“Bài ca tình yêu” - Tổng kết đời quân ngũ của nhạc sĩ Doãn Nho

Thứ Năm, 22/12/2022, 09:58

Vào tối 21 và 22/12, vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022).

Đây là tác phẩm có nội dung được lấy từ nguyên mẫu những cuộc đời có thật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đó cũng là tác phẩm tổng kết đời quân ngũ của tác giả những ca khúc nổi tiếng như “Chiếc khăn piêu”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”...

Dồn hết tâm huyết và sự thăng hoa

Hà Nội những ngày đông giá rét, nhạc sĩ Doãn Nho bất ngờ cho ra mắt vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” ở tuổi 90 và ông coi đó là tác phẩm lớn cuối cùng của cuộc đời mình. Thực ra ông đã viết những tác phẩm lớn từ rất lâu, như hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” vào những năm 1956-1967, rồi giao hưởng “Chiến thắng” từ 1975-1976, đặc biệt tác phẩm lớn gần đây nhất của ông được công diễn vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô”. Bản thân vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” đã được ông viết ở ngưỡng tuổi 80, trong thời gian 3 năm (từ năm 2011 đến năm 2014) với ý định biểu diễn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014). Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phải đến 8 năm sau, tác phẩm mới được công diễn chính thức.

bài ca tình yêu 3.jpg -0
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ tại buổi họp báo ngày 14/12.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh, vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” là công trình nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc, ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân, dân ta. Ông đã dồn tất cả tâm huyết cùng với sự thăng hoa về cảm xúc khi suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mặc dù là vở nhạc kịch nhưng “Bài ca tình yêu” đã khai thác những đặc thù rất riêng của nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để phù hợp với khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ. “Đây là một vở nhạc kịch rất dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc nên rất dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Câu chuyện của vở diễn rất thú vị. Đó là câu chuyện về tình yêu của người lính ngoài chiến trường với hậu phương, mối quan hệ của tình quân dân, mộc mạc, êm đềm nhưng sang trọng, hiện đại, gần gũi. Trong vở diễn, tôi còn đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa các tôn giáo và “giải trình” bằng ngôn ngữ của nghệ thuật…”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Con trai nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên (Trưởng Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội) cho rằng việc được chỉ huy dàn nhạc vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” khiến anh rất đỗi xúc động và tự hào. “30 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi hầu như đã trực tiếp và chỉ huy dàn dựng các tác phẩm của cha mình, nhưng có thể nói lần này mang lại những cảm xúc khác biệt, bởi nó có quy mô đồ sộ. Hiện nay, nếu như gọi là vở nhạc kịch thì ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cha tôi là một nhạc sĩ quân đội, ông từng đi khắp các chiến trường, từ thời chống Pháp ở Tây Bắc, Việt Bắc. Sang thời chống Mỹ, bố mẹ tôi đã hành quân dọc Trường Sơn vào tận chiến trường Tây Nguyên để phục vụ bộ đội cũng như đi thâm nhập thực tế để sáng tác. Bởi vậy phần lớn những tác phẩm của ông đều gắn với hình ảnh người lính và “Bài ca tình yêu” cũng không là ngoại lệ”, anh nhấn mạnh.

Cũng theo nhạc sĩ Doãn Nguyên, tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho từ ca khúc gọn ghẽ đến tác phẩm bề thế đều dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, như thế để thấy ngôn ngữ âm nhạc dân gian xuyên suốt, hình thành nên cá tính sáng tạo riêng của ông. Gần đây, nhận thấy thời gian không còn nhiều nên ông không dành nhiều thời gian cho ca khúc nữa mà dành để viết tác phẩm lớn. “Hiện tại nước ta đang thiếu những tác phẩm lớn, đang chưa có lý luận âm nhạc, chưa có cái gọi là lý thuyết âm nhạc. Hầu hết lý thuyết giảng dạy trong các nhà trường âm nhạc là giáo trình nước ngoài. Bởi vậy cha tôi muốn dành thời gian và sức lực để góp phần nâng nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam lên. Bên cạnh viết tác phẩm lớn, ông còn nghiên cứu về lý luận âm nhạc”, nhạc sĩ Doãn Nguyên bộc bạch.

