TP Hồ Chí Minh thời giãn cách: Lấp lánh những trái tim nghệ sĩ

Thứ Năm, 22/07/2021, 17:11
TP Hồ Chí Minh phong tỏa là một câu chuyện đang được cả nước quan tâm. Hình ảnh chợ Bến Thành - biểu tượng nếp sống thương mại - dịch vụ sôi động của TP Hồ Chí Minh đang cửa đóng then cài, thực sự khiến nhiều người âu lo. Thế nhưng, nhìn thật sâu lắng vào TP Hồ Chí Minh thời giãn cách, lại thấy lấp lánh những trái tim nghệ sĩ.


Họa sĩ Lê Sa Long là giảng viên khoa Đồ họa của Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Năm ngoái, họa sĩ Lê Sa Long đã tạo được tiếng vang trong giới thưởng lãm bằng triển lãm tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng”. Lần này, họa sĩ Lê Sa Long dùng tranh ký họa để phản ánh cuộc sống của những con người bình thường giữa tâm bão COVID-19, mà anh đặt tên là “Sài Gòn thời giãn cách”. 

Họa sĩ Lê Sa Long thổ lộ: “TP Hồ Chí Minh trong khó khăn vẫn luôn có những vẻ đẹp về tình người giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Tôi không cần tưởng tượng mà chỉ ký họa lại những gì mình nhìn thấy, đã có được những bức tranh xao xuyến.

Thế nhưng, vẻ đẹp TP Hồ Chí Minh thời giãn cách không chỉ có trong ký họa của họa sĩ Lê Sa Long. Hoa hậu Mai Phương Thúy dù mặc quần áo bảo hộ, nhưng vẫn được nhiều người nhận ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ trong chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Hình ảnh Hoa hậu Mai Phương Thuý hướng dẫn người dân di chuyển vào khu khám sàng lọc và khai báo y tế đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thậm chí, Hoa hậu Mai Phương Thúy còn không ngần ngại bưng bê bàn ghế và sắp xếp chỗ ngồi đúng quy định chống dịch cho từng đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Ký họa “Sài Gòn thời giãn cách” của Lê Sa Long.

Ngoài việc hỗ trợ đội ngũ y tế tại điểm tiêm vaccine ở Nhà thi đấu Phú Thọ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, Hoa hậu Mai Phương Thúy còn giúp đỡ lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại quận Bình Tân và quận Tân Phú. Chị chia sẻ: “Tuy khá vất vả và căng thẳng, nhưng tôi thấy vui vì góp phần cùng cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi virus corona. Thực sự, nếu chỉ theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng thì tôi không thể hình dung đầy đủ những áp lực của các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch”.

Hoa hậu Mai Phương Thúy năm nay 33 tuổi. Cô đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2006 khi tròn 18 tuổi. Suốt 15 năm qua, Hoa hậu Mai Phương Thúy là một trong những người đẹp có nhiều hoạt động xã hội tích cực nhất nước ta. Hầu như không có đợt vận động cứu trợ thiên tai hay hoạt động quyên góp từ thiện tầm cỡ quốc gia nào mà không có sự ủng hộ của Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Vì sao Hoa hậu Mai Phương Thúy tham gia vào nhóm tình nguyện viên hỗ trợ đội ngũ y tế chống dịch? Hoa hậu Mai Phương Thúy cho biết: “Ban đầu tôi cũng hơi sợ hãi, nhưng khi thấy thành phố Hồ Chí Minh đã phải giãn cách lần thứ hai để chống dịch thì tôi không thể ngồi yên. Tôi đăng ký chung sức cùng các nghệ sĩ, với công việc đầu tiên là chuẩn bị và phân phát bữa ăn sáng cho lực lượng y tế đang cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Sau đó mới hỗ trợ chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine”.

Cùng tham gia vào nhóm tình nguyện viên với Hoa hậu Mai Phương Thúy còn có hai "chân dài" nổi tiếng khác là Hoa hậu HHen Niê và Á hậu Hoàng My. Sau mấy ngày đồng hành chiến dịch tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Hoa hậu Mai Phương Thúy đúc kết: “Có lẽ giá trị duy nhất của tôi là giúp cho một số người dân bớt một phần lo lắng khi làm thủ tục tiêm vaccine hoặc lấy mẫu xét nghiệm. Tôi động viên họ bình tĩnh chờ đợi đến lượt mình một cách trật tự và nhẹ nhàng”. 

Nhóm nghệ sĩ tình nguyện hỗ trợ lực lượng chống dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh do MC Quỳnh Hoa khởi xướng từ đầu tháng 6/2021. Đến nay, nhóm nghệ sĩ tình nguyện này đã có hơn 50 thành viên, có cả hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên… Bên cạnh hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ y tế, nhóm nghệ sĩ tình nguyện cũng vận động lương thực và thực phẩm để phân phát cho các hộ nghèo và người lao động ở các khu phố và các chung cư bị phong tỏa.

