Tác giả Vũ Xuân Cải: Hình tượng người chiến sĩ Công an luôn cuốn hút tôi

Thứ Bảy, 03/04/2010, 16:30
Năm 1996, tại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc tổ chức tại Ninh Bình, Đoàn kịch Bộ Nội vụ (tên cũ của Đoàn kịch nói CAND) đã làm xôn xao giới sân khấu và khán giả bằng vở diễn "Đám cưới trong đêm mưa". Không chỉ có vậy, "Đám cưới trong đêm mưa" còn nhận được liên tiếp các giải thưởng như Huy chương Vàng Hội diễn toàn Lực lượng Công an (1995); Giải B kịch bản Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1996); Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 1996.

Đây cũng là kịch bản "đắt khách" khi có tới 4 đoàn cùng dựng là Đoàn kịch Công an Hà Nội, Đoàn kịch Bộ Nội vụ, Đoàn kịch Hải Dương và Đoàn Kịch trẻ TP HCM. Tác giả của vở diễn ấy cũng như những  kịch bản ấn tượng khác ("Hồn hoa của núi",  "Phía sau vụ án", "Tình yêu đơn phương", "Những pho tượng bột)... là Thượng tá Vũ Xuân Cải, hiện công tác tại Đoàn Kịch nói CAND.

Nhà riêng của Thượng tá Vũ Xuân Cải nằm tít sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Lương Bằng. Anh lại là người trầm tĩnh, kín tiếng. Vậy mà ngay từ đầu ngõ, hỏi anh ai cũng biết. Thì ra, anh là thành viên tích cực của hội chơi cờ đầu ngõ. Thời gian này, Thượng tá Vũ Xuân Cải đang nghỉ chờ sổ hưu nên anh năng có mặt ở nhà hơn. Nhưng với một người làm công việc sáng tạo, dẫu đang công tác hay về hưu thì cuộc sống của họ xem ra cũng không có nhiều thay đổi lắm. Có chăng là dư dả thời gian hơn để dành cho sáng tác.

Theo dòng câu chuyện, tôi được biết Thượng tá Vũ Xuân Cải sinh ra và lớn lên ở làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình, vùng quê có nghề dệt chiếu nổi tiếng với câu ví "Ăn cơm Hom, nằm giường Hòm, đắp chiếu Hới". Đây cũng là mảnh đất văn hiến, quê hương của Trạng nguyên triều Lê, ông tổ nghề chiếu Phạm Đôn Lễ và nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ... Làng quê thấm đẫm những làn điệu chèo đã nuôi lớn ước mơ theo đuổi nghệ thuật của Vũ Xuân Cải, dù trong gia đình anh, không có ai làm nghề này.

Lớn lên, Vũ Xuân Cải quyết tâm thi vào Trường đại học Sân khấu Điện ảnh, trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Đạo diễn (khóa 1976 - 1981). Năm 1982, khi Đoàn kịch Bộ Nội vụ thành lập, Vũ Xuân Cải về đoàn, là một trong những người đầu tiên góp phần vào sự hình thành và phát triển của đoàn. Ngoài công tác quản lý và phụ trách diễn viên, chính môi trường làm việc đã khởi nguồn cảm hứng để anh viết nên những kịch bản đầu tiên về đề tài an ninh trật tự.

Người trong nghề nhận xét, Vũ Xuân Cải viết chậm nhưng chắc. Đến nay, anh có khoảng 15 vở kịch dài, một con số không lớn nhưng đa phần đó là những kịch bản được đồng nghiệp ghi nhận bởi hiệu quả nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm viết về đề tài an ninh trật tự, về hình tượng người chiến sĩ công an.

