Ca sĩ Tuấn Hiệp: Âm nhạc thấm vào tâm hồn thật chậm, thật sâu
Một buổi chiều đông Hà Nội, quán cà phê quen thuộc bình yên giữa phố cổ, thật chậm để nghe đĩa than “Như gió heo may” của ca sĩ Tuấn Hiệp. Lâu nay, anh gần như rời xa ánh đèn sân khấu, theo đuổi con đường của một nghệ sĩ độc lập, tự do và phiêu lãng. Cái tên Tuấn Hiệp có vẻ lặng lẽ nhưng âm nhạc chưa từng rời xa anh, nó vẫn ở trong anh, thật chậm, thật sâu và cảm xúc.
1. Đã 7 năm Tuấn Hiệp Nam tiến, nhưng dường như tâm hồn người nghệ sĩ - chàng lãng tử của những bản tình ca ấy chưa bao giờ rời xa Hà Nội. Tuấn Hiệp mang cả tâm hồn hoài niệm ấy vào thành phố Hồ Chí Minh náo động. Và rồi, những cơ duyên, những cuộc hội ngộ đã đưa Tuấn Hiệp đi xa hơn.
Lần này, sang tận Mỹ để làm đĩa than “Như gió heo may”. Tuấn Hiệp - Nguyễn Công Phương Nam - một người Việt Nam, một người ở Đức cùng bay qua Mỹ để thu đĩa than “Như gió heo may”. Cả hai ban ngày trong phòng thu, chiều tối cùng nhau dạo biển, uống rượu vang và cầm đàn nghêu ngao ở bãi biển California. Bởi ấn tượng với chất giọng trầm, rất dày, khi xuống tông rất ấm của Tuấn Hiệp mà Nguyễn Công Phương Nam đã bay nửa vòng trái đất để có một cuộc đối thoại thú vị cùng Tuấn Hiệp qua những bản tình ca vượt thời gian.
Tôi hỏi Tuấn Hiệp, trong thời buổi của nhạc số, tại sao Tuấn Hiệp vẫn lựa chọn con đường vắng lặng như vậy, mất gần 5 năm cho 1 đĩa than, lại còn sang tận Mỹ thu âm. Vì lời hứa với nhà sản xuất, 5 năm qua, Tuấn Hiệp không ra một sản phẩm nào. Tuấn Hiệp cười, đó là con đường mà anh vẫn đi, để ghi dấu một giọng nam trầm, ấm và đầy tình cảm. Anh nói, đời sống âm nhạc có nhiều lớp sóng, có những lớp sóng ồn ào, bão giông, có những lớp sóng dịu êm nằm sâu dưới đáy đại dương. Và anh hiện diện trong đời sống âm nhạc là một con sóng nhỏ như vậy, nhưng thẳm sâu, tha thiết với âm nhạc.
Ai đã nghe Tuấn Hiệp hát sẽ bị ám ảnh bởi chất giọng dày, trầm, ấm và đầy tình cảm. Anh cũng đã có một series album phòng thu là những bản tình ca nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam như “Bơ Vơ”, “Tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh”, “Tình khúc Phú Quang - Hà Nội Run Run Heo May”, “Acoustic - Kẻ Đau Tình”…
Và lần này, sau 5 năm lặng lẽ, anh trình làng một đĩa than ấn tượng “Như gió heo may”. Các bài hát được thu âm trực tiếp cùng ban nhạc tại phòng thu của TVT Music tại Mỹ - một phòng thu được rất nhiều nghệ sĩ tại Việt Nam và hải ngoại tin tưởng thực hiện các album của mình.
Trên một nền hòa âm acoustic nhẹ nhàng và vô cùng tinh tế, Tuấn Hiệp được thả hồn mình vào những bài hát mà anh đã có nhiều năm nghiền ngẫm cũng như thể hiện trên nhiều sân khấu khác nhau, để có thể “sống” trong bài hát, thể hiện những câu chuyện tình từ đó như thể đó là chuyện của chính mình. Khả năng hóa thân ấy tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa chất giọng Tuấn Hiệp với ban nhạc.
Các bài hát trong đĩa nhạc này đều rất quen thuộc với công chúng từ nhiều thập niên qua, nay được nhạc sĩ Quốc Vũ hòa âm theo những phong cách gần với thị hiếu của giới nghe nhạc hi-end như free-jazz, smooth jazz, bossa nova… tạo ra một không gian phiêu lãng, bồng bềnh, để Tuấn Hiệp có thể thả hồn mình bằng cách hát đặc trưng mang chất lãng tử.
Tuấn Hiệp là người duy tình nên các bài hát trong đĩa LP “Như gió heo may” được sắp xếp theo chủ ý diễn tả một hành trình của người nghệ sĩ, ít nhiều gắn với những trải nghiệm thực tế của chính ca sĩ Tuấn Hiệp. Phần đầu của album (Mặt A của đĩa LP) khởi đầu từ “Nỗi lòng người đi”, qua những trăn trở trong tình yêu (“Chỉ chừng đó thôi”, “Tình yêu đến trong giã từ”), khép lại bằng “Hà Nội ngày tháng cũ”, như một liên tưởng về sự chia tay Hà Nội, nơi đã chắp cánh cho tiếng hát Tuấn Hiệp từ những ngày đầu tiên của sự nghiệp ca sĩ.
