NSƯT Kim Tử Long:

Qua rồi ngày bão giông

Thứ Năm, 30/10/2014, 08:00
"Thiên đường tôi yêu 2: Bản sắc anh hùng" là tên liveshow của NSƯT Kim Tử Long diễn ra đêm 18/10 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM. Áo mão cân đai oai dũng, anh cháy hết mình với những vai diễn để đời trong các vở cải lương lịch sử. Sân khấu là chốn cũ anh về; là nơi anh ví như thiên đường để một đời mê đắm, vẫy vùng; là chốn yên ủi sau ngày giông bão vần vũ, lạc trong tăm tối đường mưa...

Liveshow này có lẽ là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của Kim Tử Long trên sân khấu cải lương sau hơn một năm xảy ra vụ bị khởi tố vì đánh bạc. Chuỗi ngày dài đằng đẵng, anh thu mình vào một góc, sợ gặp người lạ, sợ ra ngoài đường, giật thót trước những cuộc điện thoại liên tục bủa vây. Sân khấu cải lương vốn hiền lành, yên bình, ít vướng víu thị phi. Với một kép chính tài hoa, nho nhã như Kim Tử Long, càng chẳng ai nghĩ anh dính thị phi. Vậy mà nó xảy ra, như một quả bom làm rúng động làng cải lương.

Kim Tử Long bảo biến cố này khiến anh choáng váng, đau đớn gấp trăm lần biến cố ly hôn người vợ trước. Ly hôn, anh coi như ý trời, như duyên đã hết thì đường ai nấy đi. Đó cũng là chuyện riêng tư, chẳng ai có quyền chen vào phán xét. Còn chuyện đánh bạc, nó đâu còn là chuyện riêng tư của cá nhân anh nữa. Nó dính tới đạo đức, pháp luật, vấy chàm vào nghề nghiệp.

- Có nhiều bà má ái mộ mình khi biết chuyện, đã gọi điện tới khóc ròng, cứ hỏi: "Sao ra cơ sự này hả con?". Cũng có những cuộc gọi đến để chửi rủa, đầy lời lẽ nặng nề, xúc phạm. Các bầu show, đài truyền hình hủy suất diễn, nhiều dự định buộc phải dừng lại. Tôi thất vọng về mình ghê gớm, cảm giác như đang rơi xuống vực thẳm không cách nào lên được. Những đêm mất ngủ, tôi hoang mang nghĩ rằng có lẽ sự nghiệp mấy chục năm gây dựng chôn vùi từ đây. Nếu không có sự động viên của gia đình, của bạn bè đồng nghiệp và nhất là khán giả yêu mình, hiểu mình thì có lẽ tôi không gượng dậy được" - Kim Tử Long tâm sự.

Ừ thì đời người ai cũng có lúc mắc phải sai lầm, vấp ngã. Ta là con người chứ có phải là thánh thần, phật, bụt mà toàn vẹn, mà không sai đường lạc lối. Biết sai phải nhận sai và sửa sai. Bao lời khuyên răn ân cần ấy vực anh dậy, để can đảm đối diện dư luận mà vượt qua. Anh vẫn tâm niệm lời cha dạy từ thuở bé thơ: "Con hãy sống thật chân thành". Anh lấy sự chân thành để đối đãi với mọi người, để sống thật và không trốn tránh.

Cũng bởi lẽ đó mà khi vừa được tòa án miễn hình phạt, sự hối thúc của khán giả là động lực giúp anh can đảm chuẩn bị một liveshow ý nghĩa để tri ân tấm lòng bao dung của họ. Liveshow cũng là nơi để anh đo xem, khán giả còn thương mình hay không, có mở rộng vòng tay đón đứa con từng lầm lạc này trở về hay không.

