’Inville của Pháp... Khương Đức Thuận chia sẻ, những bộ phim anh thực hiện chỉ với một tâm nguyện đau đáu “Làm thế nào để có những bộ phim chân thực về lực lượng Công an?”.

Bước vào tuổi 70, sức khỏe, vóc dáng của NSƯT Khương Đức Thuận không còn như xưa nhưng tình yêu với nghệ thuật, đam mê cống hiến như ngọn lửa vẫn nồng đượm. Anh say sưa kể cho chúng tôi về dự án phim truyền hình dài tập “Mệnh lệnh nhân dân” lấy ý tưởng từ các vụ đại án xảy ra trong thời gian qua mà anh sẽ là Tổng đạo diễn. Ngoài ra, anh còn mong muốn tạo dựng được trường quay chuyên nghiệp như một xã hội thu nhỏ để các đoàn làm phim không phải quá vất vả đi tìm bối cảnh, nhân lực cho phim. Anh đang từng bước hiện thực hóa. Với một giấc mơ đẹp đẽ “Khi vào trường quay phim ở trên giấy nhưng bước ra là một bộ phim hoàn chỉnh”…

Say sưa nói về nghệ thuật nhưng ngại nói về đời sống riêng. Nhiều năm nay, NSƯT Khương Đức Thuận sống một mình tại một căn hộ chung cư ở trung tâm Hà Nội. Các con của anh đã trưởng thành và lập nghiệp nơi xa. Hỏi NSƯT Khương Đức Thuận rằng anh có buồn không khi cứ đi về lẻ bóng, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Anh chân thành thừa nhận đôi khi không tránh khỏi cảm giác buồn và chạnh lòng, nhất là nghệ sĩ vốn nhạy cảm. Tuy nhiên, càng sống, anh càng hiểu sự được mất ở đời nên không quá muộn phiền. Niềm hạnh phúc an ủi với anh là các con ngoan ngoãn, trưởng thành và hiểu chuyện; là tình cảm yêu mến mà công chúng, đồng nghiệp dành cho mình. Đặc biệt các ý tưởng nghệ thuật vẫn đầy ắp chính là điểm tựa, là nguồn vui nâng giấc anh mỗi ngày.

Thảo Duyên
.
.
.