Lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng

Thứ Sáu, 27/09/2024, 09:23

Có một sự thật mà chúng ta phải công nhận với nhau là, sự đọc sách của dân ta đang rất đáng báo động. Số sách bán ra tính trên đầu dân là rất ít. Đã nhiều người nói về việc này, một số cơ quan có trách nhiệm còn thống kê hẳn hoi.

Tôi từng vài lần bị phản ứng vì phát biểu là giáo viên văn cũng rất lười đọc sách. Nhưng, đa phần công nhận là tôi... đúng, kể cả người trong cuộc. Bạn tôi, nhà văn nhà giáo Chử Anh Đào, khi còn sống là Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, chính ông nói thẳng ra điều ấy, rồi còn viết truyện trào phúng về sự giáo viên văn đọc sách.

Và, có một lý do nữa, cứ căn ra là thấy, đọc sách vào lúc nào? Giáo viên, ngoài giờ lên lớp, còn lên lớp ở nhà, mà thời gian dạy thêm ở nhà có khi còn dày hơn trên lớp, nên việc chính thành phụ, mà việc phụ thành chính. Vậy, nếu có đọc thì khi dư luận ồn lên cuốn nào đấy thì mới nhao đi mượn về đọc.

khuyến khích trẻ em đọc sách thay vì chơi các trò chơi điện tử.jpg -0
Cần khuyến khích trẻ em thói quen đọc sách.

Tất nhiên, không phải tất cả đều thế, nhưng thực tế ấy chiếm số lượng không nhỏ.

Tôi có cái thú, vừa là trách nhiệm đi truyền bá sách, giới thiệu sách cho người đọc. Từng đi xin sách, rồi lấy sách của mình, chở xuống các trường vùng sâu vùng xa tặng cho các thư viện trường. Nhưng, xuống tới nơi mới thấy, sách quả là chưa phải thứ thiếu nhất ở đấy, dù thư viện chỉ có giá chứ không có sách.

Tôi cũng có tham gia một vài nhóm giáo viên dạy văn. Và, một trong những việc tôi hay làm là thấy cuốn sách nào hay, đáng đọc tôi đều lan tỏa tới bạn bè. Việc làm này rất hiệu quả. Có điều, giờ viết tới đây mới nhớ, số sách tôi thu về chưa được một nửa sách đã cho mượn.

Nhưng, vẫn vui.

Đa phần giáo viên văn chỉ đọc... sách giáo khoa. Mà sách giáo khoa chỉ trích một đoạn ngắn, nhưng may mắn thay, hồi sinh viên họ có đọc sách gốc, rồi sách hướng dẫn giảng dạy cũng tóm tắt, thế là ung dung dạy.

Vấn đề là do chính chương trình của chúng ta quanh đi quẩn lại có từng ấy tác phẩm, từng ấy nhân vật, thậm chí có hẳn vè về đề thi, đại loại: “Mỗi năm cứ đến mùa thi/ "Vợ chồng A Phủ" thầm thì bảo nhau/ Năm ngoái bi kịch đến đâu?/ Năm nay không biết xoáy sâu chỗ nào/ Chí Phèo thất thểu phều phào/ Thị Nở xắn váy đi vào đi ra/ "Vợ nhặt” hớn hở hớn ha/ Năm nay dứt khoát đến ta vào đề...”. Và: “Vợ chồng A Phủ" sao mà tội/ Cứ đến mùa thi nó lại hành”.

Rồi nữa là... văn mẫu. Chính văn mẫu đã triệt tiêu thói quen và nhu cầu đọc sách. Thầy cô thì dạy kiểu nhồi nhét cho trò học thuộc lòng, học sinh thì cố... học thuộc lòng để viết lại. Con của một cô giáo đã chất vấn tôi khi biết tôi là nhà thơ: tại sao các bác viết từ cảm xúc, tư duy cá nhân của mình mà lại không cho các cháu được đọc rồi viết theo cảm xúc của các cháu mà lại nhất nhất phải theo... cô giáo?

Mà, thầy cô giáo có khi cũng cảm xúc theo sách văn mẫu, theo giáo trình.

Thế nên từ năm nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đề thi không lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa thì nhiều người mừng và cũng nhiều người lo. Nhưng, là sự lo đầy trách nhiệm, sự lo đúng, lo trung thực. Ấy là nếu thực hiện như thế thì phải đọc sách, đọc rất nhiều và đọc đúng cách, đọc có phương pháp. Tôi từng là con mọt sách từ hồi học cấp 1 và tới giờ vẫn thế. Nhưng, cái thời tôi đi học ít sách và cả ít tiền, nên có gì là ngốn ngấu nấy. Giờ sách nhiều và cũng không khó khăn quá về kinh tế thì cái khó là chọn sách để đọc. Vai trò của giáo viên văn ở đây khá lớn, vì họ sẽ phải đọc rồi giới thiệu, khoanh vùng. Phải bỏ hẳn lối đọc sách lấy được, đọc để thi, đọc trích, đọc tắt, đọc theo... đáp án.

Còn mừng khi mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết trên Facebook: “Sáng nay đọc Báo Thanh niên thấy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về bỏ văn mẫu: "Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người". "Xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định"... thì là một tai họa. Nó triệt tiêu tự do và vô nghĩa hóa mọi giá trị cá nhân.

Theo tôi, bỏ văn mẫu là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục.

Nghĩa là bỏ một quan niệm về giáo dục. Bỏ một thói quen đã khó. Bỏ một quan niệm, một tư duy, một cách sống đã ăn sâu trong xương tủy thì khó đến nhường nào”.

Và đây là PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, một chuyên gia viết sách giáo khoa, ông cũng viết trên Facebook: “Cái được lớn nhất là học sinh phải suy nghĩ và diễn đạt bằng cái đầu của mình, không viết và nói theo người khác... Từ đó giáo dục các em đức tính trung thực, dám nghĩ, dám sáng tạo, không đạo văn, biết tôn trọng sản phẩm của người khác,...

Hãy mạnh dạn thay đổi, thà chỉ thu được những bài văn có thể còn thiếu sót nhưng là bài văn của chính người học, thể hiện đúng những suy nghĩ, tình cảm của các em; còn hơn là tiếp tục phải chấm những bài văn của chính các thầy; những bài văn viết rất dài, bay bổng, uyên bác nhưng là do học thuộc và chép lại văn của người khác... Hãy tôn trọng sự thật, đừng vì bệnh hình thức”.

Từ những quyết liệt thay đổi nêu trên của ngành Giáo dục, cụ thể là từ cách ra đề môn văn mới này, thầy cô sẽ phải có cách dạy văn mới và chúng ta hy vọng phong trào đọc sách lành mạnh trở lại.

Mà ý nghĩa và tác dụng của sách, thiết nghĩ không cần nhắc lại ở đây.

Hùng Văn
.
.
.