Trước một tuần diễn ra liveshow, anh hồ hởi thông báo đã bán được hơn hai phần ba số vé. Mắt anh long lanh: "Vậy là khán giả còn thương tôi dữ lắm!". Có phải vậy mà đêm liveshow tại Nhà hát Bến Thành, nhìn khán giả chật kín khán đài mà giọng ca của anh như ngọt thêm, vai diễn thăng hoa, nhập thần. Anh hóa thân vào những vai anh hùng dân tộc, đầy kiêu bạc, hùng dũng, phất lên ý chí kiên cường, bất khuất của người con đất Việt chống giặc ngoại xâm như: "Ðinh Bộ Lĩnh- anh hùng cờ lau", "Nhụy Kiều tướng quân", "Câu thơ yên ngựa", "Bản sắc anh hùng", "Khát vọng xưa"... 13 tiết mục được anh đầu tư công phu, chăm chút cho trang phục, vũ đạo, âm thanh, ánh sáng. Trong đó, có một tiết mục Hồ Quảng nhằm tri ân thể loại đưa tên tuổi Kim Tử Long lên hàng ngôi sao là trích đoạn "Mã siêu báo phụ cừu". Các tiết mục có sự hợp diễn của các ngôi sao cải lương Thanh Loan, Trường Sơn, Thanh Ngân, Vũ Luân, NSƯT Hữu Quốc, Tú Sương, NSƯT Quế Trân, NSƯT Phượng Hằng, Trinh Trinh, Điền Trung… 

Đời anh, tổ nghiệp phù hộ, khán giả thương nhiều. Nên bước chân lên sân khấu, anh cảm giác như đặt chân lên thiên đường, đầy ánh sáng, dư vị ngọt ngào và ấm áp nghĩa tình của anh em đồng nghiệp, của người dưng xứ lạ say sưa xem mình diễn. Ngoài vai anh hùng dân tộc, khán giả thương anh còn vì vai anh nông dân, thằng ở, chàng học trò hiền lành, nghèo khó mà trọng nghĩa hiếu tình.

Mỗi khi đoàn về các làng quê biểu diễn, nghe có Kim Tử Long, khán giả kéo đi xem rần rần. Có người còn mang theo khoai sắn, rổ trứng, mấy con cá khô… sẵn hết tuồng thì dúi cho đoàn bồi bổ. Dạo xuống miền Tây, trời đổ mưa lớn, bà con người đội mưa, người dầm mình để xem Kim Tử Long biểu diễn. Người trong đoàn vội lấy dù che cho Kim Tử Long nhưng anh gạt đi: "Bà con dầm mưa coi mình diễn thì hà cớ gì mình sợ ướt". Kệ áo quần, mũ mão ướt lếch thếch, anh vẫn cất cao giọng ca, ngó xuống nhìn trăm gương mặt nhòa giữa trời mưa trắng xóa, thấy nước mắt nóng hổi chảy trên má lạnh ngắt.

Lần khác, đang diễn, tấm phông màn sân khấu bị sập trúng ngay đầu Kim Tử Long. Nhân viên đạo cụ vội chạy lên dựng lại. Anh và các nghệ sĩ vẫn tiếp tục diễn. Đang ca ngon lành thì cô bạn diễn la thất thanh: "Trời ơi, máu!". Mọi người luống cuống nhìn nhau thì phát hiện máu chảy thành vệt trên đầu Kim Tử Long. Khán giả bên dưới nhốn nháo. Thấy vậy, Kim Tử Long lấy lại bình tĩnh, tiếp tục ca hết phân đoạn của mình. Các nghệ sĩ khác biết ý nên cũng tiếp tục diễn cho xong mà trong lòng không khỏi lo lắng. Đợi cho đến khi hết cảnh, hạ màn, thì anh mới để mọi người băng bó. 

