An Chi - người thông kim bác cổ

Thứ Năm, 15/01/2015, 08:00
Với An Chi, tôi là hàng hậu bối, chẳng quen biết chi nhiều, chỉ biết qua sách vở. Đúng ra thì tôi có gặp An Chi một lần và trao đổi thư từ qua mấy bận. Lúc này tôi mới về hưu. Tôi đến  thăm ông vào một buổi chiều cuối thu, tìm mãi mới được nhà, quanh co qua mấy ngõ hẹp… Một ngôi nhà gạch cấp 4 cuối con hẻm nhỏ yên tĩnh; một mảnh sân con có mấy chậu hoa kiểng. Ấn tượng đầu tiên lúc mới gặp: một ông già Việt nhưng rất "Tây". Không "Tây" ở diện mạo mà là "Tây" ở cung cách giao tiếp.

An Chi người Gia Định mang quốc tịch Pháp và học trường Tây từ nhỏ… nên nhiễm phong cách Tây? Điều này tôi nghĩ cũng chưa hẳn, bởi tôi có người thầy cũ ở Pháp nhiều năm, đậu tú tài Tây rồi lấy bằng triết học ở Sorbonne, vậy mà gặp lại thì từ lời nói đến phong cách… cứ tưởng như đang trò chuyện với một ông già quê xứ Nghệ. Học vấn ảnh hưởng nhiều đến cách sống nhưng có lẽ cũng tùy người.

Có lần ngồi hầu chuyện thầy cũ Nguyễn Quảng Tuân. Thầy Tuân nói với tôi: "Ông An Chi - ông ấy giỏi đấy… nhưng kiêu". Nghe nói tôi chợt nhớ Tô Hoài viết về nhà văn Nguyễn Tuân trong "Cát bụi chân ai": "Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng […]. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ!".

Thật vậy, giá trị của con người ở chỗ cá tính chứ nếu ai cũng giống ai thì cuộc đời chán ngắt. Tôi thử phỏng theo Tô Hoài: "Để là An Chi thì An Chi phải là An Chi đã chứ!". Tính trời sinh không đổi được - Dù gì đi chăng nữa thì An Chi vẫn cứ "y chang" mà thôi!

Tôi tìm đến An Chi trước hết là vì lòng ngưỡng mộ những đam mê học hỏi đáng kính. Lúc ấy, tôi gọi cụ bằng "thầy" và nêu 2 lí do: một là vì cụ đã từng dạy học, dù chỉ 6 năm thôi nhưng cũng là thầy giáo; hai là tôi tự thấy mình là hàng hậu bối, không sánh được. Điều này tôi tự cho là quả không có gì sai khi đã đọc mấy dòng của nhà trí thức lớn Cao Xuân Hạo "…có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm […] Dù chỉ có mấy tập chuyện Đông, chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi…".

Ông bà An Chi - ảnh chụp ở Cần Giờ năm 2014.

Tôi cho rằng Cao Xuân Hạo viết rất thành thực, không hề dùng ngoa ngôn. Thật vậy, 6 cuốn "Chuyện Đông chuyện Tây" đã khiến nhiều kiến giải trước đây tưởng chừng như vững chãi, từng được các tác gia tầm cỡ khẳng định… nay bỗng trở nên lung lay trước những sửa sai đầy sức thuyết phục. Những lí giải của An Chi khiến người đọc thấy "lóe lên ở đó những tia sáng của một tài năng chân chính".

Bên cạnh vấn đề tri thức còn là vấn đề tâm huyết và phương pháp làm việc. Xem cách lí giải các vấn đề khúc mắc về từ ngữ của An Chi ta thấy quả đáng khâm phục lối làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ. Không dễ dãi với chính mình, An Chi buộc mình phải tra cứu tường tận qua bao nhiêu sách vở rồi mới nêu kiến giải - dĩ nhiên có khi cũng lẫn chất chủ quan dẫn đến sai lạc.

Sau nữa là cách viết, cách hành văn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng thiết tha kêu gọi mọi người viết hãy cố gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… nhưng rồi đến hôm nay nhan nhản trên sách báo những cách viết câu, dùng từ "đục và tối"… An Chi thì không thế. Thử đọc các bài viết của An Chi ở mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trước đây trên Kiến thức ngày nay hoặc gần đây trên một vài tạp chí, chúng ta thấy được ngay một văn phong giản dị trong sáng, nhiều khi lại châm biếm dí dỏm với cách diễn đạt, cách dùng từ rất nhuần nhị của lối nói thuần Việt. Viết được như thế không dễ chút nào vì vừa uyên thâm, bác học lại vừa bình dị dân dã. Vậy nhưng có một điều có thể nhận rõ được ở văn phong An Chi: cách viết thường pha lối châm biếm nhiều khi "cay như ớt" khiến người ta phật lòng.

