Họa sĩ trẻ "Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống"

Thứ Sáu, 21/07/2023, 08:59

Từ ngày 6/7 đến 31/7/2023, triển lãm "Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống" diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Triển lãm do Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" tổ chức.

Với triển lãm thứ 7 của dự án này, các họa sĩ trẻ mong muốn những sáng tạo mới mẻ của mình sẽ tiếp nối, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống đến công chúng rộng rãi hơn.

Tham gia triển lãm có 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả trẻ lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung. Các tác phẩm này khi đặt "đối thoại" trong không gian tiền đường Nhà Thái Học của Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo ra sự ăn nhập, hài hòa khiến du khách tham quan hết sức thích thú. Đây thực sự là một cuộc "đối thoại" thú vị giữa truyền thống với truyền thống, truyền thống với hiện đại, trong đó lấy các chủ đề của tranh Hàng Trống làm trung tâm.

1.jpg -0
Tác phẩm "Tôi đi học" trên chất liệu lụa được họa sĩ Trần Thị Hộ lấy cảm hứng từ bức "Thầy đồ Cóc" của tranh dân gian Hàng Trống.

Nội dung các tác phẩm tranh Hàng Trống thường phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của người Việt, còn các tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ những tác phẩm tranh Hàng Trống đôi khi là những khúc biến tấu đầy ngẫu hứng nhưng vẫn mang màu sắc, âm hưởng Hàng Trống rõ nét.

Từ cặp tranh "Vinh hoa - Phú quý" quen thuộc của dòng tranh Hàng Trống, họa sĩ Đoàn Thị Hồng Dương sáng tạo nên cặp tranh "Vinh hoa - Phú quý" trên chất liệu lụa trong trẻo, kết hợp 2 lớp lụa xuyên thấu tăng thêm độ sâu cho tranh, còn chữ "Vinh hoa - Phú quý" được thêu thủ công để tạo nên sự kết sự thú vị và mới mẻ giữa dòng tranh dân gian truyền thống với nghề truyền thống của người Việt. Họa sĩ Hoàng Thị Việt Hương đã kết hợp chất liệu lụa truyền thống lồng ghép cùng các chi tiết đặc trưng trong các bức tranh thờ Hàng Trống tạo nên bộ tác phẩm về 3 trong số 36 giá hầu đồng là "Cậu bé Đồi Ngang", "Cô bé Thác Bờ", "Cô Chín".

Lấy cảm hứng từ những nét vẽ đặc tả các chi tiết chim công trong tranh dân gian Hàng Trống, họa sĩ Triệu Minh Hằng đã sử dụng kỹ thuật tô nét phẩy vàng, bạc và các kỹ thuật phủ lớp công phu của nghệ thuật sơn mài để tạo nên tác phẩm "Phượng Vũ" với đôi chim phượng hoàng vờn múa uyển chuyển trong vòng tròn, tạo cảm hứng về sự cân bằng âm dương hòa hợp; lấy cảm hứng từ bức tranh Hàng Trống mô tả 2 công chúa Quỳnh Hoa và Quế Hoa là 2 vị thánh hầu thân cận của Thánh Mẫu Cửu trùng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, họa sĩ Phạm Thủy Tiên đã sáng tạo nên tác phẩm sắp đặt giấy tổng hợp mang tên "Hạ phàm"; lấy cảm hứng từ tác phẩm "Bạch hổ" của tranh dân gian Hàng Trống, tác giả Triệu Khắc Tiến đã sử dụng bút pháp biểu hiện trừu tượng để nói về khí chất của những người phụ nữ tuổi Dần đầy bản lĩnh, nghị lực nhưng vô cùng nữ tính, tràn đầy năng lượng trong tác phẩm sơn mài "Gái năm Dần"…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển và cũng là người thầy dìu dắt, hướng dẫn các họa sĩ trẻ đến và dấn thân với dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" chia sẻ: "Với nhiều phiên bản mở rộng trong suốt 3 năm nay, thầy trò chúng tôi đã cố gắng khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản dòng tranh dân gian Hàng Trống nói riêng, cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc. Dự án đã mang tới sự khích lệ cho những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ thông qua việc học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu từ tri thức tới các kỹ thuật truyền thống của dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Từ những buổi học tập, nghiên cứu, chia sẻ kỹ thuật và tình yêu nghề của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, cho tới những buổi điền dã, nghiên cứu tại Bảo tàng Mỹ thuật cũng như những ngôi đình, đã mở ra những ý tưởng sáng tạo, tạo hình mới từ các chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó, sơn dầu… cho tới những chất liệu, hình thức thể hiện mới như đồ họa kỹ thuật số, thiết kế, sắp đặt…

Những không gian kiến trúc mang đậm yếu tố truyền thống trong mỗi lần trưng bày triển lãm như Đình Nam Hương, Hội Quán Quảng Đông xưa hay như lần này với không gian tiền đường Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng chính là nguồn cảm hứng rất lớn cho cả thầy và trò. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt, làm tăng thêm sức hút của mỗi triển lãm trong không gian và ngữ cảnh mới…".

