Họa sĩ Trang Thanh Hiền: Tìm kiếm tâm Phật trong chính mình
Không chỉ thành công trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật tôn giáo, họa sĩ, PGS.TS Trang Thanh Hiền còn được biết đến là một nghệ sĩ say mê với đề tài mang tính biểu tượng về Thiền định trên chất liệu truyền thống như giấy dó, mực nho. Với triển lãm “Ảnh xạ”, họa sĩ Trang Thanh Hiền như tìm thấy chính mình của những năm tháng tuổi trẻ đầy nội lực, đam mê...
Ở triển lãm "Ảnh xạ" đang diễn ra tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hoa sĩ Trang Thanh Hiền trưng bày 35 tranh vẽ trên giấy dó - chất liệu chị đam mê từ khi mới bước vào nghề vẽ. Trong đó, bộ 5 tranh được vẽ từ năm 2002, bộ 14 tranh của năm 2022, 20 tranh vẽ năm 2023 và 9 tượng khắc gỗ. Riêng bộ tranh năm 2023 là tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy dó.
Tuy có những tác phẩm ra đời cách nhau tới hơn 20 năm được trưng bày trong cùng một triển lãm, nhưng người xem có thể thấy tác phẩm của Trang Thanh Hiền có chung một mạch nguồn cảm xúc sáng tạo xuyên suốt về thiền định và hình tượng Mẹ. Dường như người xem không có cảm giác về sự gián đoạn trong tâm tưởng giữa các tác phẩm ra đời từ năm 2002 khi họa sĩ đang ở độ tuổi đầy nội lực, trẻ trung xuân sắc như "Mẹ", "Con", "Thời @ 1", "Thời @ 2", "Thời @ 3" với những tác phẩm ra đời năm sau đó 20 năm - khi chị đã trở thành người đàn bà chững chạc, nhiều trải nghiệm như "Sen" (điêu khắc gỗ), "Mơ hoa" (khắc gỗ màu nước), "Mơ sen" (khắc gỗ màu nước), "Tơ lòng" (mực nho trên giấy dó), "Mưa"…
Họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ: "Ảnh xạ" là một cái tên đến với tôi hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân. "Ảnh xạ" là sự phản chiếu, là sự in dấu, lúc tĩnh lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý... Tôi có thể tự ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, nó ghi nhận phản chiếu vô vàn những khoảng khắc của cuộc sống, còn những tác phẩm hội họa của tôi chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kỹ thuật tạo hình, mà ẩn chứa cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh...".
Theo chia sẻ của họa sĩ Trang Thanh Hiền, thời gian mà chị vừa "chập chững" bước những bước đi đầu tiên trong nghề cũng là lúc Internet bắt đầu trở thành một phương tiện mới và cũng là thời điểm chị phải đưa ra quyết định về sự lựa chọn theo con đường sáng tạo hay nghiên cứu. Thời điểm đó, Hiền vẽ khá nhiều, nhưng rồi việc vẽ tranh đã dừng lại hoặc chỉ là thêm thắt vào lúc rảnh, vì toàn bộ tâm trí đã nhường cho công việc nghiên cứu.
Trang Thanh Hiền nhớ lại: "Tôi bị hấp dẫn, thậm chí là mê hoặc bởi những thông điệp cha ông ẩn sau những mái đình, mái chùa hay những pho tượng cổ… Tuy vậy, trong những tác phẩm được vẽ ra lúc đấy, dường như đã vạch rõ cho tôi một hình hài, một dáng điệu hay nỗi niềm suy tưởng đã theo đuổi tôi đến ngày hôm nay. Về sau, khi niềm đam mê sáng tác lại giục giã, tôi quyết định làm cuộc triển lãm cá nhân mang tên "Đáy sóng" vào năm 2015. Sau triển lãm này, tôi may mắn tìm lại được những tác phẩm của năm 2002 với một niềm xúc động khó tả. Như có một ma lực, những bức vẽ đó đã khiến tôi trở lại với thời tuổi trẻ sôi nổi, đam mê, nồng nhiệt của mình, để năm 2023 tôi vẽ nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn bao giờ hết...".
Có lẽ nhờ sống lại những cảm xúc mãnh liệt của tuổi đôi mươi cùng với nhiều suy tưởng đã ẩn tàng qua năm tháng, Trang Thanh Hiền đã có được triển lãm "Ảnh xạ" mà chị tự ví như "những khúc nhạc trong cuộc đời mình mà tôi muốn tỏ bày cùng bè bạn và công chúng!".