Món quà tri ân đầy ý nghĩa

Vở nhạc kịch có sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và tập thể giảng viên, học viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Đại tá Trần Thanh Bạch, Trưởng Khoa Sân khấu, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội đồng thời là chỉ huy biểu diễn của vở cho rằng, 2 cơ quan thực hiện nhiệm vụ khác nhau nhưng đều xác định việc kết hợp để biểu diễn vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” là trọng trách và niềm vinh dự lớn lao.

“Việc tập luyện ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nhưng lại biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội nên vị trí của diễn viên rồi quá trình tập kết, chuẩn bị trang phục, đạo cụ có những thay đổi. Đòi hỏi công tác chỉ huy phải thật sự khoa học, nhanh nhạy để anh em nghệ sĩ tiếp cận được với sân khấu mới. Sự phối kết hợp các thành phần sáng tạo phải thống nhất thì việc chỉ huy biểu diễn mới tạo nên sức mạnh, chính vì vậy trong quá trình tập luyện, tôi luôn duy trì kỷ luật sân khấu như trên thao trường, bãi tập đúng với tinh thần người lính”, Đại tá Trần Thanh Bạch chia sẻ.

bài ca tình yêu 4.jpg -0
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Bài ca tình yêu".

Về phía Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng nhận thức đầy đủ ý nghĩa sâu sắc của việc tập luyện tác phẩm này và Nhà hát có nhiều lợi thế, kinh nghiệm trong việc dựng vở nhạc kịch. Giám đốc Nhà hát Phan Mạnh Đức nhấn mạnh, đây không chỉ là tâm huyết của quân đội mà còn là “món quà” Nhà hát dành để cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho cũng như tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. “Thực tế, để viết được vở nhạc kịch đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ trình độ, tư duy, kinh tế, thời gian đến tâm huyết, tình cảm. Thực tế nhạc kịch của nước ta còn rất hiếm nên chúng tôi coi đây là điều rất đáng quý”, nghệ sĩ Phan Mạnh Đức khẳng định.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, số nghệ sĩ tham gia vở diễn rất lớn, khoảng 200 người, có những em học sinh phổ thông tham gia vào vai các em nhỏ ở làng quê nên thời gian bố trí tập luyện phải linh hoạt để ban ngày các em còn đi học. Nếu như nhạc kịch ở nước ngoài có phần thanh nhạc “mở”, bao trùm khán giả thì phần ngôn ngữ trong nhạc kịch của Việt Nam lại là âm đóng, điều đó đặt ra vấn đề là nghệ sĩ không đủ kỹ thuật âm nhạc sẽ bị lép so với dàn nhạc. Hơn nữa nhạc kịch cần giọng thật, nếu có sử dụng âm thanh chỉ mang tính hỗ trợ, bổ trợ nên ekip rất cân nhắc để đúng với bản chất của nhạc kịch.

“Một vấn đề nữa là đạo diễn nhạc kịch theo đúng nghĩa ở Việt Nam còn duy nhất 1 người nhưng bác đã quá già yếu. NSƯT Lê Thụy là đạo diễn kỳ cựu của sân khấu, như: kịch nói, tuồng chèo, cải lương... nhưng để là tổng đạo diễn của vở Opera yêu cầu phải biết nhạc, phải biết đọc tổng phổ. Bởi vậy, Nhà hát luôn thông cảm, hỗ trợ đắc lực cho NSƯT Lê Thụy phần âm nhạc. Với tài năng của mình, anh đã rất khéo léo khi xử lý, kết hợp nhuần nhuyễn màu sắc của nghệ thuật truyền thống, của dân tộc với nghệ thuật sân khấu của châu Âu”, nghệ sĩ Phan Mạnh Đức chia sẻ.

Ngô Khiêm
.
.
.