Cần có chính sách đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật

Thứ Bảy, 09/09/2023, 10:38

Hiện nay, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà đang có nhiều thử thách trước việc nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật nghe nhìn của nước ngoài tạo sức hút lớn đối với công chúng, nhất là giới trẻ Việt, tạo những hiệu ứng, sức ảnh hưởng và tác động không nhỏ vào nhận thức, lối sống của người Việt Nam.

Trong khi đó, các sản phẩm văn hóa- nghệ thuật Việt lại tỏ ra “lép vế”, giới nghệ sĩ và các nhà quản lý văn hóa- nghệ thuật thì lại có dấu hiệu lúng túng, chưa có chính sách sát sao để phát triển văn hóa- nghệ thuật. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học Nguyễn Thị Thu Thủy - giảng viên Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, xung quanh các vấn đề trên.

ảnh 1 tiến sĩ nguyễn thị thu thủy.jpg -0
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy.

Những bài học từ Hàn Quốc

- Vừa qua, với sự kiện ban nhạc Blackpink của Hàn Quốc biểu diễn ở Hà Nội gây sốt cho giới trẻ và cộng đồng, ở góc độ là người nghiên cứu văn hóa học, Tiến sĩ có nhìn nhận gì từ hiện tượng đó?

+ Việc hiện tượng một ngôi sao hay một ban nhạc gây sốt cho giới trẻ và cộng đồng là một hiện tượng hết sức bình thường trong mọi nền văn hóa. Đó là cách con người thể hiện tình cảm, hâm mộ hay ngưỡng mộ đối với thần tượng của họ.

- Theo Tiến sĩ, hiện tượng đó có tác hại gì hay không? Việc cộng đồng hình thành hai đối cực “Fan” và “anti fan” với nhiều sự vụ rất đáng lên án của giới trẻ, phải chăng có một phần trách nhiệm, lỗi của nền- ngành giáo dục nước nhà?

+ Xét từ góc độ văn hóa và giáo dục, đó là một hiện tượng vô hại. Cũng tương tự như Chi Pu được đông đảo các fan Trung Quốc chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, xét từ góc độ khác, hiệu ứng hay hệ lụy của nó hay nói đúng hơn là ứng xử giữa các fan với nhau, fan của thần tượng này với fan của thần tượng khác, ứng xử của fan với môi trường (chẳng hạn như xả rác bừa bãi, gây mất trật tự, ách tách giao thông…) và hiện tượng hiệu ứng đám đông, việc quá thần tượng đến mê muội sẽ gây tác dụng xấu, ảnh hưởng đến chuyện học hành, tạo ra lối sống thiếu lành mạnh của người hâm mộ.

Một phần trách nhiệm, lỗi của nền- ngành giáo dục nước nhà là nền giáo dục của ta còn thiếu định hướng các giá trị cơ bản, giá trị nhân bản để biết phân biệt đúng/sai, hay/dở, phải/trái để giới trẻ biết cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tiết chế, điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc hành động của mình. Ví dụ như trường hợp Khá Bảnh khi chưa bị bắt vào trại cải tạo, có không ít các bạn trẻ đang học trên ghế nhà trường hâm mộ. Một số trường còn chào đón về nói chuyện với học sinh. Như thế để thấy một nền giáo dục cần dạy cho các em biết phân biệt đúng sai, hay dở, phải trái. Chú trọng rèn giũa cách sống có lý tưởng, mục đích, mơ ước cho điều tốt đẹp, thực tế với bản thân, với gia đình và xã hội, đất nước, biết trân quý và phát huy giá trị cá nhân.

- Sự thành công về sức mạnh và sự lan tỏa, ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa Hàn quốc đến các nước, trong đó có Việt Nam, cho chúng ta bài học gì, thưa Tiến sĩ?

+ Nói về sự thành công của văn hóa Hàn Quốc là nói đến làn sóng Hàn lưu của văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa và nhìn vào đấy chúng ta có thể rút ra nhiều bài học. Theo các nhà nghiên cứu, sự thành công này có thể xem xét rút ra các bài học sau.

Thứ nhất, sự vào cuộc quản lý đồng bộ của chính phủ vì Hàn Quốc không có thời gian để phát triển một cách hữu cơ theo thứ tự ưu tiên mà có một sự chuyển đổi lớn thông qua sự thúc đẩy áp lực cao và bao trùm tất cả các ngành công nghiệp "mềm" cùng một lúc: âm nhạc, phim ảnh, mỹ phẩm, ẩm thực và thời trang. Chính phủ dành ngân sách riêng, thay đổi luật (ví dụ: giảm đáng kể luật kiểm duyệt nghiêm ngặt trong điện ảnh để cho phép các bộ phim Hàn Quốc sáng tạo và hấp dẫn hơn) - bất cứ điều gì cần thiết để “bôi trơn bánh xe của làn sóng Hàn Quốc” (to grease the wheels of the Korean wave).

Thứ hai, các công ty giải trí Hàn Quốc thường được cấu trúc theo chiều dọc theo tập đoàn ô dù (One umbrella conglomerate) chịu trách nhiệm tất cả các khía cạnh của sản xuất, phân phối và PR cho sản phẩm.

Thứ ba, tất cả các sản phẩm của làn sóng Hàn Quốc đều nằm trong cùng một hệ sinh thái (ecosystem), với một ngành nâng cao sức hấp dẫn của ngành kia thông qua việc đảm bảo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ an toàn, tiện lợi, chất lượng.