2.jpg -1
Bộ tác phẩm "Căn 2" của họa sĩ Hoàng Thị Việt Hương được vẽ trên chất liệu lụa và thêu.

Dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" được khởi xướng và thực hiện từ năm 2020 tới nay. Sau 3 năm, đã có 7 triển lãm được tổ chức và đã diễn ra ở các không gian trưng bày triển lãm mang nhiều yếu tố di sản truyền thống như: "Từ truyền thống tới truyền thống" ở Đình Nam Hương số 75 Hàng Trống vào năm 2020, "Tranh Tết Hàng Trống" năm 2021, "Hổ dạo Phố" năm 2022, "Triển lãm cõi Tiên" năm 2022 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" đầu năm 2023 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ số 50 Đào Duy Từ, Đình Nam Hương và lần này là không gian tiền đường Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" là một cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có thể tiếp xúc, trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hóa bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Đây cũng là một nỗ lực để nghệ sĩ trẻ đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài và lụa.

Chính vì thế, khi dự án bắt đầu các thành viên của dự án còn các sinh viên, đến nay đều đã tốt nghiệp luôn rất hào hứng, tích cực như Nguyễn Cẩm Nhung, Trương Hoàng Hải, Bùi Kim Hiền, Lê Thị Hải Yến, Đặng Phương Linh. Đặc biệt, trong số đó có 3 họa sĩ có tác phẩm tham gia cả 7 triển lãm đó là: Trương Hoàng Hải, Lê Thị Hải Yến và Bùi Kim Hiền.

Họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung - trưởng nhóm họa sĩ của dự án "Từ truyền thống đến truyền thống" chia sẻ: "Triển lãm ban đầu xuất phát từ lời mời của quận Hoàn Kiếm khi có kế hoạch trùng tu Đình Nam Hương vào năm 2020, với ý tưởng đưa tranh Hàng Trống đến với đối tượng mới hơn là nghệ sĩ trẻ. Đây thực sự là một cơ duyên để nhóm họa sĩ trẻ chúng tôi có cơ hội tìm hiểu sâu, lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Tôi may mắn được các thầy Triệu Khắc Tiến, Nguyễn Thế Sơn và thầy Trần Ngọc Sơn dìu dắt để chúng tôi có thể viết tiếp câu chuyện của cha ông.Chúng tôi được trực tiếp xem nghệ nhân Lê Đình Nghiên sáng tạo một bức tranh từ A đến Z như thế nào, được xem những tư liệu quý và cũng được ông truyền cảm hứng cho. Tôi nhận ra rằng, có nhiều giá trị từ dòng tranh Hàng Trống gần như đã bị lãng quên, vì thế với những nỗ lực trong suốt 3 năm qua, chúng tôi hy vọng việc vẽ lại tranh Hàng Trống trên chất liệu mới, sáng tạo thêm từ các tác phẩm đã có của dòng tranh Hàng Trống sẽ làm phong phú thêm nguồn di sản của cha ông.

Chúng tôi cũng hy vọng di sản đã có và những sáng tạo mới của họa sĩ trẻ chúng tôi sẽ được đông đảo công chúng biết đến, trân trọng. Sau triển lãm "Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống", dự án "Từ truyền thống đến truyền thống" sẽ kết nối di sản văn hóa của Việt Nam với tranh khắc gỗ truyền thống Nhật (Ukiyo-e) trên chất liệu truyền thống sơn mài và lụa. Sau đó, các họa sĩ có thể sẽ tiếp tục với những khám phá mới mẻ đối với dòng tranh Kim Hoàng...".

Hiện nay, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang là nghệ nhân cuối cùng còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Theo nghề truyền thống của gia đình từ lúc nhỏ, trong 60 năm qua dường như chỉ còn có ông là người duy nhất am tường và có thể làm được từ đầu đến cuối mọi công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống. Những năm gần đây, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang truyền bí quyết của nghề làm tranh và lòng yêu nghề cho người con trai là anh Lê Hoàn. Chính vì thế, với sự tham gia sáng tạo, tương tác, và "đối thoại" tích cực của nhóm nghệ sĩ trẻ, dòng tranh dân gian Hàng Trống có thể sẽ có một đời sống khác sinh động hơn trong dòng chảy của mỹ thuật đương đại.

Nguyệt Hà
.
.
.