Sự thật về cửa biển Thần Phù

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:42
Dân gian có câu: "Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Từ xa xưa, xung quanh "cửa Thần Phù" đã luôn có những câu chuyện thần tiên hoặc huyền tích gắn với các sự kiện lịch sử có thật. 


Đến nay, người dân trong vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) và Yên Mô (Ninh Bình) vẫn lưu truyền các thần thoại như Sơn Tinh quá hải về núi Tản hay Từ Thức gặp tiên; những câu chuyện nửa hư nửa thực như Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo, Áp Lãng Chân nhân (người dẹp yên được sóng dữ) giúp vua Lý Thái Tông vượt biển vào Nam đánh Chiêm Thành (được Hồ Nguyên Trừng ghi lại trong sách "Nam ông mộng lục"); và cả những sự kiện lịch sử có thật được chép trong chính sử như Mã Viện sai quân đào sông qua núi đá (thế kỷ I), chuyện phản thần nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bị chết đuối khi dẫn chúa Chiêm đánh ra Hoa Lư (thế kỷ X) hoặc Mạc Kính Điển bị quan quân Lê - Trịnh truy sát phải nhảy xuống sông thoát thân (thế kỷ XVI). Nhiều danh sỹ thời Trung đại cũng để lại những bài thơ hay về cửa Thần Phù.

Vậy Thần Phù là một cửa sông để đi từ đất liền ra biển, hay là một eo biển nằm trên hải trình Bắc - Nam?

1.Tất cả các tài liệu xưa để lại đều gọi Thần Phù là "cửa biển". Trong sách "Việt Nam văn học sử yếu" (Sài Gòn, 1968), cụ Dương Quảng Hàm viết rằng: "Thần Đầu là tên một cái cửa biển cũ, ở chỗ giáp giới tỉnh Ninh Bình (huyện Yên Mô) và tỉnh Thanh Hóa (huyện Nga Sơn).

Đời Lê đổi thành Thần Phù, cuối đời Lê cửa ấy lại bị cát bồi lấp cả, nay ở huyện Yên Mô có một tổng tên là Thần Phù". Bách khoa toàn thư mở wikipedia tiếng Việt chú giải "Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10km".

Hiện nay, Thần Phù là tên của một làng thuộc xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), nằm cạnh một con sông nhỏ vô danh trên bản đồ. Dựa vào thực tế đó cũng như những ghi chép chưa thật cụ thể của tiền nhân, nhiều người vẫn nghĩ rằng, xa xưa Thần Phù là một cửa ngõ quan trọng để đi từ đồng bằng sông Hồng ra biển rồi vào Nam.

Cửa biển Thần Phù, chỗ giáp giới huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và huyện Nga Sơn, tỉnh  Thanh Hóa. 

Thực tế không phải vậy. Con sông chảy qua làng Thần Phù hiện nay chỉ là một kênh thoát lũ cho khu vực phía Nam Thanh Hoa ngoại trấn (Ninh Bình ngày nay) mới được đào vào thời Lê Thánh Tông. Nó không có tên trên bản đồ, nhưng dân địa phương gọi là "sông nhà Lê".

Do có đoạn chảy qua làng Trinh Nữ (nay thuộc xã Yên Hòa, huyện Yên Mô) nên được người dân mấy xã liền kề gọi là Trinh Giang. Nó là một nhánh của sông Trà Tu; sông Trà Tu lại là một nhánh của sông Vạc; sông Vạc lại là một chi lưu của sông Đáy.

Từ trung tâm châu thổ Bắc bộ ra biển theo hướng từ sông Đáy vào sông Vạc, sang sông Trà Tu rồi vào sông Trinh, ra cửa Thần Phù sẽ rất vòng vèo, mất nhiều thời gian. Sông Trà Tu và sông Trinh đều hẹp và cạn, chỉ các khoái thuyền tải trọng nhẹ mới có thể lưu thông. Quan trọng hơn, sông Trinh chỉ mới được đào vào cuối thế kỷ XV, không thể gắn với những câu chuyện thời Lý, Trần hoặc sớm hơn được. Thủy mạch chính để ra biển cho các con thuyền lớn vào Nam thời đó chỉ có thể là sông Hồng, sông Đáy và sông Vạc, không dính dáng gì đến cửa Thần Phù. Và như vậy, Thần Phù không phải là cửa sông đi ra biển mà nó chỉ có thể là một eo biển trên hải trình Bắc - Nam.

2. Ở phía Ninh Bình, cho đến thời mạt Trần và nhà Hồ, cửa thông ra biển của sông Đáy còn nằm ở quãng bến đò Độc Bộ (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh ngày nay); một phần của huyện Yên Khánh, toàn bộ huyện Kim Sơn và vùng Đông Nam huyện Yên Mô vẫn là biển.

Khi đó, chỉ khu vực trung tâm và phía Tây huyện Yên Mô vốn nằm trên các doi đất cao mới có người sinh sống. Trần Quý Khoáng đã lấy vùng núi nay thuộc xã Yên Thành làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Thời kỳ này, Thần Phù vẫn nằm ở mép ngoài cùng của dãy Tam Điệp ăn ra biển và được coi là tiền duyên. Nhà Hồ đã cho xây ở gần đó một tòa thành nhằm án ngữ tuyến đường biển Bắc - Nam, di tích vẫn còn ở xóm Thành Hồ, thôn Quảng Công, xã Yên Thái.

