Câu chuyện tiếp nối của phim kinh dị dân gian Việt
Là bộ phim kinh dị lấy yếu tố dân gian làm chất liệu, “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” tiếp nối “vũ trụ linh dị” của đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa với tham vọng tạo ra chuỗi tác phẩm kinh dị về truyền thuyết dân gian Việt Nam. Hướng đi nhiều tiềm năng, kế hoạch dài hạn trên hoàn toàn có thể thành hiện thực.
Phim kinh dị tạo bứt phá phòng vé
Theo số liệu của Box Office Vietnam, tính đến sáng ngày 5/12 “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” vẫn là tác phẩm dẫn đầu phòng vé với doanh thu 73 tỷ đồng, vượt mặt các đối thủ khác trên đường đua doanh số gồm: “Hành Trình Của Moana 2”, “Cười xuyên biên giới”, “Chiến địa tử thi”, “Wicked”, “Quỷ treo đầu”, “Đôi bạn học yêu”… trong đó có cả tác phẩm điện ảnh được kỳ vọng “Ngày xưa có một chuyện tình”.
Chỉ riêng năm 2024, dòng phim kinh dị Việt đang khẳng định vị thế trên màn ảnh rộng, với sức hút mạnh mẽ “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” là minh chứng cụ thể khi liên tục soán ngôi phòng vé từ ngày ra rạp vào 22/11. Trước đó, hàng loạt tác phẩm điện ảnh kinh dị cũng lần lượt đạt doanh thu triệu đô. Từ “Quỷ cẩu” (Lưu Thành Luân) với doanh thu 108 tỷ đồng, “Ma da” (Nguyễn Hữu Hoàng) đạt 114 tỷ đồng, “Cám” (Trần Hữu Tấn) thu 98 tỷ đồng và hiện tại “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” (Lưu Thành Luân) đang cố gắng theo đuổi thành tích này.
Vậy rốt cục sự máu me, chết chóc và đen tối của thể loại phim này tại sao lại hấp dẫn khán giả Việt đến thế? Là thể loại tìm cách khơi gợi nỗi sợ ở khán giả bằng những hình ảnh, tạo hình đáng sợ hay những màn “jumpscare” (kỹ thuật hù dọa) bất ngờ, phim kinh dị thường khám phá, cày xới ở những vỉa tầng đen tối gồm: quái vật, văn hóa dân gian, sự kiện khải huyền, các tín ngưỡng tôn giáo của các nền văn hóa khác nhau hoặc của văn học kinh dị.
Với nhiều dòng phim riêng biệt, gồm kinh dị thể xác, kinh dị hài, kinh dị siêu nhiên, kinh dị tâm lý, phim kinh dị không chỉ đa dạng về nội dung, thể loại, mà còn độc đáo về phong cách, văn hóa làm phim giữa các khu vực. Dòng phim này đặc biệt nổi bật trong điện ảnh châu Á ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cùng nhiều quốc gia khác như Ý, Mỹ…
Tại Việt Nam, phim kinh dị đang được một bộ phận khán giả yêu thích và đặc biệt quan tâm. Điều này cho thấy công chúng đang cần những trải nghiệm độc đáo, những bứt phá về cảm xúc, tâm lý khi xem phim tại rạp, bên cạnh những yếu tố phổ biến, quen thuộc trong cuộc sống thường nhật.
Vỉa quặng dồi dào từ văn hóa dân gian
Cú hích phòng vé của “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” trước hết đến từ dàn diễn viên ấn tượng. Tác phẩm quy tụ diễn viên gạo cội như nghệ sĩ Hồng Đào và các gương mặt nổi bật hoa hậu Thùy Tiên, diễn viên Thiên An, Văn Anh... Bên cạnh đó, “Linh miêu” còn khéo léo tái hiện văn hóa Huế những năm 1960 qua bối cảnh, phục trang và nghệ thuật khảm sành - nét đẹp truyền thống của thời Nguyễn. Sự kết hợp này tạo nên bối cảnh vừa cổ kính vừa rùng rợn, làm nổi bật chất Việt trong mỗi cảnh phim.
Cùng thuộc mô típ diễn giải các đạo lý, luật nhân quả thông qua mâu thuẫn gia đình và các tình huống đối đầu với ma quỷ mang màu sắc tâm linh ghê rợn; lồng ghép thông điệp về sự phân hóa xã hội trong giai đoạn cũ, những tình tiết bất ngờ trong “Linh miêu” góp phần tạo sự hứng thú với người xem. Đồng thời với chiến lược truyền thông chỉn chu, bài bản, trailer và các hoạt động quảng bá phim cũng tạo được hiệu ứng tốt trước khi ra mắt. Bên cạnh các yếu tố trên, sức hút của tác phẩm còn nằm ở màu sắc văn hóa dân gian độc bản. Theo truyền thuyết, linh miêu là một loại mèo ma, được sinh ra từ cuộc hôn phối quỷ dị hy hữu giữa một con mèo cái đen tuyền với một con rắn hổ chỉ ăn loại thịt duy nhất là thịt cóc.
