Đĩa mở rộng, cơn sốt mới của nhạc Việt

Chủ Nhật, 09/06/2024, 15:29

Vài năm gần đây, đĩa mở rộng (gọi tắt là EP) trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều ca sĩ trẻ để chào sân làng nhạc hay đánh dấu bước ngoặt nghệ thuật. Nhưng giữa “cơn mưa” EP, khán giả vẫn băn khoăn tự hỏi: EP khẳng định hướng đi lâu dài của nghệ sĩ với âm nhạc hay chỉ là xu hướng nóng hổi tức thời?

EP (extended play) là đĩa mở rộng chứa số bài hát nhiều hơn một đĩa đơn và ngắn hơn một album. Trung bình một album có khoảng 10 ca khúc thì EP thường chỉ chứa từ 3 đến 6 bài. Vì tổng thời lượng dưới 30 phút nên EP khiến ca sĩ đỡ tốn tiền và công sức hơn so với thực hiện một album hoàn chỉnh. Khán giả cũng không tốn nhiều thời gian thưởng thức mà vẫn có thể đón nhận trọn vẹn câu chuyện hay thông điệp mà ca sĩ gửi gắm.

1 ep duyet.jpg -0
Hoàng Yến Chibi thể hiện ca khúc mới trong EP "Duyệt".

Trước năm 2020, giới ca sĩ không mấy mặn mà với loại đĩa mở rộng. Họ chuộng ra mắt MV hay đĩa đơn (single) hơn. Một năm đầu tư khoảng hai, ba MV hoành tráng hoặc single bắt tai, chỉ cần một trong số đó trở thành bản hit là họ đủ vốn liếng để biểu diễn trên khắp sân khấu lớn nhỏ xuyên suốt cả một năm. Thế nên EP vẫn là khái niệm khá lạ và khó hiểu với khán giả khi Bích Phương ra mắt “Tâm trạng tan hơi chậm một chút” gồm bốn ca khúc hay Vũ Cát Tường tung EP “Một triệu năm ánh sáng”.

Nhưng sau đại dịch COVID-19, mọi thứ xoay chiều. MV, single vẫn ra mắt lác đác nhưng nó không còn chiếm thế thượng phong. Những MV tiền tỉ, được đầu tư công phu như “Ý trời” của Đông Nhi, “Bartender” của Dương Triệu Vũ hay “Moonlight” của nhóm Lunas không gây được hiệu ứng với khán giả. Công chúng bây giờ đề cao chất lượng âm nhạc hơn là phần hình ảnh hào nhoáng, bắt mắt. Thế nên, người người làm EP, nhà nhà làm EP.

Những giọng ca mới toanh chọn đĩa mở rộng nhằm giới thiệu rõ nét phong cách và cá tính âm nhạc của mình khi chào sân làng nhạc. Nổi bật có “Love yourself” của Felix (tên thật là Nguyễn Trọng Tiến Quang), “Thích nghi” của Thoại Nghi, “06001706” của Linh Nhi, “Đẹp” của Mono, “Sweet N Sour” của Charles (Huỳnh Phương Duy), “Tha tim” của Đạt G, "Chu" của Linh Ka… Không chỉ “tân binh” mà ngay cả ca sĩ tên tuổi cũng chọn mặt gửi vàng ở EP để đánh dấu sự trở lại với âm nhạc. Mới đây, Hoàng Yến Chibi gây sốt trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến với EP “Duyệt” gồm bốn ca khúc “Duyệt”, “Sốc nhiệt”, “Đào đâu ra người như anh” và “Ừ, em xin lỗi”.

Đĩa mở rộng lần này là cuộc lột xác từ hình ảnh Hoàng Yến Chibi dễ thương, đáng yêu sang hình tượng cô nàng quyến rũ, nóng bỏng. Trước đó, ca sĩ Lưu Hương Giang trở lại đầy ấn tượng với EP “Mất anh em tìm lại thấy chính mình”, Bảo Anh hâm nóng tên tuổi với EP đầy chất tự sự “Không biết nên vui hay buồn”, Binz lột xác từ tay chơi thành thị bụi ngầu sang anh chàng thâm trầm mà nghịch ngợm thuở thập niên 70 trong EP “Đan xinh in love”… Loạt ca sĩ như Erik, Trọng Hiếu, Hương Tràm… cũng không bỏ qua xu hướng nóng sốt này.

Nhìn lại thị trường âm nhạc thời gian gần đây, dễ dàng nhận thấy dòng chủ lưu thuộc về các sản phẩm dài hơi, chú trọng phần nghe hơn nhìn như EP và album. Nhạc sĩ Khắc Hưng cho rằng sự sôi động và phong phú của làng nhạc đặt ra nhiều cơ hội cũng như thử thách cho nghệ sĩ. Muốn trụ vững và tạo được danh tiếng, nghệ sĩ phải có phong cách nổi bật giữa bức tranh muôn màu đó. Và sản phẩm dài hơi như đĩa mở rộng là lựa chọn tối ưu để họ có thể phác họa tương đối trọn vẹn một góc chân dung hay tung tẩy cái tôi cá nhân mà không quá tốn kém.

