Cuộc cách mạng âm nhạc mang tên NFT

Thứ Sáu, 24/02/2023, 15:23

Công nghệ blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Mã hóa tác phẩm bằng hình thức NFT hứa hẹn làm nên cuộc cách mạng chưa từng có trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, giúp nghệ sĩ gặt hái nguồn lợi nhuận khổng lồ và đến gần với khán giả hơn.

Ra đời năm 2017, NFT là viết tắt của cụm từ "Non fungible token", hiểu nôm na là "Mã thông báo không thể thay thế". Đây là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ blockchain (sổ cái kỹ thuật số). Mỗi NFT đại diện cho một sản phẩm độc nhất vô nhị, mang tính duy nhất và các NFT không thể thay thế, hoán đổi cho nhau.

Với ba đặc tính nổi bật: tính duy nhất (không thể phân chia); tính độc lập (không thể làm giả, không bị phụ thuộc); tính xác minh (nhận dạng chủ sở hữu) nên NFT được coi như một dạng tài sản số.

Nhờ ba đặc tính trên, NFT có tính sưu tầm rất cao bởi nhà sưu tầm rất ưa chuộng “săn” đồ quý hiếm, duy nhất và minh bạch lai lịch, nguồn gốc. Nhờ việc lưu trữ dữ liệu quyền sở hữu trên blockchain, bất kỳ ai đều có thể xác minh chúng có phải là bản gốc hay không qua việc truy ngược lại nguồn gốc người tạo ra tác phẩm. Với giới sáng tạo, NFT trở thành giải pháp hữu hiệu trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số, trò chơi điện tử, điện ảnh, hội họa, nghệ thuật thị giác... NFT giúp tác giả lưu trữ, xác định sự tồn tại và quyền sở hữu của các sản phẩm trên thế giới số.

1 binz.jpg -0
Rapper Binz là nghệ sĩ Việt đầu tiên phát hành sản phẩm dưới định dạng NFT.

Vài năm gần đây công nghệ này được đưa vào âm nhạc, tạo nên những NFT chứa tệp bản nhạc, MV hoặc thậm chí là vé dự liveshow, hình ảnh album hoặc chân dung nghệ sĩ… Tùy vào giá trị mà tác giả đưa ra mức giá khác nhau cho mỗi NFT để người hâm mộ xuống tiền sở hữu. Trên thế giới, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã đi theo hướng này và thu được nguồn lợi nhuận khủng.

Gây ngạc nhiên nhất là DJ 3LAU khi anh làm nên lịch sử với album nhạc đầu tiên phát hành dưới dạng NFT. Album mang tên “Ultraviolet” thu về gần 12 triệu USD chỉ vỏn vẹn sau một ngày mở bán. Không kém cạnh, nữ nghệ sĩ Grimes cũng mở phiên đấu giá cho mười tác phẩm nghệ thuật bao gồm những hình ảnh động ngắn kèm với bản nháp ca khúc “Anhedonia” mới toanh. Trong vòng 20 phút lên sàn, mười tác phẩm này đã đem về cho Grimes hơn 6 triệu USD.

Ở Việt Nam, mã hóa âm nhạc trên blockchain dưới dạng NFT đã xuất hiện ở lớp nghệ sĩ trẻ thức thời, nhạy bén công nghệ. Tiên phong là rapper Binz. Tháng 3/2022, Binz ra mắt bộ sưu tập NFT của ca khúc “Don’t break my heart” phát hành trên sàn giao dịch NFT Binance. Người sở hữu NFT nhận được quyền ưu tiên tham gia vào các dự án NFT tương lai của Binz cũng như các nghệ sĩ khác trên nền tảng này. Những tên tuổi ngấp nghé thử nghiệm với NFT còn có Sơn Tùng M-TP, rapper LK, Datmaniac, B Ray…

Một tháng sau, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chính thức gia nhập đường đua khi tung dự án “Cổ phần hóa kênh YouTube “Nguyễn Văn Chung Music” theo công nghệ số NFT5”. Theo đó, các MV và tác phẩm âm nhạc trên kênh YouTube của anh đều được chia nhỏ và mã hóa thành định dạng NFT để đưa lên sàn NFT5, kêu gọi người hâm mộ mua. Người sở hữu NFT trong dự án này sẽ được nhận số tiền sinh lời thông qua hình thức chia sẻ lợi nhuận từ kênh YouTube của anh.

Mỗi NFT được ví như một cổ phiếu mà người mua có quyền bán lại cho người khác để hưởng giá chênh lệch hoặc nắm giữ lâu dài để hưởng cổ tức sinh lời. Giới yêu công nghệ lẫn nhà sưu tập, nhà đầu tư không bỏ qua cơ hội béo bở này. Bởi tên tuổi Nguyễn Văn Chung không ngừng thu hút với loạt bài hát ăn khách giúp kênh YouTube của anh có nguồn thu ổn định. Do đó chỉ sau một thời gian ngắn, giữa tháng 5, nhạc sĩ thông báo tất cả các NFT phát hành trong dự án đều đã bán hết.

Anh đánh giá: “Sau khi khảo sát, nhận định, thử nghiệm hình thức mã hóa tác phẩm bằng công nghệ blockchain, tôi thấy đây là phương pháp kết hợp rất có lợi cho việc quảng bá tác phẩm cũng như kêu gọi công chúng đầu tư gây quỹ cho nghệ sĩ. Đây là mối quan hệ mà cả nghệ sĩ lẫn công chúng đều có lợi”.