Thường ra đời trong một ngôi miếu hoang, một bờ ao vắng, hoặc bên một khu đầm lầy ảm đạm, đặc điểm của linh miêu là rất thích ăn trứng gà sống, thích rình bắt, cắn cổ gà và vờn đuổi chúng cho đến chết rồi nhai xương. Loài mèo này lớn nhanh nổi trội, khi càng lớn móng vuốt càng dài, bén nhọn như dao, và đôi mắt thường trừng to, hằn lên những tia lửa dữ tợn, ma quái, sặc mùi tử khí.
Từ những đặc điểm ma quái, qua lời đồn đại được lưu truyền trong dân gian, câu chuyện linh miêu nhảy chồm qua xác chết luôn gây nên hiện tượng quỷ nhập tràng xuất hiện. Theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ học Việt Nam cụm từ “Nhập tràng” được giải thích rằng: “Nhập tràng (ma quỷ) nhập vào thây người chết làm cho biết đi lại, nói năng như người sống, theo mê tín” (Trung tâm từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2000).
Ngày nay, hiện tượng người chết bỗng nhiên ngồi dậy được giải thích do hấp lực của luồng điện dương (của các cơ thể sống) đối với nguồn điện âm chưa kịp tan hết (của thi thể người vừa qua đời) và xem đây là cảm ứng điện trường. Song, những lý giải trên phần nào ghi nhận sự tồn tại của những câu chuyện huyền bí trong kho tàng văn hóa dân gian Việt.
Tìm hiểu, khai thác để đưa những chất liệu dân gian đến với khán giả hiện đại, sự hòa điệu độc đáo giữa yếu tố dân gian và thể loại kinh dị giúp các nhà làm phim, đạo diễn khơi gợi những nỗi sợ trong tiềm thức của mỗi người. Từ đó mang đến cho công chúng trải nghiệm điện ảnh mới lạ nhưng vẫn gần gũi, thân thuộc.
Hướng đi đầy hứa hẹn
Phim kinh dị đặt người xem vào tình thế khó khăn để giúp họ hiểu hơn về chính mình. Có khá nhiều phim kinh dị Việt được sản xuất trong thời gian qua đã khéo léo sử dụng chất liệu dân gian Việt Nam từ các truyện cổ tích, truyền thuyết, chuyện kể dân gian... Điều đó đã tạo được nét đặc sắc, khác biệt với những bộ phim kinh dị nước ngoài, tăng sự cuốn hút đối với khán giả Việt Nam.
Từ thước phim quỷ dị về thói quen ăn thịt chó và giết mổ động vật đến tích chuyện chó đội nón mê ở “Quỷ cẩu” (2023); từ nỗi sợ cố hữu lưu truyền trong dân gian đến câu chuyện day dứt về tình mẫu tử nơi “Ma da” (8/2024); từ cốt truyện dân gian quen thuộc trong kho tàng cổ tích Việt, đến những thước phim kinh dị đẫm máu ở “Cám” (9/2024); từ khung cảnh gia phong nề nếp đến hành trình tâm lý phức tạp, quỷ dị trong “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” (11/2024), phía sau mỗi bộ phim kinh dị là một thông điệp nhân văn được nhà làm phim gửi gắm.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng, thực tế các phim kinh dị Việt vẫn tồn tại một số hạt sạn nhất định. Với tông xanh lá chủ đạo, “Linh miêu” đã thành công trong việc tạo bầu không khí u tối, nặng nề bao trùm bộ phim. Nhưng đối lập với cảm giác được xây dựng là sự hụt hẫng của khán giả vì tạo hình quỷ nhập tràng và một số phân cảnh CGI có chất lượng chưa tới, khiến người xem chưa thật sự cảm thấy đáng sợ, ám ảnh. Đồng thời, các nhân vật trong phim không có sự phát triển quá nổi bật, đi cùng dòng sự kiện theo mô típ hồi tưởng khiến mạch phim phần nào bị dàn trải. Nếu khắc phục được một số hạn chế này, chất lượng phim sẽ còn được hoàn thiện hơn.
So với các thể loại đòi hỏi kinh phí khủng, kỹ thuật cao như phim hành động, kỹ xảo hoặc cổ trang,… phim kinh dị Việt vừa sở hữu kinh phí đầu tư hợp lý với khả năng thu hồi vốn cao, vừa mang đậm màu sắc văn hóa bản địa và nghiễm nhiên trở thành “miền đất hứa” cho các nhà làm phim.
Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ còn tiếp tục lên ngôi với các tác phẩm điện ảnh đang được các nhà làm phim Việt lên kế hoạch triển khai như: “Vũ trụ linh dị” dân gian, đưa các con vật trong truyền thuyết lên màn ảnh như heo năm móng, trăn đầu người, chuột ngũ sắc, hổ tinh… của bộ đôi đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa; phim kinh dị “Nhà gia tiên” (ra mắt năm 2025) của Huỳnh Lập. Với sự nở rộ này, hy vọng sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ khiến các nhà làm phim có môi trường đọ sức, nâng cao chất lượng và tạo ra các điểm nhấn, giá trị độc đáo cho tác phẩm.