Thứ tư, tầm nhìn, chiến lược đầu tư dài hạn, lâu bền với một quyết tâm thể hiện sức mạnh và tính dân tộc cao độ.

ảnh 2 văn hóa việt nam có sự đặc sắc đủ để thu hút với bạn bè quốc tế. trong ảnh là cảnh của lễ hội văn hóa việt nam tại hàn quốc.jpg -1
Văn hóa Việt Nam có sự đặc sắc đủ để thu hút bạn bè quốc tế. Trong ảnh là Lễ hội văn hóa Việt Nam tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc, năm 2022.

- Như vậy, theo Tiến sĩ, những nhà nghiên cứu, nhà làm văn hóa- nghệ thuật nước ta cần làm gì để có các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có giá trị, có hồn và bản sắc Việt, vừa có sức ảnh hưởng như của Hàn quốc?

+ Điều đầu tiên tôi cho rằng đơn giản thôi đó là đầu tư bài bản, dài hạn, hiệu quả và tầm nhìn đúng đắn phải bắt đầu từ chính phủ, nhà nước. Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử có nhiều nét đẹp, nhiều đặc trưng rất riêng, đáng trân quý và chúng ta nên lan tỏa điều đó ra bên ngoài. Nguồn tài nguyên văn hóa của chúng ta vô cùng giàu có, đa dạng về chủng loại có giá trị cao được công nhận cả ở tầm khu vực và quốc tế. Đó là điều kiện thuận lợi, là chất liệu đưa vào các sản phẩm, tạo phẩm văn hóa mang thương hiệu, và nâng tầm vị thế của văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, nhiều sản phẩm mà chúng ta đang phát sóng hay cung cấp nhu cầu giải trí cho khán giả hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, từ nhập nguyên phẩm cho đến chuyển nhượng bản quyền. Điều này từ từ làm thui chột sức sáng tạo của người Việt.

Phải làm cho văn hóa Việt phát triển bền vững

- Thực tế hiện nay, có sự "lép vế" của sản phẩm văn hóa nghệ thuật Việt Nam với sản phẩm văn nghệ nước ngoài. Theo Tiến sĩ, Nhà nước, các nhà quản lý văn nghệ của Việt Nam cần phải làm gì trong việc quản lý, định hướng phát triển văn nghệ nước ta?

+ Việc quản lý, định hướng phát triển văn hóa nước ta hiện nay là một vấn đề phức tạp, có thể xem là các ý nhỏ trong cấu trúc quản lý văn hóa gồm bốn vấn đề: Một là, chủ thể quản lý (tức là: Ai quản lý); Hai là, khách thể quản lý (Quản lý cái gì?); Ba là, phương pháp, cách thức quản lý (Quản lý như thế nào?); Bốn là, mục đích quản lý (Quản lý để làm gì?). Theo tôi, chúng ta quản lý theo tầm nhìn, chủ trương định hướng để phát triển; pháp luật cơ chế để điều chỉnh và đi vào khuôn khổ; ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm của cá nhân tổ chức. Mục đích của công tác quản lý là coi trọng văn hóa, làm cho văn hóa phát triển bền vững, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”, làm sao đó để “văn hóa là sức mạnh mềm”, văn hóa là đầu tàu, văn hóa là hình ảnh góp phần nâng tầm vị thế quốc gia.

- Có ý kiến cho rằng hiện nay do giới trẻ bị thiếu thốn về sự giải trí của văn nghệ Việt Nam và thiếu thốn thần tựợng Việt; các giá trị và nền tảng giáo dục của Việt Nam trong giới trẻ bị đứt đoạn, lỏng lẻo nên đổ vỡ và sinh sính ngoại, như sự kiện vừa qua. Tiến sĩ nghĩ sao?

+ Hiện tượng “sính ngoại” là hiện tượng phổ biến trong suy nghĩ của người Việt không riêng gì trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Trước đây, người Việt thích xài hàng “made in China” do Trung Quốc sản xuất, sau đó là hàng “made in Japan” do Nhật Bản sản xuất, rồi hàng do các nước Âu, Mỹ sản xuất. Điều này theo tôi do 2 nguyên nhân cơ bản sau. Thứ nhất, hàng của nước ta sản xuất ra còn chưa tốt, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đó là thực tế mà người Việt cần phải khắc phục càng nhanh càng tốt. Mình phải sản xuất ra được hàng hóa mà người dân trong nước tin yêu, sử dụng. Nếu nội địa không dùng được thì bán cho ai? Thứ hai, giáo dục phải thay đổi, chú trọng đề cao giá trị dân tộc, lòng tự tôn dân tộc.

Người Hàn, người Nhật sở dĩ thành công là do họ đề cao tính tự tôn bằng cách người dân sẽ ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, các nhà sản xuất từ đó có thị trường, có nguồn thu, có phản hồi để chỉnh sửa, cải tiến, nâng tầm chất lượng sản phẩm. Hiện tượng “sính ngoại” cũng có ở các nước Âu, Mỹ ngay khi có rất nhiều thần tượng thì việc người dân dành sự ngưỡng mộ cho tài năng của một cá nhân hay một nhóm nghệ sĩ ngoài nước là điều bình thường vì nhu cầu của con người luôn đa dạng, phong phú, tò mò với cái mới, lạ và yêu cái đẹp.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyễn Văn Thịnh
.
.
.