Gặp những nhạc sĩ sáng tác nhạc cho thiếu nhi

Thứ Sáu, 27/05/2022, 10:08

Trong quá trình làm báo, tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc cho thiếu nhi. Có những nhạc sĩ lớp trước, như nhạc sĩ Trần Viết Bính, Hoàng Long, Trương Quang Lục, Hoàng Giai… hay có những nhạc sĩ lớp trung tuổi và trẻ tuổi, như: Hà Hải, Trần Hoàng Tiến, Hồng Vân, Lê Dũng... và thấy họ đều mong muốn làm một điều gì cho âm nhạc thiếu nhi để đời sống âm nhạc cho các em được phong phú, đa dạng.

Vẫn sung sức và đầy đam mê

Những ngày tháng 6 lại về khi ở đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về những sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi, tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Trần Viết Bính - tác giả ca khúc nổi tiếng "Hạt gạo làng ta" (thơ Trần Đăng Khoa). Gắn bó với công tác âm nhạc cho thiếu nhi từ rất sớm khi phụ trách đội thiếu nhi Vàng Anh nức tiếng Thành Nam một thời, ông đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc thiếu nhi.

Quen biết ông đã nhiều năm, tôi thấy ở ông tinh thần làm việc say mê, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng. Những năm gần đây, tuổi đã cao nhưng ông vẫn giữ thói quen là hằng năm cứ vào dịp hè, Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15-5), Tết Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, ông đều có sáng tác mới tặng các em. Ngoài ra, ông vẫn đi dạy hát cho thiếu nhi ở thành phố, huyện, xã và cả vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Đồng Nai - nơi ông sinh sống, gắn bó hơn 40 năm nay.

screen shot 2022-05-29 at 10.08.56.jpg -0
Nhạc sĩ Trần Viết Bính ở tuổi 90 vẫn say sưa với âm nhạc thiếu nhi.

Các sáng tác về thiếu nhi của nhạc sĩ Trần Viết Bính thường nhẹ nhàng như lời khuyên của một người ông dành cho những đứa cháu của mình: "Vâng lời cô giáo, qua đường nhớ trông đèn đỏ, phải đợi đèn xanh mới qua" (bài "Nhớ lời cô dặn"), "Có con, có con mèo lười/ Không thuộc bài vì mải chơi máy tính" (bài "Ong chăm, mèo lười").

Gần đây, ông đã sáng tác 2 ca khúc "Đồng dao Trường Sa, Hoàng Sa" và "Cháu ngoan Bác Hồ", trong đó ca khúc "Cháu ngoan Bác Hồ" đã giành giải thưởng cuộc thi "Sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi" năm 2021 do Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn tổ chức. Nếu như "Đồng dao Trường Sa, Hoàng Sa" như một lời nhắc nhở thế hệ thiếu nhi về vấn đề lớn lao của dân tộc là chủ quyền biển đảo quốc gia thì trong ca khúc "Cháu ngoan Bác Hồ" ông đã chuyển thể 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng vào khuông nhạc một cách uyển chuyển.

Cũng ở lứa tuổi U90 như nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhạc sĩ Trương Quang Lục, tác giả các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng "Trái đất này là của chúng mình" (thơ Định Hải), "Chỉ có một trên đời"… vẫn tỏ ra đầy sung sức. Những cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa tôi và ông thường kéo dài hàng tiếng với những sẻ chia hết sức chân tình, tâm huyết.

Kể lại với tôi, ông vẫn còn đầy xúc động khi cho biết ca khúc "Trái đất này là của chúng mình" đã vinh dự được trở thành bài hát chủ đề trong một đại hội về dân tộc ở đất nước Canada từ nhiều năm trước vì nó đã nói về vấn đề chống phân biệt chủng tộc: "Trái đất này là của chúng mình/ Vàng trắng đen tuy khác màu da/ Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý/ Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm…". Đặc biệt ca khúc cho thiếu nhi "Đẹp nhất bông sen" của ông đã giành Giải A Giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021, cho thấy người nhạc sĩ lão thành ở đất phương Nam vẫn chưa ngừng sáng tạo, đau đáu với âm nhạc thiếu nhi.

Ở Hà Nội, tôi cũng đã có thời gian thân thiết, gần gũi với nhạc sĩ Hoàng Giai (nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi Trường Đoàn Trung ương, nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), tác giả ca khúc thiếu nhi "Hoa lê trắng" được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc lớp 3. Từ ca khúc đầu tay "Măng non trưởng thành" sáng tác năm 1961, đến nay ông đã cho ra đời hàng trăm ca khúc về thiếu nhi.