Cuối năm ngoái, show ca nhạc “In the Mirror - Gương thần 3” tặng khán giả hộp quà chứa NFT ghi ca khúc độc quyền của chương trình. Mỗi ca khúc được phối khí theo phong cách mới, hoặc chưa bao giờ thể hiện ở chương trình khác. Ban tổ chức lựa chọn ca khúc với chất lượng âm thanh tốt, độc đáo nhằm đảm bảo tính duy nhất. Đây là bước đi mạnh dạn tiếp theo sau show “In the Mirror - Gương thần 2” khi ban tổ chức thử tặng khán giả 2.000 NFT ghi lại khoảnh khắc độc lạ của Văn Mai Hương và Lân Nhã trong chương trình.

2 nguyen van chung.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung "cổ phần hóa" kênh YouTube cá nhân bằng NFT.

Mới đây, Giải Cống hiến 2023 cũng áp dụng công nghệ blockchain vào giải thưởng và hình thức bình chọn ở hạng mục âm nhạc. Cụ thể, một số cúp Cống hiến có thêm định dạng NFT để nghệ sĩ sở hữu. Mỗi nghệ sĩ sẽ có loạt NFT là tệp tác phẩm, một đoạn clip hay hình ảnh độc nhất để khán giả bỏ tiền mua. Họ có thể dùng số NFT đó để bầu chọn cho thần tượng, gia tăng cơ hội để thần tượng chạm vào cúp Cống hiến. Ngoài ra, khán giả sở hữu NFT còn có cơ hội nhận được vé mời đêm trao giải, hay gặp gỡ giao lưu với nghệ sĩ mình yêu mến…

Ông Lê Xuân Thành, Trưởng ban tổ chức Giải Cống hiến 2023 cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc tạo ra những độc bản duy nhất trên môi trường không gian số như phát hành các NFT liên quan đến giải thưởng như những clip, video có những khoảnh khắc đặc biệt có giá trị lâu dài để người hâm mộ, các nghệ sĩ có bộ sưu tập riêng. Việc này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho cả xã hội mà còn giúp cho chúng ta có thêm sự trao đổi, ham thích sưu tập chứng nhận. Nói một cách ngắn gọn, trên môi trường không gian số, thị trường ảo, không gian ảo, vũ trụ ảo… có nhiều giá trị thì chúng tôi đưa xu hướng mới nhất vào giải thưởng Cống hiến. Đây cũng là cách mà chúng ta hội nhập với thế giới”.

NFT mang lại nhiều lợi ích cho nghệ sĩ lẫn người hâm mộ. Nó cho phép nghệ sĩ lưu trữ và bán trực tiếp đứa con tinh thần cho khán giả mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí cho bên thứ ba. Ở hình thức tiếp thị, phát hành truyền thống, bên thứ ba được hiểu là các hãng thu âm, hãng đĩa, nhà phân phối như nền tảng phát hành trực tuyến, trung tâm bảo vệ tác quyền… Vì có quá nhiều khâu trung gian nên khi tác phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh thu bị chia năm xẻ bảy. Số tiền nghệ sĩ thực nhận còn khá ít vì tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trên tổng doanh thu, không xứng đáng với công sức họ bỏ ra. NFT ra đời giúp lợi nhuận của nghệ sĩ được đảm bảo cao nhất khi khâu trung gian gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Ở những giao dịch thứ cấp tiếp theo, mỗi lần NFT đổi chủ mới, nghệ sĩ cũng được hưởng tiền bản quyền tương ứng trong tích tắc nhờ “Hợp đồng thông minh”. Hợp đồng này được kích hoạt và tính toán tự động dựa trên các mật mã chặt chẽ của hệ thống blockchain.

Vì đặc tính không thể làm giả, dễ dàng truy xuất nguồn gốc nên NFT là khắc tinh của nạn vi phạm bản quyền. Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp âm nhạc. Bởi lâu nay, dù đã được xiết chặt nhưng nạn “xài chùa” sản phẩm âm nhạc vẫn diễn ra nhan nhản. NFT ra đời khiến nghệ sĩ không cần phải tốn tiền cho các trung tâm bảo vệ tác quyền để họ làm nhiệm vụ gác cửa hay truy tìm kẻ vi phạm bản quyền. Việc bán nhạc trên blockchain đều được ghi lại lịch sử nên tác giả dễ dàng kiểm soát các khoản thanh toán tiền bản quyền cho mình.

Ngoài ra, NFT còn giúp nghệ sĩ kết nối trực tiếp với công chúng, dễ dàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Để từ đó tạo ra một cộng đồng sáng tạo vì lợi ích chung. Nói cách khác, NFT mở ra cuộc cách mạng để nghệ sĩ quảng bá tác phẩm, cải thiện doanh thu và tha hồ sáng tạo mà không bị bó buộc bởi bên thứ ba. Điều này đặc biệt có lợi cho nghệ sĩ hoạt động độc lập hoặc người có tài năng nhưng ít được biết đến.

Về phía khán giả, sở hữu NFT giúp họ hưởng những đặc quyền đặc lợi mà fan trung thành của nghệ sĩ đó có quyền được hưởng. Chẳng hạn như vé xem liveshow hạng sang, trò chuyện với thần tượng, sở hữu các sản phẩm độc quyền, hưởng lợi nhuận từ NFT… Thông qua việc gây quỹ bằng NFT, họ còn có cơ hội góp ý để định hướng nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật sắp tới.

Dù còn nhiều vướng mắc về pháp lý, cách thanh toán… do thị trường NFT quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia âm nhạc coi đây là mảnh đất hứa với nền công nghiệp âm nhạc. Cuộc chuyển giao quyền lực từ hãng phân phối, hãng thu âm sang nghệ sĩ là điều sẽ xảy ra trong nay mai. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.