Kịch bản "trình làng" đầu tiên của Vũ Xuân Cải là vở "Phía sau vụ án" được Đoàn kịch Bộ Nội vụ dàn dựng năm 1990 nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Pháp lệnh Cảnh sát. Đây là tác phẩm được anh thai nghén sau 7 năm vào ngành, sống cuộc đời nghệ sĩ - chiến sĩ. Vở kịch đề cập bi kịch gia đình của Đại úy Phương - một chiến sĩ công an nhiệt tình, mẫu mực trong công việc. Chính vì quá mải mê công việc nên Phương không dành nhiều thời gian cho gia đình, vợ con. Hạnh - vợ Phương, trong một phút sốc nổi, buồn vì chồng thiếu quan tâm đã cùng làm ăn và ngã vào vòng tay của Giám đốc Trịnh Thiêm - đối tượng trong một chuyên án mà Phương và đồng đội đang điều tra.

Vở kịch miêu tả nỗi đau, sự giằng xé trong nội tâm của Phương khi anh chua xót nhận ra rằng, việc anh đánh án lần này cũng chính là đánh vào tổ ấm của mình. Với bản lĩnh người lính hình sự, Phương quyết tâm đưa vụ án ra ánh sáng. Khi vở kịch được đưa tổng duyệt, tình tiết về sự hy sinh của Phương ở phần kết đã tạo ra một cuộc tranh luận khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên để Đại úy Phương hy sinh. Nhưng Vũ Xuân Cải vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Anh cho rằng, nếu Phương sống, liệu sau khi kết thúc chuyên án, anh có thể mỉm cười lên nhận khen thưởng hay không? Việc gia đình anh rơi vào bi kịch, có một phần lỗi của anh chưa biết cách bảo vệ tổ ấm của mình...

Khi vở kịch công diễn, thật bất ngờ là nhiều khán giả đồng tình với tác giả ở chính phần kết xúc động đó. Cũng trong vở diễn này, Vũ Xuân Cải đã mạnh dạn chỉ ra những hành vi chưa đẹp từng xuấ hiện đây đó ở một số cán bộ, chiến sĩ công an. Chính sự thẳng thắn ấy khiến kịch của anh gần gũi và "đời" hơn.

Khác với vẻ ngoài hiền lành, lặng lẽ của anh, kịch của Vũ Xuân Cải thường tạo ra những xung đột dữ dội, mâu thuẫn được đẩy đến đỉnh điểm buộc nhân vật phải day dứt, trăn trở trước khi đi đến một hành động nào đó. Những suy nghĩ nung nấu của tác giả về người chiến sĩ công an không chỉ là những hành động của họ. Tinh thần nhân đạo, thái độ trân trọng, nâng niu đối với từng chút giá trị nhân văn chính là bản chất tốt đẹp luôn song hành với mỗi bước đi, suy nghĩ, hành động của các chiến sĩ công an. Nó đã trở thành linh hồn của mối xung đột trong kịch của Vũ Xuân Cải.

Một Trung úy Hùng trong "Đám cưới trong đêm mưa" đã quyết định không bắt Duy (đối tượng truy nã) sau bao tháng ngày truy bắt vì hôm đó là ngày cưới của Duy. Bởi anh biết, nếu bắt vào đúng ngày đó, không chỉ hạnh phúc của Duy tan vỡ mà con đường hoàn lương của hắn sẽ ngày càng xa hơn. Chính hành động nhân ái đó đã khiến Duy cảm động và tự nguyện ra đầu thú. Hay trong "Tình yêu đơn phương", người chiến sĩ công an đã mãi mãi giấu kín tình yêu của mình với người con gái để phá án thành công, trả lại công bằng cho chính chồng sắp cưới của cô gái mình yêu...

Không vội vã chạy theo số lượng, Vũ Xuân Cải chỉ viết những gì mình thực sự tâm huyết, những gì mình hiểu biết thấu đáo. Tự nhận mình là người cầu toàn, Vũ Xuân Cải quan niệm, đã làm nghệ thuật thì không thể cẩu thả được. Làm việc nghiêm túc, cẩn trọng chính là cách người nghệ sĩ tôn trọng khán giả - những người yêu mến và ủng hộ mình.

