Làm thế nào để các cuộc thi nhan sắc quốc tế là “kênh”quảng bá văn hóa Việt?

Thứ Năm, 09/12/2021, 12:06

Chiến thắng ngoạn mục của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, đại diện nhan sắc Việt tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế (Miss Grand International - MGI) 2021 tại Thái Lan hôm 4/12 vừa qua gây tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế. Cùng với sự đăng quang của Thùy Tiên, cái tên "Việt Nam" được nhắc đến, tìm kiếm nhiều hơn trên các diễn đàn mạng. Sự tỏa sáng của nhan sắc Việt trên "đấu trường" sắc đẹp quốc tế cũng chính là sự lan tỏa các giá trị văn hóa Việt.

Người đẹp Việt đang tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế

Có thể nói rằng, Việt Nam khá có duyên với MGI. Theo thống kê, kể từ khi cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, chín đại diện nhan sắc Việt đã tham gia MGI và có sáu người đẹp lọt từ top 20 trở lên, cụ thể: Nguyễn Thúc Thùy Tiên đạt Hoa hậu (2021), ba người đẹp lọt top 10 chung cuộc (Nguyễn Trần Huyền My năm 2017, Bùi Phương Nga năm 2018 và Nguyễn Hà Kiều Loan năm 2019), hai người đẹp lọt top 20 (Nguyễn Thị Loan năm 2016 và Nguyễn Lê Ngọc Thảo năm 2020). Ba người đẹp Việt tham gia cuộc thi những mùa đầu tiên không có được thành tích tốt.

Mặc dù có "tuổi đời" không nhiều nhưng MGI được giới chuyên môn đánh giá cao về cách thức tổ chức và chất lượng thí sinh tham gia. MGI hiện nằm trong top 6 cuộc thi sắc đẹp uy tín hàng đầu thế giới (cùng với Hoa hậu Thế giới - Miss World, Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe, Hoa hậu Quốc tế - Miss International, Hoa hậu Trái đất - Miss Earth, Hoa hậu Siêu quốc gia - Miss Supranational). Chính vì vậy, "cú bứt phá ngoạn mục" của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, cô gái 23 tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp quốc tế.

su gia van hoa 1.jpg -0
Đại diện nhan sắc Việt Nam Nguyễn Thúc Thùy Tiên (giữa) đăng quang MGI 2021.

Bên cạnh đó, chiến thắng của Thùy Tiên còn có ý nghĩa quan trọng, tạo "cú hích" cho nhan sắc Việt khi hai năm gần đây "thất thu" tại các cuộc thi nhan sắc lớn. Đồng thời cổ vũ cho Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đang dự thi Miss World 2021 (tổ chức tại San Juan, Puerto Rico) và Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 đang dự thi Miss Universe 2021 tại Eilat, Israel.

Nhìn lại hành trình của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, có thể thấy rõ sự nỗ lực để tỏa sáng của cô gái trẻ. Thông minh, tự tin, kỹ năng giao tiếp, trình diễn sân khấu, thần thái tốt, luôn tràn đầy năng lượng giúp Thùy Tiên nhận được cảm tình của giám khảo và công chúng yêu nghệ thuật. Ngoại ngữ tốt là "điểm cộng" của Thùy Tiên. Người đẹp nói tiếng Anh tự nhiên, ngữ điệu chuẩn, trả lời lưu loát, sâu sắc các câu hỏi của Ban Giám khảo và MC. Cô gái trẻ cũng rất biết "lấy lòng" khán giả Thái Lan khi tự tin truyền tải những thông điệp bằng tiếng Thái trên sân khấu.

Ngay cả câu chuyện Thùy Tiên lựa chọn bộ trang phục có màu sắc khiến người ta liên tưởng đến cộng đồng LGBT khi lên đường sang Thái Lan dự thi (ngầm hiểu như một sự cổ vũ cho cộng đồng LGBT) cũng cho thấy người đẹp Việt khá chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc thi. Thùy Tiên được cộng đồng mạng gọi với cái tên "Nữ hoàng cut - out" bởi chiến lược thời trang của cô tại MGI 2021 là những bộ váy với những đường cắt, xẻ táo bạo có thể tôn vóc dáng nhưng không hở hang, phản cảm. Chính những bộ cánh tinh tế đã giúp Thùy Tiên luôn xinh đẹp, nổi bật trong suốt cuộc thi.

Rõ ràng, so với đại diện nhan sắc Việt tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế những năm trước đây, người đẹp Việt ngày nay có sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp hơn về mọi mặt. Những kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng catwalk được cải thiện. Nếu như trước đây, ngôn ngữ là rào cản lớn khiến người đẹp Việt khó có cơ hội giành thứ hạng cao thì giờ đây, khả năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Anh được nâng lên rõ rệt. Không ít thí sinh còn có thể giao tiếp một ngôn ngữ nước ngoài khác ngoài tiếng Anh. Người đẹp Việt đang tiệm cận rất gần với các tiêu chuẩn đẹp quốc tế. Tuy nhiên, khi càng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế thì càng phải tạo ra được sự khác biệt, không bị hòa lẫn.

