Dòng phim về người lính và chiến tranh cách mạng: Cần sự dấn thân của những người trẻ
Từng là dòng phim chủ đạo, giữ vai trò quan trọng làm nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam ở nhiều giai đoạn nhưng thời gian gần đây, phim về người lính và chiến tranh cách mạng dần trở nên thưa vắng hơn. Để có được những tác phẩm về đề tài này, hấp dẫn khán giả đương đại rất cần sự dấn thân của những người làm điện ảnh.
Mới đây, tuần phim Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) đã được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 25/12 trên phạm vi cả nước. Tuần phim do Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị sản xuất phim, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh. Các phim được chọn chiếu trong Tuần phim bao gồm: phim truyện "Thạch Thảo", 2 phim tài liệu "Cha tôi và đồng đội", "Kẻ thù của tôi, bạn của tôi" (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương), phim hoạt hình "Chiến binh mèo mũi đỏ" (Công ty Cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất).
Ngoài ra, một Tuần lễ phim nữa cũng được Điện ảnh Quân đội nhân dân và Cục Điện ảnh phối hợp tổ chức (từ ngày 18 đến ngày 21/12/2022) tại rạp chiếu phim Điện ảnh Quân đội nhân dân, 17 Lý Nam Đế, Hà Nội. Bộ phim "Bình minh đỏ" của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân sản xuất sẽ được chiếu mở màn trong đêm khai mạc. Ngoài ra, các phim được chọn trình chiếu trong Tuần phim bao gồm "Đừng đốt" (Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh), "Người trở về" (đạo diễn Đặng Thái Huyền), "Những người viết huyền thoại" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), "Truyền thuyết về Quán Tiên" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ). "Mùi cỏ cháy" (đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười), "Lính chiến" (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà).
Các tác phẩm điện ảnh chiếu trong Tuần phim hướng tới đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng và hậu chiến. Hình tượng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam được khắc họa rõ nét, đẹp và sống động trong cả thời chiến và thời bình. Thông qua Tuần phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân mong muốn thể hiện sự tri ân, tôn vinh lịch sử vẻ vang, truyền thống trung thành với Đảng, hiếu với dân, vì nhân dân quên mình của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Có thể nói, những tác phẩm điện ảnh chiếu trong Tuần phim này cũng là những bộ phim được sản xuất về đề tài này trong khoảng gần 20 năm trở lại đây. Ngoài một hai bộ phim như "Người trở về", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Bình minh đỏ"… mới được sản xuất thì những bộ phim kia cũng đã ngót nghét hơn 10 năm tuổi. Đơn cử như bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được sản xuất năm 2009, "Mùi cỏ cháy" sản xuất năm 2012… Điều này đã cho thấy thực trạng của Điện ảnh Việt Nam gần đây đang dần thiếu vắng những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, thời kỳ hậu chiến. Chính vì vậy, sự quan tâm của cơ quan quản lý trong việc đầu tư, phát triển dòng phim này trong giai đoạn đổi mới, phát triển hội nhập của đất nước hiện nay là việc làm cần thiết.
Có thể nói, nền điện ảnh Việt Nam ra đời từ trong chiến tranh, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chính vì thế lịch sử của điện ảnh Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc. Những tác phẩm tiêu biểu của Điện ảnh Việt Nam từ khi ra đời cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX hầu hết đều là những bộ phim gắn với đề tài chiến tranh cách mạng trong đó người lính xuất hiện là những nhân vật chính như "Chị Tư Hậu", "Con chim vành khuyên", "Vỹ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội"… Ngay cả khi đất nước thống nhất, đề tài chiến tranh vẫn là "mảnh đất màu mỡ" thu hút sự quan tâm của nhiều đạo diễn tên tuổi và họ đã đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Bao giờ cho đến tháng Mười" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Tướng về hưu" (đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi), "Ngã ba Đồng Lộc" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)…
Bên cạnh những đạo diễn lão làng, có giai đoạn, điện ảnh Việt ghi nhận sự vào cuộc hào hứng, nhiệt tình với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng của những đạo diễn tâm huyết thuộc thế hệ 7X, 8X như Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ…. Họ đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những bộ phim như "Đường thư", "Những người viết huyền thoại" (Bùi Tuấn Dũng), "Người trở về" (Đặng Thái Huyền), "Truyền thuyết về Quán Tiên" (Đinh Tuấn Vũ). Những bộ phim này đã mang đến không khí mới cho dòng phim vốn khá quen thuộc này. Với cách nhìn mới mẻ, đa chiều của những người trẻ về lịch sử, với cách làm phim nhiều sáng tạo, hiện đại những bộ phim này đã chinh phục được khán giả trẻ - những người chưa từng "biết mặt chiến tranh".