Thượng tá Vũ Xuân Cải thừa nhận, hơn 20 năm công tác trong Lực lượng Công an đã cho anh vốn sống để viết được những vở kịch về đồng đội mình. Chưa bao giờ hình ảnh người chiến sĩ công an thôi ám ảnh anh. Lúc nào anh cũng thấy chưa thỏa mãn, thấy "lực bất tòng tâm". Thông qua những tác phẩm của mình, Vũ Xuân Cải muốn gửi gắm khát vọng về hình tượng người công an mới. Đó là những người hết mình phụng sự Tổ quốc nhưng phải là người có tri thức và sự nhân văn.

Nhiều năm trở lại đây, năm nào Vũ Xuân Cải cũng dành tới 2- 3 tháng để đi thực tế sáng tác tại các đơn vị công an, các trại giam - như anh nói là để "nạp tư liệu". Những lần thâm nhập thực tế, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ đã giúp anh hiểu nỗi vất vả của lính hình sự. Có lần, trên đường đi thực tế ở đường Hồ Chí Minh, anh gặp một chiến sĩ cảnh sát hình sự miền Tây Nam Bộ đang trên đường bắt đối tượng truy nã. Người chiến sĩ ấy đã kể những buồn vui trên hành trình ròng rã mấy tháng trời hết miền Trung lại Tây Nguyên cho anh nghe. Anh hiểu hơn cái "cực" của lính hình sự, càng khâm phục hơn sự xả thân vì công việc của họ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Thượng tá Vũ Xuân Cải luôn tâm niệm là mình may mắn khi được lao động nghệ thuật trên mảnh đất màu mỡ: Đề tài an ninh trật tự. Điều anh nghiệm thấy ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học, đó là các tác phẩm kịch kinh điển của các tác gia lớn đều có liên quan đến vụ án. Bản thân vụ án đã có sức hấp dẫn lớn và thu hút công chúng. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống chưa hoàn toàn là hiện thực nghệ thuật. Chính vì vậy, người nghệ sĩ phải phát huy tối đa sức tưởng tượng và sự hư cấu của mình để hình tượng nghệ thuật ấy đạt được sự biểu cảm tốt nhất.

Bí quyết đẩy cao mâu thuẫn trong kịch của Vũ Xuân Cải giống như việc "đè một hòn đá tảng vào nhân vật để nhân vật bộc lộ khả năng của mình. Chỉ có 2 cách, nhân vật sẽ thoát khỏi hòn đá, hoặc là chết". Nhưng cũng chính trong những khoảnh khắc mâu thuẫn giằng xé ấy, những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an sẽ được lộ diện một cách tự nhiên nhất. Người xem nhận thấy, với mỗi nhân vật, Vũ Xuân Cải luôn phát hiện, nâng niu trân trọng những giá trị nhân văn, dù là rất nhỏ.

Là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Sân khấu Công an nhân dân, nên điều mà Vũ Xuân Cải đau đáu nhất vẫn là lĩnh vực sân khấu. Nghe Vũ Xuân Cải nói chuyện, tôi có cảm giác dường như sân khấu choán hết sự quan tâm của anh... Mặc dù đến nay, Vũ Xuân Cải đã nhận được cả giải thưởng trong và ngoài ngành, nhưng với anh, tác phẩm lớn vẫn luôn ở phía trước. Trong con người ưa ngẫm ngợi này vẫn đầy ắp ý tưởng. Anh chia sẻ, một tác phẩm với tên gọi "Những mẩu đời run rẩy" về đề tài tội phạm vị thành niên sắp được hoàn thành. Anh cũng đang chuẩn bị để có tác phẩm mới tham dự Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an lần thứ 2 sẽ diễn ra trong năm 2010 này

Thảo Duyên
.
.
.