Đặc biệt không chỉ sáng tác, ông còn sưu tầm, biên soạn và giới thiệu 3 cuốn sách có giá trị về âm nhạc dành cho thiếu nhi: "Em mơ gặp Bác Hồ", "100 ca khúc đặc sắc thiếu nhi với Bác Hồ" và "Màu áo chú bộ đội". Gần đây, ông đã mạnh dạn đi sâu vào sáng tác cho ngành Công an để khắc họa tình cảm của các em với những người ngày đêm giữ bình yên cho xã hội, tiêu biểu là "Cháu yêu cô chú Công an".

Cùng ý tưởng với nhạc sĩ Hoàng Giai, nhạc sĩ Hồng Vân cũng đi sâu vào mảng sáng tác thiếu nhi với ngành Công an. Hồi tháng 6-2021, ca khúc "Cô chú Công an với mái trường" của ông được Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ngợi khen và được Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an trực tiếp đến nhà trao quà của Bộ trưởng và bức thư khen của Cục Cảnh sát giao thông. Từ niềm khích lệ đó, ông đã đi sâu vào mảng sáng tác đầy thú vị này, bởi ông cho rằng sáng tác về thiếu nhi với chú bộ đội thì nhiều nhưng với chú Công an thì vẫn còn khá ít.

Trong chương trình giới thiệu tác phẩm mới trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam gần đây, nhiều người tỏ ra ấn tượng với ca khúc thiếu nhi "Ngôi trường giữa ngàn mây" của nhạc sĩ trẻ Lê Dũng. Ca khúc này cũng đã giành giải thưởng trong cuộc thi về đề tài dân tộc, thiểu số miền núi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2020. Ca khúc được nhạc sĩ 8X viết sau chuyến thực tế ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) là sự cảm tác trước cảnh đẹp của thiên nhiên miền núi với hình ảnh ngôi trường trên cao cùng sự vượt khó của các em để hướng tới một tương lai tươi đẹp.

"Ngôi trường giữa ngàn mây" được lựa chọn nằm trong dự án WECA là một dự án cộng đồng, chọn lọc các bài hát thiếu nhi mới, hay, chất lượng để giới thiệu tới cộng đồng. Năm 2020, Nhà xuất bản Thanh niên đã phát hành tập sách mang chủ đề "Bốn mùa yêu thương" gồm 19 ca khúc tiêu biểu của anh dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi, như: "Ơn thầy cô", "Khúc hoan ca mùa thu", "Em vui hội trăng rằm", "Xin chào Tết ơi!", "Hè về bên em"," Mùa tựu trường yêu thương", "Trăng và bé"…

Không thiếu bài hát thiếu nhi mới

screen shot 2022-05-29 at 10.09.03.jpg -0
Nhạc sĩ trẻ Lê Dũng tâm huyết với sáng tác thiếu nhi.

Đề cập đến những sáng tác mới dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Lê Dũng thẳng thắn cho biết, sự quan tâm của nhạc sĩ trẻ với chủ đề này vẫn có nhưng không nhiều. Khắp cả nước có rất nhiều nhạc sĩ, giáo viên âm nhạc, người có tâm huyết vẫn đang sáng tác cho thiếu nhi, điều đó cho thấy không hề thiếu các bài hát thiếu nhi mới nhưng cộng đồng lại không thể tiếp cận được nguồn bài mới đó. Đơn giản vì những bài hát đó chỉ nằm trên giấy hoặc chỉ được biểu diễn ở quy mô nhỏ. Để các em yêu thích một bài hát thì các em cần được nghe/xem bài hát đó nhiều lần, tức là bài hát đó cần được sân khấu hóa, được biểu diễn, được trình chiếu ở nhiều kênh.

"Để khuyến khích các nhạc sĩ trẻ tâm huyết viết cho thiếu nhi cần được quan tâm, quảng bá từ các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như chi hội âm nhạc ở địa phương, khi phát hiện những nhạc trẻ sĩ tiềm năng, tâm huyết cho thiếu nhi cần được quan tâm, động viên cũng như khích lệ kịp thời", nhạc sĩ Lê Dũng nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm đó, nhạc sĩ Trần Viết Bính khẳng định, hiện nay bài hát viết cho thiếu nhi có khá nhiều nhưng thiếu nhi và công chúng lại ít được nghe nhiều như ngày xưa. "Trước năm 1975, không có nhiều người viết cho thiếu nhi như bây giờ. Minh chứng cho ý kiến này là nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi. Thời gian nhận bài thi rất ngắn (từ ngày 1-3-2021 đến 15-4-2021), giải thưởng khiêm tốn nhưng Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được trên 500 bài hát của gần 400 tác giả. Điều đó chứng tỏ số người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là thiếu nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi", tác giả ca khúc "Hạt gạo làng ta" khẳng định.

Ngô Khiêm
.
.
.