Trại sáng tác kịch bản điện ảnh: Vì sao hiệu quả chưa cao?

Thứ Năm, 01/11/2012, 08:00
Với Điện ảnh Việt Nam, không chỉ thế hệ trẻ mà ngay cả những nghệ sĩ đã nổi danh, những bậc đàn anh kỳ cựu ở tuổi trên dưới "bát tuần" như Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Lê Phương, Trung Sơn Đặng Nhật Minh… cũng vẫn còn nhiều duyên nợ với trại sáng tác. Trừ những lúc yếu đau, còn lại, hằng năm chẳng mấy khi các ông bỏ trại sáng tác. Và nhiều ông đã rất chân thành cởi mở rằng: "Mỗi lần đi trại sáng tác lại được bổ sung thêm nhiều cái mới, cái hay mà mình chưa hề có bao giờ…".

Giữa tháng 9 vừa rồi, phát biểu trong lễ khai mạc trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình tại Nhà sáng tác Tam Đảo do Hội Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tổ chức, đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng một ý nhấn mạnh rằng: "Mấy chục năm qua, Nhà nước đã đầu tư một số tiền không nhỏ cho các trại sáng tác Văn học nghệ thuật (VHNT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sáng tác, phát hiện tài năng và có tác phẩm có chất lượng phục vụ đời sống xã hội… Nhưng rất tiếc, hiệu quả vẫn không được là bao, đó là vấn đề mà mỗi chúng ta còn phải băn khoăn, day dứt… mỗi khi bước vào trại sáng tác".

ĐAVN cũng không nằm ngoài tình trạng chung ấy, thậm chí còn đáng tiếc hơn, vì điện ảnh là loại hình nghệ thuật "đứng mũi chịu sào" nhất, chi tiêu nhiều tiền của nhất và cũng là một trong những ngành nghệ thuật thường xuyên mở nhiều trại sáng tác nhất cho cả 3 loại phim: phim truyện, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình.

Đã mấy chục năm qua, cả nước có 5 nhà sáng tác (NST): Ở phía Bắc có NST Đại Lải, Tam Đảo; ở phía Nam có NST Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… Cả 5 NST đều nằm trên những diện tích khá rộng rãi, thoáng mát; ở một vị trí khá thuận tiện cho việc nghỉ ngơi và tạo được "hưng phấn" cho người sáng tác (như NST Nha Trang, Vũng Tàu ở sát ngay bờ biển).

Dù còn gì chưa thật trọn vẹn, nhưng trước hết phải thừa nhận rằng, như vậy rõ ràng Nhà nước ngay từ những năm tháng chiến tranh, còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn mà đã dành cho văn học nghệ thuật sự quan tâm thiết thực ấy là rất đáng trân trọng.

Còn bây giờ, sử dụng những công trình ấy như thế nào, hiệu quả đến đâu, còn những gì băn khoăn, bất cập? Cần phải làm thế nào để các NST này phát huy hiệu quả tốt hơn, người sáng tác đến NST phải đích thực là người sáng tác? Phải có hiệu quả tác phẩm nghệ thuật đích thực v.v… Điều đó lại phụ thuộc vào trách nhiệm lương tâm của những người lãnh đạo, quản lý NST và người có quyền lựa chọn người sáng tác đến NST.

Các đại biểu tham dự trại sáng tác kịch bản điện ảnh tại Nhà sáng tác Nha Trang (tháng 9/2009).

