Hồn dân tộc trên những tờ lịch Tết
Tờ lịch cuối cùng của một năm rồi cũng bị xé đi, nhường chỗ cho bộ lịch mới. Thế nhưng, ngày càng nhiều bộ lịch khiến người ta không nỡ xé. Đó là khi cuốn lịch không chỉ là nơi xem ngày tháng đơn thuần, mà nó trở thành một cuốn sách giàu tri thức, một bộ sưu tập văn hóa công phu đúng nghĩa. Mùa lịch Tết 2023 đón chào không ít những bộ lịch mang đậm hồn cốt Việt như thế.
Thị trường lịch xuân Quý Mão tuy có số lượng kém xa năm Nhâm Dần nhưng mẫu mã và nội dung, ý tưởng lại được các đơn vị phát hành đánh giá là vượt xa mọi năm. Giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, chiến tích lịch sử, thắng cảnh, ẩm thực Việt ngày càng được các đơn vị xuất bản ưa chuộng để làm nên những bộ lịch giàu chiều sâu tri thức, tôn vinh di sản, hướng về nguồn cội. Ngay cả khâu thiết kế cũng được chăm chút tỉ mỉ theo hướng vẽ thủ công để làm tăng giá trị thẩm mỹ. Dạng lịch block cực đại (thường được khách hàng chọn lựa để làm quà biếu hoặc treo trong nhà bởi tính trang trọng, tỉ mỉ, dày dặn) rất phù hợp để dồn sức cho nội dung hút khách này.
Công ty Lịch xuân Phương Nam vốn được biết đến là đơn vị chú trọng mang sản phẩm lịch thuần Việt đến với gia đình người Việt. Nếu những năm trước, đơn vị này gây chú ý với bộ lịch block về biển đảo quê hương nhìn từ trên cao, lịch khuyến đọc, món ăn truyền thống ngày Tết ba miền... thì năm nay, họ mang đến loạt sản phẩm ấn tượng về di tích, lễ hội, làng nghề như lịch bàn "Vị quê miền nhớ", "New year - New start"; mẫu lịch siêu đặc biệt "Ngày mới nở hoa", "Tinh hoa nước Việt", "365 ngày rực rỡ"; lịch block siêu đại "Việt Nam danh thắng"...
Trong đó, bộ lịch block siêu đại "Hương vị quê nhà" là mặt hàng "đinh" của xuân Quý Mão. Gắn với 365 câu ca dao, tục ngữ gợi nhắc món ăn chân chất, giản dị của mỗi miền quê là 365 bức tranh màu nước tái hiện lại món ăn dân dã, thân thương đó. Nét đặc sắc của "Hương vị quê nhà" không chỉ ở nội dung ý nghĩa mà còn ở hình thức thể hiện. 365 tờ lịch là 365 bức tranh ấn tượng, mộc mạc, nhiều sắc màu. Bà Đặng Thiên Thư, Giám đốc điều hành Công ty Lịch xuân Phương Nam cho biết: "Đội ngũ họa sĩ, thiết kế mất 6 tháng mới hoàn thành xong bộ lịch vì khâu tìm kiếm câu ca dao, tục ngữ và vẽ tay từng bức tranh cụ thể rất công phu. Chúng ta đều biết mỗi địa phương từ Bắc đến Nam đều có món ăn đặc trưng. Tục ngữ, ca dao là cách để người tha phương gợi nhắc, hoài nhớ món ăn đó. Ca dao, tục ngữ và đặc sản địa phương là kho tàng vô giá mà người Việt chúng ta rất tự hào. Công ty chúng tôi cũng muốn gửi gắm điều tự hào đó trong cuốn lịch này".
Nổi trội nhất mùa lịch Tết năm nay phải kể đến bộ lịch block "Bảo vật quốc gia" của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. Lần đầu tiên toàn bộ hơn 230 bảo vật quốc gia được đưa lên lịch block kèm hình ảnh và thông tin tổng quan nhất về các bảo vật này cũng như những kiến thức lịch sử, xã hội khác liên quan tới câu chuyện bảo vật quốc gia. Đó là Trống đồng Ngọc Lũ, bức tranh "Hai thiếu nữ và em bé" của danh họa Tô Ngọc Vân, bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo"...
Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Sách quốc gia thuộc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho hay, nhóm biên soạn đã mất hơn nửa năm để thực hiện bộ lịch, bao gồm việc đi chụp ảnh hiện vật, khai thác tư liệu, biên soạn nội dung từ những nguồn chính thống. Nhóm biên soạn gặp khó khăn nhất trong việc khai thác hình ảnh vì bảo vật nằm rải rác ở khắp các tỉnh thành, nhiều tác phẩm được bảo quản riêng nên phải làm thủ tục xin phép để được tiếp cận. Để tăng tính thẩm mỹ, các họa sĩ còn kỳ công phỏng theo hình hoa văn trang trí trên từng bảo vật để vẽ nền mỗi tờ lịch. Gam màu vàng, đỏ đun tạo nên hơi hướng hoài cổ nhưng vẫn rất sang trọng, cuốn hút cho bộ lịch ấn tượng này.
