Giải mã Hát văn - Hầu bóng

Chủ Nhật, 12/05/2024, 13:33

Thực hành tín ngưỡng hầu bóng có những thay đổi lớn vào giai đoạn đô thị hóa đầu thế kỷ XX và sau đó bị "đóng băng" từ giai đoạn 1954 cho đến những năm 1990. Những mốc then chốt này rất quan trọng trong nghiên cứu và phân tích sự biến thân của thực hành tín ngưỡng, bởi những năm cuối thế kỷ trước được coi là điểm ngắt của "khuôn vàng thước ngọc" trong nghề hát văn và hầu bóng trước khi thực hành tín ngưỡng bùng nổ vào đầu những năm 2000.

Tiến sĩ Lê Y Linh đã ngược dòng quá khứ, giải mã những bí ẩn về một di sản mà hiện nay đang thịnh hành trong đời sống người Việt.

Hành trình 40 năm tìm về cung văn xưa

Trong cuốn sách gần 800 trang, "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn", Tiến sĩ Lê Y Linh đã đưa bạn đọc lần ngược thời gian tìm về âm nhạc hát văn và thực hành hầu bóng trước năm 1990. Hiểu về tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn qua những miêu tả, chú giải, phân tích, tổng kết ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc nghi lễ, cung cấp những tư liệu khá đầy đủ về hát văn - hầu bóng qua những tư liệu mà cụ Phạm Văn Kiêm để lại.

Những tư liệu này được tham chiếu với những thông tin trong cộng đồng tín ngưỡng của hai nhà nghiên cứu Pierre-Jean Simon và Ida Simon-Barouh, cũng như một số học giả Pháp thu thập vào những năm 1950-1970 tại Pháp và Việt Nam. Từ đó cung cấp một cái nhìn chuẩn xác nhất trong tình trạng tư liệu hiện nay về nghi lễ hầu bóng trong gần một thế kỷ. 

nghi lễ hầu đồng ngày nay có nhiều biến tướng.jpg -1
Nghi lễ hầu đồng ngày nay có nhiều biến tướng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Trong gần 40 năm tác giả đã gặp, đàm đạo, trao đổi với nhiều đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn... để hiểu về gia tài nhạc, văn và lễ Tứ phủ được tiền nhân để lại, từ đó công trình nghiên cứu góp phần giải mã về Tứ phủ và văn cho những người quan tâm, những nhà nghiên cứu, cho làng đạo và đệ tử, từ quy trình kiến tạo điện thần tới ngôn từ nhà đạo, từ cách hát, cách nhịp đến cấu trúc âm nhạc và nghi lễ của một buổi hầu. 

Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta có gần 100 bản văn của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm sưu tầm và sáng tác từ năm 1945-1990, trong đó có hơn 60 bản được Ngô Nhật Tăng, Lê Phương Duy và Kim Trung Linh chú giải. Theo đồng thầy Nguyễn Văn Tài, cụ Kiêm là một trong 2 nhà Hán học giỏi nhất Hà thành những năm 1950-1960. Trong giới họ tôn cụ Kiêm là thánh sư. Các bài hát văn đang thực hành trong các đền đài hiện nay có đến 90% có sự trước tác của cụ Kiêm.

Theo Tiến sĩ Lê Y Linh: "Là trăm năm để hiểu sự khác nhau và tương đồng giữa những lễ hầu đồng trong bóng tối với một xâu đồng xu, một mâm bỏng gạo thời chiến tranh và những lễ lẫy lừng với hàng trăm mâm lộc và các thánh về phát lộc bằng ngoại tệ. Tôi muốn tìm mẫu số chung của các con số bốn phủ, muốn thấu đáo vai trò của bốn làn điệu cơ bản. Muốn đi tìm hành trình trăm năm của hầu bóng trên những chứng cứ, văn bản".  Có thể nói, "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn" là một độc bản của nghệ thuật hát văn và tín ngưỡng hầu bóng hiện nay. 

Cung văn xưa - nay, đâu là chuẩn mực?

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nghi lễ hầu đồng đã hồi sinh trong đời sống tâm linh người Việt Nam hiện đại và việc "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016 với hàng trăm công trình nghiên cứu, bài báo, bài khảo cứu, ấn phẩm, cùng các hoạt động quảng bá trong nước và nước ngoài, Tín ngưỡng hầu bóng đã phát triển lên một bình diện mới.  Trong tất cả các tín ngưỡng và phong tục thờ cúng của người Việt, chúng ta không thể không nói đến tín ngưỡng hầu bóng, mặc dù chưa có thống kê nào cho biết có bao nhiêu tín đồ. Tín ngưỡng hầu bóng có nhiều tên gọi: hầu bóng, lên đồng, nhập đồng, thờ Tứ phủ, Tam phủ, thờ Chư vị, Đạo Mẫu, Đạo Thánh... 