Thành Hồ nằm cách thôn Thần Phù hiện nay khoảng 2km về phía Bắc. Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497), cùng với việc đào con sông nhỏ dẫn nước từ sông Trà Tu ra khu vực Thần Phù, triều đình cũng cho đắp một con đê quai lấn biển, khép góc với đê sông đào ngay tại phía Tây thôn Thần Phù hiện nay, kéo ngược lên phía Tây Bắc khóa đê sông Vạc tại khu vực thôn Liên Phương (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô). Dân địa phương gọi đây là đê Hồng Đức, dấu tích vẫn còn rất rõ. Với việc đắp đê Hồng Đức, khu vực Đông Nam Yên Mô chính thức "vào bờ", nay là địa phận các xã Yên Lâm, Yên Mạc và Yên Nhân.

Ở phía duyên hải Thanh Hóa, các nhà địa mạo học cho biết, vùng ven bờ Đồ Sơn - Lạch Trường có một đặc trưng cơ bản nổi bật là "bồi tụ lấn tiến nhanh ra biển". Tại huyện Hậu Lộc, trước thời nhà Lê, về cơ bản các xã khu vực quốc lộ số 10 hiện nay hắt về phía Đông và Đông Nam đều còn là biển; từ cuối đời nhà Lê đến nay mới dần dần "vào bờ".

Các xã phía Bắc huyện Nga Sơn trên thực tế thuộc về châu thổ sông Hồng hơn là châu thổ Thanh Hóa. Vùng đất phía Bắc sông Càn hiện nay (thuộc các xã Nga Điền và Nga Thiện) thuộc khu vực chân dãy Tam Điệp, có lịch sử lâu đời. Vùng đất phía Nam sông Càn hiện nay, xưa kia gồm nhiều quần đảo với những ngọn núi sót của dãy Tam Điệp.

Khoảng cách từ đất liền đến các quần đảo ngoài biển chỗ rộng nhất chỉ khoảng hơn 1km, chỗ hẹp nhất chỉ chừng 200m. Do cách bờ không xa, có lẽ từ rất sớm, trên những hòn đảo này đã có người ở. Các truyền thuyết như Từ Thức gặp tiên hoặc Mai An Tiêm trồng dưa hấu trên hoang đảo phần nào phản ánh thực tế đó.

Đây cũng là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của nữ tướng Lê Thị Hoa, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Cũng ở vùng này, còn có chùa Vân Lỗi (nay thuộc xã Nga Lĩnh) được xây dựng từ thời Lý. Và như vậy, huyện Nga Sơn thời cổ và đầu Trung đại đã bao gồm 2 phần tương đối tách biệt: vùng đất liền ven dãy Tam Điệp và các quần đảo ngoài biển nhưng gần bờ.

Giữa hai phần đất này, hình thành một kênh biển tự nhiên theo hướng Bắc-Nam. Mãi đến thời nhà Lê và nhà Nguyễn, các đê quai mới được đắp và các quần đảo mới bắt đầu "vào bờ". Quốc lộ số 10 chạy qua huyện Nga Sơn nằm trên nền đê quai cuối thời Lê. Những lớp đê bao các xã từ Nga Phú (nơi có núi Mai An Tiêm và đền thờ Mai An Tiêm) ở phía Đông Bắc đến Nga Thạch ở phía Tây Nam đều được đắp vào thời Nguyễn.

3. Các di tích và huyền tích về Thần Phù không chỉ có ở khu vực xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (mà còn trải dài vào đến các xã Nga Điền và Nga Thiện của huyện Nga Sơn. Tại thôn Chính Đại, xã Nga Điền đến nay vẫn còn ngôi chùa cổ cũng mang tên Thần Phù. Đi sâu vào phía Tây, trên núi Thạch Bi thuộc thôn Tri Thiện, xã Nga Thiện, hiện vẫn còn một chữ "Thần" rất lớn được khắc trên vách đá từ thời xa xưa. Tất cả các di tích đó đều được dân địa phương gắn với những câu chuyện về cửa biển Thần Phù.

Như vậy, Thần Phù vừa là tên gọi của một eo biển, vừa ngụ ý chỉ một cung đường trên biển, xuyên qua địa phận huyện Nga Sơn hiện nay. Điểm khởi đầu của cung đường này chính là eo biển nằm xen kẹp giữa 2 sơn khối: một bên là mỏm ngoài cùng của dãy Tam Điệp từ đất liền ăn ra biển (nay thuộc xóm 7, xã Nga Điền), một bên là quần thể núi sót phía biển (nay thuộc thôn Thần Phù, xã Yên Lâm và xóm 8, xã Nga Điền), khoảng cách chỉ trên dưới 200m. Từ điểm cuối của cung Thần Phù, theo đường biển đến cửa sông Lèn - cửa ngõ vào đồng bằng Thanh Hóa - chỉ khoảng hơn chục km. Nếu tàu thuyền đi từ cửa sông Hồng, sông Đáy hoặc sông Vạc vào Thanh Hóa, lối qua eo biển Thần Phù và cung Thần Phù là con đường ngắn nhất.

TS. Mai Thanh Sơn
.
.
.