Khai thác đề tài chiến tranh thông qua những số phận con người là cách kể chuyện đến gần với trái tim khán giả. Đó là cuộc đời của nữ quân nhân Mây trong "Ngày trở về" hay đời sống nội tâm giằng xé của 3 cô gái thanh niên xung phong giữa rừng già trong "Truyền thuyết về Quán Tiên"... Những bộ phim ấy không chỉ nhận được sự yêu mến của khán giả mà còn được ghi nhận bằng những giải thưởng cao tại các LHP. Như bộ phim "Mùi cỏ cháy" đã được trao 4 giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc và nhiều hạng mục khác. "Những người viết huyền thoại" đã nhận được Bông sen vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất, nam/ nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, biên kịch xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 18...
Có thể nói, với một đất nước mang trong mình 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thì đề tài chiến tranh cách mạng với hình ảnh người lính luôn là một đề tài lớn, là mảnh đất rộng để những người làm phim khai thác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phim làm về đề tài này ngày một ít đi. Trước hết, có lẽ là vấn đề thời điểm. Lâu nay, các bộ phim làm về đề tài chiến tranh cách mạng thường là những phim do Nhà nước đặt hàng nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn.
Trong bối cảnh chung, phim nhà nước ngày càng ít đi cũng dẫn đến phim về đề tài này lại càng ít. Sự nở rộ của các phim tư nhân thường chỉ tập trung vào những đề tài thị trường với hy vọng hút khách, dễ thu hồi vốn. Khi thị trường điện ảnh đang cạnh tranh với những bộ phim đoạt doanh thu lên tới hàng trăm tỷ, chủ yếu phản ánh đời sống đương đại thì làm phim về đề tài chiến tranh và người lính ở thời điểm này là mạo hiểm, nếu không muốn nói là đi vào "con đường khó". Thiếu kịch bản hay, tốn kém kinh phí, mạo hiểm khi ra rạp là những điều khiến không ít đạo diễn e ngại với đề tài này.
Một lý do nữa khiến nhiều người làm phim không hào hứng với đề tài này vì "ngại khó", làm thế nào vượt qua được những tác phẩm "đi cùng năm tháng" trước đó. Chưa kể, cách làm phim về chiến tranh của chúng ta lâu nay vẫn thường đi vào lối mòn với những góc phản ánh kinh điển như chính nghĩa - phi nghĩa, ra đi - trở về, mất mát, nỗi đau của người ở lại… chưa có sự đột phá mới trong cách kể chuyện. Do đó, khán giả thường xuyên bắt gặp những câu chuyện với những số phận nhân vật quen thuộc. Để thoát ra khỏi lối mòn quen thuộc đó rất cần tài năng, bản lĩnh của những người làm nghề với nhiều khát khao sáng tạo mới.
Như chia sẻ trên báo chí, đạo diễn Đặng Thái Huyền, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho rằng: "Phim về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn có giá trị và sức hút riêng. Khán giả là đối tượng phục vụ của điện ảnh nhưng khán giả cũng đồng thời là đối tượng để điện ảnh thực hiện trách nhiệm giáo dục và định hướng thẩm mĩ. Nếu một bộ phim về đề tài này chuẩn mực và hấp dẫn, đương nhiên sẽ đến được với khán giả mà không bị rào cản "thị hiếu" gây cản trở. Chúng ta còn thiếu những kịch bản sắc nét, đa dạng về đề tài này. Bởi vậy, tôi cho rằng cần tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản, trại sáng tác thực tế cho tác giả để tìm kiếm, sàng lọc kịch bản có chất lượng tốt về đề tài chiến tranh, người lính. Cần thiết nữa là sự thay đổi tâm lý của chính những người làm phim, nếu lúc nào cũng là "khó làm" để rồi không dám thử sức thì không thể tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của dòng phim này".
Có lẽ, sứ mệnh mà cũng là trách nhiệm làm ra những bộ phim hay về đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ riêng với những người làm điện ảnh mang quân phục xanh mà thuộc về tất cả những người trẻ. Phải dấn thân và sáng tạo hơn nữa để có được những tác phẩm điện ảnh làm sống lại những câu chuyện của lịch sử hào hùng của dân tộc.