"Công thức" hút khán giả của phim truyền hình "ăn khách"
Không phụ lòng tin yêu của đông đảo khán giả, thời gian qua, đã có những bộ phim truyền hình hay nức lòng, thu hút dư luận như "Về nhà đi con", "Sống chung với mẹ chồng", "Thương ngày nắng về", "Mẹ Rơm"... và gần đây nhất là "Cuộc đời vẫn đẹp sao". Điều đáng nói là ở những bộ phim này, dễ thấy một số điểm chung...
Dù cuộc sống có hiện đại đến mấy với đủ các loại hình giải trí thì phim truyền hình vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đông đảo khán giả. Bằng chứng là mỗi bộ phim ra đời vẫn luôn nhận được sự háo hức chờ mong của khán giả.
Cùng với công nghệ và sự nở rộ của mạng xã hội, không khó để những người làm phim cũng như khán giả đo được tương đối chính xác mức độ hấp dẫn khán giả của mỗi bộ phim khi phát sóng. Khán giả ngày nay cũng có nhiều cơ hội, dễ dàng bày tỏ quan điểm, thái độ của mình với từng nhân vật, bộ phim. Cùng với sự đổi mới không ngừng của dòng phim truyền hình, ở nhiều thời điểm, luôn có một số bộ phim tạo được "cơn sốt" trong lòng khán giả.
Một trong những nét dễ nhận thấy đầu tiên ở những bộ phim này là kịch bản gần gũi, câu chuyện phim giản dị với những nhân vật, tình huống mang đầy chất liệu đời sống. Nếu như "Về nhà đi con" là câu chuyện quanh cuộc sống gia đình ông Sơn với 3 cô con gái trong hoàn cảnh "Gà trống nuôi con". Ba người con gái Huệ, Thư, Dương với tính cách, số phận khác nhau là cơ sở để tạo thành những tình tiết, những mạch phim đan cài. Không phản ánh những điều quá cao siêu, câu chuyện phim là những mâu thuẫn, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của ba bố con, cũng là những điều mà nhiều người có thể gặp trong cuộc sống. Nhưng vượt qua những khúc mắc, điều đọng lại ở bộ phim đó là sự ấm áp của tình cảm gia đình, của tình thân, anh chị em, vợ chồng…
Ngược lại, "Thương ngày nắng về" lại là câu chuyện trong gia đình bà Nga tần tảo nuôi 3 người con gái trong hoàn cảnh chồng mất sớm. Trong số đó có một người con nuôi nhưng bà thương như con ruột của mình. Khán giả cũng bắt gặp trong đó câu chuyện cảm động, sự thiêng liêng của tình mẫu tử thông qua những điều bình dị nhất. Nhân vật bà Nga vừa đặc thù nhưng cũng lại vừa đại chúng như bao người mẹ trên khắp dải đất hình chữ S, tảo tần, vất vả để luôn dành cho các con những điều tốt đẹp nhất.
"Cuộc đời vẫn đẹp sao" lại lấy bối cảnh tại xóm chợ nghèo, nơi có nhiều mảnh đời cơ cực sinh sống. Mặc dù cuộc sống khó khăn, luôn phải đối mặt với nghèo đói nhưng họ đều giữ được tinh thần lạc quan, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Mỗi nhân vật một cá tính, một hoàn cảnh sống nhưng sẵn sàng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Giữa bối cảnh chợ lao động vất vả hay khu nhà trọ dột nát nhưng phim không khai thác nặng nề sự cùng cực, bi đát của con người mà lồng vào trong đó những tình tiết hài hước, vui nhộn để thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người ta vẫn hướng đến góc nhìn lạc quan với tâm thế vô cùng tích cực. Không có cảnh nhà lầu xe hơi, không phải nam thanh nữ tú với quần là áo lượt, bối cảnh phim chỉ là khu chợ và xóm trọ tồi tàn nhưng phim đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người xem thông qua cách chuyển tải câu chuyện, khắc họa nhân vật tươi sáng, lạc quan.
Cùng với nội dung phim giản dị, súc tích thì ngôn ngữ thoại trong các phim ngày càng gần gũi, rất "đời". Chất liệu đời sống đầy ắp trong mỗi bộ phim, ở từng câu thoại của nhân vật đã khiến cho khán giả cảm nhận được mỗi bộ phim là một khía cạnh của cuộc sống. Thậm chí, một số câu thoại đã "vượt biên giới" ra khỏi khuôn khổ bộ phim để trở thành câu nói trong đời sống. Điểm chung ở những bộ phim hấp dẫn là mang đến những câu chuyện ấm áp, gần gũi, truyền tải những thông điệp giản dị mà ý nghĩa về tình thân, hôn nhân, gia đình, tình yêu.
Một lý do nữa khiến những bộ phim này chiếm được sự yêu mến của khán giả phải kể tới sự hóa thân xuất sắc của các diễn viên cho mỗi nhân vật. Từ vai chính đến vai phụ đều được các nghệ sĩ thể hiện trọn vẹn. Trên các trang mạng hay các diễn đàn của phim, không khó để đọc được vô vàn những lời khen tặng của khán giả dành cho dàn diễn viên ở mỗi bộ phim này. Các nhân vật với sự đa dạng trong ngoại hình, tính cách đã tạo thành một bức tranh phong phú, đa sắc màu cho phim truyền hình Việt. Những nghệ sĩ trẻ ngày càng cho thấy tài năng và sự lăn xả vì vai diễn.
