“Đào, phở và piano” và câu chuyện phim nhà nước đặt hàng
Bộ phim “Đào, phở và piano” với 100% kinh phí nhà nước bất ngờ trở thành hiện tượng khiến khán giả phải xếp hàng dài “săn” vé để thưởng thức. Nhu cầu xem phim nhiều đến mức các trang web, app của những rạp chiếu phim có “Đào, phở và piano” bị quá tải không thể truy cập.
Cơn sốt của bộ phim khiến nhiều người ngạc nhiên bởi bấy lâu nay phim của nhà nước đặt hàng đa số đều âm thầm sản xuất, ra rạp rồi đắp chiếu lưu kho mà không tạo ra bất kỳ hiệu ứng nào từ dư luận xã hội với doanh thu lẹt đẹt dù được đầu tư lên đến con số hàng chục tỷ đồng.
Từ bộ phim “Đào, phở và piano” và những bộ phim trước đó của nhà nước đặt hàng phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc bàn về việc đổi mới cơ chế, cách thức đầu tư, sản xuất cũng như quảng bá với những bộ phim ngân sách nhà nước vì một tương lai phát triển của nền công nghiệp điện ảnh nước nhà.
“Đào, phở và piano” là bộ phim lịch sử về đề tài chiến tranh của đạo diễn Phi Tiến Sơn lấy bối cảnh trận chiến đấu Hà Nội đông xuân 1946 -1947 vào những ngày cuối cùng trước khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc. “Đào, phở và piano” kể câu chuyện tình của anh dân quân tự vệ (diễn viên Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư xinh đẹp Hà thành (diễn viên Cao Thuỳ Linh). Bộ phim truyền tải thông điệp về khát khao được sống, được yêu ngay cả trong khói lửa, bom đạn của chiến tranh. Phim còn có sự góp mặt của NSƯT Trần Lực, NSND Trung Hiếu, ca sĩ Tuấn Hưng…
Phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn bất ngờ hot có thể nói là cú lội ngược dòng kinh ngạc của phim nhà nước đặt hàng khi trước đó công chúng đã chứng kiến hàng loạt bộ phim thất bại thảm hại về doanh số như “Mike - cô bé đến từ hành tinh khác”, “Mộ gió”, “Hợp đồng bán mình”…
Lý giải cho sự thất bại về doanh thu của phim nhà nước đặt hàng, nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích từ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà nước hạn chế sự sáng tạo, khô khan trong đề tài sản xuất cho đến sự hời hợt của cả đơn vị cấp và nhận kinh phí sản xuất phim. Theo tác giả bài viết, thất bại của phim nhà nước đến từ ba nguyên nhân chính, thứ nhất là truyền thông quảng bá, thứ hai là chất lượng phim và cuối cùng là cơ chế phát hành.
Ngoài “Đào, phở và piano” thì một bộ phim cũng đang làm mưa, làm gió tại các phòng vé mùa Tết là “Mai” của đạo diễn Trấn Thành. “Mai” sau hơn nửa tháng công chiếu đã phá vỡ mọi kỷ lục về doanh số của phim Việt. Khoan không bàn đến chất lượng hay, dở của hai phim nhưng khi đặt lên bàn cân dù không cần phải là một chuyên gia thì khán giả cũng có thể dễ dàng thấy sự chênh lệch trong việc truyền thông, quảng bá giữa phim nhà nước và tư nhân.
Nếu “Mai” của Trấn Thành được quảng cáo trên mọi mặt trận từ các phòng vé đến mạng xã hội với đội ngũ người nổi tiếng, KOLs lên bài áp đảo, dày đặc trên TikTok, Youtube, Facebook…. từ trước khi bộ phim công chiếu vài tháng; thì “Đào, phở và piano” gần như không có bất cứ một động thái nào nhằm tiếp thị phim cho công chúng, thậm chí poster phim còn sơ sài, cẩu thả đến mức sai phông chữ.
Phim “Đào, phở và piano” được quảng bá bởi một TikToker chuyên sáng tạo nội dung về chủ đề lịch sử cùng một vài hội nhóm lịch sử trên Facebook và thực sự “bùng nổ” khi thông tin trang web bán vé của Trung tâm chiếu phim Quốc gia bị sập bởi phim này.
Có thể thấy để đạt được thành công vang dội về doanh số thì đơn vị tư nhân đã phải chi ra một số tiền rất lớn với những chiến lược bài bản, thông minh. Hiện nay, khi mà xã hội hiện đại với bội thực các kênh giải trí. Một bộ phim được sản xuất dù hay đến đâu, nếu không đầu tư chiến lược truyền thông maketing, quảng cáo tiếp thị bài bản, thì không hi vọng tự dưng mà công chúng kéo tới rạp để xem như ngày xưa.