Trước hết phải cảm thông, chia sẻ với những người lãnh đạo quản lý NST có lương tâm, có trách nhiệm về một thực trạng ai cũng thấy rõ ràng là sản phẩm làm ra từ các trại sáng tác thì nhiều nhưng việc sử dụng nó để có tác phẩm nghệ thuật đích thực, có hiệu quả cho đời sống xã hội - như người ta vẫn quen gọi - vẫn còn rất "khiêm tốn". Các loại hình nghệ thuật khác không biết thế nào, nhưng với điện ảnh thì quả thật như vậy. Năm này qua năm khác, các "kho" chứa kịch bản được viết ra từ các trại sáng tác của Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các Hãng phim cứ ngày một đầy thêm. Đó là công sức, trí tuệ, thậm chí cả tài năng của nhiều người, nhiều thế hệ những người sáng tác kịch bản điện ảnh. Tất cả, ngày tháng trôi qua, cứ nằm im lìm, chẳng mấy khi được ai ngó ngàng tới. Trong khi đó thì các Hãng phim luôn luôn kêu "thiếu kịch bản". Chắc có người sẽ không hiểu được tại sao như vậy? Nhưng sự thật lại rất giản đơn là kịch bản muốn được đưa vào làm phim phải có được cái "cầu" riêng biệt nối giữa người cần kịch bản làm phim với tác giả kịch bản. Còn hàng trăm tác giả của hàng nghìn kịch bản đang nằm trong kho kia, làm sao có được "mối lái" để biết ai cần mình mà tìm đến? Mà dù có tìm được người cần thì cũng không đơn giản là cứ có kịch bản hay là được làm phim, đấy là chưa kể đến "tiêu chí" thế nào là kịch bản hay, lại còn phụ thuộc vào rất… rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, rất nhiều luật bất thành văn khác, rất nhiều mối quan hệ kinh tế, chính trị khác, v.v… Bởi vậy nơi thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa, tạo nên một sự lãng phí không phải chỉ về kinh tế mà trước hết là lãng phí công sức, trí tuệ và cả tài năng không phải chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ của những người lao tâm khổ tứ cho việc sáng tác kịch bản điện ảnh.

Một thực tế nữa là, xưa nay muốn tham dự trại sáng tác chỉ cần nộp cái gọi là "đề cương", sau khi ở trại sáng tác về một vài tháng sau mới phải nộp kịch bản. Mà "đề cương" thì… nói rằng "ai mà chả viết được" thì sợ rằng các nhà sáng tác đích thực sẽ cho là "xúc phạm nghề nghiệp" nhưng thực tế lại đã từng diễn ra như vậy. Chúng tôi làm công tác quản lý sáng tác của ngành biết được ai là người biết sáng tác chứ! Ấy vậy mà đôi khi phải ngỡ ngàng, giật mình bắt gặp những trại viên trại sáng tác vốn nhân viên hành chính, là người giữ kho, là người dựng phim, người làm kỹ thuật… chưa hề viết lách gì bao giờ (có lẽ vì vậy mà ở Hãng phim nọ, người ta truyền nhau câu nói rằng: ở Hãng phim này chỉ còn thiếu mấy ông lái xe bận việc chưa đi trại sáng tác mà thôi). Cứ cho rằng tài năng đột biến ở những người này ai mà lường trước được, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Không biết sau chuyến đi NST Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đảo Cát Bà… về, ngoài mấy trang gọi là "đề cương" ấy, trong số họ, có ai nộp được kịch bản cho Ban tổ chức trại và những trang viết của họ có phải là kịch bản điện ảnh hay không, hay lại để nhân vật kịch bản hoạt hình hỏi: "Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ"? Điều này chỉ có những người trực tiếp quản lý trại sáng tác mới biết được tường tận.

Phải chăng việc này cũng góp phần tạo nên nỗi băn khoăn cho những nhà lãnh đạo về hiệu quả thực tế của các trại sáng tác còn nhiều … "khiêm tốn"?

Đó là phần hiệu quả còn "khiêm tốn" của các trại sáng tác mà ai cũng dễ dàng thấy được. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nhận ra rằng, hiệu quả của văn hóa nghệ thuật không phải chỉ dừng lại ở cái người ta có thể nhìn thấy, có thể cân đo đong đếm được, mà còn có cái phần hiệu quả vô hình nữa. Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có tổ chức một Hội nghị tổng kết hiệu quả của các NST trong 5 năm (2003-2007), tất cả lời phát biểu của những tác giả đã từng tham gia trại sáng tác của các loại hình VHNT đang tham dự hội nghị cũng khẳng định rằng, cái hiệu quả vô hình từ mỗi trại sáng tác tuy không ai "tổng kết" được nhưng lại cực kỳ bổ ích và thiết thực đối với người sáng tác. Nó không chỉ khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác, bổ sung vốn sống và tri thức nghề nghiệp mà còn là một chất "lửa" hâm nóng và thôi thúc trách nhiệm công dân, trách nhiệm người làm văn hóa nghệ thuật trước thời cuộc và thực tế cuộc sống xã hội.