Một vai Luyến trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao" như "đo ni đóng giầy" cho Thanh Hương. Chao chát, đanh đá và có phần khôn lỏi với bên ngoài nhưng chân tình, yêu thương những người trong gia đình và đầy ắp nỗi niềm. Lan Phương cũng có màn biến hóa tài tình thành Khánh - một người vợ tốt tính nhưng có phần bộc tuệch trong "Thương ngày nắng về". Ngoài ra, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân cũng đã trở thành ba cô con gái với cá tính khác biệt của bố Sơn trong "Về nhà đi con".
Hay, với vai Vũ, Quốc Trường ghi dấu ấn đặc biệt trong nghiệp diễn, lột xác khỏi những vai diễn nhạt nhòa của anh trước đây. Không chỉ vai chính, sự xuất sắc còn ở cả những vai phụ. Dù mới chỉ xuất hiện ở 1 - 2 tập phim gần đây nhưng Tuấn "mõ" vào vai Bát, em trai của Luyến trong phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" đã khiến khán giả phải thốt lên "Đạo diễn tìm đâu ra người vào vai chuẩn thanh niên lấc cấc, lì lợm, lêu lổng, trộm cắp, lẻo mép đến thế". Hay "Phim sát với thực tế, nhiều gia đình có những đứa con dày ăn mỏng làm lắm tật báo hại bố mẹ và anh chị như vậy" …
Đặc biệt, góp phần quan trọng tạo nên thành công ở những bộ phim này phải kể tới sự hóa thân của các nghệ sĩ tên tuổi. NSND Trung Anh vai ông Sơn (phim "Về nhà đi con") đã trở thành "ông bố quốc dân" trong lòng khán giả. Từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ của ông Sơn là một người cha luôn là điểm tựa, là nơi ấm áp cho các con tìm về sau những sai lầm hay bão giông của cuộc sống.
Sự tái xuất đầy ngưỡng mộ của NSƯT Thanh Quý trong một loạt vai diễn cho thấy nội lực, tố chất "gừng càng già càng cay" ở bà. Dù vẫn là hình ảnh người mẹ tảo tần, thương yêu con hơn chính bản thân mình nhưng bà Nga bán bún riêu trong "Thương ngày nắng về" rất khác với bà Tình trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao". Khán giả đã dành không ít lời khen ngợi tặng cho NSƯT Thanh Quý. Nếu như bà Nga là người mẹ luôn buồn vui hạnh phúc, lo lắng cùng cuộc sống của mỗi đứa con gái của mình... thì bà Tình trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao" lại là người đàn bà tận cùng của sự nghèo khó nhưng luôn sống ấm áp, ân tình với con dâu và mọi người xung quanh.
Sự trở lại của NSƯT Hoàng Hải với vai Lưu "nát" cũng cho thấy năng lực diễn xuất đỉnh cao người nghệ sĩ này. Anh tài biến hóa vào vai người đàn ông làm nghề cửu vạn, thường xuyên uống rượu nhưng giàu tình cảm, trượng nghĩa. Đặc biệt, anh luôn mang trong lòng niềm tự hào cũng như mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con trai của mình. Nhiều câu thoại của nhân vật Lưu khiến khán giả cười ngất. Đặc biệt câu nói cửa miệng "Xịn, hết nước chấm" của Lưu được khán giả thích thú tạo thành "hot trend" hiện nay.
Tương tự, chắc khó ai có thể vượt qua Thái Hòa để vào vai gã đàn ông tật nguyền mang tên Mô "gù" trong phim "Mẹ Rơm". Người đàn ông nghèo khó, nói năng lắp bắp nhưng lại mang trong mình trái tim rộng lớn yêu thương và lòng trắc ẩn. Có lẽ chỉ Thái Hòa mới diễn tả được trọn vẹn cái dúm dó tội nghiệp của người đàn ông nghèo hay bị bắt nạt nhưng đầy nghĩa khí, dũng cảm, dám bảo vệ, che chở cho những người thân yêu.
Nếu như trước kia, nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình Việt là cách xử lý tình huống quá dễ dàng đến vô lý, không chú trọng tới logic phát triển của cảm xúc, tâm lý thì giờ đây, điều này đã được khắc phục. Ngoài ra, sự hấp dẫn mới lạ trong từng cảnh quay, tình tiết khiến khán giả hồi hộp, tò mò cũng là một yếu tố mang đến thành công cho những bộ phim này.
Nỗ lực của những người làm phim truyền hình không chỉ được ghi nhận bằng sự yêu mến của khán giả mà bằng cả những câu chuyện cụ thể. Mới đây nhất, tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41 được tổ chức giữa tháng 3 tại Hải Phòng thì hạng mục phim truyền hình được đánh giá là gay cấn với những bộ phim ngang tài ngang sức. Điều này cho thấy, sau một thời gian bị lấn át bởi các loại hình giải trí trên mạng xã hội, phim truyền hình với sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, với nhiều điều mới lại đã lấy lại được vị thế của mình.