Ta học được ở An Chi nhiều điều, nhất là cách sống. Sống theo chí của mình, an nhiên tự tại, có khí chất quân tử. Hồ Chí Minh vẫn nhắc 2 câu thơ của Lỗ Tấn: "Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ. Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu" ("Trợn mắt xem khinh ngàn lực sĩ; cúi đầu làm ngựa các nhi đồng"). Đây là phong cách của kẻ Sĩ giữ tiết cứng của cây tùng cây bách. Cuộc đời chìm nổi từ ngày bước chân ra đi theo chí của mình đã khiến An Chi chịu nhiều thiệt thòi - xem lại quãng đời lắm nỗi gian truân - lúc còn trẻ gia đình khá giả, học trường Tây đến khi vượt tuyến ra Bắc năm 1954; lúc này dù có mang theo thư giới thiệu của Đảng ủy Đặc khu… nhưng có lẽ cho rằng "hữu xạ tự nhiên hương", không cần gì phải dựa dẫm…, anh thanh niên Võ Thiện Hoa đã không dùng đến thư và cũng chính điều này đã mang đến bao nhiêu hệ quả không may trong suốt quãng đời trên đất Bắc: sau khi học xong Trung cấp Sư phạm, chỉ được dạy học 6 năm thì bị thải hồi vì bị cho là có tư tưởng lệch lạc. Nhiều năm sau, bôn ba với đủ nghề: khi làm tạp vụ, khi làm thợ tiện ở nhà máy xe đạp Thống Nhất, khi quản thư viện trường Học sinh miền Nam… mãi đến sau 1975 mới được chuyển vào Nam làm cán bộ Phòng Giáo dục quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Cuộc đời An Chi lắm nỗi gian truân. Phải chăng sự trung thực đôi khi lại là gốc rễ của bao nhiêu chuyện mắc míu. Viên bi tròn dễ lăn, dễ lọt. Khối vuông, khối chữ nhật không thể lăn tròn mà chỉ thích hợp với cách chuyển dịch theo đường thẳng. Có lẽ An Chi "bánh chưng vuông góc". Phong cách sống thể hiện tính cách riêng mỗi người. Ở trên tôi có viết: cách giao tiếp của An Chi có vẻ "Tây"- Có thể cách "Tây" ấy đã khiến có người không thích? Cách sống Tây thường "khoảnh". Tây đối xử lịch sự với người đối diện nhưng "khoảnh" - Tiếng Việt ta có chữ "khoảnh" để chỉ thái độ muốn biệt lập, không phạm vào nhau. Đa số người Việt ta sống cách khác, nhất là người miền quê.

Những chuyện vừa nói trên là về phong cách An Chi suốt mấy mươi năm "rong chơi cùng chữ nghĩa"… còn hôm nay phong cách ấy lại mang một dáng vẻ mới hơn. Tò mò vào thử trang facebook An Chi… Đúng như một bút danh trước đây có người đề nghị cho An Chi: "Lão Ngoan Đồng". Tuổi già người ta hay có khuynh hướng quay về thời niên thiếu. An Chi đưa lên trang nhiều ảnh, có cả những ảnh ghép khá ngộ nghĩnh với khẩu hiệu "ai thích thì xem, không thích thì lơ". Mảnh sân con trước nhà với mấy chậu hoa kiểng, những hoa dành dành, hoa dâm bụt… cũng được chụp hình đưa vào facebook. Có cả ở đây mấy bài viết nặng nội dung chính trị - thời sự.

Xem mấy bài viết này của An Chi ta có thể thấy được ý và tình của An Chi luôn khá cực đoan. Ví dụ bài viết trên Petrotimes bàn về lời sau đây của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược: "…Trong thời đại khó khăn như đời vua Dực Tôn, mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ, không biết theo thời mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp mà khai hoá dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước, và đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại"… Bình đoạn trên, An Chi đã nặng lời phê phán: "…Trong hơn 20 vạn chữ của cả quyển sách, Trần Trọng Kim đã đền ơn Nhà nước Bảo hộ chỉ bằng vài chục chữ len lỏi ở mấy chỗ thực sự đắc địa trong cái rừng chữ rậm rịt đó. Đây mới là điều thực sự nguy hiểm và vô cùng tai hại. Nó như một kẻ bắn tỉa, nấp ở một chỗ tuyệt đối an toàn để bắn cho đúng vào não của người đọc làm cho anh ta hoàn toàn không kịp phản ứng về nhận thức. Đây chính là cái điểm son, không phải chói lọi, mà tiềm ẩn, giúp cho Trần Trọng Kim trả được cái ơn đối với công lao đào tạo của nhà nước Đại Pháp".  

An Chi quả đã để lòng căm ghét thực dân lấn át mà không thấy rằng nếu việc bách đạo có thể lí giải được thì chính sách bế quan tỏa cảng của vua tôi triều Nguyễn, việc "khư khư giữ lấy thói cũ" quả thật vô cùng tai hại. Nếu triều Nguyễn sáng suốt, biết ứng xử như Minh Trị Thiên Hoàng - biết người, biết ta - nhận ra được thực lực mình quá yếu, dân trí mình quá lạc hậu… mà mở rộng cửa giao lưu, tập trung canh tân đất nước, mở mang dân trí thì phúc biết bao cho dân tộc. Riêng chuyện cấm đạo Gia Tô, giết giáo sĩ phương Tây thì quả là vua tôi triều Nguyễn đã quá tàn ác, thổi bùng thêm những mâu thuẫn không cần thiết.

Chính vì thế, nghe An Chi nặng lời với Trần Trọng Kim, cho rằng Trần Trọng Kim dùng "Việt Nam sử lược" để "đền ơn Nhà nước Bảo hộ"… ta quả rất băn khoăn. Thật vậy, dù Trần Trọng Kim có tốt nghiệp qua nhiều trường đào tạo của Pháp nhưng việc làm chủ yếu trong đời Trần Trọng Kim là dạy học cho đến khi về hưu. Trần Trọng Kim còn là tác gia với nhiều tác phẩm giá trị về sử học, nghiên cứu văn học, triết học Đông phương... Riêng "Việt Nam sử lược" là bộ sử biên soạn khoa học, ngắn gọn, súc tích, dễ tra cứu, được ưa chuộng xưa nay.

Rốt ráo lại tôi chỉ thích… một An Chi - một cụ già đầu bạc, trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ để lí giải một cách minh triết bao nhiêu những khúc mắc của văn chương chữ nghĩa.

Dĩ nhiên ta thích là một chuyện còn An Chi thích thì lại là chuyện khác!

Nguyễn Cẩm Xuyên
.
.
.