Chuyện cũ, tích xưa và câu chuyện văn hóa ngày nay

Thứ Hai, 12/08/2024, 10:43

Chèo, tuồng, cải lương và nhiều loại hình sân khấu truyền thống từng quen thuộc với quần chúng nhân dân ở cuối thế kỉ trước giờ đây gần như vắng bóng trong đời sống sân khấu đương đại. Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình giải trí mới gắn liền với sự phát triển của công nghệ dần thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Thực tế cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay ít biết tới những loại hình sân khấu truyền thống, hoặc nếu nói tới việc đi xem chèo, tuồng, cải lương, phần lớn các bạn trẻ sẽ ái ngại vì cho rằng thưởng thức những loại hình nghệ thuật này mất nhiều thời gian, không thời thượng và là những loại hình giải trí phù hợp với người già. Nghệ thuật chèo cũng nằm trong số những hình thức sân khấu đang dần bị lãng quên trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại.

Sân khấu chèo và khán giả đương đại

Ngược dòng thời gian có thể thấy với người dân đồng bằng Bắc Bộ ở thế kỉ trước, mỗi khi mùa màng đã gặt hái xong, công việc đồng áng được tạm gác sang một bên, tiếng trống chèo lại vang lên ở sân đình thu hút già trẻ, gái trai cùng nhau vui buồn với tiếng cười câu hát của các nhân vật trên sân khấu. Nhắc tới sự gắn bó giữa chèo và đời sống tinh thần của người bình dân xưa, ca dao có câu: “Chẳng thèm ăn chả ăn nem/ Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”. Chiếu chèo cũng trở thành nơi hẹn hò, chốn gắn bó lương duyên giữa chàng trai làng này với cô gái làng kia như trong bài "Mưa xuân" Nguyễn Bính viết: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”.

v%3f chèo t%3fng trân cúc hoa tr%3f l%3fi trên sân kh%3fu nhà hát h%3f guom copy.jpg -1
Vở chèo “Tống Trân Cúc Hoa” trở lại trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm.

Những năm 80, 90 của thế kỉ trước, chèo vẫn là loại hình nghệ thuật được quần chúng nhân dân Bắc Bộ đặc biệt yêu thích, nhiều tích chèo cổ như "Quan Âm Thị Kính", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Phạm Công - Cúc Hoa", "Xúy Vân giả dại" được tái dựng, làm mới, cũng như sự xuất hiện của nhiều vở chèo hiện đại như "Nàng Sita", "Ngọc Hân công chúa" (tác giả Lưu Quang Vũ), bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" (tác giả Tào Mạt)… được công diễn, ghi hình và phát trên truyền hình quốc gia đã thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Tuy nhiên, sang thế kỉ XXI, những buổi biểu diễn chèo cũng như nghệ thuật chèo nói chung ngày một lặng tiếng, vắng bóng hình trong sự thưởng thức của công chúng đương đại.

"Tống Trân - Cúc Hoa" trở lại sân khấu Thủ đô

Trong bối cảnh đó, thật bất ngờ, buổi biểu diễn chèo của Nhà hát Chèo Hưng Yên với vở chèo "Tống Trân - Cúc Hoa" (tác giả GS. Hà Văn Cầu, đạo diễn NSND Lê Hùng) trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm lại thu hút đông đảo người xem, trong đó có nhiều bạn trẻ và trẻ em. Tiếng vỗ tay không ngớt vang lên trước lời ca ngọt, diễn xuất xúc động hay màn hề chèo đặc sắc của các diễn viên trên sân khấu.

Nhiều em bé tò mò níu áo bố mẹ để hỏi về ông vua, quan trạng, phú ông tại sao lại cư xử như vậy, tội khi quân là tội gì và nhiều câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ khác đã cho thấy sức hút không nhỏ của vở diễn. Câu chuyện xưa, tưởng đã rơi vào quên lãng thời gian, được nhà viết kịch cùng các diễn viên tái hiện sống động trên sân khấu với những cải biên hợp lí bỗng trở nên thật hấp dẫn với khán giả nhiều lứa tuổi.

Vở chèo kể lại một tích chuyện xưa về chàng trai nghèo Tống Trân. Cha mất sớm, Tống Trân từ nhỏ đã dắt mẹ lần hồi xin ăn. Chàng được Cúc Hoa, con gái phú ông yêu thương, cảm mến, nguyện đi theo và tần tảo nuôi chàng dùi mài kinh sử. Tống Trân thi đỗ Trạng nguyên, được nhà vua gả công chúa nhưng chàng từ chối vì đã có người vợ hiền thảo Cúc Hoa đang mòn mỏi chờ đợi ở quê nhà. Nhà vua tức giận nên ban lệnh bắt Tống Trân đi sứ nước Tần mười năm.

Vừa về vinh quy bái tổ cũng là lúc Tống Trân nhận lệnh đi sứ, vợ chồng chưa kịp đoàn viên đã phải lìa xa vì lệnh vua không thể chống lại. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt cuối cùng Tống Trân và Cúc Hoa được đoàn tụ, hạnh phúc. Mẹ già được đón về phụng dưỡng.

