Khắc họa hình ảnh người lính trên phim truyền hình
Bộ phim truyền hình "Không thời gian" đã phát sóng những tập đầu tiên vào khung giờ "vàng" trên VTV1 và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Bộ phim không chỉ là món quà tinh thần ý nghĩa nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) mà còn cho thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ trong những bộ phim luôn có sức hút đặc biệt với khán giả.
Khai thác nhiều khía cạnh trong cuộc sống, chiến đấu
Bộ phim "Không thời gian" (đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng và Nguyễn Đức Hiếu) dài 60 tập, là một trong những dự án nghệ thuật được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất. Mang ý nghĩa đặc biệt nên "Không thời gian" nhận được sự đầu tư lớn cả về nhân lực, vật lực và thời gian thực hiện. Được biết, ê-kíp làm phim đã trải qua gần 1 năm lên ý tưởng kịch bản, 5 tháng ghi hình tại nhiều địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La.
"Không thời gian" xoay quanh câu chuyện của Trung tá Lê Nguyên Đại (diễn viên Mạnh Trường thủ vai) và đồng đội. Họ là những người lính thời bình mang trong mình tình yêu nước, lòng quả cảm và tinh thần trách nhiệm cao. Mang trái tim nhân ái, đồng cảm, sẻ chia với khó khăn vất vả của đồng bào nhưng những người lính ấy cũng vô cùng mưu trí, quyết đoán và vững vàng trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng thù địch.
"Không thời gian" khắc họa sinh động hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua các thế hệ, từ quá khứ đến hiện tại, thể hiện sự nối tiếp truyền thống của QĐND Việt Nam, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Nội dung phim được chăm chút kỹ lưỡng với sự tham gia của những nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng như Khuất Quang Thụy, Phạm Ngọc Tiến... Ngoài ra là đội ngũ biên kịch giàu kinh nghiệm của VFC như Trịnh Khánh Hà, Huyền Lê...
Những phân cảnh quá khứ được đầu tư kỹ lưỡng, phục dựng sống động, đặc biệt là bối cảnh Trường Sơn, chiến trường với các hình ảnh bom đạn, trạm quân y, thương binh... Ở phần hiện tại là đại cảnh lũ lụt, sạt lở, cứu nạn, cứu hộ bằng máy bay trực thăng, bắc cầu vượt sông, rà phá bom, mìn... được đoàn làm phim dàn dựng chân thực. Bộ phim nhắc nhớ đến những trận bão lũ kinh hoàng mà người dân nhiều vùng quê phải đối mặt thời gian qua. Nhưng, vượt lên trên hiện thực khó khăn đó là cảm giác xúc động khi chứng kiến sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Có thể nói, cùng với lịch sử 80 năm thành lập QĐND, hình tượng người lính đã là nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật. Trong đó, ở văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh... không thể kể hết có bao nhiêu tác phẩm khai thác đề tài này. Tuy nhiên, ở lĩnh vực phim truyền hình thì đề tài người lính lại chưa có nhiều tác phẩm như mong đợi của khán giả. Hình tượng người lính với đời sống chiến đấu rèn luyện, tình đồng đội, tình quân dân là đề tài tạo cảm hứng nhưng cũng đầy thách thức với các nhà làm phim.
"Không thời gian" là dự án phim tiếp nối mạch cảm hứng sáng tác về người lính. Cuối năm 2023, một bộ phim về đề tài người lính là "Cuộc chiến không giới tuyến" (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng) cũng đã lên sóng truyền hình. Phim khắc họa hình ảnh người lính biên phòng trong cuộc chiến đấu chống tội phạm nơi biên giới. Nhân vật chính của phim là Trung, một quân nhân ưu tú vừa được điều động làm Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Luông, điểm nóng của vùng biên liên quan đến các vụ buôn lậu và ma túy.
Chuyện phim hấp dẫn với bối cảnh vùng biên giới nhạy cảm và nhiều biến động. Phim còn mang đến cho khán giả những khung cảnh đẹp hùng vĩ miền biên viễn, những hình ảnh, chi tiết về đời sống dân tộc thiểu số giàu bản sắc sinh sống nơi đây. "Cuộc chiến không giới tuyến" khéo léo lồng ghép những hoạt động của bộ đội biên phòng và bộ đội hải quân với nhiều tình huống, câu chuyện đặc thù thông qua nhân vật Hiếu - em trai Trung. Từ một chàng trai nghịch ngợm, môi trường quân đội kỷ luật nhưng nhân văn và giàu nhiệt huyết đã giúp Hiếu hoàn thiện bản thân, tìm thấy con đường mình đi và lý tưởng mình theo đuổi.
