Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình: Đến với sách là “duyên” trời định!

Thứ Bảy, 15/06/2024, 11:53

Đầu tháng 6 vừa qua, bộ ba tác phẩm mang tên “Đất lành” của Pearl S. Buck - nữ nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt được giải thưởng Nobel văn học năm 1938 - đã được Bình Book chính thức phát hành ở Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Tuấn Bình - ông chủ của Bình Book.

Nhân dịp này, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Tuấn Bình - người đam mê với việc bán sách và quảng bá sách - đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để chuyển ngữ những tác phẩm đặc sắc trên thế giới đến Việt Nam.

Xin chào dịch giả Nguyễn Tuấn Bình. Chúc mừng tâm huyết của anh và Bình Book với bộ ba tiểu thuyết đặc biệt mang tên “Đất lành” của Pearl S.Buck vừa ra mắt. Anh có thể chia sẻ cho độc giả biết điều gì thôi thúc anh chọn dịch và phổ biến bộ tác phẩm này ở Việt Nam?

z5525061210974_a9efd6c38bf55da7e2fdf64847244bd2.jpg -1
Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình có niềm đam mê với việc lan tỏa tri thức từ những cuốn sách.

+ Tôi cũng rất mừng khi hai năm kể từ thai nghén ý tưởng tới lúc có quyết định phát hành bộ sách “Đất lành” của Pearl S.Buck, tác phẩm đã tới với bạn đọc. Con mình mình thương, quả thật tôi xúc động khi sách thơm mùi mực in về trên tay mình. Thực tế Pearl S. Buck không phải là cái tên xa lạ với bạn đọc trung niên. Tác giả từng được mến mộ với hàng chục cuốn sách được chuyển ngữ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tái bản rải rác cho tới những năm 2000; rồi không hiểu sao đột nhiên mất hút.

Bản thân tôi cũng từng đọc và yêu mến Pearl S. Buck bởi những trang viết mang làn gió “nửa Đông nửa Tây” đặc sắc: tác giả người Mỹ, nhưng trải qua hơn 30 năm sống tại Trung Quốc, là người phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt được giải thưởng Nobel văn học năm 1938 vì “những miêu tả chân thực và đặc sắc về cuộc sống nông dân Trung Quốc”. Không phải tác giả Nobel văn học nào cũng dễ dàng được đón nhận tại Việt Nam, nhưng Pearl S.Buck quả thật là một trường hợp đặc biệt, tôi cảm thấy bà gần gũi với tâm hồn người Việt ta. Bởi thế tôi quyết tâm đưa bạn đọc về với mảnh “Đất lành” của Pearl S. Buck sau hơn 20 năm quên lãng.

- Giới thiệu một tác phẩm văn học ra đời cách đây gần 100 năm, lại dưới con mắt của một người phương Tây có khiến việc dịch bộ sách này cũng như việc tiếp nhận của độc giả gặp khó khăn gì không?

+ Lúc đầu tôi cũng lo lắng. Nội dung tác phẩm trải dài khoảng 60 năm qua ba đời một dòng họ xuất thân nông dân trong giai đoạn biến động nhất lịch sử Trung Quốc: bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX tới những năm 1930. Tư liệu lịch sử về thời kỳ này còn ít được biết tới tại Việt Nam, đó là khó khăn dành cho tôi và nhiều độc giả trong quá trình tìm hiểu tác phẩm. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ bối cảnh lịch sử làm nền cho câu chuyện “Đất lành” để viết lời giới thiệu đầu sách, hầu mong giúp độc giả nắm bắt bầu không khí thời đại khi đó.

Câu chuyện của người Á Đông dưới góc nhìn phương Tây chắc chắn sẽ có những “lệch pha” khiến công việc chuyển ngữ gặp khó khăn. Chúng tôi đã ngồi lại và tra cứu nhiều để “Việt hóa” tên nhân vật như Wang Lung thành Vương Long, hay Wang Tiger thành Vương Mãnh Hổ, nhưng việc đó còn đơn giản. Những đoạn tác giả mô tả về tập tục ma chay hiếu hỉ, cách xưng hô, tên gọi quan chức người Á Đông thuở trước với những câu đối, lễ nghi, vật dụng cổ xưa... quả thật là thách thức đối với bất kỳ người người dịch nào.

- Theo anh, thiết chế gia đình - xã hội của phương Đông, cụ thể là nông thôn Trung Quốc, trong mắt một người phương Tây có gì khác biệt so với các tác gia người phương Đông viết về nông thôn Trung Quốc mà anh đã từng tiếp cận?

+ Bạn đọc Việt Nam từng được làm quen với nhiều nhà văn viết về đề tài nông thôn Trung Quốc như Lỗ Tấn với “AQ chính truyện”, Đới Tư Kiệt với “Balzac và cô thợ may Trung Hoa” và đặc biệt là Mạc Ngôn của “Cao Lương Đỏ”. Rõ ràng thiết chế gia đình - xã hội phương Đông, thấm đẫm trong đời sống nông thôn Trung Quốc, dưới góc nhìn của người phương Tây như Pearl S.Buck hay chính người Á Đông vẫn nổi bật lên một điều: con người gắn chặt với đất đai và dòng tộc, như lời Vương Long trong “Đất lành” khi đã là một ông già gần đất xa trời: "Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất. Chúng ta từ đất mà ra và chúng ta sẽ quay về với đất, nếu còn giữ được đất đai, các con có thể sống tiếp, không ai có thể cướp đất của các con".

