Văn mình vợ người

Thứ Tư, 27/02/2008, 10:45
Tôi xin trích ra đây cái câu mà mỗi khi ta nhắc đến, chẳng phải ai cũng chấp nhận ngay, thậm chí còn có người phản ứng quyết liệt nữa, bởi nói như thế có nghĩa là không coi trọng đàn bà, không tôn trọng chính vợ của mình... Nhưng mà càng ngẫm, càng thấy chí lý. Đó là câu "văn mình vợ người".

Câu này xuất xứ từ đâu và có từ bao giờ? Tại sao lại đem ví văn chương với vợ con? Đành rằng các cụ ta xưa vốn trọng nam khinh nữ, nhưng cái sự trọng và cả cái sự khinh của các cụ nó nằm ở chỗ khác, chứ còn ở đây thì xem ra các cụ ta có hơi lạnh lùng quá! Thiếu nhân bản quá! Ai lại thế? Ai lại cứ nói trắng phớ cái sự thật đáng trách ấy ra? Ai mà chả thấy văn của mình hay hơn văn người. Và...

Thế cho nên trong văn giới thời nay các vị ấy khen chê nhau qua báo chí mà tôi đọc được nó nghiệt ngã lắm! Khen nhau được một câu thì ngồi đâu cũng nhớ ra nhau, mà chê nhau một câu cũng thế, cũng một lòng một dạ khích bác, chỉ cần thấy cái bóng của nhau thôi cũng đủ làm cho nhau ngứa con mắt rồi! Ấy là chưa kể đến cái chuyện khen nhau, bốc nhau lên đến trên cả chín tầng mây, bất kể đúng sai, hay dở.

Lại cũng có cả trường hợp chê nhau tệ hơn cả ba bà hàng cá, hàng tôm (tôi phải xin cái ngoặc đơn ở chỗ này để cáo lỗi mấy bà bán cá, bán tôm, là bởi vì các bà bây giờ không phải ai khi cãi cọ cũng văng tú-mo các của quý ra, ấy chẳng qua chỉ vì đó là một câu thành ngữ, cũng lại của các cụ ta lưu truyền, thành thử không dùng thành ngữ thì cũng khó có cách ám chỉ nào cho nó thích đáng bằng). Và tôi cũng nhận ngay ra cái điều suy diễn một cách tùy tiện và nông cạn của tôi mà trách các cụ ta lạnh lùng với lại thiếu nhân bản là hồ đồ.

Phải khẳng định ngay rằng, các cụ ta không bao giờ lại quá lạnh lùng với lại thiếu nhân bản cả! Hiểu sai ý các cụ là hiểu sai tinh thần cốt lõi của dân tộc mình. Mà cũng phải nhận thức được cái từ các cụ ở đây không có nghĩa là chỉ người già mà phải hiểu đây là di sản văn hóa của dân tộc.

Cái câu "văn mình vợ người" của các cụ cũng phải hiểu nó như là một cách nói, một câu ví von, một câu thành ngữ. Chỉ có thành ngữ mới tôn hiện tượng lên thành bản chất một cách kiên quyết và có ý nghĩa cảnh báo để nhắc nhở, để răn đe, để giáo dục như thế. Hà cớ gì mà phê phán, mà lấy cái sự ấu trĩ của đương thời ra để làm tổn thương đến các cụ? Lại nữa, trong lao động nghệ thuật nói chung và lao động của nhà văn nói riêng, đã từng nhiều người nhắc đến cái sự cô đơn, không chia sẻ được cùng ai, kể cả người thân cận nhất là vợ mình.

Nhưng đôi khi chỉ có thể chia sẻ cùng bạn bè đồng nghiệp. Bạn bè đồng nghiệp vừa là bạn lại vừa là thầy, vừa là chỗ trút bầu tâm sự lại cũng vừa là nơi thu nạp năng lượng cho ta có đủ nghị lực vượt qua cái khúc cô đơn vẻ như vớ vẩn, lại cũng đúng là vớ vẩn theo con mắt tỉnh táo của người đời, kể cả bà xã.

Thậm chí, trước hết là cái nhìn khó chịu nhất, phải chịu đựng nhất, chính là bà ấy! Bệnh cô đơn là căn bệnh nghề nghiệp.  Không mắc bệnh ấy thì không bao giờ viết được văn. Càng cô đơn văn càng chân thật, chữ nghĩa càng hay, càng thuyết phục được nhiều người. Nhưng cái cô đơn này nó khó định nghĩa ra, khó giải thích ra lắm. Chính vì cái khó ấy mà nhà văn hay bị người ta hiểu lầm. Bởi vì cô đơn đâu phải là cái của báu mà thượng đế dành riêng cho nhà văn?

Chúng tôi đây, chẳng văn chương chữ nghĩa gì, nhiều lúc cũng cô đơn thấy mồ! Vậy thì điều chắc chắn cái món cô đơn không thể là món của riêng nhà văn. Khối anh nhà văn tôi thấy họ chả cô đơn tí nào, mặt mũi cũng phương phi, thoả mãn, cười nói rôm rả, rượu vào lời ra, bán giời không văn tự. Nhiều vị cứ quan trọng hóa, cách điệu hoá cái trò cô đơn, gọi đó là bệnh nghề nghiệp, xem ra không ổn

Trung Trung Đỉnh
.
.
.