Khiêu vũ thể thao người khiếm thị: Tại sao không?

Thứ Năm, 28/04/2022, 19:43

Khiêu vũ thể thao tưởng chừng chỉ dành cho người mắt sáng thì nay người khiếm thị cũng đã có thể tham gia. Không những vậy, vừa qua CLB Khiêu vũ thể thao người khiếm thị Hà Nội (Solar Club) còn tổ chức thành công cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" mùa thứ 2 thành công ngoài mong đợi và đang hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Nghệ thuật bình đẳng với tất cả mọi người

Nếu có mặt tại cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" mùa thứ 2 tại Học viện Múa Việt Nam ngày 17-4 vừa qua, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những điệu nhảy chuyên nghiệp, lúc thì sôi động, phóng khoáng, lúc thì vô cùng quyến rũ, lãng mạn đến từ những người khiếm thị. Trên khán đài có hơn 300 khán giả ngồi chật kín, họ đã đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác khi được theo dõi từng động tác của các thí sinh. Và ai cũng hiểu rằng, việc tham gia cuộc thi này với người khiếm thị là sự vượt qua chính mình, là nỗ lực vươn lên khẳng định "tàn chứ không phế".

Khiêu vũ thể thao người khiếm thị: Tại sao không? -0

Một phần trình diễn của các thí sinh tại cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” mùa 2.

Thu hút mọi ánh nhìn là thí sinh Nguyễn An Như (sinh năm 2003), thí sinh nhỏ tuổi nhất trong cuộc thi, bởi sự trẻ trung, gương mặt rạng rỡ, đầy tự tin và các động tác đầy chuyên nghiệp. Không những vậy, Như còn gây ấn tượng vì không may ngã trong trình diễn nhưng đã ngay lập tức đứng dậy thực hiện tiếp phần thi của mình khiến nhiều khán giả nói vui: "Phải chăng đó là tiết mục bạn ấy biên đạo thêm để phần thi của mình sinh động". Như hào hứng chia sẻ: "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" có nhiều ý nghĩa với các thí sinh hôm nay, đó là năng lượng hạnh phúc tỏa ra trong chính mình. Em đã biết thêm môn thể thao mới, có thể giao lưu với người mắt sáng và xóa nhòa mọi khoảng cách".

Nếu như mùa thứ nhất các thí sinh đa phần thi đấu ở 1 nội dung thì năm nay họ đã thi đấu nhiều nội dung, có thí sinh thi đấu ở 4, 5 nội dung và có người đã giành được huy chương ở các nội dung thi đấu. Trường hợp của chị Dương Bùi Khánh Linh tham gia thi đấu ở 3 nội dung thì đã giành được 2 Huy chương Đồng, 1 Huy chương  Bạc hay anh Đỗ Xuân Quang tham gia thi đấu ở 7 nội dung thì đã giành được 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng là những ví dụ. Trò chuyện với chị Linh, anh Quang, chúng tôi đã nhận được câu trả lời đầy cảm động: "Từ khi tham gia lớp học khiêu vũ, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không những có được sức khỏe, niềm vui mà còn có thêm những người bạn mới, có môi trường để học tập, rèn luyện, phấn đấu".

Cùng với bạn Như, chị Linh, anh Quang là khoảng 60 thí sinh khác đều quyết tâm thi đấu lăn xả, cống hiến cho khán giả. Theo anh Hoàng Văn Lý, phụ trách truyền thông Hội Người mù thành phố Hà Nội thông tin thì, nếu như mùa thứ nhất có 40 thí sinh ở 11 đơn vị tham gia thì năm nay có hơn 60 thí sinh đến từ 13 đơn vị. Năm nay, Ban tổ chức đã trao 26 bộ huy chương (vàng, bạc, đồng) với kinh phí tiền thưởng trên 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Với sologan "Nghệ thuật bình đẳng với tất cả mọi người", "Vượt qua rào cản bạn sẽ chạm tay tới ước mơ", cuộc thi mùa thứ 2 đã chứng kiến sự bùng nổ của các thí sinh, họ đã thi đấu tự tin, cống hiến và "phiêu" chẳng khác những vũ công chuyên nghiệp.

"Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc"

Điều mà chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện cùng các thành viên trong Solar Club là họ đều nhắc đến thầy giáo của mình - huấn luận viên Tô Văn Hòa bằng một sự trân trọng và lòng biết ơn. Phải nói, nếu không có tấm lòng của thầy Hòa thì lớp học không thể tồn tại và đương nhiên cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" sẽ không thể có.

Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Chủ nhiệm CLB cho biết, Solar Club được Hội Người mù thành phố Hà Nội thành lập để những người khiếm thị có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng, dưới sự tài trợ của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (REACH). Hoạt động này thuộc dự án Step up của REACH với mục đích hỗ trợ học nghề cũng như trang bị kỹ năng hòa nhập cho người khiếm thị. Tuy nhiên, dự án này chỉ kéo dài 20 buổi và sau khi nắm được tâm tư, nguyện vọng của các học viên thầy Hòa đã đồng ý dạy miễn phí hơn 3 năm qua.

Khiêu vũ thể thao người khiếm thị: Tại sao không? -0
Ban tổ chức cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” mùa 2 trao giải cho các thí sinh.

Là huấn luyện viên nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên thầy Tô Văn Hòa dạy khiêu vũ cho người khiếm thị. Trong các buổi học, học viên có thể đến muộn, ngày mưa gió học viên có thể nghỉ học nhưng thầy luôn có mặt đúng giờ, không bao giờ nghỉ. Thầy luôn theo sát, chỉnh sửa từng động tác và đặc biệt sửa biểu cảm khuôn mặt sao cho đúng. Tất cả đều hiểu rằng, không có tình người, sự cảm thông sâu sắc với những cảnh đời bất hạnh thì rất khó duy trì được lớp học này.

"Học nhảy đối với người bình thường đã khó, đối với người khiếm thị, việc này còn khó gấp trăm ngàn lần. Khi mới vào giảng dạy những người khiếm thị, tôi gặp không ít khó khăn, việc định hình về không gian đối với họ gần như không có, tôi phải dẫn dắt từng người cho quen với môi trường lớp học, những buổi dạy đầu tiên khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nhưng tôi không bỏ cuộc và các bạn học viên cũng vậy", thầy Hòa nhấn mạnh.

Hướng đến mục tiêu xa hơn

Dù CLB đã tồn tại và phát triển được hơn 3 năm giữa những khó khăn chồng chất và đặc biệt là cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" mùa thứ 2 đã diễn ra thành công, gây được tiếng vang trong xã hội, nhưng thầy trò CLB vẫn còn nhiều nỗi lo. Thầy Hòa luôn ấp ủ ước mơ tổ chức sân chơi riêng cho người khiếm thị, nhất là tại ASEAN Para Games sắp tới, CLB được tham gia ở nội dung khiêu vũ thể thao. Và nếu chưa được là nội dung chính thức, CLB mong muốn được biểu diễn trong Lễ khai mạc.

"Muốn đạt được mục tiêu ấy, chúng tôi phải không ngừng chuyên nghiệp hóa chính mình. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, các học viên cần một phòng tập có đủ điều kiện để tập luyện như những vận động viên chuyên nghiệp. Hiện tại phòng tập của chúng tôi rất bé, các học viên tập nhiều khi còn va vào nhau, rồi phòng tập cũng đã xuống cấp. Với người bình thường còn không tập được, huống chi là khiếm thị. Giờ không mong gì hơn là có chỗ tập", thầy Hòa mong mỏi.

Còn theo Chủ nhiệm CLB Đỗ Thúy Hà thì CLB hy vọng sẽ có nhiều người khiếm thị tham gia hơn nữa, đặc biệt là những người trẻ, bởi với sự năng động, nhiệt huyết và sức trẻ của họ chắc chắn sẽ đưa CLB phát triển hơn nữa.

"Chúng tôi đã rất nỗ lực trong hơn 3 năm qua, nhưng chúng tôi biết mình còn nhiều việc phải làm, cần làm ngay nếu muốn cùng nhau đi xa hơn nữa và hướng đến những mục tiêu cao hơn nữa. Trước mắt, ngoài việc không ngừng tập luyện thì chúng tôi sẽ tìm mọi cách để quảng bá hoạt động của CLB với xã hội như việc sẽ trình diễn ở khu có sự xuất hiện đông người, như phố đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội hay có những buổi giao lưu với những vận động viên khiêu vũ mắt sáng. Nếu tổ chức được các hoạt động này thì xã hội sẽ biết về chúng tôi nhiều hơn và bản thân các thành viên trong CLB cũng sẽ tự tin hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng", chị Hà nhấn mạnh.

Còn với chúng tôi, những người được theo dõi quá trình tập luyện tại phòng tập của Hội Người mù quận Đống Đa cho đến việc chứng kiến các phần thi của các thí sinh tại Học viện Múa Việt Nam vừa qua, đều rất thán phục và hy vọng mọi mong mỏi, ước muốn của họ sẽ thành hiện thực. Họ đã truyền cảm hứng cho chúng tôi trong công việc và thôi thúc chúng tôi làm những điều tử tế cho xã hội.

Nguyễn Thảo
.
.
.