Câu chuyện vẫn gửi gắm thông điệp quen thuộc: “Ở hiền gặp lành, có công mài sắt có ngày nên kim” quen thuộc của văn học dân gian. Nhưng điều đáng nói là câu chuyện được làm mới với nhiều câu hát gần gũi, giản dị, dễ đi vào lòng người. Cảnh ngộ hai mẹ con Tống Trân được diễn tả sinh động, khéo léo qua hình ảnh so sánh với thân phận con cua thấp kém.

Tuy nhiên, khí khái và quyết tâm của Tống Trân lại thể hiện rõ qua bài thơ "Vịnh con cua" đáp lại Cúc Hoa: “Gió mát cua theo ngọn nước lừng/ Nghiêng đầu đưa mắt ngắm nhìn trăng/ Mai hồng nghiêng ngả theo dòng bạc/ Yếm đỏ đung đưa ngọn sóng vàng”. Hay khi Tống Trân thi đỗ có câu hát thật dung dị: “Đầu làng cây gạo đỏ hoa/ Báo điềm anh khóa nhà ta đỗ đầu”.

Vở chèo cũng đặc biệt hấp dẫn với sự xuất hiện của những nhân vật hề chèo hóm hỉnh, thông minh, vạch trần thói hư tật xấu của nhiều kẻ vai vế trong làng như hề đồng của Tống Trân, hề theo hầu Đình Trưởng. Hoặc hai nhân vật hề ăn xin, nhân vật Bà Mối tham lam, lèo lái cũng góp phần mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả Thủ đô.

Sân khấu được bài trí giản dị, cách điệu vừa gợi hình ảnh những vở chèo xưa được diễn ra trên chiếu chèo ở giữa sân đình hết sức đơn sơ, mộc mạc; mặt khác cũng gần gũi với lối sống tối giản của cuộc sống hiện đại. Dàn nhạc chơi những nhạc cụ dân tộc ngay sát sân khấu góp phần đưa người nghe trở về với những âm thanh mộc mạc, gắn với những làn điệu quê hương đã ít nhiều mai một trước thời gian.

m%3ft c%3fnh trong v%3f chèo t%3fng trân cúc hoa.jpg -0
Một cảnh trong vở chèo “Tống Trân Cúc Hoa”.

Vở chèo cổ "Tống Trân - Cúc Hoa" được trình diễn tại nhà hát hiện đại nhất Việt Nam hiện nay cũng cho thấy sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn là chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước nói chung. Vở chèo được Nhà hát Hồ Gươm phối hợp với Nhà hát Chèo Hưng Yên tổ chức trình diễn nhân dịp kỉ niệm 78 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2024) và 62 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2024). Biểu diễn một vở chèo cổ truyền thống, giàu ý nghĩa nhân văn và văn hóa nhân dịp kỉ niệm là một trong những cách giữ gìn văn hóa truyền thống vừa thiết thực và ý nghĩa.

Có một chi tiết nhỏ trong buổi biểu diễn chèo ở Nhà hát Hồ Gươm vừa qua là một số khán giả được “mời về” do mặc đầm quá ngắn hoặc trang phục thiếu lịch sự dù có vé mời. Nhiều khán giả bất ngờ trước yêu cầu này vì vẫn quen với việc khán giả có vé có quyền được vào xem là tất yếu. Nhưng những nhân viên của nhà hát (nữ mặc áo dài duyên dáng, nam mặc sơ mi trắng, quần âu, thắt cà vạt) vừa tươi cười, niềm nở vừa nghiêm túc trong thái độ đã yêu cầu nhiều khán giả phải quay gót ra về. Một số khán giả nhà xa đã chọn cách ngồi quán cà phê bên ngoài để đợi người thân xem xong. Thiết nghĩ, đó cũng là một yêu cầu văn hóa đẹp đối với nghệ thuật, với những nghệ sĩ biểu diễn và với không gian văn hóa trang trọng nói chung của Thủ đô.

Vở chèo cổ "Tống Trân - Cúc Hoa", bên cạnh việc tái dựng một tích chuyện xưa cũng góp phần khẳng định sức sống của một loại hình sân khấu dân tộc nếu được chăm lo, vun bồi và làm mới nhất định để gần gũi hơn với công chúng hiện đại. Thêm vào đó, câu chuyện về Tống Trân còn tiêu biểu cho số phận con người bị dập vùi tả tơi trước sóng gió vẫn vượt qua và giữ gìn tấm lòng tươi đẹp, son sắt với gia đình, với đất nước, quê hương.

Giống như lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân, vốn là chàng trai xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ bậc nhất trong xã hội nhưng luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên, giữ gìn đạo hiếu với mẹ, đằm thắm tình yêu với người vợ tao khang, với đất nước quê hương thì luôn luôn tâm niệm “Nợ áo cơm phải trả mới cam/Cho quân Tần biết mặt người Nam/ Núi sông nhỏ nhưng anh hào không thiếu”. Vì thế, vở kịch được dựng trên tích chuyện xưa nhưng có lẽ vẫn còn mang tới nhiều thông điệp quý giá với mỗi khán giả hôm nay.

Hương Mộc

.
.
.