Đạo cụ trên sân khấu thường có ít trái cây như táo, chuối (trái cây không hạt) để đóng những cảnh ăn uống. Nhưng có lần, nhân viên đạo cụ thay táo bằng trái hồng xiêm, khi cắt ra lại quên không bỏ hạt. Vào vai một dũng tướng ăn to nói lớn, Kim Tử Long cầm miếng hồng xiêm nhai qua loa rồi nuốt vội. Oái ăm thay, cái hạt mắc ngay cổ họng. Rát điếng, nhưng cảnh còn mấy phút nữa là hạ màn nên anh cố gắng hát, dù giọng nghe nghèn nghẹt. Ra sau cánh gà, anh móc họng hoài nhưng chỉ thấy toàn máu, cái hột vẫn cứng đầu không chịu ra. Đến khi mọi người chuẩn bị đi gọi thầy thuốc thì chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, anh nhảy phóc từ sân khấu xuống dưới đất thì bị ngã. Cái hạt cũng theo đó bật ra cổ họng.

Hết lòng vì khán giả nên đi đâu, Kim Tử Long cũng được mọi người yêu mến. Nhiều người, nhất là đám con nít và các cô gái khi coi xong vở, thường đứng ngoài rạp chờ cho Kim Tử Long xuất hiện là xúm lại đòi được chạm, ôm hoặc nhéo anh. Họ làm thế bởi muốn thử xem có phải thần tượng của mình là người bằng da bằng thịt hay không. Mỗi lần bị nhéo, có lúc đau điếng, nhưng Kim Tử Long không tỏ ra khó chịu mà xuýt xoa như bị kiến cắn, vừa cười vừa trách yêu: "Trời ơi, sao lại nhéo anh?".

Điển trai, lại lịch thiệp, tài năng nên những bóng hồng theo đuổi Kim Tử Long nhiều vô kể. Những cánh thư, tin nhắn tỏ lòng mến mộ, yêu đương anh đếm không xuể. Nhưng anh bảo, làm nghệ sĩ phải biết giữ mình. Tình cảm của họ, anh trân trọng, dù có mời họ đi uống cà phê, mời xem một show diễn để đáp lễ anh vẫn giữ khoảng cách, coi nhau là bạn bè.

Thuở nhỏ, Kim Tử Long được một người quen gần nhà dạy làm ảo thuật, rồi rủ đi biểu diễn và hát ca nhạc dạo. Người em của nghệ sĩ Minh Vương rủ rê anh đi hát ca nhạc ở đoàn cải lương. Chính người này đã dạy cho Kim Tử Long làm quen với "xàng, xê, liu, cống". Kim Tử Long có khiếu nên bắt chước y chang. Đến một lần, anh bạn kia bị bệnh không hát được, đoàn cải lương thấy Kim Tử Long ca cũng tạm tạm nên liều cho cậu thế vai. Cậu vừa mừng vừa sợ. Nhắm mắt hát đại không ngờ lại được khán giả vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình. Lần đầu tiên lên sân khấu, men ngọt của thiên đường mở lối đã làm mê mải bước chân của cậu thiếu niên. Từ đó, Kim Tử Long gắn bó với sân khấu cải lương đến tận bây giờ. Nghệ danh Kim Tử Long - tức con rồng vàng do NSND Phùng Há đặt cho anh. Bà mong Kim Tử Long sẽ như con rồng nhỏ tỏa sáng trên sân khấu.

Đến tận bây giờ, anh vẫn chỉ mong mình mãi là con rồng nhỏ, bởi những điều phải học để trở thành một nghệ sĩ đích thực là mênh mông. Với anh, cái gì qua thì đã qua. Và đâu phải chỉ có thành công mới đánh dấu sự trưởng thành. Từ  đổ nát, từ chuỗi ngày giông bão, anh biết nâng niu sợi nắng ấm áp, nhận ra bao tấm lòng mến thương quanh mình. Gia tài anh có, đâu phải là những giải thưởng, huy chương, mà đó là khán giả. Như liveshow này, anh biết, gia tài của mình vẫn còn, ăm ắp. Đó là hành trang để anh bước tiếp trên thiên đường mình chọn. Qua rồi mọi bão giông, ngày sẽ hửng nắng…

Mai Quỳnh Nga
.
.
.