“So với MV hay single, EP dễ kể câu chuyện âm nhạc hoàn chỉnh, thể hiện rõ hình tượng, phong cách, màu sắc cá nhân của nghệ sĩ. Yếu tố này rất quan trọng để định danh ca sĩ trên thị trường. Với EP, nghệ sĩ dễ làm chủ ý tưởng sản phẩm, nhanh chóng trưởng thành và định hướng tốt hơn cho con đường sự nghiệp” - nhạc sĩ Khắc Hưng cho hay. Đồng quan điểm, ca sĩ Charles giãi bày: “Việc thực hiện EP sẽ giúp nghệ sĩ phát huy được trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Khi thực hiện EP, tôi chú trọng cảm xúc và tính liên kết giữa các bài. Sản phẩm phải là một bức tranh gồm nhiều mảnh ghép, tạo thành thông điệp rõ ràng đến người nghe”.

2 dan xinh in love.jpg -1
Rapper Binz thay đổi hình tượng lẫn phong cách âm nhạc trong EP "Đan xinh in love".

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng thị hiếu yêu thích nội dung ngắn khiến EP trở thành át chủ bài của ca sĩ. Trên các bảng xếp hạng, loạt ca khúc trong EP dễ được lan tỏa như một chiến dịch dài hơi. Đó là cách mà Hoàng Yến Chibi và Bảo Anh thu hút sự chú ý cho EP “Duyệt” và “Không biết nên vui hay buồn”. Nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất một EP được tinh giản và nhanh gọn. Chi phí đầu tư cho một MV hoành tráng và một EP cũng tương đương nhau, nhưng EP luôn nhỉnh hơn MV ở phần âm nhạc. Nếu MV chẳng may thất bại, không tạo được hiệu ứng thì coi như công cốc. Riêng EP, số bài hát nhiều giúp ca sĩ có sản phẩm dự phòng để tung ra từng đợt. Bài nào nhận được hiệu ứng cao sẽ để dành quay MV trong tương lai.

Nhu cầu tăng cao ở các sân khấu ca nhạc cũng là nguyên do khiến ca sĩ chọn đĩa mở rộng thay vì MV. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho hay, sân khấu biểu diễn hiện nay rất khác ngày trước. Nếu trước đây ca sĩ chỉ cần một bản hit là có thể chạy từ show này qua show khác thì bây giờ, chừng đó không đủ để thỏa mãn khán giả. Nghệ sĩ phải có nhiều ca khúc đủ để trình diễn ở nhiều sân khấu khác nhau.

Với ca sĩ “tân binh” nhanh nhạy nắm bắt xu thế âm nhạc thịnh hành, EP không đơn giản chỉ là màn chào sân mà còn giúp họ thăm dò thị trường. Mono được coi là trường hợp khá thành công khi ra mắt EP “Đẹp”. Mỗi ca khúc là một màu sắc riêng, thậm chí chẳng liên quan gì đến nhau vì chủ nhân đang làm một phép thử với khán giả. Nếu ba ca khúc “Young”, “Open your eyes”, “Cười lên” chẳng mấy ấn tượng thì “Em xinh” lại trở thành bài hát ăn khách, lan tỏa khắp mọi nơi. Nhờ hiệu ứng của “Em xinh”, EP “Đẹp” được chú ý nhiều hơn. Khán giả dự đoán dòng ca khúc tương tự “Em xinh” sẽ được Mono tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Sự đa dạng của EP giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn để thưởng thức. Nhưng EP trình làng ồ ạt chưa hẳn đi kèm với chất lượng. Phải thừa nhận, giữa “rừng” EP liên tiếp xuất hiện, số sản phẩm trụ lại và có tiếng vang vô cùng khiêm tốn. Chỉ một vài cái tên được nhắc đến khi dò đúng thị hiếu khán giả hoặc sở hữu nét cá tính mới lạ. Còn lại hầu hết EP đều xuất hiện chớp nhoáng rồi chìm vào quên lãng. Trường hợp đáng buồn này xảy ra chủ yếu ở các giọng ca mới. Đến nay, những cái tên như Thoại Nghi, Flex, Linh Nhi… vẫn rất mờ nhạt trong showbiz, chưa tạo được sự chú ý của truyền thông.

Giới chuyên môn nhận xét, không ít EP có màu sắc nhàn nhạt và ná ná nhau ở các bài hát. Số lượng bài tuy nhiều nhưng thành dàn trải vì thiếu điểm nhấn, thiếu câu chuyện, chưa bật lên cá tính âm nhạc của nghệ sĩ. Chẳng hạn EP “Trên những đám mây” của nhóm Chilies tuy chất lượng khá nhưng so với những gì nhóm đã đạt được, EP này vẫn chỉ là chấm phá khá nhạt nhòa. Nó cho thấy sự bế tắc, loay hoay trên con đường phía trước của nhóm.

Nghệ sĩ chú tâm đầu tư vào EP thay vì các sản phẩm “ăn xổi” khác là điều rất đáng khích lệ và ủng hộ. Nó cho thấy sự tâm huyết và nghiêm túc với nghề. Song để không phí hoài công sức, một chiến lược bài bản từ nội dung bài hát, thể loại âm nhạc, cách thể hiện đến khâu phát hành, quảng bá… cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Có vậy EP mới không trở thành cuộc đua về “lượng” mà là sự so găng gay cấn về “chất”. Phần thắng sẽ thuộc về người có thực lực, nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu khán giả và dòng chảy âm nhạc đương đại.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.