Nhưng khác với con mắt có phần u ám của những nhà văn Trung Quốc cùng thời như Lỗ Tấn hay Mạc Ngôn, Pearl S.Buck không phê phán những thói hư tật xấu, phơi bày trần trụi mặt tối trong đời sống người nông dân Trung Quốc. Thay vào đó, bà tái hiện đời sống của họ qua từng trang viết một cách sống động, chân thực và mộc mạc, với trái tim đầy thương cảm. Buck nhìn nhận cuộc sống của người nông dân Trung Quốc qua lăng kính nhân ái, mang đến cho độc giả những câu chuyện giàu cảm xúc, khắc họa rõ nét nỗi khó nhọc, niềm hy vọng và ước mơ của họ.

Là ông chủ của Bình Book, vừa là người tổ chức dịch và xuất bản bộ sách - tức là có toàn quyền quyết định về cách thức để bộ tác phẩm ra đời, tại sao anh lại chọn cách để ba người dịch ba phần của tác phẩm gồm “Đất lành”, “Ly tán”, “Đời con” chứ không phải một người để đảm bảo sự thống nhất về văn phong cũng như tư tưởng của tác phẩm?

+ Thực sự đây là bộ tác phẩm rất đồ sộ. Ba phần “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” kéo dài 60 năm qua ba đời gia tộc Vương Long tương đương 1.200 trang A4 là không hề đơn giản nếu để cho một cá nhân thực hiện. Ba phần cũng có sự độc lập tương đối với tuyến nhân vật thuộc ba thế hệ riêng biệt, vì vậy tôi quyết định để ba người dịch ba phần. Tôi cũng biết việc liên kết ba phần với nhau là phức tạp trong việc thống nhất cách hành văn, xưng hô, tên gọi, từ ngữ... Vì vậy ở vai trò người tổ chức sản xuất, tôi đã mời Nguyễn Vân Hà, dịch giả từng đoạt giải thưởng dịch thuật Sách Hay năm 2016 thực hiện tập đầu cũng là tập quan trọng nhất - “Đất lành”. Vân Hà sẽ biên tập cả hai tập từ hai người dịch còn lại là tôi và anh Nguyễn Quang Huy để đảm bảo tính thống nhất về văn phong và tư tưởng. Nếu ví công việc thực hiện như một đội bóng, Vân Hà chính là cầu thủ “dẫn dắt lối chơi” và chịu trách nhiệm chính về chất lượng nội dung tới tay bạn đọc.

Bộ sách kể về cuộc sống, những biến cố của gia đình Vương Long, từ đó tái hiện những chuyển biến của xã hội Trung Quốc trong giai đoạn từ phong kiến sang xã hội hiện đại. Khi tiếp cận với bộ tác phẩm “Đất lành” của Pearl S.Buck, anh có liên tưởng gì đến những trang viết của tác gia Mạc Ngôn?

+ Rõ ràng ai đọc bộ tác phẩm “Đất lành” của Pearl S.Buck cũng sẽ đều liên tưởng tới Mạc Ngôn. Cả hai nhà văn đều từng đoạt giải thưởng Nobel văn học danh giá, đều dành cả sự nghiệp để “viết về con người, lột tả chân thật cuộc sống nông thôn Trung Quốc. Cả hai thành công đều do lột tả tối đa nền văn hóa Trung Quốc”. Chắc hẳn Mạc Ngôn sẽ đồng tình với diễn văn đáp từ khi nhận giải thưởng Nobel văn học của Pearl S.Buck: "Tiểu thuyết gia không có nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật mà tác phẩm của họ là để nói chuyện với nhân dân. Chắc chắn nhà văn sẽ thỏa lòng khi người dân bình thường hứng thú lắng nghe nhà văn kể...”.

Được biết, anh đã dành nhiều tâm huyết cho việc dịch và giới thiệu một số bộ sách kinh điển đến Việt Nam. Điều gì ở những cuốn sách đã khiến anh rẽ ngang từ một giảng viên đại học quyết tâm theo đuổi con đường dịch thuật và trở thành một người bán sách chuyên nghiệp?

+ Ôi, khi nói tới “tâm huyết” cho việc dịch và giới thiệu sách văn học kinh điển tới bạn đọc Việt Nam, tôi chỉ biết nói rằng nó là “duyên” trời định. Số phận nào đó đã trao cho tôi tình yêu sách, ham đọc và tạo nên trong lòng tôi thôi thúc muốn đọc nhiều, đọc sâu và lan tỏa thế giới sách vở tới nhiều bạn yêu sách. Người ta nói rồi, “đọc sách là được sống một cuộc đời khác, trao cho ta tri thức và trí tưởng tượng”. Với tôi ở tuổi 40, tôi thấy “đọc sách còn là để học làm người”. Tôi theo đuổi con đường dịch thuật và biến mình thành gã bán sách rong không mục đích gì hơn là được sống hết mình với sách, lan tỏa tri thức và giá trị mà sách vở có thể đem tới cho càng nhiều bạn đọc càng tốt.

- Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Tuấn Bình!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.
.