Sau hơn một năm chống dịch và hơn một tháng giãn cách xã hội, cuộc sống tại đô thị lớn nhất phương Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đội ngũ văn nghệ sĩ vốn là những người không mấy dư dả, nên lòng trắc ẩn đã thúc giục họ phải nhanh chóng hành động để cùng nhau vượt qua thử thách cam go. 

Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh vốn đã quen với các hoạt động từ thiện nhiều năm qua. Đầu tháng 7/2021, khi nhìn thấy nguy cơ không ít đồng nghiệp của mình sẽ bị đứt bữa ở những khu vực bị phong tỏa, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi lập tức triển khai kế hoạch tương trợ. Tự bỏ ra trước 20 triệu đồng, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đã huy động được tổng số tiền 250 triệu đồng để ủng hộ 180 nhân viên hậu đài, kỹ thuật viên sân khấu.

Với phần quà gồm mỳ gói, sữa và tiền mặt, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đã phân phối đến những đồng nghiệp thất nghiệp vì sàn diễn đóng cửa. Hình ảnh giản dị và chân thành của Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đến với 180 nhân viên hậu đài và kỹ thuật viên sân khấu không chỉ góp lửa thổi cơm cho họ mà còn giữ gìn ngọn lửa đam mê nghệ thuật giữa vòng vây đại dịch. Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi thổ lộ: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các sân khấu tạm ngưng biểu diễn từ lâu, chưa biết khi nào mới mở lại. Việc này kéo theo nhiều hệ luỵ, khó khăn về kinh tế cho các nghệ sĩ và nhất là anh em hậu đài, những người đứng sau sân khấu, góp phần làm nên các tác phẩm nghệ thuật phục vụ khán giả. Chúng tôi không thể chờ đợi phép lạ hóa giải nguy khốn, mà phải tranh thủ giúp nhau cầm cự với COVID-19”.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy tại bếp cơm từ thiện.

Cũng không thể ngồi yên trong TP Hồ Chí Minh thời giãn cách, Hoa hậu Trần Tiểu Vy ngoài việc gửi tặng 3 tấn gạo cho các gia đình khó khăn, còn trực tiếp trông coi một bếp ăn từ thiện. Hoa hậu Trần Tiểu Vy cùng Câu lạc bộ “Suối mát từ tâm” đã huy động được hơn 1 tỷ đồng để nấu cơm phục vụ bà con nghèo tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày khoảng 1.500 suất cơm được Hoa hậu Trần Tiểu Vy và các người đẹp Lương Hoàng Linh, Kiều Loan, Ngọc Thảo, Đỗ Hà, Phương Anh… phân phát tận nơi. 

Hoa hậu Trần Tiểu Vy bộc bạch: “Ban đầu chúng tôi dự định phát cơm tại chỗ với số lượng lớn hơn, nhưng theo Chỉ thị 16 thì người dân không được tụ tập nên việc đưa cơm đến tận nhà tương đối hạn chế. Trong 15 ngày phong tỏa, chúng tôi hy vọng giúp những người nghèo ở các xóm lao động có được hai bữa cơm mỗi ngày”.

Hoạt động rộn ràng không kém bếp ăn của các hoa hậu là bếp ăn của các nghệ sĩ sân khấu. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước như Thoại Mỹ, Lâm Vĩ Dạ, Mỹ Uyên, Quỳnh Hương đã cùng với những nghệ sĩ đã định cư ở nước ngoài như Phương Hồng Thủy, Cẩm Thu đã chung tay để nhen lửa nấu cơm cho người nghèo. 

Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc là người được giao nhiệm vụ đứng bếp của nhóm nghệ sĩ sân khấu chia sẻ, ban đầu có kế hoạch mỗi tuần phát cơm một lần nhưng nhiều người ủng hộ đã quyết định phát cơm vào thứ tư và chủ nhật. Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc bày tỏ: “Nhiều chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm đóng cửa nên nguyên liệu cũng hơi ít ỏi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định duy trì bếp ăn nghĩa tình”.

Khi chứng kiến các nghệ sĩ sân khấu tích cực nấu cơm cho người nghèo, Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh đã “chuyển đổi công năng” của căn tin trong khuôn viên Hội thành bếp ăn từ thiện. Tại đây, từng bữa cơm ấm áp tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” đã được chuyển tới nhiều con hẻm lao động nghèo ở quận Gò Vấp, quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức. 

Một trong những người trực tiếp theo dõi bếp ăn từ thiện của Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu. Để vun đắp thêm cho bếp ăn từ thiện, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu đã kêu gọi các thế hệ học trò cùng tham gia: “Mỗi phần cơm 20 nghìn đồng. Thầy không dám xin nhiều, chỉ dám xin mỗi đứa cho thầy năm phần, mười phần cũng được. Ở Hội Sân khấu đang đỏ lửa nấu cơm hàng ngày, thầy sẽ thay các em góp lòng. Thầy xin các em. Thầy cảm ơn các em, thầy nợ các em…”.

Tâm Huyền
.
.
.