Nhưng, cũng từ năm 2000, thực hành tín ngưỡng này có rất nhiều biến tướng. Những thế hệ như cụ Kiêm, cụ Kỵ không có truyền nhân vì theo anh Ngô Nhật Tăng, các cụ không có học trò, mỗi người chỉ đến học vài ba bài rồi vội vàng đi hầu thánh để... kiếm tiền. Đồng thầy Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh về vai trò của cung văn trong một vấn hầu: "Ngày xưa chỉ có 2 người, những đàn lớn lắm mới dùng trống cái. Lên đồng mà điểm trống cái mất đi tiếng đàn của các cụ, tiếng đàn để đẩy đưa câu văn rất có giá trị. Nhà đền phải trả lại tiền bởi có những đồng đá không mở được khăn. Những lão làng như cụ Kiêm, cụ Kỵ được nhà đền trọng vọng. Ngày xưa không có dám giả thánh, không hầu đồng 4-5 tiếng như bây giờ".

Theo bà Phạm Thị Lan Anh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội), những biến tướng trong nghi lễ hầu đồng đang diễn ra khá phổ biến như không hiểu lời cũ hát chệch đi, "ngũ thổ" thành "ngũ hổ"... rồi biến tướng trong lời văn, âm nhạc. Các giá đồng cũng mở tùy tiện, trang phục không chuẩn, những người thực hành hát văn tam sao thất bản. Phải hát chuẩn, đúng, hay mới bảo tồn được di sản...".

cuốn sách về hát văn và hầu bóng.jpg -0
Cuốn sách về hát văn và hầu bóng.

Nhưng, làm sao hát chuẩn, hát hay khi hát văn là truyền miệng, có hai phần, phần lòng bản và ứng tác. Lòng bản chính là những bài hát văn của các thầy như cụ Kiêm, cụ Kỷ. Một cung văn giỏi phải hiểu mình hát cái gì. Nếu nhìn ở góc độ này thì di sản hát văn cũng cần bảo vệ khẩn cấp bởi những bài hát văn của các cụ lâu nay thất truyền. Phải thuộc lòng bản của các cụ rồi sẽ tự ứng tác theo cách của mình. Người hát văn phải chắc khuôn mới mở được.

Theo đồng văn Nguyễn Văn Tài: "Đã là hát văn hầu thánh phải linh thiêng. Có thể tổ chức các cuộc thi hát văn ở các khán phòng quy mô chứ không nên mang hát văn ra ngoài đường phố, chợ đêm. Hát văn được các cụ thể hiện là những ý văn cao quý nhất trong hầu thánh, văn thờ, không có loại hình nào mà lời văn cao quý hơn, nó không có tính chất thị trường. Các cụ xưa nói là dâng văn vì lời văn là dâng thánh".

Tiến sĩ Lê Y Linh cũng khẳng định: "Không có văn sẽ không có tín ngưỡng, không có nhạc sẽ chẳng còn văn. Đọc văn mà không được nghe nhạc thì cũng không thể hiểu, nghe nhạc mà không biết lễ thì cũng chả đến nơi. Người nghiên cứu như tôi chỉ kỳ vọng tìm được mật mã của nhà đạo, nhưng luôn luôn vẫn chỉ thấy mình như một "thầy bói xem voi". Tôi hy vọng rằng nó sẽ cung cấp những tư liệu, truyền đạt lại một phần những gì học được từ thầy, trao một vài chìa khóa để bạn đọc, nhà đạo và các nhà nghiên cứu tiếp tục con đường tìm hiểu Đạo Lớn".

Vì thế, có lẽ hơn lúc nào hết, hát văn - một thành tố quan trọng trong tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ cần một cuộc chỉnh trang để đưa hát văn trở lại với những khuôn thước, bài bản chuẩn mực.

"Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn" đặc biệt đã bao gồm những cuốn cổ văn, cảo thơm các cụ để lại, giúp lớp người sau hiểu được hơn giá trị những cuốn văn thầy Kiêm trao gửi, những bài văn hầu được thu âm trong nghi lễ. Trăm năm trong cõi hát văn và hầu bóng ấy để trước đèn lần giở ngược cảo thơm một thế kỷ về trước. Và, khi tìm được những cuốn văn cổ, phân tích các bản văn hầu, nghe văn thờ, so sánh giữa các nguồn, các bài... thì mới thật sự hiểu được: những bản văn thầy Phạm Văn Kiêm đã trao gửi cho tôi và được xuất bản lần này là một tài sản vô giá của làng đạo, của các nhà nghiên cứu, của tổ tiên, của đất nước", Tiến sĩ Lê Y Linh nói.

Cung văn xưa đã có, được số hóa và giải thích tường tận. Điều quan trọng là những người đang thực hành di sản có mong muốn học hỏi để tìm lại đúng giá trị của di sản hay không? Và, từ phía nhà nước, cũng cần có những cuộc "chỉnh trang" để di sản không bị biến tướng, mai một theo thời gian.

Việt Hà
.
.
.