Với ĐAVN, không chỉ thế hệ trẻ mà ngay cả những nghệ sĩ đã nổi danh, những bậc đàn anh kỳ cựu ở tuổi trên dưới "bát tuần" như Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Lê Phương, Trung Sơn Đặng Nhật Minh… cũng vẫn còn nhiều duyên nợ với trại sáng tác. Trừ những lúc yếu đau, còn lại, hằng năm chẳng mấy khi các ông bỏ trại sáng tác. Và nhiều ông đã rất chân thành cởi mở rằng: "Mỗi lần đi trại sáng tác lại được bổ sung thêm nhiều cái mới, cái hay mà mình chưa hề có bao giờ…". Với những bậc tài danh còn như vậy, nói gì đến thế hệ trẻ và những người "tài yếu sức mọn" đang cần được bổ sung tri thức nghề nghiệp cho mình? Là người đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn trong nước, lại được học đúng nghề viết kịch bản điện ảnh ở nước ngoài, lại có nhiều năm lăn lộn với nghề kịch bản điện ảnh, nhưng với tôi, trại sáng tác vẫn là người bạn, người thầy, là ngọn lửa trẻ trung hâm nóng mọi sự già cỗi, thiếu hụt của mình. Cho đến nay, hơn 20 kịch bản đã làm phim họa hình, nhiều kịch bản làm phim truyện, phim tài liệu phóng sự… dù không thể rạch ròi, tính đếm được, nhưng chắc chắn rằng "lửa" từ các trại sáng tác mấy chục năm qua đã góp cho thành quả lao động của tôi một phần không nhỏ.

Nhận rõ thực trạng và hạn chế của trại sáng tác những năm qua, đến trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình lần này, hai ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội ĐAVN và Đặng Vũ Thảo - Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã quyết tâm, thể nghiệm đổi mới hình thức và nội dung tổ chức trại sáng tác. Nếu như trước đây chỉ cần vài ba trang "đề cương" là có thể đi dự trại sáng tác, thì nay phải có kịch bản với sự góp ý sửa chữa của Hội đồng nghệ thuật trại viết mới được vào dự trại. Nếu như trước đây, những ngày ở trại viết là hoàn toàn tự do thì nay phải lo sửa chữa, hoàn chỉnh thêm để khi tổng kết trại có được sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Buổi tổng kết trại trước đây chẳng ai biết được chính xác trại sẽ có bao nhiêu kịch bản (vì có người nộp đề cương đi trại, nhưng sau không nộp kịch bản). Còn bây giờ, kết thúc trại là Ban tổ chức trại đã nắm trong tay tất cả kịch bản đã được các thành viên của trại sửa sang, hoàn tất trong thời gian ở trại.

Chất lượng các kịch bản này đến đâu còn phụ thuộc vào tài năng người viết. Nhưng sự đổi mới về hình thức và nội dung các trại sáng tác thì đã có thể khẳng định được rằng: rất hiệu quả và rất thiết thực, để người đến trại sáng tác thực sự là người biết sáng tác, để kịch bản được viết ra ở trại thực sự là kịch bản điện ảnh và trại sáng tác được thực sự là nơi ấp ủ, gửi gắm nhiều sáng tạo mới mẻ của những người thành tâm, giàu nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật.

Vì NST không chỉ là nơi hỗ trợ mà còn là cái nôi đỡ đầu cho nhiều sáng tác nghệ thuật ra đời cho nên đổi mới NST chính là đổi mới nghệ thuật, đổi mới tư duy con người…

Đinh Tiếp
.
.
.