Những sứ giả văn hóa Việt

Tôi luôn cho rằng, người đẹp Việt chính là những sứ giả giúp lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế. Lựa chọn kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo hành trang cho họ đến với các cuộc thi nhan sắc lớn cũng chính là cách để quảng bá văn hóa Việt. Sự thành công của nhan sắc Việt cũng chính là sự tỏa sáng của văn hóa dân tộc. Vì vậy, cần có cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa, giá trị của các cuộc thi nhan sắc. Hiện vẫn có quan điểm cho rằng, những cuộc thi sắc đẹp chỉ là hoạt động mang tính giải trí hoặc tôn vinh sắc đẹp đơn thuần.

su gia van hoa 2.jpg -0
Người đẹp Việt chính là những sứ giả giúp lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế. Trong ảnh: Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà (hàng đầu tiên) đang tham dự Hoa hậu Thế giới 2021.

Mỗi cuộc thi sắc đẹp quốc tế có tiêu chí đánh giá riêng nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ khi lựa chọn thí sinh "mang chuông đi đánh xứ người" cho phù hợp. Đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Thế giới thường "chuộng" thí sinh có vẻ đẹp nền nã, "đại chúng", đánh giá cao các hoạt động, dự án từ thiện, nhân đạo, trong khi đó, Hoa hậu Hoàn vũ lại có xu hướng lựa chọn thí sinh có vẻ đẹp cá tính, "nóng bỏng", "lạ"… Tuy nhiên, tất cả các cuộc thi đều luôn chú trọng, đánh giá cao khả năng ứng xử, giao tiếp, khả năng catwalk, thần thái của thí sinh.

Qua theo dõi, một trong những phần thi được chú trọng trong thời gian gần đây là phần thi "Trang phục dân tộc". Điều đó cho thấy, các nhà tổ chức rất quan tâm đến sự đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia. Điều đáng mừng là trang phục dân tộc của đại diện nhan sắc Việt luôn được đánh giá cao tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Đơn cử như tại cuộc thi MGI 2021, bộ trang phục "Thiên thần áo xanh" (Nhà thiết kế Tín Thái) đậm bản sắc Việt Nam với thông điệp tri ân sâu sắc đến lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 của Thùy Tiên đã lọt top 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất. Ngoài ra, cũng trên sân chơi nhan sắc này, trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam từng giành giải ấn tượng nhất năm 2014, top 6 năm 2020, top 10 năm 2016, 2017, 2019 và top 12 năm 2018.

Áo dài, áo tứ thân, áo bà ba… là những trang phục truyền thống, luôn gợi nhớ đến hình ảnh dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, những trang phục đó cần phải được sáng tạo, cách điệu, gắn với những đặc trưng văn hóa khác, nét độc đáo trong đời sống, sinh hoạt của Việt Nam. Việt Nam từng tổ chức một số cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế trang phục dân tộc cho thí sinh dự thi quốc tế. Đây là cách làm nên tiếp tục triển khai để có thêm những thiết kế trang phục mang đậm màu sắc dân tộc nhưng mới lạ, độc đáo, thậm chí là cần phá cách, táo bạo hơn.

Một phần thi khác đang là "điểm yếu" của nhan sắc Việt chính là phần thi tài năng. Dường như chưa có nhan sắc Việt nào đạt thứ hạng cao tại phần thi này. Phần thi tài năng luôn gắn với nghệ thuật và đây cũng là lĩnh vực dễ lồng ghép, truyền tải những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Phần thi này cần phải được chú trọng, đầu tư mạnh, có chiều sâu hơn nữa.

 Tính đến thời điểm này, có hai người đẹp Việt giành giải thưởng cao nhất tại cuộc thi nhan sắc quốc tế là Nguyễn Thúc Thùy Tiên, MGI 2021 và Nguyễn Phương Khánh đạt danh hiệu Hoa hậu Trái đất - Miss Earth 2018 (ngoài ra còn có Hương Giang đạt danh hiệu cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018). Tuy nhiên, Việt Nam chưa đạt thứ hạng cao tại hai cuộc thi lớn, có lịch sử 70 năm tổ chức là Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ (thành tích tốt nhất là Trần Ngọc Lan Khuê, top 11 Hoa hậu Thế giới năm 2015 và H'Hen Nie, top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018).

Đạt được thứ hạng cao tại hai cuộc thi này là "đích" mà Việt Nam cần tiếp tục chinh phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, mục đích tham gia các cuộc thi nhan sắc không đơn thuần là thứ hạng mà quan trọng hơn là qua đó để truyền tải những giá trị văn hóa, quảng bá đất nước, con người Việt Nam thân thiện và mến khách đến bạn bè quốc tế.

Tường Phạm
.
.
.