Phần 2 (Mặt B đĩa LP) diễn tả những bước đường phiêu du của người nghệ sĩ tới những miền đất mới (Paris có gì lạ không em), cùng những nỗi niềm riêng trong cuộc đời (“Tương tư 4”, “Bài không tên cuối cùng”) và khép lại bằng ca khúc kinh điển về nỗi lòng của người nghệ sĩ - “Cô đơn” (Nguyễn Ánh 9). Album có 2 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng là một sự tri ân đặc biệt của Tuấn Hiệp dành cho người nhạc sĩ có nhiều kỷ niệm và sự gắn bó với anh trong giai đoạn Tuấn Hiệp chuyển sang hát dòng nhạc tình ca bất hủ.
Các nghệ sĩ trong ban nhạc thu âm cùng ca sĩ đến từ nhiều quốc gia, trong đó có nhạc sĩ Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam), một tên tuổi nổi tiếng của làng nhạc công cả trong nước lẫn quốc tế. Anh là nghệ sĩ piano/keyboard của Dàn nhạc Jazz Quân đội Đức (Die Big Band der Bundeswehr), đã tham gia soạn nhạc cho nhiều phim tài liệu, phim truyện, quảng cáo tại nhiều quốc gia. Hiện anh cộng tác thường xuyên với TVT Music sản xuất nhiều album, và thực hiện thu âm các dự án âm nhạc audiophile.
Điều gì làm nên cuộc hội ngộ đặc biệt như vậy trong “Như gió heo may”. Đó là tiếng hát, là những cảm xúc của người nghệ sĩ và dòng nhạc mà anh theo đuổi với những giá trị vượt thời gian đã chạm tới cảm xúc của nhiều người. Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam chia sẻ, khi những bản tình ca Việt vang lên trên đất Mỹ, ông cảm động vì nó gợi nhớ đến một điều gì đó rất Việt Nam. Trên nền hòa âm acoustic, Tuấn Hiệp thong dong, tự do, tự tại thủ thỉ những lời yêu. Các bài hát cũ được nhạc sĩ Quốc Vũ hòa âm theo phong cách gần với thị hiếu của giới nghe nhạc hi-end như free-jazz, smooth jazz, bossa nova... tạo ra một không gian âm nhạc phiêu lãng, bồng bềnh, đầy tình tự.
Tuấn Hiệp chia sẻ khi thực hiện đĩa “Như gió heo may”, anh muốn mang đến trải nghiệm thật chậm rãi, sâu lắng, khác với nhịp điệu nhanh của nhạc số hiện nay. Bởi Tuấn Hiệp biết ngoài kia vẫn có không ít khán giả thích nghe "chậm".
2. Nhiều năm nay, Tuấn Hiệp chọn cuộc sống của một nghệ sĩ độc lập. Anh ít xuất hiện ở các sân khấu lớn. Anh chọn cây guitar và những bản tình ca vượt thời gian, với những sân khấu nhỏ. Ở đó, anh sống chậm rãi, tĩnh tại và an nhiên với cuộc đời, để hát lên những bản tình ca về đời sống.
“Tôi là ca sĩ được đào tạo trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, trưởng thành từ các cuộc thi tiếng hát truyền hình và các hội diễn chuyên nghiệp, cũng từng công tác tại Nhà hát Quân đội và Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương. Tôi luôn tự tin và tự hào về con đường âm nhạc mà mình đã chọn, không bao giờ sốt ruột hay chán nản với nghề. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 không có show, tôi lại học guitar để phát triển sự nghiệp của mình, trở thành một nghệ sĩ độc lập.
Và bây giờ, chỉ với một cây guitar, tôi tự tin xuất hiện trong các chương trình âm nhạc chuyên nghiệp bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi khác. Với tôi, muốn thành công phải đủ đam mê và phải trau dồi, học hỏi những gì mình còn khiếm khuyết trong nghề. Khi đã định hình được dòng nhạc mình chọn, định vị được đối tượng khán giả thì dù không nổi tiếng, không giàu có, tôi vẫn vui và hạnh phúc vì đã được làm những điều mình muốn”, Tuấn Hiệp chia sẻ.
Tôi hỏi Tuấn Hiệp có bao giờ thấy lạc lõng trong đời sống showbiz nhiều ồn ào, phát triển như vũ bão hiện nay. Nhưng Tuấn Hiệp không mấy bận tâm về điều đó. Anh chậm rãi đi con đường của mình. Tiếng hát của anh đã chạm đến trái tim nhiều người khi anh là một trong số ít nghệ sĩ được mời sang Mỹ thu đĩa than, được chính nhạc sĩ Phương Nam đồng hành... Anh lựa chọn con đường của một nghệ sĩ độc lập sau 10 năm biên chế trong quân ngũ để trải nghiệm một đời sống khác, tự do phiêu lãng trong thế giới của mình. Anh đi nhiều, đặc biệt, tiếng hát của Tuấn Hiệp được cộng đồng người Việt ở nước ngoài yêu thích.
“Khi thuộc quân số của một nhà hát, thì ở đâu có nhân dân, ở đâu có bộ đội ở đó có tiếng hát của Tuấn Hiệp. Còn bây giờ, làm một nghệ sĩ tự do, tôi muốn mang những bản tình ca để kết nối tâm hồn con người, xoa dịu những nỗi đau trong cuộc đời. Âm nhạc, vì thế mà gắn kết tâm hồn, làm cho cuộc sống đẹp hơn, tình hơn”, Tuấn Hiệp chia sẻ.
Tôi hình dung, Tuấn Hiệp như một gã lãng tử, tự do trong đời sống, tự do trong thế giới của mình để cất lên những bản tình ca về đời sống, về sự tự do. Âm nhạc, ở chốn lặng lẽ ấy, nó thấm vào tâm hồn con người, thật chậm, thật sâu.