Trang Thanh Hiền có tác phẩm tham gia triển lãm từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và sau này khi theo đuổi việc nghiên cứu mỹ thuật cổ, chị vẫn thường xuyên có tác phẩm tham gia các triển lãm nhóm. Họa sĩ Trang Thanh Hiền lựa chọn cho mình một lối đi riêng, đam mê vẽ với mực nho, màu nước trên giấy dó. Chị còn thành công khi sáng tạo, thử nghiệm, khám phá và ngẫu hứng cùng tranh khắc khi tạo ra các tác phẩm từ những bản in: in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản… phối hợp vẽ tay. Bởi vậy, tranh của Trang Thanh Hiền thường tối giản về màu sắc, chủ yếu là 2 màu đen trắng gợi cho người xem cảm giác phóng khoáng, tự do mà lại mang chiều sâu suy tưởng ẩn hiện, an hòa cùng thiên nhiên, cỏ cây hoa lá...
Trong nhiều tác phẩm của chị, vẻ đẹp của người phụ nữ, của người Mẹ, vẻ đẹp của Thiền định là đề tài trở đi trở lại. Có lẽ sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu về mỹ thuật tôn giáo, như một lẽ tự nhiên, biểu tượng về Phật, về Mẫu, về Thiền gắn liền với hoa sen đã âm thầm "ngấm", ăn sâu vào trong ý niệm, suy tư của Trang Thanh Hiền.
Chị bộc bạch: "Với tôi, biểu tượng Phật là biểu tượng mượn hình bóng của thiền định để nói về sự cân bằng trong mỗi con người. Phật là Phật, Phật là sen, Phật là sông, là núi, là tâm can mỗi con người... Dường như mỗi người đều kiếm tìm tâm Phật trong chính mình, nuôi dưỡng nó để trưởng thành, để lan tỏa. Ý tưởng khiến tôi thích thú trong lô tranh 2023 chính là: Cho dù mọi hoàn cảnh, mưa gió bão bùng có làm con người chao đảo, thì tâm Phật vẫn vững vàng để mỗi người tự sống, tự ngẫm và tự vươn lên trong chính hành trình tìm kiếm bản thân mình...".
Và qua triển lãm "Ảnh xạ", họa sĩ Trang Thanh Hiền dường như đã tìm thấy chính mình một cách đầy đủ, viên mãn, hân hoan qua chính công việc sáng tạo, làm mới con đường hội họa mà mình đã, đang và sẽ đi.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền chia sẻ rằng, đến nay chị đã có mặt ở hầu khắp các ngôi chùa ở miền Bắc. Mê mải đi, mê mải chụp hình, ghi chép, suốt bao nhiêu năm, đồng thời phải âm thầm vượt qua những khó khăn, rào cản của một người phụ nữ làm công việc nghiên cứu và phải liên tục đi điền dã nhiều nơi.
Những cuốn sách và các giải thưởng mà chị đã đạt được trong những năm qua như là một sự ghi nhận, nguồn động viên lớn để chị tiếp tục với hành trình của mình như: "Hình tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn ở Việt Nam (NXB Văn hóa - Thông tin Hà Nội, 2005); "Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam" (NXB Thế giới, 2007, Giải thưởng sách hay, sách đẹp của Hội xuất bản Việt Nam ); "Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt" (NXB Mỹ thuật, 2016); "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" (NXB Lao động, 2019, Giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho công trình sách).
Tạo được dấu ấn là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi và thành công trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử mỹ thuật tôn giáo, những công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách của Trang Thanh Hiền còn giúp đưa mỹ thuật cổ truyền thống gắn với tôn giáo trở nên gần gũi, dễ hiểu với công chúng rộng rãi chứ không chỉ dành cho giới nghiên cứu.
Ngoài ra, họa sĩ Trang Thanh Hiền còn có mặt trong nhiều dự án mang tính cộng đồng, hướng về trẻ em, tôn vinh những giá trị truyền thống được nhiều người biết đến như: Dự án "Sáng tạo mặt nạ Việt vui Tết Trung Thu" và "Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết" (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam): "Lễ hội mặt nạ Trung Thu 2016" (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), "Cùng bé sáng tạo mặt nạ Việt" (Khu đô thị Hanoi Garden City), "Triển lãm và khám phá tranh dân gian Việt Nam" (Palm Artspace - Ecopark)… Chị tâm sự: "Cuộc đời có lẽ ưu đãi cho tôi nhiều niềm vui hơn mọi người, bởi lẽ tôi không chỉ vẽ mà tôi còn làm nghiên cứu. Với tôi, nghiên cứu mỹ thuật cổ là một đam mê khó có thể dứt bỏ".