Bộ phim “Đào, phở và piano” thành công ở chỗ thu hút được khán giả từ đủ mọi lứa tuổi đặc biệt cả những khán giả trẻ chứ không như những bộ phim nhà nước đặt hàng về chủ đề lịch sử khác chỉ thu hút những người cao tuổi, người sống trong hoài niệm của ký ức. Bộ phim được truyền thông bởi những người trẻ yêu lịch sử và trở nên nổi tiếng bởi khơi dậy tinh thần yêu nước của người trẻ. Khán giả kéo nhau đi xem một phần muốn ủng hộ phim nhà nước, một phần nữa đây là phim về thời kỳ hoa lửa, vàng son của cha ông ta đã sống, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ quê hương, Tổ quốc nên cùng rủ nhau xem như một cách nhớ về công lao của tiền nhân.
Truyền thông rất quan trọng đối với việc thành công của một bộ phim, thế nhưng yếu tố tiên quyết để người xem bỏ tiền mua vé và ủng hộ lâu dài vẫn là chất lượng phim. Sự thất bại của những bộ phim nhà nước đặt hàng trước đây phần lớn bởi chất lượng phim kém, nội dung nặng tính tuyên truyền với những đề tài kén khán giả như chiến tranh, lịch sử… “Đào, phở và piano” tính đến thời điểm hiện tại có thể được xem là một trong top những bộ phim do nhà nước đặt hàng thành công về doanh số nhưng để nói rằng đây là bộ phim hay thì còn thiếu nhiều yếu tố.
“Đào, phở và piano” không gian phim hẹp, cảm giác như sân khấu hơn là phim trường, thoại nhiều chỗ còn kịch, không tự nhiên, diễn xuất của nữ chính vẫn còn cứng. Ngoài ra kỹ xảo của phim nhìn cũng tương đối giả trân. Tại thời điểm tác giả bài viết xem phim, các suất chiếu hầu như kín chỗ và phải xếp hàng dài để mua trước các suất chiếu ở khung giờ tiếp theo. Khán giả xem đông nhưng cũng có một số người bỏ về khi phim đang còn phân nửa. Với “Đào, phở và piano” chê thì thương mà khen thì không đúng sự thật nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận phim còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục, cũng như chất lượng của những bộ phim đặt hàng khác, nếu muốn thu hút khán giả và để khán giả tiếp tục tin tưởng và ủng hộ.
Có lẽ với kinh phí đầu tư 20 tỷ cho một bộ phim chiến tranh, đơn vị sản xuất phim không thể làm gì khác hơn. Để các bộ phim cải thiện về chất lượng, ngay từ khâu tuyển chọn kịch bản phim phải được sàng lọc để chọn ra những tác phẩm tinh tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó ngân sách đầu tư cũng cần phải tăng lên, không nhất thiết phim nhà nước đặt hàng phải 100% vốn nhà nước mà có thể có sự hợp tác góp vốn của các đơn vị tư nhân. Trước đây chúng ta đã từng thành công khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là sản phẩm của nhà nước chủ trì kết hợp với tư nhân thu về doanh số lên tới 60 tỷ đồng. Tại sao phim nhà nước lại không tiếp tục phát triển theo hình thức này?
Cuối cùng, một rào cản không thể không nhắc đến của phim nhà nước đặt hàng là cơ chế phát hành. Bộ phim “Đào, phở và piano” trở thành hiện tượng gây sốt phòng vé đã để lộ ra nhược điểm lớn của phim nhà nước khi những ngày qua cung không đủ cầu. Khán giả muốn xem phim nhưng không thể mua được vé bởi ngoài Trung tâm chiếu phim Quốc gia và hai đơn vị phát hành phim tư nhân đồng ý nộp lại 100% doanh thu phim cho nhà nước là Beta cinemas và Cinestar thì các rạp khác không có suất chiếu. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ không một đơn vị tư nhân nào có thể bỏ ra các chi phí vận hành để rồi không nhận được chút phần trăm hoa hồng nào từ bộ phim mình kinh doanh cả. Với “Đào, phở và piano” có thể vẫn còn có hai đơn vị đứng ra phát hành nhưng nếu không có thay đổi cơ chế, phim nhà nước mãi mãi bị trói buộc mình với hạn chế tiếp cận đông đảo khán giả.
Vẫn biết phim nhà nước đặt hàng không hướng đến mục đích thương mại. Thế nhưng sự đón nhận của khán giả chính là sự thành công của một tác phẩm điện ảnh và điều này thể hiện qua doanh thu phòng vé. Đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đã qua rất lâu rồi cái thời nhà nước độc quyền, cứ mặc nhiên hàng hoá của Nhà nước là tốt nhất. “Mai” của Trấn Thành là một bộ phim giải trí nhưng doanh số của nó là điều mà những người làm phim nhà nước cần phải suy nghĩ.
Mong rằng “Đào, phở và piano” sẽ là bộ phim tạo tiền đề cởi trói cho nút thắt của phim nhà nước đặt hàng. Từ sự đón nhận của khán giả với bộ phim chủ đề lịch sử này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng những bộ phim trong tương lai của nhà nước đặt hàng sẽ thành công và cải thiện hơn nữa cả về mặt nội dung lẫn doanh số, góp phần đưa nền điện ảnh Việt thoát khỏi vùng trũng, vươn tầm châu lục.