Hình ảnh người lính luôn có sức hút đặc biệt
Trong buổi ra mắt phim "Không thời gian", ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định, hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn có sức hút với khán giả truyền hình. Những bộ phim đã phát sóng về đề tài QĐND luôn có hiệu ứng khán giả rất tốt. Ví dụ, theo con số thống kê của Kantar Media Việt Nam (đơn vị nghiên cứu, cung cấp và đo lường thị hiếu) thì tại thời điểm phát sóng, bộ phim "Cuộc chiến không giới tuyến" dẫn đầu rating so với các bộ phim, chương trình khác.
Trước "Cuộc chiến không giới tuyến", có 2 bộ phim được chiếu vào dịp Tết khai thác hình ảnh người lính Cụ Hồ, đó là "Mùa xuân ở lại" (năm 2020) và "Yêu hơn cả bầu trời" (năm 2021). Với thời lượng mỗi phim gồm 4 tập, phát trong những ngày Tết đã mang lại không khí ấm áp, sự lạc quan tin yêu nên thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo khán giả. Điểm chung của 2 bộ phim là đều xây dựng hình ảnh người lính thời bình trẻ trung, nhiệt huyết và bản lĩnh. Họ gan dạ vượt qua mọi khó khăn trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ là biểu tượng của lý tưởng, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới.
Trong đó, "Mùa xuân ở lại" (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng) xoay quanh nhân vật chính là Hòa - cô giáo trẻ tình nguyện lên miền núi dạy học và Nghĩa - anh lính biên phòng đẹp trai, tốt bụng. Câu chuyện của các nhân vật trong phim không có nhiều kịch tính, gay cấn nhưng hấp dẫn người xem bởi sự dung dị, tươi sáng và ý nghĩa trong sự hy sinh thầm lặng của những cô giáo, anh bộ đội biên phòng nơi vùng cao.
"Yêu hơn cả bầu trời" (đạo diễn Nguyễn Khải Anh - Phạm Gia Phương) lại là bản tình ca của những người lính không quân, với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của 3 học viên ưu tú Trường Sĩ quan không quân cùng người thầy của mình. Họ có chung tình yêu với bầu trời và ước mơ trở thành phi công chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình rèn luyện để đạt được mơ ước đó, họ gặp không ít khó khăn, những yêu cầu khắc nghiệt về kỷ luật thép khiến họ đôi khi tưởng phải bỏ cuộc, nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng được tiếp nối truyền thống cha anh thực sự là sứ mệnh và lý tưởng họ muốn theo đuổi.
Những bộ phim khai thác đề tài người lính tuy còn ít trong bức tranh tổng quát của phim truyền hình nhưng luôn có sự đầu tư công phu mang đến hình ảnh dung dị, chân thực, phản ánh khó khăn vất vả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khắc họa hình ảnh người lính trong thời bình sao cho chân thực, hấp dẫn vẫn luôn là mục tiêu mà các nhà làm phim theo đuổi. Những câu chuyện phim về người lính thường sâu sắc, giàu tính nhân văn nhưng không kém phần thú vị, ý nghĩa. Kịch bản phim kỹ lưỡng, lôi cuốn, hấp dẫn đã tạo cho các nhân vật bộc lộ được tâm trạng, tính cách, thể hiện phẩm chất và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ.
Đảm nhiệm vai người lính hiện đại là những diễn viên trẻ, tài năng, vừa có ngoại hình đẹp khỏe khoắn, vừa có khả năng diễn xuất tốt, lột tả được tinh thần, phẩm chất tiêu biểu của người chiến sĩ trẻ trong QĐND Việt Nam ngày nay như Huỳnh Anh, vai Nghĩa trong "Mùa xuân ở lại"; Thanh Sơn, Bình An, Huỳnh Anh, Quang Sự trong "Yêu hơn cả bầu trời"; Việt Anh, vai Trung trong "Cuộc chiến không giới tuyến" và Mạnh Trường, vai Đại trong "Không thời gian"... Các nhà làm phim đi theo xu hướng xây dựng người lính nam tính, hào hoa, đầy bản lĩnh, chuẩn "soái ca" đủ sức "đốn tim" khán giả. Hình ảnh anh lính biên phòng Nghĩa trong "Mùa xuân ở lại" vừa gan dạ, nam tính, vừa giàu lòng vị tha đã chiếm được cảm tình của nhiều người trẻ.
Có thể thấy, phim ảnh là lĩnh vực có thế mạnh trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh người lính trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế đó đòi hỏi các nhà làm phim từ khâu kịch bản, đạo diễn tới diễn viên phải liên tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt nhu cầu người xem cũng như hiểu rõ đặc thù nhiệm vụ của lực lượng QĐND Việt Nam để có thêm nhiều bộ phim truyền hình đặc sắc.