Ngay khi mới ra mắt, bộ lịch nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của công chúng lẫn giới nghiên cứu văn hóa. Các nhà chuyên môn đánh giá, "Bảo vật quốc gia" không còn là bộ lịch đơn thuần mà đã trở thành một vật phẩm văn hóa, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc biệt bởi nó hàm chứa nguồn tư liệu phong phú, đồ sộ về nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với những dấu mốc là 238 bảo vật quốc gia. Những tập tục, giá trị văn hóa, tín ngưỡng, những danh nhân ưu tú, đời sống của xã hội Việt Nam... được khái quát dễ hiểu, giúp người xem hình dung tổng thể về đất nước ngàn năm văn hiến.
Ngoài "Bảo vật quốc gia", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật còn mang đến bộ lịch block "Đất nước nhìn từ biển". Bộ lịch này được xem như cẩm nang du lịch hữu ích bởi thông tin và nét đẹp của 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam được giới thiệu tỉ mỉ trên 365 tờ lịch. Qua lễ hội Nghinh Ông, Cầu ngư, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hình ảnh về hoạt động của làng chài ven biển, những giọt mồ hôi nồng vị muối biển, làn da rám nắng của ngư dân trở về trên chiếc thuyền đầy ắp cá tôm…, nhóm biên soạn mong muốn truyền tải đến thế hệ trẻ tình yêu biển đảo quê hương, hiểu thêm về giá trị to lớn của tài nguyên biển để ra sức bảo vệ chủ quyền đất nước, phát triển non sông giàu mạnh.
Năm nay, không ít bộ lịch từng "làm mưa làm gió" của các năm trước được tái bản. Điển hình nhất là bộ lịch "Truyện Kiều", "365 cây thuốc và sức khỏe" của Công ty An Hảo. Trở lại mùa lịch Tết 2023, bộ lịch "Truyện Kiều" minh họa cho 3.254 câu thơ bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du xuất hiện với kích thước nhỏ gọn hơn so với bản gốc, có chỉnh sửa, bổ sung hình ảnh, nội dung… để phục vụ nhu cầu vừa xem lịch, vừa đọc Kiều, vừa ngắm tranh. Bộ "365 cây thuốc và sức khỏe" cũng nằm trong top những đầu lịch bán chạy nhất của An Hảo. Ngoài hai "cựu binh", An Hảo cũng ra mắt nhiều bộ lịch mới đậm đà bản sắc Việt như "Việt Nam thịnh vượng", "Rạng rỡ Việt Nam", "Tinh hoa Việt Nam", "Quê hương biển đẹp"...
Trước đây lịch chỉ là công cụ đong đếm ngày tháng, can chi, giờ lành tháng tốt... Hình ảnh nếu có thì chủ yếu mang tính chất phụ họa cho tờ lịch thêm sinh động. Bây giờ, yếu tố phụ đó được các đơn vị xuất bản đầu tư thành yếu tố chính, biến mỗi tờ lịch mà ai cũng giở xem hằng ngày trở thành nơi chuyên chở tri thức và bề dày văn hóa dân tộc. Những bộ lịch giàu chất xám và tính thẩm mỹ như thế ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân về bởi lịch giờ đây là vật trang trí trong nhà, là món quà trân trọng trao nhau. Tết là thời điểm để con người quay về nguồn cội, bên nhau bên bánh mứt, dưa hành mà sum họp, đoàn viên. Vậy còn gì ý nghĩa hơn tờ lịch Tết trao tay đong đầy hồn Việt, đậm đà bản sắc của con cháu Lạc Hồng để chúng ta định vị mình giữa một thế giới phẳng lắm biến động...
Sự cải tiến không ngừng về mẫu mã, chất lượng in ấn, đặc biệt là thông điệp nội dung của loạt đơn vị làm lịch khiến công chúng không ngừng trầm trồ, tán thưởng. Là khách hàng quen thuộc của Công ty Lịch xuân Phương Nam và An Hảo, ông Nguyễn Quang Tịnh (67 tuổi, ngụ ở quận 3, TP Hồ Chí Minh), cho biết: "Bộ "Truyện Kiều", "Văn hóa Việt Nam" hay "365 cây thuốc và sức khỏe" của các năm trước tôi mua về treo trong nhà nhưng không xé tờ nào. Xem ngày tháng thì mình chịu khó lật lên thôi. Năm hết Tết đến, tôi gỡ lịch xuống cất đi, lâu lâu lại giở ra ngâm Kiều hay chỉ cho con cháu các tập tục thú vị, bài thuốc dân gian chữa bệnh. Cá nhân tôi rất hoan nghênh việc làm lịch kết hợp phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc".
Lịch quá đẹp và hữu ích đến nỗi không nỡ xé cũng là tâm sự của nhà sử học Dương Trung Quốc. Với bộ lịch "Bảo vật quốc gia" của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, ông gọi đây là bộ bách khoa tổng hợp về các bảo vật quốc gia, giúp người dân hiểu và có ý thức trong việc bảo tồn di sản mà ông cha để lại. "Tôi tin rằng bộ lịch chất lượng như thế này chắc chắn sẽ có đời sống lâu hơn giới hạn một năm của cuốn lịch bình thường, nhất là trong bối cảnh chúng ta càng ý thức được vị thế của văn hóa đối với sự phát triển của quốc gia. Nếu xé đi, người dân có thể lưu lại từng tờ lịch để phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu" - ông nhận định.